Bước tới nội dung

Doãn Mẫn (Đông Hán)

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Doãn Mẫn
Tên chữẤu Quý
Thông tin cá nhân
Giới tínhnam
Nghề nghiệpnhà sử học
Quốc tịchnhà Hán

Doãn Mẫn (chữ Hán: 尹敏, ? – ?), tự Ấu Quý, người huyện Đổ Dương, quận Nam Dương [1], học giả, quan viên đầu đời Đông Hán.

Khởi nghiệp

[sửa | sửa mã nguồn]

Thiếu thời Mẫn là Chư sanh [2]. Ban đầu Mẫn học Âu Dương Thượng thư [3], sau đó tiếp nhận Cổ văn [4], giỏi cả Mao Thi [5], Cốc Lương [6], Tả thị Xuân Thu.

Năm Kiến Vũ thứ 2 (26), Mẫn dâng sớ trình bày về thuật tiêu trừ tai vạ của Hồng Phạm [7]. Bấy giờ Hán Quang Vũ đế đánh dẹp bốn phương, chưa rỗi rãi để nghĩ đến việc khác, bèn mệnh cho Mẫn làm Đãi chiếu Công xa [8], bái làm Lang trung, vời vào phủ Đại tư không.

Phản đối Sấm ngữ

[sửa | sửa mã nguồn]

Khi xưa Vương Mãng soán ngôi, dựa vào thuyết Phù mệnh để lừa dối người đời, về sau nhà Tân mất, quần hùng lợi dụng Đồ sấm làm cớ để dấy binh (VD: Vương Lang, Công Tôn Thuật,...); bản thân Quang Vũ đế lên ngôi, cũng từng dùng Xích Long phù (赤龙符) để khẳng định địa vị Thiên tử; ngoài ra, còn Đế nhiều lần sử dụng Đồ sấm [9] để giải quyết tranh chấp giữa các bề tôi với nhau, phản bác quan điểm của quần hùng. Vì thế Đế mượn danh nghĩa muốn dẹp bỏ những lời Sấm mà Thôi Phát (崔发) làm cho Vương Mãng, quyết định làm ra Đồ thư phù hợp với mục đích của mình. Đế cho rằng Mẫn đọc khắp kinh sử, mệnh cho ông khảo xét, để tìm lời Sấm. Mẫn đáp rằng: "Đồ thư không phải do thánh nhân làm ra, trong đó phần nhiều là chữ viết sai một cách quê kệch, rất giống lời lẽ tục tằn ngoài đời, sợ gây ra nhầm lẫn cho đời sau." Đế không nghe, nên Mẫn bất đắc dĩ tuân mệnh. Mẫn nhân văn ấy có chỗ khuyết mà thêm vào rằng: "Quân vô khẩu, vi Hán phụ." Đế trông thấy thì lấy làm lạ, triệu Mẫn đến hỏi tại sao. Mẫn đáp rằng: "Thần thấy người xưa thêm bớt đồ thư, dám không tự lượng, biết đâu may mắn thì sao." Đế rất bất mãn, dẫu không bắt tội, nhưng không trọng dụng ông nữa.[10]

Hoạn lộ gập ghềnh

[sửa | sửa mã nguồn]

Về sau Mẫn trải qua 3 lần thăng chức, làm đến Trường Lăng lệnh. Năm Vĩnh Bình thứ 5 (62), triều đình giáng chiếu bắt người bạn của Mẫn là Chu Lự, ông cũng bị hạ ngục và miễn quan chức. Đến khi được rời khỏi ngục, Mẫn than rằng: "Kẻ tội đồ câm điếc, mới thật là người có Đạo ở trên đời. Vì cái gì mà người trong sạch gặp vạ thế này?" Năm thứ 11 (68), Mẫn được trừ chức Lang trung, thăng làm Gián nghị đại phu.

Mẫn mất ở nhà, không rõ khi nào.

