Bước tới nội dung

Khuất Xuất Luật

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Liêu Mẫn Văn Đế
遼閔文帝
Hoàng đế Tây Liêu
Tại vị1210 - 1218
Tiền nhiệmLiêu Mạt Đế
Kế nhiệmTriều đại sụp đổ
Thông tin chung
Mất1218
Niên hiệu
Thiên Hi (天禧)
Thụy hiệu
Mẫn Văn Hoàng đế (閔文皇帝)
Cung hoàng đế (恭皇帝)
Bản đồ châu Á và châu Âu khoảng năm 1200

Khuất Xuất Luật (tiếng Trung: 屈出律; bính âm: Qūchūlǜ) hay Kuchlug (cũng viết là Küchlüg, Küçlüg, Güčülüg) là một vương tử của bộ lạc Nãi Man ở miền tây Mông Cổ. Ông bị Thành Cát Tư Hãn đánh bại và phải chạy về phía tây tới Tây Liêu và trở thành một quân sư. Năm 1210, ông cướp ngôi hoàng đế. Ông bị người Mông Cổ giết chết khi họ chinh phục khu vực vào năm 1218.

Nguồn gốc Nãi Man và đào thoát về phía tây

[sửa | sửa mã nguồn]

Khuất Xuất Luật là con trai của Taibuqa, lãnh tụ của bộ lạc Nãi Man. Năm 1204, Jamukha (Trác Mộc Hợp), đối thủ người Mông Cổ của Thiết Mộc Chân (tức Thành Cát Tư Hãn sau này) đào thoát đến Nãi Man. Thiết Mộc Chân sau đó đã phát động một cuộc tấn công nhắm vào bộ lạc. Taibuqa lúc đầu do dự, coi tốt nhất là đi ra sau dãy núi Altai và tấn công người Mông Cổ từ đó. Tuy nhiên, Khuất Xuất Luật lại ủng hộ một cuộc giao tranh trực diện với người Mông Cổ. Ông đi xa đến mức coi kế hoạch của cha mình là hèn nhát. Taibuqa nhượng bộ và cho phép Khuất Xuất Luật thực hiện cuộc tấn công của mình.

Cuộc chiến là một thảm họa đối với Nãi Man. Jamuqa đã bỏ rơi họ và bỏ chạy. Taibuqa bị trọng thương và các chỉ huy chính của ông bị giết chết. Phần còn lại của bộ lạc đầu hàng Thiết Mộc Chân và được hợp nhất vào hàng ngũ Mông Cổ. Khuất Xuất Luật đào thoát ra và cùng với một vài binh sĩ Nãi Man đi về phía tây đến Kara Irtish.

Sau đó, Thành Cát Tư Hãn vẫn là mối đe dọa với Khuất Xuất Luật. Năm 1208, họ lại giáp mặt nhau một lần nữa trên chiến trường, và Khuất Xuất Luật bị đẩy xa hơn về phía tây đến Semirechye. Choáng váng trước thất bại lần thứ hai này, Khuất Xuất Luật đến nương nhờ Tây LiêuBalasaghun.

Tại Tây Liêu

[sửa | sửa mã nguồn]

Nương nhờ

[sửa | sửa mã nguồn]

Khuất Xuất Luật được Cúc nhi hãn Gia Luật Trực Lỗ Cổ của Tây Liêu chào đón. Khi được chấp thuận gia nhập Tây Liêu, Khuất Xuất Luật đã nhanh chóng tạo được chỗ đứng vững mạnh. Ông trở thành một quân sư cho Cúc nhi hãn, và được kết hôn với một người công chúa là Qûngû. Ông sau đó được trao tước hiệu Hãn, và được cho phép tái tổ chức các đồng bào Nãi Man của mình thành một đơn vị quân sự dưới quyền chỉ huy của ông.[1]

Cướp ngôi

[sửa | sửa mã nguồn]

Khoảng Thời gian đó, Tây Liêu phải đối phó với các cuộc nổi loạn ở phía đông, cũng như phải chống lại Muhammad II của Nhà Khwarezm-Shah ở phía tây. Khwarezm-Shah chiếm Bukhara vào năm 1207, nhưng bị Tây Liêu đánh bại ở Samarkand. Tuy nhiên, Khuất Xuất Luật, đã hình thành một liên minh với Khwarezm-Shah. Năm 1210, trong khi cúc nhi hãn giải quyết được cuộc nổi dậy của KarakhanidSamarkand, Khuất Xuất Luật nắm lấy cơ hội để chống lại nhạc phụ của mình, chiếm giữ kho bạc của Tây Liêu tại Uzgen. Cúc nhi hãn rời Samarkand để đối phó với Khuất Xuất Luật, nhưng Muhammad đã lợi dụng điều này để chiếm Samarkand, sau đó đánh bại quân Tây Liêu gần Talas và giành quyền kiểm soát Transoxiana.[1]

