Hội chứng Việt Nam
Hội chứng Việt Nam (tiếng Anh: Vietnam syndrome) là một thuật ngữ được sử dụng phổ biến tại Mỹ, để mô tả những chấn động trong tâm lý của người Mỹ cũng như những tranh cãi nội bộ của chính giới Mỹ liên quan đến chính sách can thiệp của Mỹ vào cuộc Chiến tranh Việt Nam[1]. Hội chứng này được bộc lộ ở các hiện tượng xã hội - chính trị - kinh tế như: khủng hoảng lòng tin, tâm trạng chán chường, mặc cảm của nhân dân Mỹ, đặc biệt là thanh niên đối với cuộc chiến (phong trào chống quân dịch, phản đối chiến tranh); sự ám ảnh bởi tội lỗi do họ gây ra của phần lớn lính Mỹ tham chiến ở Việt Nam; nội bộ nước Mỹ chia rẽ, giới cầm quyền mâu thuẫn sâu sắc, nhất là trong hoạch định chính sách đối ngoại; sự gia tăng tốc độ suy thoái kinh tế và các tệ nạn xã hội; sự suy giảm vị thế của Mỹ trên thế giới.
Tên gọi
[sửa | sửa mã nguồn]Thuật ngữ này được Tổng thống Ronald Reagan đưa ra lần đầu tiên trong 1 bài diễn văn tại 1 hội nghị của các cựu chiến binh Mỹ tổ chức tại thành phố Chicago ngày 18/8/1980. Thuật ngữ này nhanh chóng trở thành đề tài tranh cãi trong nội bộ phe bảo thủ về việc hoạch định chính sách đối ngoại Mỹ, mà ban đầu được dùng để chống lại chính sách hoà dịu của chính quyền Jimmy Carter (1977 – 1981). Các học giả như Ole Holsti và James Rosenau cho rằng chính chính sách can thiệp quốc tế của Mỹ đã khiến cho quốc gia này mất dần sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế thời Chiến tranh Lạnh.
Nguồn gốc
[sửa | sửa mã nguồn]Trở lại nguồn gốc của Hội chứng Việt Nam, trong những năm 1970, những cuộc điều tra dư luận cho thấy kết quả thăm dò ở mọi tầng lớp nhân dân Mỹ đều cho rằng sự can thiệp của quân đội Mỹ ở Việt Nam là 1 "sai lầm". Nước Mỹ đã huy động 6,5 triệu lượt binh sĩ sang tham chiến trong Chiến tranh Việt Nam. Số binh sĩ Mỹ ở miền Nam Việt Nam lúc cao điểm lên đến 545.000 người với hơn 1.100 máy bay và 60 tàu chiến. Cho đến lúc kết thúc cuộc chiến tranh, 2 tổng thống Mỹ đã phải từ chức, 12 viên tướng chết trận, 8 viên tướng bị thương, số binh sĩ bị giết lên đến 57.259 người, trong khi đó số binh sĩ bị thương và mất tích đến nay vẫn chưa thể xác định được.
Tác động
[sửa | sửa mã nguồn]Sau khi Reagan lên cầm quyền, hội chứng Việt Nam vẫn tiếp tục có những tác động lên chính sách đối ngoại Mỹ. Ví dụ, chính sách can thiệp của Reagan vào công việc nội bộ của Chính phủ Nacaragua qua việc ủng hộ lực lượng Contra đã gợi lại những ký ức khó chịu về chính sách can thiệp của Mỹ ở nước ngoài, đặc biệt là thời kỳ Chiến tranh Việt Nam. Chính vì vậy, có thể nói dưới tác động của Hội chứng Việt Nam, quốc hội Mỹ sau đó đã phải bổ sung Tu chính án Boland vào Dự luật Tài chính Hạ viện năm 1982 nhằm ngăn chặn việc chính phủ Mỹ tài trợ cho lực lượng Contra[2] nhằm lật đổ chính quyền Nicaragua.
Thế nhưng nhìn chung, bất chấp những tác động của Hội chứng Việt Nam, nước Mỹ từ sau 1975 trong nhiều trường hợp vẫn thi hành chính sách can thiệp ở nước ngoài, biến can thiệp ở nước ngoài gần như trở thành 1 đặc điểm của chính sách đối ngoại Mỹ. Trong những trường hợp đó, những giới hạn và lối thoát chiến lược luôn là những điều kiện thiết yếu được cân nhắc trước khi Mỹ tiến hành can thiệp nhằm tránh 1 sự sa lầy như trong Chiến tranh Việt Nam. Nước Mỹ cũng đã tiến hành cuộc Chiến tranh vùng Vịnh nhằm tìm kiếm chiến thắng để xoa dịu vết thương của Hội chứng Việt Nam.
Xem thêm
[sửa | sửa mã nguồn]Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]Nguồn
[sửa | sửa mã nguồn]- Norman Podhoretz, "Making the World Safe for Communism," Commentary 61, no. 4 (April 1976).