Con dao Gebel el-Arak
Con dao Gebel el-Arak | |
---|---|
Chất liệu | Ngà voi (cán dao) Đá lửa (lưỡi dao) |
Kích thước | 25,5 cm |
Niên đại | Thời kỳ Naqada II (k. 3450 TCN) |
Hiện lưu trữ tại | Viện bảo tàng Louvre |
Dao Gebel el-Arak là một con dao được làm từ ngà (cán) và đá lửa (lưỡi) có niên đại từ thời kỳ Naqada II (một giai đoạn của Ai Cập thời tiền sử)[1]. Con dao này đã được Georges Aaron Bénédite mua lại vào năm 1914 tại Cairo cho Viện bảo tàng Louvre, hiện được trưng bày ở phòng số 633 (cánh Sully).[2] Dao Gebel el-Arak được biết đến với những nét chạm trổ trên cán dao, cho thấy độ tinh xảo của nền nghệ thuật Cận Đông thời tiền sử.
Vào thời điểm mua, người bán cho biết đã tìm thấy dao tại địa điểm Gebel el-Arak, nhưng ngày nay người ta tin rằng nó đến từ Abydos.
Mua lại
[sửa | sửa mã nguồn]Con dao Gebel el-Arak đã được nhà bác ngữ học và nhà Ai Cập học Georges Aaron Bénédite mua lại cho bảo tàng Louvre vào tháng 2 năm 1914 từ đại lý đồ cổ tư nhân của M. Nahman tại thủ đô Cairo, Ai Cập.[1] Bénédite ngay lập tức nhận ra tình trạng bảo tồn cực tốt cũng như niên đại cổ xưa của con dao. Vào ngày 16 tháng 3 năm 1914, Bénédite đã viết thư cho Charles Boreux, là người đứng đầu Ban Cổ vật Ai Cập tại Louvre vào thời điểm đó, về món cổ vật này:
[...] Một con dao cổ xưa bằng đá lửa với cán cầm bằng ngà mang vẻ đẹp tuyệt vời nhất. Đây là một kiệt tác điêu khắc của thời tiền sử [...] được thực hiện với sự tinh tế và sang trọng. Cách trang trí cực kỳ chi tiết [...] và những gì được thể hiện ở đây thậm chí còn vượt xa giá trị nghệ thuật của món cổ vật. [...].[1]
Vào thời điểm diễn ra cuộc mua bán, lưỡi và cán dao được tách rời nhau, vì người bán không nhận ra rằng chúng khớp với nhau.[3] Boreux sau đó đề xuất việc phục hồi lại con dao, và lưỡi dao và cán dao đã được nối với nhau. Công việc này được thực hiện vào tháng 3 năm 1933 bởi Léon André. Lần phục hồi gần đây nhất của dao Gebel el-Arak được thực hiện vào năm 1997 bởi Agnès Cascio và Juliette Lévy.[1]
Nguồn gốc
[sửa | sửa mã nguồn]Cán dao bằng ngà được người chủ của đại lý đồ cổ cho biết, nó được tìm thấy tại Gebel el-Arak (جبل العركى), một cao nguyên nằm cách khoảng 40 km về phía nam của Abydos. Tuy nhiên, nguồn gốc thực sự của con dao đã được Bénédite chỉ ra trong lá thư gửi Boreux. Ông đã viết như sau:
[...] người bán không biết rằng lưỡi dao đó thuộc về cán cầm này và đã đưa nó cho tôi như là minh chứng cho những phát hiện gần đây tại Abydos.[1]
Con dao này thực sự có nguồn gốc từ Abydos, bằng chứng là hoàn toàn không tìm thấy bất kỳ một địa điểm khảo cổ nào tại Gebel el-Arak
Mô tả
[sửa | sửa mã nguồn]Lưỡi dao
[sửa | sửa mã nguồn]Lưỡi dao Gebel el-Arak có màu nâu đồng, được làm từ một loại đá lửa được gọi là chert. Đá lửa xuất hiện gần như khắp Ai Cập, từ Cairo đến Esna, nhưng lưỡi của những con dao chỉ dùng trong lễ nghi thì được làm bằng đá chert màu caramel, có lẽ vì màu này giống với màu kim loại.[4] Cả hai mặt của lưỡi dao được mài nhẵn, và một mặt sẽ được tạo thêm các đường gợn sóng. Ở những con dao có lưỡi bằng đá như vậy, cách làm hoàn toàn tương tự như ở lưỡi dao Gebel el-Arak.[5] Cạnh của dao có những răng cưa cực nhỏ.
Lưỡi dao Gebel el-Arak, cũng như các loại dao có lưỡi gợn sóng tương tự cùng thời được coi là đỉnh cao của kỹ thuật chế tạo các công cụ từ đá lửa.[2] Các chuyên gia nghiên cứu về thời kỳ Ai Cập tiền sử cho rằng, chất lượng và số lượng công việc để tạo ra lưỡi dao như thế này còn cao hơn những gì cần thiết để chế tạo ra một con dao thông thường. Do đó, con dao Gebel el-Arak có thể là một tác phẩm của nghệ thuật, mà lưỡi dao là minh chứng cho các kỹ thuật chế tạo độc đáo đó.[6] Kết quả chi tiết của phương pháp phân tích sử dụng cho thấy, lưỡi dao Gebel el-Arak chưa bao giờ được sử dụng vào bất cứ mục đích gì.[7] Điều này cũng làm củng cố thêm giả thuyết rằng con dao Gebel el-Arak được tạo ra nhằm mục đích nghệ thuật.
