Bước tới nội dung

Dòng Chúa Cứu Thế

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Dòng Chúa Cứu Thế
Tên viết tắtC.Ss.R.
Khẩu hiệuCopiosa Apud Eum Redemptio (Ơn cứu độ chứa chan nơi Người)
Thánh Vịnh 130:7
Thành lập9 tháng 11 năm 1732
LoạiDòng tu
Trụ sở chínhRoma, Ý
Rogério Gomes, C.Ss.R.
Nhân vật chủ chốt
Alphonsus Liguori — sáng lập
Trang webwww.cssr.com

Dòng Chúa Cứu Thế (tiếng Latinh: Congregatio Sanctissimi Redemptoris, viết tắt: C.Ss.R hay CSSR) là một hội truyền giáo của Giáo hội Công giáo Rôma do Thánh Alphonsus Liguori (Thánh An Phong) thành lập năm 1732 tại Scala, gần Amalfi, Ý. Tại Việt Nam, ban đầu hội dòng có tên là dòng "Chúa Cứu Chuộc", sau đổi thành dòng "Chúa Cứu Thế" với sứ mạng chuyên lo rao giảng Tin Mừng cho người nghèo, người bị bỏ rơi.[1] Hội dòng này đang hoạt động với hơn 6.500 tu sĩ tại hơn 77 quốc gia trên khắp thế giới.

Nguồn gốc

[sửa | sửa mã nguồn]
Thánh Alphonsus Liguori, người sáng lập Dòng Chúa cứu thế

Trong một cuộc tĩnh tâm riêng tại miền núi Scala, tu sĩ Alphonsus Liguori đã chứng kiến những nông dân, mục đồng miền núi sống bần hàn, chất phác lại rất chân thành vào niềm tin Thiên Chúa. Chính vì thế, ngày 9 tháng 11 năm 1732, tại vương quốc Napoli, ông cùng với một nhóm linh mục nhiệt thành thành lập một dòng tu cam kết dấn thân phục vụ trọn đời mới với mục đích truyền bá đức tin cho những người thuộc tầng lớp nghèo khổ.

"Thần Khí Chúa ở trên tôi, bởi Người đã xức dầu cho tôi, Người đã sai tôi đem Tin Mừng cho người nghèo khó, ban bố ân xá cho kẻ tù đầy, cho người đui mù được thấy, cho kẻ bị áp bức được giải oan, loan báo năm hồng ân của Chúa." (Luca 4:18-19)."

Dòng Chúa Cứu Thế nhanh chóng được thừa nhận là một Dòng thừa sai của Giáo hội. Ngày 25 tháng 12 năm 1749, Giáo hoàng Biển Đức XIV phê chuẩn dòng tu trở thành Dòng thừa sai của Giáo hội. Trải qua hơn 300 năm, Dòng Chúa Cứu Thế đã trở thành một trong những hội dòng lớn nhất của giáo hội trên toàn thế giới.

Các hoạt động của Dòng Chúa Cứu Thế

[sửa | sửa mã nguồn]

Rao giảng Tin Mừng

[sửa | sửa mã nguồn]

Mục đích chính của Dòng Chúa Cứu Thế là rao giảng Tin Mừng Chúa Kitô bằng các phương thức phổ biến như Đại phúc, Cấm phòng, Tĩnh tâm. Sứ mạng rao giảng này được mở rộng bằng việc tông đồ báo chí, hầu có thể đáp ứng nhu cầu của nhiều người sống ở phương xa. Tại Hoa Kỳ, Nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp hàng tháng cung cấp lương thực tinh thần cho hàng nghìn đồng hương trên khắp năm châu.

Sứ mạng Truyền giáo

[sửa | sửa mã nguồn]

Dòng Chúa Cứu Thế cũng đảm nhận việc truyền giáo cho lương dân tại Á Châu, Phi Châu và châu Mỹ La-Tinh. Hiện nay, tu sĩ của các Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Hoa Kỳ đang phục vụ tại các trung tâm truyền giáo ở Puerto Rico, Brazil, Paraguay, Thái-Lan và Nigeria. Tại Việt Nam, các địa sở truyền giáo cho đồng bào Thượng đã được thiết lập từ lâu tại Fyan (Tuyên Đức) và Pleikly (Pleiku).