Cúc nhi hãn trở lại kinh đô Balasagun và Khuất Xuất Luật bị đánh bại. Ông rút lui về phía đông đến địa hạt Nãi Man của mình. Tuy nhiên, vào năm 1211, trong khi Cúc nhi hãn ra ngoài săn bắn, ông đã bị Khuất Xuất Luật phục kích và bắt giữ. Nhà Khwarezm-Shah sau đó cùng Khuất Xuất Luật chiếm Tây Liêu. Cúc nhi hãn được phép tiếp tục cai trị Tây Liêu, ít nhất là trên danh nghĩa, nhưng Khuất Xuất Luật nắm quyền kiểm soát trên thực tế.[2] Khi Cúc nhi hãn mất vào năm 1213, Khuất Xuất Luật trực tiếp nắm giữ chức khả hãn. Trong khi dường như Khuất Xuất Luật chỉ có một mục đích là chiếm đoạt ngai vàng của Tây Liêu, nhiều sử gia coi cái chết của Cúc nhi hãn cuối cùng là dấu chấm hết cho triều đại này.[3]

Cai trị quốc gia

[sửa | sửa mã nguồn]
Đế quốc Khwarezmid

Chiến đấu chống Muhammad II

[sửa | sửa mã nguồn]

Khi Khuất Xuất Luật lên nắm quyền cai trị, Muhammad đã yêu cầu Cúc nhi hãn của Tây Liêu đền đáp các hỗ trợ trước đây bằng việc gả một công chúa. Khuất Xuất Luật đã cố gắng để trì hoãn, nhưng cuối cùng Muhammad đã trở nên hùng hổ hơn. Tuy nhiên, khi Khuất Xuất Luật dọa sẽ quyết tâm giải quyết vấn đề bằng trận đánh trực tiếp, Muhammad đã lựa chọn tản cư khu vực thượng Jaxartes (Syr-Darya), phá hủy các khu định cư tại đây nhằm tạo thành một vùng đệm giữa hai đế chế,[4] và Syr-Darya cuối cùng đã trở thành biên giới trên thực tế.

Chính sách tôn giáo

[sửa | sửa mã nguồn]

Khuất Xuất Luật xuất thân từ bộ lạc Nãi Man, là những người theo Cảnh giáo. Phu nhân của ông là công chúa của Cúc nhi hãn và là một Phật tử, bà đã thuyết phục ông chấp nhận Phật giáo. Tuy nhiên, trái ngược với chính sách khoan dung tôn giáo của các Cúc nhi hãn trước đó, khi Khuất Xuất Luật lên nắm quyền, ông được ghi chép là đã thực hiện một chính sách chống Hồi giáo. Theo sử gia Ba Tư Ata-Malik Juvayni, ông yêu cầu dân cư theo Hồi giáo của một thị trấn lựa chọn cải sang Cảnh giáo hoặc Phật giáo, hoặc mặc trang phục Khiết Đan, dân cư đã lựa chọn mặc trang phục Khiết Đan.[5] Ông cũng được thuật là đã cho đóng đinh imam (thấy tế Hồi giáo) của Hotan vào cánh cửa madrassa (trường dòng Hồi giáo) của ông.[6] Chính sách chống Hồi giáo và cuộc đấu tranh chống lại Muhammad của ông có thể đã truyền cảm hứng cho truyền thuyết về một hóa thân khác của vị vua Thiên Chúa giáo Viễn Đông Prester John.

Sụp đổ và qua đời

[sửa | sửa mã nguồn]

Khuất Xuất Luật đã tấn công thành Almaliq (A Lực Ma Lý), và người Cát La Lộc (Karluk) tại đây đã yêu cầu Thành Cát Tư Hãn giúp đỡ.[7] Năm 1216, Thành Cát Tư Hãn cử tướng Triết Biệt (Jebe) đến truy kích Khuất Xuất Luật. Người Mông Cổ đầu tiên tới Almaliq, sau đó tiền vào kinh đô Balasaghun gần nơi họ đã đánh bại 30.000 quân Tây Liêu. Khuất Xuất Luật chạy về phía nam đến Kashgar, tuy nhiên hành vi cướp bóc và đốt phá trước đây khi ông chiếm được thành, chính sách chống Hồi giáo của ông, cũng như việc quân đội của ông trú chân tại các hộ dân bản địa, đã khiến người dân Kashgar trở nên đối kháng với ông.[8] Khi quân Mông Cổ tiếp cận Kashgar, Khuất Xuất Luật đã không thể tìm được sự trợ giúp tại đây và lại phải chạy trốn một lần nữa. Theo Ata-Malik Juvayni, người dân Kashgar sau đó đã giết chết binh sĩ của ông. Ông tiếp tục đi về phía nam để đến dãy núi Pamir, cuối cùng đến ranh giới giữa BadakhshanWakhan vào năm 1218.[9] Tại đây, một nhóm thợ săn đã bắt ông và trao ông cho người Mông Cổ.[10] Khuất Xuất Luật bị chặt đầu, và theo Nguyên sử, đầu ông bị bêu khắp lãnh thổ cũ của mình.[11]

