Bước tới nội dung

Chi Cá chiên

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Chi Cá chiên
Thời điểm hóa thạch: Thế Pliocen – gần đây
Cá chiên (Bagarius yarrelli)
Phân loại khoa học
Giới (regnum)Animalia
Ngành (phylum)Chordata
Lớp (class)Actinopterygii
Bộ (ordo)Siluriformes
Họ (familia)Sisoridae
Phân họ (subfamilia)Sisorinae
Chi (genus)Bagarius
Bleeker, 1854
Loài điển hình
Pimelodus bagarius
Hamilton, 1822
Các loài
Xem văn bản

Chi Cá chiên (danh pháp khoa học: Bagarius) là một chi cá da trơn thuộc họ Sisoridae. Nó bao gồm 4 loài còn tồn tại ngày nay là B. bagarius, B. rutilus, B. suchus, B. yarelli cùng 1 loài đã tuyệt chủngB. gigas.[1][2]

Phân bổ

[sửa | sửa mã nguồn]

Các loài trong chi Bagarius sinh sống tại khu vực nam và đông nam châu Á[3]. Có thể tìm thấy chúng từ lưu vực sông ẤnPakistanẤn Độ, kéo dài về phía đông tới lưu vực sông HồngViệt Nam và về phía nam bán đảo Mã LaiIndonesia.[2] B. bagarius có mặt trong lưu vực các sông Hằng, Chao PhrayaMê Kông, cũng như tại bán đảo Mã Lai và sông Salween cùng các sông Mae Klong, BrahmaputraAyeyarwady[2]. B. suchus có mặt trong lưu vực sông Mê Kông và Chao Phraya[2]. B. rutilus sinh sống tại lưu vực sông Hồng và sông Mã ở miền bắc Việt Nam[2]. B. yarelli phân bổ rộng khắp tại nam và đông nam châu Á[1].

Hóa thạch

[sửa | sửa mã nguồn]

B. gigas được thông báo là có từ thế Eocen, tuy nhiên niên đại này đang bị nghi vấn[1].

Hóa thạch cổ nhất đã biết của họ Sisoridae là B. bagarius, tìm thấy tại Sumatra và Ấn Độ, có từ thế Pliocen[4].

Miêu tả

[sửa | sửa mã nguồn]

Các loài trong chi Bagarius có đầu rộng, bẹp vừa phải hoặc bẹp nhiều (dẹt bằng). Thân dẹt bên. Miệng rộng. Các lỗ mang rộng. Vây lưng và vây ức có các gai (ngạnh) khỏe. Ngạnh của vây lưng nhẵn, còn ngạnh của các vây ức thì phía trước nhẵn, phía sau khía răng cưa nhỏ. Các thùy của vây lưng, ức và đuôi đôi khi kéo dài hình sợi. Đầu và thân gần như toàn bộ được bao phủ bằng lớp da dày keratin hóa. Các loài trong chi Bagarius thiếu bộ phận kết dính ở ngực và các cặp vây bị kéo giãn ra[3].

Các loài trong chi Bagarius có cùng một kiểu màu chung bề ngoài, bao gồm 3 dải hay vết sẫm màu trên cơ thể. Các đốm bất thường cũng có thể có trên thân. Các đốm trên vây thay đổi tùy theo loài, từ không đốm, tới có đốm hay có vạch kẻ dọc[3]. Ngoài ra, ở một vài quần thể B. yarelli có thể có kiểu đốm màu loang lổ như của chó Dalmatia, làm mờ đi kiểu chính là vạch kẻ dọc[3].

B. bagarius, gốc vây hông thông thường ở phía trước của đường thẳng đứng đi qua gốc của tia vây lưng cuối cùng, trong khi ở B. yarelli thì gốc vây hông lại ở đằng sau của đường thẳng này. Ngoài ra, ở phần lớn quần thể B. bagarius thì vây béo bắt nguồn xa về phía sau, trên vây hậu môn, trên đường thẳng đứng đi qua gốc của tia 3 hay tia 4 của vây hậu môn. Còn ở B. yarelli thì vây béo khởi đầu ở gần hay phía trước đường thẳng đứng đi qua gốc của vây hậu môn. Ở B. suchus thì vây béo khởi đầu còn xa hơn về phía sau so với B. bagariusB. yarelli. B. suchus có đầu và thân dẹt hơn so với B. bagariusB. yarelli[3].

