Kẹo mè xửng
Một viên kẹo mè xửng Huế | |
Loại | Đặc sản |
---|---|
Xuất xứ | Huế, Thừa Thiên Huế, Việt Nam |
Vùng hoặc bang | Việt Nam |
Thành phần chính | Đậu phộng, mạch nha, bột năng, mè, đường |
Món ăn tương tự | Chè lam, kẹo Cu Đơ, kẹo dồi, kẹo dừa, kẹo gương |
Kẹo mè xửng hay mè xửng là một đặc sản có nguồn gốc từ thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, Việt Nam. Kẹo được làm từ bột năng, mạch nha pha trộn lẫn với đậu phộng, có mè bao phủ xung quanh kẹo, được cắt từng miếng vuông nhỏ (bao giấy bóng nhỏ) gói trong hộp.[1]
Từ nguyên và lịch sử
[sửa | sửa mã nguồn]Từ mè xửng được cắt nghĩa gồm từ mè (vừng), xửng (cách hoán đường). Đây là sự suy diễn sai lầm do mấy luận văn, bài nghiên cứu đưa ra. Từ đó được phổ biến rồi coi là chân lí bởi được viết bởi một số nghiên cứu sinh. Xửng ở đây là cái xửng, nguyên nghĩa tiếng Nôm là cái vỉ tre. Xửng được bỏ vào nồi dùng để hấp xôi hay củ quả, rau đậu. Trong quá trình làm kẹo mè xửng, sau khi nấu (mạch nha, mật mía hay đường trộn với lạc rang bóc vỏ tách đôi) ra thành kẹo lỏng còn nóng, thì người ta đổ vào xửng tre đã có rải lớp dày những hạt mè rang chín lên trên. Mè xửng là món quà dân giã của xứ Huế, kinh đô phong kiến cuối cùng của triều đại nhà Nguyễn ở Việt Nam.
Từ điển Tiếng Huế của tác giả Bùi Minh Đức (in lần thứ 3, 2009) mục "mè xửng" có ghi kẹo mè xửng có thể đã được bà Từ Dũ mang từ miền Nam ra với tên là "kẹo mè láu". Một cách lý giải khác cũng trong sách này nói "mè xửng" do biến âm của "mè thửng" mà nên. Thửng là một cách rang mè trộn đều để không bị cháy.
Đặc điểm
[sửa | sửa mã nguồn]Tên gọi của kẹo mè xửng do hai yếu tố tạo thành bao gồm mè và xửng (cách hoán đường thành chất dẻo cô đặc). Ngoài vừng còn có bột đậu, mạch nha, bánh đa,... Hoán đường cộng với gia giảm nguyên vật liệu là khâu quan trọng nhất. Nó làm nên các loại mè xửng khác nhau.
Mè xửng có độ dẻo đến mức có thể cuộn tròn hoặc bẻ gập thanh kẹo, nhưng bỏ tay ra nó lại trở về trạng thái ban đầu. Mè xửng giòn, thành phần bột đậu nhiều hơn, đường ít hơn, được bọc ngoài một lớp bánh đa nướng, ăn giòn tan trong miệng. Mè xửng gương, giơ lên ngắm thấy trong suốt như gương. Mè xửng đen gồm toàn vừng đen bùi và bổ.
Người dân xứ Huế có thói quen uống trà và ăn nhâm nhi thanh mè xửng, vừa thưởng thức, vừa đọc sách,... Đây là một nét văn hóa rất Huế. Mè xửng đã trở thành một trong những biểu tượng văn hóa Huế. Kẹo này cũng thường được dùng là quà biếu khi du khách đến Huế.
Xem thêm
[sửa | sửa mã nguồn]Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Mè xửng Lưu trữ 2013-12-08 tại Wayback Machine, Dư địa chí Thừa Thiên Huế