Trong văn hóa đại chúng

[sửa | sửa mã nguồn]

Trong Age of Empires II: The Age of Kings, Khuất Xuất Luật xuất hiện (dưới tên Kushluk) ở cấp độ hai trong chiến dịch của Thành Cát Tư Hãn, lãnh đạo quân Tây Liêu (Kara-Khitai) chống lại Thành Cát Tư Hãn.

Gia quyến

[sửa | sửa mã nguồn]

Khuất Xuất Luật lấy Hồn Hốt công chúa (?-1218) của Cúc nhi hãn , sau khi Cúc nhi hãn bị đánh bại , bà trở thành Hoàng hậu Tây Liêu. Bà là một Phật tử, bà đã thuyết phục ông chấp nhận Phật giáo. Khi Thành Cát Tư Hãn tiến công thủ đô Tây Liêu , Khuất Xuất Luật đã cho giết chết công chúa.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b Biran, Michal. (2005). “Chapter 3 - The Fall: between the Khwarazm Shah and the Mongols”. The Empire of the Qara Khitai in Eurasian History: Between China and the Islamic World. Cambridge University Press. tr. 60-90. ISBN 0521842263.
  2. ^ Peter Golden (2011). “Chapter 6 - The Mongol Whirlwind”. Central Asia in World History. Oxford University Press USA. ISBN 0195338197.
  3. ^ Biran, Michal. (2005). The Empire of the Qara Khitai in Eurasian History: Between China and the Islamic World. Cambridge University Press. tr. 79-81. ISBN 0521842263.
  4. ^ Biran, Michal. (2005). The Empire of the Qara Khitai in Eurasian History: Between China and the Islamic World. Cambridge University Press. tr. 82. ISBN 0521842263.
  5. ^ Ata-Malik Juvayni. The History of The World Conqueror. From here Küchlüg proceeded to Khotan, and seized that country; whereupon he compelled the inhabitants to abjure the religion of Mohammed, giving them the choice between two alternatives, either to adopt the Christian or idolatrous creed or to don the garb of the Khitayans. And since it was impossible to go over to another religion, by reason of hard necessity they clad themselves in the dress of the Khitayans.
  6. ^ Ata-Malik Juvayni. The History of The World Conqueror. One day, in Khotan, he drove the great imams out on to the plain and began to discuss religion with them. One of their number, the imam ff Ala-ad-Din Muhammad of Khotan, ventured to dispute with him: After undergoing torture he was crucified upon the door of his college, as will be hereinafter described.
  7. ^ Svatopluk Soucek (2000). “Chapter 6 - Seljukids and Ghazvanids”. A history of Inner Asia. Cambridge University Press. ISBN 0521657040.
  8. ^ Biran, Michal. (2005). The Empire of the Qara Khitai in Eurasian History: Between China and the Islamic World. Cambridge University Press. tr. 195-196. ISBN 0521842263.
  9. ^ Biran, Michal. (2005). The Empire of the Qara Khitai in Eurasian History: Between China and the Islamic World. Cambridge University Press. tr. 83. ISBN 0521842263.
  10. ^ Ata-Malik Juvayni. The History of The World Conqueror. When he drew near to *Sarigh-Chopan, he mistook the road (as it was right that he should do) and entered a valley which had no egress. Some Badakhshani huntsmen were hunting in the neighbouring mountains. They caught sight of Küchlüg and his men and turned towards them; while the Mongols came up from the other side. As the valley was of a rugged nature and the going was difficult, the Mongols came to an agreement with the hunters. "These men", they said, "are Küchlüg and his followers, who have escaped from our grasp. If you capture Küchlüg and deliver him up to us, we shall ask nothing more of you." These men accordingly surrounded Küchlüg and his followers, took him prisoner and handed him over to the Mongols; who cut off his head and bore it away with them. line feed character trong |quote= tại ký tự số 500 (trợ giúp)
  11. ^ Nguyên sử quyển 120
  • Christian, David. A History of Russia, Central Asia, and Mongolia. (1998)
  • de Hartog, Leo. Genghis Khan: Conqueror of the World. (1989)
  • Biran, Michal. The Empire of the Qara Khitai in Eurasian History: Between China and the Islamic World (2005) Cambridge University Press, ISBN 0521842263