Bước tới nội dung

Chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước (cũng được gọi là stamocap) là một hình thức cực đoan của chủ nghĩa tư bản nhà nước trong đó nhà nước được coi là một doanh nghiệp độc quyền duy nhất chi phối hầu hết các hoạt động sản xuất và phân phối hàng hóa trong nền kinh tế. Nhà nước sẽ kiểm soát mọi hoạt động kinh tế, thương mại và các cơ sở sản xuất được tổ chức và quản lý như doanh nghiệp nhà nước (bao gồm cả quá trình tích lũy vốn, lao động tiền lương và quản lý tập trung). Các hoạt động trong nền kinh tế được hoạch định và điều phối bởi các cơ quan lập kế hoạch kinh tế và các cơ quan chính phủ được tập trung hóa (các cơ quan được tổ chức theo thực tiễn quản lý kinh doanh).

Chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước là một học thuyết Leninist được phổ biến sau Thế chiến II. Lenin đã tuyên bố vào năm 1916 rằng Chiến tranh thế giới thứ nhất đã biến đổi chủ nghĩa tư bản thành chủ nghĩa tư bản độc quyền, nhưng ông đã không xuất bản bất kỳ học thuyết mở rộng nào về chủ đề này. Thuật ngữ chủ nghĩa tư bản độc quyền đề cập đến một môi trường mà nhà nước can thiệp vào nền kinh tế để bảo vệ các doanh nghiệp độc quyền hoặc độc quyền lớn hơn khỏi các mối đe dọa. Lenin trong cuốn sách nhỏ của ông cùng tên nhằm mục đích mô tả chủ nghĩa đế quốc như là giai đoạn lịch sử cuối cùng của chủ nghĩa tư bản, trong đó ông tin rằng chủ nghĩa đế quốc là giai đoạn cao nhất của chủ nghĩa tư bản mà chủ nghĩa tư bản đã biến thành chủ nghĩa tư bản độc quyền.[1] Chiến tranh thế giới thứ I đã chuyển hóa chủ nghĩa tư bản độc quyền thành chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước. Sau cách mạng tháng 10, Lenin chủ trương áp dụng chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước vào nước Nga như là "sự chuẩn bị vật chất đầy đủ nhất cho chủ nghĩa xã hội, là phòng chờ đi vào chủ nghĩa xã hội, là nấc thang lịch sử mà giữa nó (nấc thang đó) với nấc thang được gọi là chủ nghĩa xã hội thì không có một nấc thang nào ở giữa cả"[2]. Sau thế chiến thứ II do ảnh hưởng của Liên Xô với tư cách một nước thắng trận khiến chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước được phổ biến ra toàn thế giới.

Đôi khi khái niệm này cũng xuất hiện trong lý thuyết Chủ nghĩa tân Trotsky về chủ nghĩa tư bản nhà nước cũng như trong các lý thuyết chống nhà nước của chủ nghĩa tự do. Các phân tích được thực hiện thường là giống hệt nhau trong các luận điểm chính, nhưng kết luận chính trị rất khác nhau được rút ra từ các luận điểm này.

Luận đề chính

[sửa | sửa mã nguồn]

Luận điểm chủ nghĩa Lenin chính là các doanh nghiệp lớn, đã đạt được một vị trí độc quyền ở hầu hết các thị trường quan trọng, liên kết với bộ máy chính phủ. Nhà nước sẽ bảo vệ lợi ích của các tập đoàn độc quyền, theo đó các quan chức chính phủ cung cấp khuôn khổ xã hội và pháp lý cùng sự hỗ trợ tài chính để các tập đoàn khổng lồ có thể tối đa hóa lợi nhuận. Ngược lại các công ty độc quyền sẽ ủng hộ nhà nước. Đây là mối quan hệ cộng sinh, tương hỗ, đối tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp độc quyền và nhà nước. Chiến tranh thế giới thứ I khiến nhà nước quốc hữu hóa một số công ty độc quyền để phục vụ cho các mục tiêu chính trị - quân sự của nhà nước từ đó chủ nghĩa tư bản độc quyền đã biến thành chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước. Tại các nước phương Tây, vào cuối thời kỳ Iosif Stalin và sau đó, hình thành liên minh dân chủ nhân dân bao gồm phong trào lao động với các tầng lớp trung lưu tiến bộ và doanh nghiệp nhỏ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản chống lại nhà nước và doanh nghiệp lớn (gọi tắt là "độc quyền"). Đôi khi liên minh này còn được gọi là "liên minh chống độc quyền". Tuy nhiên, trong học thuyết Trotsky, một liên minh như vậy đã bị bác bỏ vì dựa trên chiến lược sai lệch về mặt trận chung của nhiều nhóm xã hội khác nhau không tương thích với lý thuyết về một cuộc cách mạng thế giới hoặc nguyên tắc hoạt động chính trị độc lập của giai cấp vô sản. Che Guevara phê phán chủ nghĩa tư bản độc quyền như sau:

Kể từ khi vốn độc quyền chiếm lĩnh thế giới, nó đã giữ phần lớn nhân loại trong nghèo đói, chia tất cả lợi nhuận giữa các nhóm các nước mạnh nhất. Tiêu chuẩn sống ở những quốc gia này dựa trên sự nghèo đói cùng cực của các quốc gia chúng ta.

