Bước tới nội dung

Dương Công Trừng

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Dương Công Trừng
楊公澄
Thông tin cá nhân
Sinh
Ngày sinh
không rõ
Nơi sinh
Cà Mau
Mất
Ngày mất
1783
Nguyên nhân mất
xử trảm
Giới tínhnam
Quốc tịchĐại Việt

Dương Công Trừng (chữ Hán: 楊公澄; ?-1783) là tướng của chúa Nguyễn Phúc Ánh trong lịch sử Việt Nam. Do thường lập được công, lại có tính kiêu dũng, nên ông còn được người đời gọi là Hổ tướng họ Dương[1].

Sự nghiệp

[sửa | sửa mã nguồn]

Dương Công Trừng là người Long Xuyên (nay là Cà Mau) thuộc trấn Hà Tiên.

Không có thông tin về thời trẻ của Dương Công Trừng, chỉ biết về ông từ khi ông theo phò Định vương Nguyễn Phúc Thuần, lúc vị chúa này chạy vào Gia Định, rồi chạy xuống ở quê ông, tức Long Xuyên.

Tháng 7 năm Đinh Dậu (1771), quân Tây Sơn kéo đến đánh Ba Vát (nay thuộc Bến Tre)[2], đánh Hương Đôi[3], ông cùng với chưởng cơ Tống Phước Hòa đều chống ngăn được.

Thế nhưng trước sức mạnh của quân Tây Sơn, tháng 9 năm đó, quân Nguyễn đại bại ở Long Xuyên, Định Vương bị bắt sống rồi bị giết chết, Dương Công Trừng bèn chạy theo phò Nguyễn Phúc Ánh, là cháu của Định vương.

Năm Mậu Tuất (1778), Nguyễn Phúc Ánh mới 17 tuổi được các tướng tôn làm Đại nguyên súy Nhiếp quốc chính. Sau đó, vị chúa trẻ này cử ông giữ chức cai cơ[4].

Tháng giêng năm Canh Tý (1780), Nguyễn Phúc Ánh xưng vương ở Sài Gòn. Tháng 4 cùng năm, ông và Đỗ Thanh Nhơn được cử đi đánh dẹp cuộc nổi dậy ở Trà Vinh, bắt sống được thủ lĩnh là Ốc Nha Suất.

Tháng 3 năm Tân Sửu (1781), tướng Đỗ Thanh Nhơn bị Nguyễn Phúc Ánh giết chết. Lợi dụng nội bộ của chúa Nguyễn đang rạn nứt, tháng 3 năm sau (1782), từ Quy Nhơn thủy bộ quân Tây Sơn do Nguyễn NhạcNguyễn Huệ cùng chỉ huy, tiến vào cửa biển Cần Giờ.

Hay được, Dương Công Trừng (lúc ấy đang giữ trọng trách ở bộ chỉ huy thủy quân Gia Định), liền cùng với các tướng lĩnh khác bố trí sẵn hơn 400 chiến thuyền để kình chống lại. Tuy nhiên, với tài dùng binh của hai thủ lĩnh nhà Tây Sơn, sau một thủy ác liệt ở sông Ngã Bảy, lực lượng thủy quân của chúa Nguyễn đã bị đánh tan, khiến các tướng sĩ (trong đó có Dương Công Trừng) bỏ chạy tán loạn, còn chúa Nguyễn thì chạy về Ba Giồng (nay thuộc Tiền Giang) rồi lánh ra đảo Phú Quốc.

Nhưng khi Nguyễn NhạcNguyễn Huệ vùa rút đại quân về Quy Nhơn, để tướng Đỗ Nhàn Trập ở lại giữ Gia Định, thì lập tức tình hình ở đây biến đổi nhanh chóng. Tại Long Hồ, sau khi tướng Hồ Văn Lân chiếm lại được vùng đất này, liền hội quân với Dương Công Trừng, Nguyễn Văn Úy cùng tiến đánh quân Tây Sơn, đuổi tướng Đỗ Nhàn Trập cùng quan quân chạy về Quy Nhơn.

Tháng 2 năm Quý Mão (1783), Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ lại cất binh từ Quy Nhơn tiến vào Gia Định. Cuộc ác chiến đầu tiên xảy ra tại cửa Cần Giờ. Sau khi phá tan phòng tuyến kiên cố của chúa Nguyễn, Nguyễn Huệ liền chia quân làm hai đạo: Đạo thứ nhất tiến đánh đồn Vàm Cỏ (Thảo Câu) do tư khấu Nguyễn Văn Kim chỉ huy. Đạo thứ hai tiến đánh đồn Cá Trê (Ngư Giác)[5] do tướng Lê Văn Kế chỉ huy.

Đối lại, Dương Công Trừng và Tôn Thất Mân (tên thật Nguyễn Phước Mân) đã chuẩn bị sẵn một trận hỏa công. Nhưng vì tướng chỉ huy làm theo lời dặn của Nguyễn Huệ là phải đợi cho đến khi thủy triều đang lên và gió thuận chiều mới đánh, vì thế khi xung trận các bè lửa thay vì thiêu cháy các chiến thuyền Tây Sơn, lại trôi ngược và thêu rụi tất cả đoàn thuyền binh của chúa Nguyễn.[6].

