Kim Đông (xã)
Kim Đông
|
||
---|---|---|
Xã | ||
Xã Kim Đông | ||
Hành chính | ||
Quốc gia | Việt Nam | |
Vùng | Đồng bằng sông Hồng | |
Tỉnh | Ninh Bình | |
Huyện | Kim Sơn | |
Thành lập | 1997[1] | |
Địa lý | ||
Tọa độ: 19°57′4″B 106°4′37″Đ / 19,95111°B 106,07694°Đ | ||
| ||
Diện tích | 6,53 km²[2] | |
Dân số (31/12/2022) | ||
Tổng cộng | 4.892 người[2] | |
Mật độ | 749 người/km² | |
Khác | ||
Mã hành chính | 14698[3] | |
Kim Đông là một xã thuộc huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, Việt Nam.
Địa lý
[sửa | sửa mã nguồn]Xã Kim Đông nằm ở cực nam của huyện vùng biển huyện Kim Sơn, đồng thời cũng là xã cực nam của miền Bắc Việt Nam, cách trung tâm thành phố Hoa Lư 49 km, có vị trí địa lý:
- Phía đông và phía bắc giáp thị trấn Bình Minh và Sông Đáy
- Phía tây giáp xã Kim Trung
- Phía nam giáp Biển Đông.
Xã Kim Đông có diện tích 6,53 km², dân số năm 2022 là 4.892 người,[2] mật độ dân số đạt 749 người/km².
Xã Kim Đông nằm ở cửa hữu sông Đáy, có thể tới đây bằng đường bê tông hữu Đáy hoặc quốc lộ 12B (tỉnh lộ 481 cũ) đã được hoàn thành nâng cấp. Bến xe Kim Đông, cảng tổng hợp Kim Sơn, chợ đầu mối thủy sản Kim Đông đều là những công trình quan trọng đã được xây dựng tại xã này.
Lịch sử
[sửa | sửa mã nguồn]Ngày 7 tháng 11 năm 1997, Chính phủ ban hành Nghị định số 108/1997/NĐ-CP[1] về việc thành lập xã Kim Đông trên cơ sở 520 ha diện tích tự nhiên thuộc vùng bãi bồi Cồn Thoi và 2.056 nhân khẩu cư trú trên địa bàn.
Kinh tế
[sửa | sửa mã nguồn]Kinh tế xã Kim Đông chủ yếu là khai thác thủy hải sản và nông nghiệp với các nghề chính là nuôi tôm, cua, ngao, trồng cói và lúa. Hàng năm phù sa bồi đắp mở rộng thêm ra biển hơn 100m đất.
Hiện Ninh Bình đang có kế hoạch thành lập khu kinh tế ven biển Kim Sơn tại vùng biển bãi ngang - cồn nổi và 7 xã ven biển Kim Sơn, trong đó có Kim Đông.
Kim Đông được UNESCO đưa vào vùng bảo vệ đặc biệt của khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng. Đây là một khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam. Tính nổi bật toàn cầu ở đây được thể hiện ở cảnh quan sinh thái vùng đất mở với những thay đổi địa chất diễn ra mau lẹ, đa dạng sinh học với các loài chim nước trú ngụ trong rừng phòng hộ ven biển. Cảnh quan sinh thái vùng ven biển Ninh Bình còn hoang sơ, thích hợp với việc khai thác du lịch đồng quê, nghỉ dưỡng và tắm biển. Tại xã Kim Đông đã có nhà nghỉ sóng biển nằm ở chân đê Bình Minh 2, điểm cuối của đường tỉnh lộ 481. Đây là nơi dừng chân qua đêm của du khách tham gia du lịch đồng quê tại vùng biển Kim Sơn.
Trên địa bàn xã Kim Đông có Đồn Biên phòng Kim Sơn là đơn vị bộ đội có nhiệm vụ bảo vệ khu vực bãi bồi cửa sông Đáy và vùng biển Ninh Bình.
Cảng tổng hợp Kim Sơn
[sửa | sửa mã nguồn]Theo Quyết định số 2179/QĐ-UBND của tỉnh Ninh Bình ngày 17 tháng 9 năm 2007 V/v phê duyệt Quy hoạch giao thông đường thủy nội địa tỉnh Ninh Bình đến năm 2015 và định hướng phát triển đến năm 2020 thì Cảng Kim Sơn là cảng tổng hợp, có diện tích 106 ha được xây dựng bên hữu sông Đáy, tại khu neo đậu tránh, trú bão (từ Kim Đông đến Kim Tân) huyện Kim Sơn, quy mô 500 tàu thuyền. Nguồn vốn của Trung ương (theo chương trình của Bộ Thủy sản).