Lưỡi dao nặng 92,3g, và kích thước của nó được liệt kê dưới đây:
- Tổng chiều dài lưỡi dao: 18,8 cm
- Chiều rộng của lưỡi dao (đo tại trung tâm): 5,7 cm
- Độ dày của lưỡi dao (đo tại trung tâm): 0,6 cm
- Chiều dài của phần lưỡi dao bên trong tay cầm: 2,8 cm
- Chiều rộng của phần lưỡi dao bên trong tay cầm: 3,7 cm
Cán dao
[sửa | sửa mã nguồn]- Chi tiết phần cán dao
Cán dao Gebel el-Arak được làm từ ngà của một con voi, chứ không phải từ răng nanh của một con hà mã như suy nghĩ ban đầu.[1][8] Cán dao được chạm khắc theo chiều dọc của ngà voi; bằng chứng là một đốm đen nằm ở gần đầu tròn của cán, đó chính là đỉnh của tủy ngà.[1] Cán được khoét rỗng một phần bên trong để lắp lưỡi dao vào. Bénédite cũng cho biết, ông đã nhìn thấy dấu vết còn sót lại của vàng lá phía dưới cán dao, nhưng giờ đã không còn.[1] Cán dao được chạm khắc với bối cảnh là trong một trận chiến ở mặt không có núm, mặt còn lại chạm khắc theo chủ đề thần thoại. Núm trên cán dao được cho là dùng để xỏ dây đeo.
Kích thước chi tiết của cán dao được liệt kê dưới đây:
- Tổng chiều dài: 9,5 cm
- Chiều rộng: 4.2 cm
- Độ dày trung bình: 1,2 cm
- Chiều dài của núm: 2,0 cm
- Chiều rộng của núm: 1,3 cm
- Độ dày của núm: 1,0 cm
Chiều dài của cán dao quá ngắn và độ dày của nó lại khá mỏng, góp phần khẳng định, con dao này được tạo ra không nhằm mục đích sử dụng vào việc gì ngoài trang trí.[1]
Chạm trổ
[sửa | sửa mã nguồn]Cán dao được chạm khắc tinh xảo ở cả hai mặt, và các phù điêu được xếp thành 5 hàng ngang. Ở mặt có núm xỏ dây, hàng thứ nhất khắc hình "Chúa tể Các loài vật", một mô típ rất phổ biến trong các tác phẩm nghệ thuật vùng Lưỡng Hà. Một người đàn ông mặc trang phục Lưỡng Hà, hai bên có hai con sư tử đứng thẳng tượng trưng cho sao Hôm và sao Mai (hai tên gọi đều chỉ đến sao Kim). Robert du Mesnil du Buisson cho biết, người đàn ông ở trung tâm là thần El.[9] Trong khi David Rohl xác định đó là Meskiagkasher, một vị vua của Sumer, người sáng lập Vương triều đầu tiên tại Uruk.[10] Nicolas Grimal lại không suy đoán danh tính của nhân vật mơ hồ này, coi đó như một "chiến binh".[11]
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ a b c d e f g h i Élisabeth Delange (2009). Le poignard égyptien dit "du Gebel el-Arak". Collection SOLO. Paris: Musée du Louvre. ISBN 9782757202524.
- ^ a b “Dagger from Gebel el-Arak”. Louvre. Truy cập 24 tháng 11 năm 2019.[liên kết hỏng]
- ^ G. Bénédite (1916). Le couteau de Gebel el-'Arak, Étude sur un nouvelle objet préhistorique acquis par le musée du Louvre. Fondation Eugène Piot, Monuments et mémoires, XXII. tr.1–34.
- ^ Diane L. Holmes (1992). "Archaeological Cultural Resources and Modern Land-use Activities: Some Observations Made during a Recent Survey in the Badari Region, Egypt". Journal of the American Research Center in Egypt. 29: 67–80.
- ^ P. Kelterborn (1984). "Toward Replicating Egyptian Predynastic Flint Knives". Journal of Archaeological Science. 11: 433–53.
- ^ Béatrix Midant-Reynes (1987). "Contribution à l'étude de la société prédynastique: le cas du couteau "Ripple-flake"". Studien zur Altägyptischen Kultur. 14: 185–225.
- ^ M. Christensen (1999). Technologie de l'ivoire au Paléolithique supérieur – Caractérisation physico-chimique du matériau et analyse fonctionnelle des outils de transformation. Archaeopress, Oxford, BAR International Series, 751.
- ^ Winifred Needler & C. S. Churcher (1984). Predynastic and Archaic Egypt in the Brooklyn Museum. tr.37 & 153 ISBN 9780872730991
- ^ Mesnil du Buisson, Robert du (1969). "Le décor asiatique du couteau de Gebel el-Arak". Bulletin de l'Institut Français d'Archéologie Orientale. 68: 63–83.
- ^ David M. Rohl (1988). Legend, the Genesis of Civilisation.
- ^ Nicolas Grimal (1994). A History of Ancient Egypt. Nhà xuất bản Wiley. tr.36 ISBN 9780631193968