Sau đó, theo sách Hoàng Việt hưng long chí thì:

...Khói lửa bốc lên mù trời, tướng sĩ hốt hoảng chạy tán loạn, quân Tây Sơn thừa thế áp sát vào quân Gia Định mà đánh. Tôn Thất Mân bỏ chạy, đô đốc Tây Sơn Lê Văn Kế sai chặt cầu phao, Tôn Thất Mân rơi xuống chết đuối, còn Dương Công Trừng bị quân Tây Sơn bắt sống...[7]

Đại bại, chúa Nguyễn bèn dẫn tàn quân chạy về Bến Lức, rồi lần lượt chạy trốn ở các nơi: Ba Giồng (nay thuộc Tiền Giang), Phú Quốc, Côn Nôn, Cổ Cốt và sang Xiêm cầu viện.

Bị bắt giam, Dương Công Trừng giả bộ trá hàng để được tha, nhưng không lâu sau nhân khi quân canh sơ hở, ông cùng cai cơ Nguyễn Văn Nhơn đoạt lấy ba chiến thuyền chèo ra biển. Ra đến ngoài khơi thì ông gặp đội thuyền của quân Nguyễn do Lê Thượng và Nguyễn Tân chỉ huy. Sau khi bàn bạc, các ông dốc hết lực lượng đến đánh úp và chiếm được đồn quân Tây Sơn ở Long Xuyên.

Được tin vui, nhưng chúa Nguyễn biết không thể giữ được, liền sai Phan Văn Nhơn đến bảo Dương Công Trừng hãy rút hết binh thuyền ra hải đảo, nhưng lệnh chưa tới nơi thì thái bảo nhà Tây Sơn là Phạm Văn Tham đã dẫn quân từ Sài Gòn đến đánh. Hai viên chỉ huy quân Nguyễn là Lê Thượng và Nguyễn Thái đều tử trận, còn điều khiển Dương Công Trừng lại bị quân Tây Sơn bắt sống.

Thái bảo Tham kết tội Dương Công Trừng là phản tặc, ông cãi lại là chỉ trá hàng, rồi còn lớn tiếng thóa mạ Nguyễn Nhạc và các tướng lĩnh Tây Sơn khác. Việc tâu lên, Nguyễn Nhạc cho lệnh chém chết[8]. Đó là năm Quý Mão (1783).

Thông tin thêm

[sửa | sửa mã nguồn]

Trước đây, ở khu vực Chợ Lớn có con đường mang tên Dương Công Trừng, nhưng sau năm 1975 ngành chức năng đã cho thay bằng một cái tên khác. Nay là đường Nguyễn Thị Nhỏ, thuộc địa bàn Quận 5, Quận 6, Quận 11 và quận Tân Bình.

Cầu Phú An (còn gọi là cầu Dầu, dài 45m, rộng 3,3m) nằm trên đường Ngô Tất Tố, bắc qua rạch Văn Thánh, thuộc quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh. Trước năm 1975, cầu này có tên là Dương Công Trừng.

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Theo Hoàng Việt hưng long chí, trang 82.
  2. ^ Ba Vát còn gọi Ba Việt. Đây là địa danh gốc Khmer: Pears Watt.
  3. ^ Ghi theo Quốc triều sử toát yếu (tr. 55), chưa rõ Hương Đôi nay thuộc huyện tỉnh nào.
  4. ^ Vì có nhiều công lao, sau Dương Công Trừng được thăng đến chức điều khiển, nhưng chưa tra được là vào năm nào.
  5. ^ Theo Nguyễn Đình Đầu, thì đồn Vàm Cỏ ở vào vị trí cuối kho Thương cảng, góc sông Sài Gòn với cầu Tân Thuận hiện nay. Đồn Cá Trê nằm bên Thủ Thiêm trên bờ tả ngạn sông Sài Gòn, đối diện với đồn Vàm Cỏ (Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, tập 1, tr. 172). Phần việc của hai tướng chỉ huy, GS. Nguyễn Khắc Thuần ghi khác: "Chỉ huy đánh đồn Thảo Câu là tướng Lê Văn Kế, còn tư khấu Kim đánh thẳng vào Gia Định" (tr. 181). Ở đây ghi theo Hoàng Việt hưng long chí (tr. 105).
  6. ^ Ghi theo Nguyễn Khắc Thuần (tr. 181). Tuy nhiên, tác giả sách Hoàng Việt hưng long chí không công nhận sự tiên liệu của Nguyễn Huệ, mà cho rằng quân Nguyễn thua là vì nước lên và trời trở gió. Sách chép: "Bị đánh hỏa công, binh thuyền Tây Sơn cơ hồ tan rã. Không ngờ bấy giờ thủy triều lên, lại thêm gió Đông Bắc thổi mạnh, các bè lửa trôi ngược trở lại" (tr. 105).
  7. ^ Hoàng Việt hưng long chí, tr. 181.
  8. ^ Có người cho rằng Dương Công Trừng sinh ở Long Xuyên (An Giang) và bị quân Miên giết chết là sai.

Sách tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Quốc sử quán triều Nguyễn, (Cao Xuân Dục làm Tổng tài), Quốc triều sử toát yếu. Nhà xuất bản Văn Học, 2002.
  • Ngô Giáp Đậu, Hoàng Việt hưng long chí. Nhà xuất bản Văn học, 1993.
  • Nhiều người soạn, Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh (tập 1, phần 3 do Nguyễn Đình Đầu biên soạn). Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1987.
  • Trịnh Vân Thanh, Thành ngữ điển tích danh nhân từ điển (quyển 1). Tác giả tự xuất bản, Sài Gòn, 1996.
  • Nguyễn Khắc Thuần, Danh tướng Việt Nam (tập 3). Nhà xuất bản Giáo dục, 2005.