Hầu Mạc Trần Sùng
Hầu Mạc Trần Sùng | |
---|---|
Tên chữ | Thượng Nhạc |
Thụy hiệu | Cương |
Thông tin cá nhân | |
Sinh | 514 |
Mất | |
Thụy hiệu | Cương |
Ngày mất | 563 |
Giới tính | nam |
Gia quyến | |
Thân phụ | Hầu Mạc Trần Hưng |
Hậu duệ | Hầu Mạc Trần Nhuế, Hầu Mạc Trần Dĩnh, Hầu Mạc Trần Huy |
Nghề nghiệp | tướng lĩnh quân đội |
Hầu Mạc Trần Sùng (giản thể: 侯莫陈崇; phồn thể: 侯莫陳崇, 514 – 563), tự Thượng Nhạc, bộ tộc Hầu Mạc Trần, dân tộc Tiên Ti, người Vũ Xuyên, quận Đại [1], tướng lĩnh nhà Bắc Ngụy, nhà Tây Ngụy, nhà Bắc Chu, khai quốc công thần nhà Tây Ngụy, nhà Bắc Chu, một trong "Bát Trụ Quốc" nhà Tây Ngụy trong lịch sử Trung Quốc.
Đời Bắc Ngụy
[sửa | sửa mã nguồn]Tổ tiên của ông là một trong các bộ tộc thuộc Bắc Ngụy, cư trú ở sông Khố Hộc Chân [2]. Tổ 5 đời gọi là Thái Cốt Đô hầu. Con cháu đời đời làm Cừ soái. Ông là Hầu Mạc Trần Doãn hưởng ứng việc dời con em quý tộc đến Lục trấn, đưa cả nhà đến trấn Vũ Xuyên. Cha là Hầu Mạc Trần Hưng, làm Điện trung tướng quân, Vũ Lâm giám.
Sùng từ nhỏ kiêu dũng, giỏi bắn cung, cẩn thận ít lời. Lên 15 tuổi, theo Hạ Bạt Nhạc cùng Nhĩ Chu Vinh đi đánh Cát Vinh. Lại theo Nguyên Thiên Mục dẹp Hình Cảo. Bình xong, nhờ công được làm Kiến uy tướng quân. Theo Nhạc phá Nguyên Hạo ở Lạc Dương. Được thăng làm Trực tẩm.
Sau đó Nhạc vào Quan, phá người Thục ở Xích Thủy. Khi ấy Mặc Kỳ Sửu Nô vây Kỳ Châu, sai bộ tướng Uất Trì Bồ Tát đem quân hướng đến Võ Công. Sùng theo Nhạc ra sức chiến đấu, phá được, thừa thắng đuổi lên phía bắc, giải vây Kỳ Châu. Lại đến sông Bách Lý Tế Xuyên [3], phá công sự của Hầu Phục Hầu Nguyên Tiến. Sửu Nô đưa tàn quân chạy đi Cao Bình, Sùng cùng khinh kị đuổi theo, đến Trường Khanh, Kính Châu thì kịp. Nghĩa quân chưa bày trận xong, ông một ngựa xông vào, bắt sống Sửu Nô trên lưng ngựa. Sùng hô lớn, nghĩa quân dạt tránh, không dám chống lại. Sau đó kỵ binh Bắc Ngụy đến đánh, nghĩa quân tan chạy bỏ trốn, nên đại bại. Nhạc lấy ngựa cùng bảo kiếm, đai vàng của Sửu Nô thưởng Sùng. Được làm An bắc tướng quân, Thái trung đại phu, đô đốc, phong Lâm Kính huyện hầu, thực ấp 800 hộ.
Khi Nhạc bị Hầu Mạc Trần Duyệt hại, Sùng cùng các tướng đón Vũ Văn Thái. Thái sai ông tập kích bộ hạ của Duyệt là Nguyên Châu thứ sử Sử Quy. Sùng trong đêm tiến quân, đưa 7 kỵ binh thẳng đến dưới thành, còn lại đều ở bên đường. Quy thấy ít quân, nên không đề phòng. Sùng lập tức vào chiếm cửa thành. Khi ấy anh em Lý Viễn ở trong thành khởi binh, trong ngoài nổi trống, bắt Quy, chém đầu. Thái lấy Sùng làm Hành Nguyên Châu sự. Tiếp tục theo quân bình Duyệt, được thăng làm Chinh tây tướng quân. Lại sai Sùng phủ dụ Tần Châu, riêng phong Quảng Vũ huyện bá, thực ấp 700 hộ.
Đời Tây Ngụy
[sửa | sửa mã nguồn]Năm Đại Thống đầu tiên (535), ông nhận chức Kính Châu thứ sử, gia Tán kỵ thường thị, Đại đô đốc, tiến tước làm công, ít lâu sau được thăng làm Xa kỵ đại tướng quân, Nghi đồng tam tư, Phiếu kỵ đại tướng quân, Khai phủ nghi đồng tam tư, đổi phong Bành Thành quận công, thực ấp 3000 hộ.
Năm thứ 3 (537), ông theo quân bắt Đậu Thái, giành lại Hoằng Nông, phá Sa Uyển, tăng ấp 2000 hộ.
Năm thứ 4 (538), ông tham gia trận Hà Kiều, lập nhiều chiến công. Năm thứ 7 (541), Sùng soái quân bình định dân tộc Kê Hồ. Được nhận chức Ung Châu thứ sử, kiêm Thái tử chiêm sự.
Năm thứ 15 (549), ông được lên chức Trụ quốc đại tướng quân, được thăng làm Thiếu phó.
Năm Tây Ngụy Cung đế đầu tiên (554), ra làm Ninh Châu thứ sử, được thăng làm Thượng thư lệnh. Triều đình đặt ra Lục quan, được phong làm Đại tư không.
Đời Bắc Chu
[sửa | sửa mã nguồn]Bắc Chu Hiếu Mẫn đế lên ngôi, tiến phong Lương quốc công, thực ấp vạn hộ, gia Thái bảo. Trải qua các chức vụ Đại tông bá, Đại tư đồ.
Năm Bảo Định thứ 3 (563), Sùng theo Vũ đế đến Nguyên Châu, trong đêm Vũ đế quay về kinh sư, mọi người lấy làm lạ. Ông nói với kẻ thân tín là Thường Thăng rằng: "Ta trước đây có nghe lời của thầy bói, Tấn công năm nay không may, xa giá bây giờ quay về giữa đêm, chẳng qua là Tấn công chết rồi." Việc này lan truyền ra ngoài, Vũ đế triệu các công khanh ở điện Đại Đức, trách Sùng, ông hoảng sợ tạ tội. Đêm ấy, Hộ sai binh tướng đến vây nhà ông, bức phải tự sát.
Tang lễ dùng nghi thức dân thường. Thụy là Táo. Sau khi Hộ bị giết, được đổi thụy là Trang Mẫn.
Con ông là Nhuế được kế tự.
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Nay là Vũ Xuyên, Nội Mông Cổ
- ^ Không thể khảo chứng, ước đoán nay là đông bắc bộ Nội Mông Cổ
- ^ Thường gọi là Tế Xuyên, nay là đất canh tác một dải Kính Xuyên, Linh Đài thuộc Cam Túc