B. bagarius không vượt quá kích thước 20 cm (7,9 inch)[3]. B. rutilus có thể dài tới 100,0 cm (39,4 inch)[5]. B. suchus dài tới 70,0 cm (27,6 inch)[6]. B. yarelli có thể dài tới 200 cm (78,7 inch)[3].

Các loài

[sửa | sửa mã nguồn]

Sinh thái

[sửa | sửa mã nguồn]

B. bagarius sinh sống trong khu vực thác ghềnh hay vực đá của các hệ thống sông lớn và vừa[7]. B. suchus thông thường gắn liền với các thác ghềnh của các sông lớn[6]. B. yarelli có mặt tại các sông lớn ở phần đáy, thậm chí với dòng chảy nhanh, không thấy có ở các suối hay sông nhỏ. Người ta hay thấy nó trong các hòn đá cuội, gần chỗ đổ xuống của thác ghềnh[8].

B. bagarius ăn chủ yếu là sâu bọ[3], nhưng cũng ăn cả cá con, ếch nhái hay tôm tép[7]. B. suchus chỉ ăn cá[3]. B. yarelli ăn chủ yếu là tôm tép nhưng cũng ăn cá nhỏ hay côn trùng thủy sinh[3].

B. bagariusB. yarelli sinh sản tại các sông trước mùa mưa lũ hàng năm[7][8].

B. yarelli di cư thành đàn. Người ta cho rằng chúng di cư là để săn mồi. Cũng có thông tin cho rằng chúng bơi theo cá hô (Catlocarpio siamensis) khi loài cá này di cư ngược dòng.Dường như là việc di cư ngược dòng nhiều nhất bắt đầu gần với thời kỳ đỉnh lũ, khi dòng chảy rất mạnh và nước bị cuộn tung lên nhiều hơn[8].

Thực phẩm

[sửa | sửa mã nguồn]

Các loài cá chiên được bán làm cá thực phẩm, chủ yếu ở dạng cá tươi, nhưng nhanh bị ươn và dễ gây ra bệnh tật vì điều này[6][7][8].

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b c Ferraris, Carl J. Jr. (2007). “Checklist of catfishes, recent and fossil (Osteichthyes: Siluriformes), and catalogue of siluriform primary types” (PDF). Zootaxa. 1418: 1–628.
  2. ^ a b c d e Alfred W. Thomson & Page, Lawrence M. (2006). “Genera of the Asian Catfish Families Sisoridae and Erethistidae (Teleostei: Siluriformes)” (PDF). Zootaxa. 1345: 1–96.Quản lý CS1: sử dụng tham số tác giả (liên kết)
  3. ^ a b c d e f g h i j Roberts, Tyson R. (1983). “Revision of the South and Southeast Asian Sisorid Catfish Genus Bagarius, with Description of a New Species from the Mekong”. Copeia (2): 435–445.
  4. ^ Wei Zhou; Yang Ying; Li Xu; Li Ming-Hui (2007). “A Review of the Catfish Genus Pseudexostoma (Siluriformes: Sisoridae) with Description of a New Species from the Upper Salween (Nujiang) Basin of China” (PDF). The Raffles Bulletin of Zoology. 55 (1): 147–155. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 6 tháng 2 năm 2012. Truy cập ngày 16 tháng 8 năm 2007.Quản lý CS1: sử dụng tham số tác giả (liên kết)
  5. ^ Bagarius rutilus. FishBase. Chủ biên Ranier Froese và Daniel Pauly, phiên bản tháng 7 năm 2007. N.p.: FishBase, 2007.
  6. ^ a b c Bagarius suchus. FishBase. Chủ biên Ranier Froese và Daniel Pauly, phiên bản tháng 7 năm 2007. N.p.: FishBase, 2007.
  7. ^ a b c d Bagarius bagarius. FishBase. Chủ biên Ranier Froese và Daniel Pauly. Phiên bản tháng 7 năm 2007. N.p.: FishBase, 2007.
  8. ^ a b c d Bagarius yarelli. FishBase. Chủ biên Ranier Froese và Daniel Pauly. Phiên bản tháng 7 năm 2007. N.p.: FishBase, 2007.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]