Khởi nghĩa Đỗ Thao
Khởi nghĩa Đỗ Thao (chữ Hán: 杜弢起义, Đỗ Thao khởi nghĩa) là cuộc nổi dậy của lưu dân Ba, Thục phân bố ở khoảng 2 châu Kinh, Tương do Lễ Lăng (huyện) lệnh Đỗ Thao lãnh đạo, chống lại chính quyền Tây Tấn, kéo dài từ năm Vĩnh Gia thứ 4 (311) đến năm Kiến Hưng thứ 3 (315).
Nguyên nhân, diễn biến và kết quả
[sửa | sửa mã nguồn]Cuối đời Tây Tấn, lưu dân Ba - Thục phân bố ở khoảng Kinh, Tương, chịu nhiều sự áp bức của cư dân bản địa. Mùa xuân năm Vĩnh Gia thứ 5 (311), người Thục là Lý Tương nổi dậy ở Nhạc Hương, Nam Bình thái thú Ứng Chiêm cùng người Thục là Lễ Lăng lệnh Đỗ Thao đẩy lui. Kinh Châu thứ sử Vương Trừng sai Thành Đô nội sử Vương Ky đi dẹp Tương, Tương xin hàng, Trừng vờ nhận lời rồi tập kích giết ông ta. Trừng đem vợ con Tương làm phần thưởng, dìm chết hơn 8000 nghĩa quân ở Trường Giang, khiến lưu dân càng oán giận. Người Thục là bọn Đỗ Trù nổi dậy, Tương Châu tham quân Phùng Tố có hiềm khích với người Thục là Nhữ Ban, nói với thứ sử Tuân Thiếu: "Lưu dân Ba, Thục đều muốn làm phản." Thiếu tin là thật, muốn giết hết lưu dân. Lưu dân cả sợ, 4, 5 vạn gia đình cùng nổi dậy, cho rằng Đỗ Thao có danh vọng ở Ích Châu, cùng đề cử làm chúa. Thao tự xưng tự xưng Lương, Ích 2 châu mục, lãnh Tương Châu thứ sử.
Tháng 4 ÂL, Đỗ Thao đánh Trường Sa [1]. Tháng 5 ÂL, Tuân Thiếu bỏ thành chạy đi Quảng Châu, Thao đuổi theo bắt được. Thao thừa thắng, nam phá Linh Lăng [2], Quế Dương [3], đông cướp Vũ Xương [4], giết rất nhiều quan viên nhận lương bổng 2000 thạch/năm.
Tháng 12 ÂL năm Vĩnh Gia thứ 6 (312), Kinh Châu thứ sử Vương Trừng cất quân đánh Đỗ Thao, giữa đường bị Vương Xung – từng làm tham quân cho Chinh nam tướng quân Sơn Giản – phản bội, tự xưng thứ sử. Trừng sợ, muốn chạy sang Ích Châu, Lang Da vương Tư Mã Duệ bèn gọi Trừng về, lấy Chu Ỷ thay ông ta. Ỷ mới đến châu, lưu dân ở quận Kiến Bình [5] là bọn Phó Mật nổi dậy hưởng ứng Đỗ Thao, trong khi biệt tướng của Thao là Vương Chân tập kích Miện Dương [6], khiến Ỷ mất đi nhiệm sở. Chinh thảo đô đốc Vương Đôn sai Vũ Xương thái thú Đào Khản, Tầm Dương thái thú Chu Phóng, Lịch Dương nội sử Cam Trác cùng đánh Thao. Đôn tiến đến Dự Chương [7], các cánh quan quân nối nhau kéo đến.
Tháng 8 ÂL năm Kiến Hưng đầu tiên (313), Đỗ Thao vây khốn Chu Ỷ ở thành Tầm Thủy [8], Đào Khản sai Minh uy tướng quân Chu Tứ đi cứu, Thao lui về Linh Khẩu [9]. Thao tấn công Vũ Xương, nhưng Đào Khản đã đoán được, tự đưa quân đón đánh, lại phái Chu Tứ quay về tập kích, khiến cho nghĩa quân đại bại, Thao lui về Trường Sa. Tháng 10 ÂL, Đào Khản lại soái bọn Chu Phóng đánh bại nghĩa quân lần nữa.
Tháng 3 ÂL năm Kiến Hưng thứ 2 (314), Vương Chân tập kích Đào Khản ở Lâm Chướng [10], buộc Đào Khản rút về Nhiếp Trung [11]. Chu Phóng cứu viện Đào Khản, đánh bại nghĩa quân.
Tháng 2 ÂL năm thứ 3 (315), Vương Đôn mệnh cho bọn Đào Khản, Cam Trác tiến đánh Đỗ Thao, trước sau giao chiến vài mươi trận, nghĩa quân thương vong nặng nề, nên Thao xin hàng Tư Mã Duệ. Ban đầu, Duệ không cho, Thao gửi thư van nài Ứng Chiêm, được Ứng Chiêm nói giúp, Duệ mới nhận hàng, sai Vương Vận ban cho Thao làm Ba Đông giám quân. Nhưng quan quân vẫn không ngừng tấn công, khiến Thao chẳng kìm được cơn giận, giết Vương Vận, tiếp tục khởi nghĩa; rồi sai bộ tướng Đỗ Hoằng, Trương Ngạn giết Lâm Xuyên nội sử Tạ Cầm, đánh chiếm Dự Chương. Tháng 3 ÂL, Chu Phóng giành lại Dự CHương, giết Trương Ngạn, còn Đỗ Hoằng chạy thoát đến Lâm Hạ [12].
Tháng 8 ÂL, Đỗ Thao đón đánh Đào Khản, sai Vương Chân ra khiêu chiến. Vương Chân ở trước trận đầu hàng quan quân, khiến cho nghĩa quân tan rã. Thao bỏ trốn, chết ở giữa đường.
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- Tư trị thông giám quyển 87, 88, 89
Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Nay là Trường Sa, Hồ Nam
- ^ Nay là Vĩnh Châu, Hồ Nam
- ^ Nay là Sâm Châu, Hồ Nam
- ^ Nay là Ngạc Châu, Hồ Bắc
- ^ Nay là Trùng Khánh
- ^ Nay là tây nam Tiên Đào, Hồ Bắc
- ^ Nay là Nam Xương, Giang Tây
- ^ Nay là tây nam Hoàng Mai, Hồ Bắc
- ^ Nay là đông nam trấn Kỳ Châu, tây nam Kỳ Xuân, Hồ Bắc
- ^ Nay là bờ nam Hán Giang, đông bắc Hán Dương, Hồ Bắc
- ^ Nay là phía nam 2 huyện Hiếu Cảm, Hoàng Pha thuộc Hồ Bắc
- ^ Nay là đông nam Hạ Châu, Quảng Tây