Dật sự

[sửa | sửa mã nguồn]

Mẫn cùng Ban Bưu thân thiết, mỗi lần gặp nhau, thì cả ngày quên ăn, nửa đêm không ngủ, tự sánh với mối quan hệ bạn bè của Chung Tử Kỳ – Bá Nha, Trang ChuHuệ Thi.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Hậu Hán thư quyển 79 thượng – Nho lâm truyện thượng: Doãn Mẫn

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Nay là phía đông Phương Thành, Hà Nam
  2. ^ Hậu Hán thư, tlđd chép nguyên văn: 诸生. Chư sanh đến đời Minh mới được dùng để gọi chung các nhóm học sinh của Thái học (tăng sanh, phụ sanh, lẫm sanh, lệ sanh,...), nhưng đời Hán chỉ đơn giản được hiểu là người có học vấn
  3. ^ Thượng thư tức là kinh Thư trong Ngũ kinh, Âu Dương Thượng thư là bản do Âu Dương Sanh (欧阳生) chú giải, cũng là bản thông dụng hiện nay
  4. ^ Hậu Hán thư, tlđd chép nguyên văn: 古文, tức là điển tịch có từ đời Tần trở về trước, ở đây là tên gọi vắn tắt của Cổ văn Kinh học, một hệ của phái Kinh học đời Hán (Kinh học là trường phái nghiên cứu kinh điển của nhà Nho, giải thích ý nghĩa của mặt chữ, tỏ tường nghĩa lý sâu xa trong học thuyết)
  5. ^ Hậu Hán thư, tlđd chép nguyên văn: 毛诗, là bản kinh Thi do người đời Tây Hán là Mao Hanhnước LỗMao Trườngnước Triệu chú giải, cũng là bản lưu hành phổ biến hiện nay
  6. ^ Hậu Hán thư, tlđd chép nguyên văn: 谷梁, tức là Cốc Lương truyện (谷梁传), gọi đầy đủ là Xuân Thu Cốc Lương truyện (春秋谷梁传). Cốc Lương truyện cùng Công Dương truyện và Tả truyện đều là bản chú giải của kinh Xuân Thu và là kinh điển của Nho học (gọi là Xuân Thu tam truyện). Tương truyền Cốc Lương truyện là do Tử Hạ (học trò của Khổng tử) truyền miệng cho người nước Lỗ là Cốc Lương tử (Cốc Lương là họ kép)
  7. ^ Hậu Hán thư, tlđd chép nguyên văn: 洪范. Hồng Phạm, còn gọi Lạc thư (洛书), là một thiên của kinh Thư. 洪/hồng nghĩa là lớn (đại), 范/phạm nghĩa là pháp luật (pháp). Hồng Phạm cho rằng thái độ của quân chủ ảnh hưởng đến biến hóa của trời đất, Đổng Trọng Thư mượn quan điểm này làm cơ sở lý luận cho thuyết "thiên nhân cảm ứng"
  8. ^ Hậu Hán thư, tlđd chép nguyên văn: 待诏公车. 公车/công xa, gọi đầy đủ là 公家马车/công gia mã xa, ý nói ngựa xe dành cho tam công. Đời Hán, kẻ sĩ sau khi được địa phương tiến cử, sẽ phải về kinh sư để chịu khảo hạch, khi đó sẽ có "công xa" đưa đón. (Đời sau lấy "công xa" làm hình ảnh biểu tượng cho việc cử nhân về kinh ứng thí tiến sĩ.) Theo lệ đời Hán, kẻ sĩ chưa chính thức làm quan, được hoàng đế cho làm Đãi chiếu Công xa, tức là cố vấn
  9. ^ Hậu Hán thư, tlđd chép nguyên văn: 图谶/đồ sấm, là những lời dự ngôn, dự triệu có thể ứng nghiệm trong tương lai, thường được trích lục từ trong kinh điển
  10. ^ Hậu Hán thư, tlđd chép nguyên văn: 君无口, 为汉辅/Quân vô khẩu, vi Hán phụ. Chữ 君/quân bỏ đi chữ 口/khẩu là chữ 尹/doãn, ý nói Doãn Mẫn nên được làm thừa tướng (chữ 辅/phụ). Ở đây Doãn Mẫn chế giễu Hán Quang Vũ đế dùng thủ đoạn không đoan chính