Chức năng của cảng:
- Phục vụ nhu cầu đánh bắt hải sản
- Tàu thuyền neo đậu, tránh trú bão
- Bốc xếp các loại hàng hoá khác.
Chợ Kim Đông
[sửa | sửa mã nguồn]3 chợ đầu mối nông sản cấp quốc gia sẽ được đầu tư xây mới ở Ninh Bình theo quy hoạch mạng lưới chợ là chợ hải sản Kim Đông, chợ đầu mối rau quả ở Trung Sơn - Tam Điệp và chợ đầu mối nông sản thị trấn Nho Quan. Chợ đầu mối thủy hải sản Kim Đông đã được xây dựng xong và đưa vào phục vụ việc bán buôn, cung cấp, chung chuyển hàng hóa thủy hải sản cho khu kinh tế Kim Sơn ven biển Ninh Bình. Chợ Kim Đông cũ tuy không lớn như chợ Cồn Thoi nhưng vẫn sẽ là chợ phục vụ nhu cầu sinh hoạt đời thường cho người dân khu vực 3 xã bãi ngang và thị trấn Bình Minh.
Đồn biên phòng Kim Sơn (Đồn 104)
[sửa | sửa mã nguồn]Đồn Biên phòng Kim Sơn là đơn vị bộ đội biên phòng đóng quân trên địa bàn xã Kim Đông. Đồn Biên phòng Kim Sơn có nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ trên biển, gọi tàu thuyền vào nơi neo đậu trú bão, bảo vệ vùng bãi ngang - cồn nổi phía nam Ninh Bình, ngoài ra đồn còn kết hợp với các ngành chức năng ở địa phương kiểm tra người và phương tiện tàu, thuyền ra vào cảng Ninh Bình, cảng Ninh Phúc và cảng Kim Sơn.
Tiền thân của Đồn BP Đồn Biên phòng Kim Sơn là Đồn 41, công an nhân dân vũ trang Ninh Bình rồi đồn Biên phòng 104. Đồn Biên phòng Kim Sơn đã được công nhận là đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân tháng 2/2010 theo Quyết định số 211 ngày 22-2-2010 của chủ tịch nước Việt Nam.
Văn hóa
[sửa | sửa mã nguồn]Vùng bãi ngang Kim Sơn có 7 xã với những giá trị đa dạng sinh học và kiến tạo địa chất nổi bật toàn cầu đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới châu thổ sông Hồng.
Giao thông
[sửa | sửa mã nguồn]Phần lớn đường biên xã Kim Đông được bao bọc bởi các tuyến đê Bình Minh 1 và đê Bình Minh 2 đã được bê tông kiên cố hóa. Xã Kim Đông có đường tỉnh lộ 481 xuyên dọc xã và đường đê hữu Đáy nối tới thị trấn Bình Minh và thị trấn Phát Diệm.
Bến xe Kim Đông nằm ở gần chợ đầu mối thủy sản Kim Đông và trụ sở ủy ban xã. Hiện tại bến xe khách Kim Đông đã có các tuyến đi huyện Kim Sơn, thành phố Hoa Lư, thành phố Hà Nội,...
Cảng biển Kim Sơn được xây dựng ở bờ hữu cửa Đáy, dài khoảng 5km, vừa là cảng thủy sản vừa là khu neo đậu cho tàu tránh bão.
Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ a b “Nghị định số 108/1997/NĐ-CP về việc thành lập xã Kim Đông thuộc huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình”. Dữ liệu pháp luật. 7 tháng 11 năm 1997. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 21 tháng 5 năm 2024.
- ^ a b c UBND huyện Kim Sơn (13 tháng 3 năm 2024). “Phụ lục 2A: Đề án số 01/ĐA-UBND về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Kim Sơn giai đoạn 2023 – 2025” (PDF). Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 18 tháng 3 năm 2024. Truy cập ngày 18 tháng 3 năm 2024.
- ^ Tổng cục Thống kê