Hoạt động Tông Đồ chuyên biệt

[sửa | sửa mã nguồn]

Nhiều tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế phụ trách các hoạt động tông đồ đặc biệt như quản nhiệm các giáo xứ theo yêu cầu của các Giám mục sở tại, tông đồ cho người câm điếc, tật nguyền, tuyên úy cho người di dân. Hiện nay một số linh mục Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam hải ngoại đang làm tuyên úy cho các cộng đoàn Công giáo Việt Nam, cho trại tù và phục vụ các thanh niên không gia đình.

Cổ võ Lòng sùng kính Đức Mẹ

[sửa | sửa mã nguồn]
Dòng Chúa Cứu Thế là cộng đoàn duy nhất nhận ủy thác của Tòa Thánh để cổ võ, phát huy một lòng sùng kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, tranh khoảng năm 1499, Rome

Tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế có một lòng sùng kính đặc biệt đối với Mẹ Maria. Năm 1866 Giáo hoàng Piô IX ký thác cho Dòng bức họa thời danh hay làm phép lạ, có tên "Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp". Ngài truyền: "Hãy làm cho cả thế giới yêu mến Mẹ!". Ngày nay, việc kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp thường được tổ chức hàng tuần tại các giáo xứ tại Mỹ cũng như tại các Đền Đức Mẹ trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, đền Đức Mẹ tại Thái Hà Ấp (Hà Nội) (178 Nguyễn Lương Bằng, Quận Đống Đa), Huế (142 Nguyễn Huệ, Tp Huế) và Sài-Gòn (38 Kỳ Đồng, Quận 3) là những trung tâm hành hương thân thuộc với người lương giáo Việt.

  • Nghiên cứu Thần học và Luân lý
  • Đến với người nghèo, người bị bỏ rơi, những người ở đáy cùng của xã hội, bệnh nhân phong, AIDS...; cả về cuộc sống và Đức tin, công tác xã hội.[1]

Các Thánh Dòng Chúa Cứu Thế

[sửa | sửa mã nguồn]

Dòng Chúa Cứu Thế có 4 tu sĩ đã được tôn phong Hiển thánh, 9 vị được tôn phong Chân phước:

  • Alphonsus Liguori (1696-1787), người sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế, Giám mục Sant'Agata de' Goti, là một trong những nhà thần học luân lý lừng danh nhất trong lịch sử Giáo hội. Mối quan tâm đến phần rỗi các linh hồn cũng thúc đẩy ông dấn thân vào việc truyền bá đức tin tông đồ bằng ngòi bút. Tổng số tác phẩm của ông lên đến 111 quyển, bao gồm các lãnh vực luân lý, tín lý và tu đức. Ông được Giáo hoàng Pius VII tôn phong Chân phước ngày 15 tháng 9 năm 1816 và Giáo hoàng Gregory XVI tôn phong Hiển Thánh ngày 26 tháng 5 năm 1839. Năm 1871, ông được Giáo hoàn Pius IX tôn phong Tiến sĩ Hội thánh.
  • Gerard Majella (1726-1755) là một thầy đồng trợ thánh thiện. Ông được xem như thánh bổn mạng các bà mẹ và bảo trợ khi gặp gian nan. Hội Bảo trợ Ơn gọi Dòng Chúa cứu thế nhận ông làm Thánh Quan Thầy của Hội. Ông được Giáo hoàng Leo XIII tôn phong Chân phước ngày 29 tháng 1 năm 1893 và Giáo hoàng Pius X tôn phong Hiển Thánh ngày 11 tháng 12 năm 1904.
  • Clement Hofbauer (1751-1820) là một linh mục quản xứ nhiệt thành, một tông đồ tận tình với người nghèo và cả giới sinh viên trí thức. Ông là người có công quảng bá dòng tu ra khỏi biên cương nước Ý năm 1785. Ông được Giáo hoàng Leo XIII tôn phong Chân phước ngày 29 tháng 1 năm 1888 và Giáo hoàng Pius X tôn phong Hiển Thánh vào năm 1909.
  • John Neumann (1811-1860) là một thừa sai di cư từ Âu Châu sang Hoa Kỳ. Ông cũng là Giám mục địa phận Philadephia, Pennsylvania, và là người đầu tiên thiết lập hệ thống trường công giáo tại giáo xứ ở Hoa Kỳ. Ông được Giáo hoàng Paul VI tôn phong Chân phước ngày 13 tháng 10 năm 1963 và tôn phong Hiển Thánh vào ngày 19 tháng 6 năm 1977.
  • Peter Donders(1809-1887), Tông đồ của người bệnh phong. Thụ phong Linh mục ngày 5 tháng 6 năm 1841, đến năm 1856, ông được gởi đến trại phong Batavia và làm việc ở đây cho đến cuối đời, rất ít khi bị gián đoạn. Ông được Giáo hoàng Gioan Phaolô II tôn phong Chân phước ngày 23 tháng 5 năm 1982.
  • Kaspar Stanggassinger (1871-1899) là một nhà truyền giáo trọn cuộc đời ngắn ngủi cho giới trẻ. Ông được Giáo hoàng Gioan Phaolô II tôn phong Chân phước ngày 24 tháng 4 năm 1988.
  • Gennaro Sarnelli (1702-1744). Ông được Giáo hoàng Gioan Phaolô II tôn phong Chân phước ngày 12 tháng 5 năm 1996.
  • Francis Xavier Seelos (1819-1867) là một nhà truyền giáo không mệt mỏi tại Hoa Kỳ. Ông tận tụy phục vụ bệnh nhân dịch sốt vàng tại New Orleans, Louisiana và cuối cùng đã qua đời vì nhiễm bệnh dịch này. Ông được Gioan Phaolô II tôn phong Chân phước ngày 9 tháng 4 năm 2000.
  • Mykolay Charnetskyi (1884-1959). Ông được Giáo hoàng Gioan Phaolô II tôn phong Chân phước ngày 24 tháng 4 năm 2001.
  • Zynoviy Kovalyk (1903-1941). Ông được Giáo hoàng Gioan Phaolô II tôn phong Chân phước ngày 24 tháng 4 năm 2001.
  • Ivan Ziatyk (1899-1952). Ông được Giáo hoàng Gioan Phaolô II tôn phong Chân phước ngày 24 tháng 4 năm 2001.
  • Vasyl Velychkovsky (1903-1973) là một Giám mục Công giáo Hy Lạp tại Ukraina. Ông được Giáo hoàng Gioan Phaolô II tôn phong Chân phước ngày 24 tháng 4 năm 2001.
  • Dominick Trčka (1886-1959). Ông được Giáo hoàng Gioan Phaolô II tôn phong Chân phước ngày 4 tháng 11 năm 2001.

