Lê Tư
Lê Tư[1] (chữ Hán: 黎鼒; ?-?), hiệu Thông Trai, là một danh sĩ thời nhà Lê. Ông đỗ Hoàng giáp khoa thi năm Tân Mùi (1511) đời Lê Tương Dực, nổi tiếng tài năng, hay chữ, nên được dân gian gọi là Trạng Chữ.[2]
Thân thế sự nghiệp
[sửa | sửa mã nguồn]Ông còn có tên khác là Lê Tài, Lê Đỉnh,[1] người làng Mộ Trạch, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, thừa tuyên Hải Dương (nay thuộc xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, Hải Dương). Ông là cháu nội của danh sĩ Lê Cảnh Tuân cuối đời Trần và là em ruột của Trạng nguyên Lê Nại. Từ nhỏ, ông nổi tiếng văn hay chữ tốt. Khi chưa đỗ, có lần lên kinh đô thăm anh, ông nói với các sĩ tử rằng: "Ta đây là bồ chữ, các anh muốn hỏi chữ gì, sách gì thì lại đây ta sẽ chỉ cho". Mọi người rủ nhau đến hỏi kinh sách, hỏi gì đáp nấy, giảng giải tinh tường khiến ai cũng nể phục. Tuy nhiên, đường khoa bảng ông lại không thành đạt như anh mình, chỉ đỗ đến Hoàng giáp, làm quan cũng chỉ đến Lại bộ Cấp sự trung.
Giai thoại
[sửa | sửa mã nguồn]Theo Vũ Phương Đề trong Công dư tiệp ký, Lê Tư từ nhỏ đã nổi tiếng thần đồng nên rất tự phụ. Khoa thi năm Ất Sửu 1505, ông cùng thi với anh là Lê Nại. Tuy nhiên khi vào thi thì ông quên vài chỗ, nên tìm hỏi anh. Lê Nại bảo rằng: "Khoa này tôi thi với chú, nếu tôi bảo chú thì còn thi với ai". Ông tức giận bỏ thi ra về. Khoa thi đấy Lê Nại đỗ Trạng nguyên. Ông về sau dốc chí dùi mài đèn sách, đến khoa Tân Mùi (1511) thi đỗ, nhưng chỉ đến bậc Hoàng giáp, đứng thứ 3 trong bảng Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân.[3]
Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ a b Theo nhà nghiên cứu Ngô Đức Thọ, chủ biên "Các nhà khoa bảng Việt Nam" thì tên ông là Lê Tư, trên bia và sách đều chép là 鼒 (trên chữ Tài 才, dưới chữ Đỉnh 鼎),thuộc loại chữ rất ít gặp, vì vậy thường bị phiên nhầm tên thành Lê Tài hay Lê Đỉnh. Cũng theo nhà nghiên cứu Ngô Đức Thọ, chữ 鼒, tra theo Tự điển Khang Hy (bộ Đỉnh, tr.1453) dẫn Đường vận, Tập vận phiên là “Tử chi thiết” (子之切), Vận hội, Chính vận phiên là “Tân tư thiết” (津之切). Vì vậy, đọc chính xác âm Hán Việt tên ông là phải là Lê Tư.
- ^ Sự tích những người được dân phong làm Trạng[liên kết hỏng]
- ^ Văn bia đề danh tiến sĩ khoa Tân Mùi niên hiệu Hồng Thuận năm thứ 3 (1511)