Dòng tu vào Việt Nam

[sửa | sửa mã nguồn]

Thể theo yêu cầu của Giám mục Henry Lecroart, Khâm sai Tòa Thánh tại Việt Nam năm 1923, Chủ tịch Thánh bộ Truyền giáo Vatican là Hồng y Van Rossum, vốn thuộc Dòng Chúa Cứu Thế, đã cho thực hiện việc vận động thành lập Dòng Chúa Cứu Thế tại Việt Nam. Tỉnh dòng Thánh Anna Beaupré (Canada) được giao nhiệm vụ chính cho việc thành lập này.

Ngày 30 tháng 11 năm 1925, hai linh mục và một thầy đồng trợ Dòng Chúa Cứu Thế tiên khởi đến Đông Dương.[2]

Năm 1964, Dòng Chúa Cứu Thế tại Việt Nam trở thành một Tỉnh dòng độc lập, với Linh mục Phanxicô Xaviê Trần Tử Nhãn làm Giám tỉnh tiên khởi.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, một số tu sĩ dòng tu tại Việt Nam cũng di cư sang Hoa Kỳ, Canada và Pháp. Ngày 19 tháng 11 năm 1984, Linh mục Joseph Pfab, Tổng quyền Dòng Chúa Cứu Thế, đã cho thành lập Phụ Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam Hải Ngoại, quy tụ tất cả những tu sĩ của dòng tu Việt Nam đang cư trú tại Bắc Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Cơ sở chính của Phụ Tỉnh Dòng tại Hoa Kỳ hiện nay đặt ở số 3452 N. Big Dalton Ave., Balvin Park, CA 91706.

Đến năm 2016, các tu sĩ của Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam được giao coi sóc 14 giáo xứ của Giáo phận Kon Tum.[3]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b Tổng Giáo phận Hà Nội (22 tháng 4 năm 2009). “Dòng Chúa Cứu Thế”. Website Tổng Giáo phận Hà Nội. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 1 năm 2010. Truy cập ngày 28 tháng 5 năm 2010.
  2. ^ Truyền thông Chúa Cứu Thế (4 tháng 6 năm 2010). “Thành Lập Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam 1925”. Website Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 5 năm 2010. Truy cập ngày 28 tháng 5 năm 2010.
  3. ^ “Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam: Thánh lễ phong chức Phó tế”. Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 8 năm 2016. Truy cập ngày 27 tháng 8 năm 2016.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]