— Che Guevara, 1965[3]

Lenin còn đi xa hơn khi ông cho rằng "Chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước là sự chuẩn bị vật chất đầy đủ nhất cho chủ nghĩa xã hội" do đó ông chủ trương áp dụng chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước vào nước Nga sau khi người Bolsevik giành được chính quyền. Trong bài báo "Tai hoạ sắp đến và những phương pháp ngăn ngừa tai hoạ đó" viết năm 1917 Lenin viết rằng "Biện chứng của lịch sử chính là ở chỗ này: chiến tranh đã thúc đẩy nhanh chóng phi thường sự chuyển hóa của chủ nghĩa tư bản độc quyền thành chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước, và chính bằng cách đó làm cho nhân loại tiến hết sức gần chủ nghĩa xã hội... Chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước là sự chuẩn bị vật chất đầy đủ nhất cho chủ nghĩa xã hội, là phòng chờ đi vào chủ nghĩa xã hội, là nấc thang lịch sử mà giữa nó (nấc thang đó) với nấc thang được gọi là chủ nghĩa xã hội thì không có một nấc thang nào ở giữa cả. Bọn xã hội chủ nghĩa cách mạng và bọn melsevik nước ta xét vấn đề chủ nghĩa xã hội một cách giáo điều, theo quan điểm của một học thuyết mà họ đã học thuộc lòng và hiểu chưa thấu đáo. Họ coi chủ nghĩa xã hội như một tương lai xa xôi, chưa rõ rệt, tối tăm. Nhưng ngày nay thì chủ nghĩa xã hội nhìn sang chúng ta từ tất cả các khung cửa của chủ nghĩa tư bản hiện đại, chủ nghĩa xã hội đang hiện ra trực tiếp, trên thực tiễn, trong mỗi biện pháp quan trọng tạo thành một bước tiến trên cơ sở chủ nghĩa tư bản hiện đại ấy. Chế độ nghĩa vụ lao động phổ biến là gì ? Đó là một bước tiến lên, trên cơ sở chủ nghĩa tư bản độc quyền hiện đại, một bước tiến tới điều tiết toàn bộ đời sống kinh tế theo một kế hoạch chung nào đó, một bước tiến tới tiết kiệm lao động của nhân dân để ngăn ngừa sự lãng phí lao động đó một cách vô nghĩa do chủ nghĩa tư bản gây ra."[2]. Đến năm 1918, trong "Báo cáo về những nhiệm vụ trước mắt của chính quyền Xô Viết" Lenin cho rằng "chủ nghĩa tư bản nhà nước sẽ là một sự cứu nguy đối với chúng ta; giá như chúng ta thực hiện được chủ nghĩa tư bản nhà nước ở Nga rồi, thì bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội là đã dễ dàng, đã nằm gọn trong tay chúng ta rồi, bởi vì chủ nghĩa tư bản nhà nước là cái gì có tính chất tập trung, được tính toán, được kiểm soát và được xã hội hoá"[4]. Lenin khẳng định trong Nhà nước và Cách mạng (1917) rằng chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước không nên bị nhầm lẫn với chủ nghĩa xã hội nhà nước.[5]

Các quan điểm

[sửa | sửa mã nguồn]

Các phiên bản khác nhau của ý tưởng này được xây dựng bởi các nhà kinh tế của Đảng Cộng sản Liên Xô (Eugen Varga), Đảng Cộng sản Xã hội chủ nghĩa Đông Đức, Đảng Cộng sản Pháp (Paul Boccara), Đảng Cộng sản Anh (Ben Fine và Laurence Harris), và Đảng Cộng sản Hoa Kỳ (Victor Perlo). Khi Varga giới thiệu lý thuyết, các nhà kinh tế học Stalin chủ nghĩa chính thống đã phê phán nó. Họ cho rằng nó không tương thích với học thuyết của Stalin rằng kế hoạch nhà nước là đặc điểm duy nhất của chủ nghĩa xã hội, và rằng "dưới chủ nghĩa tư bản tình trạng vô chính phủ của nền sản xuất ngự trị".[6] Họ xem kế hoạch hóa nền kinh tế chính là chủ nghĩa xã hội chứ không phải là chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước.

Các nhà phê bình như Ernest MandelLeo Kofler đã tuyên bố rằng:

  • Học thuyết ngụ ý sai rằng nhà nước bằng cách nào đó có thể vượt qua sự cạnh tranh trong chủ nghĩa tư bản, quy luật vận động của chủ nghĩa tư bản và lực lượng thị trường nói chung, được cho là hủy bỏ hoạt động của quy luật giá trị.
  • Học thuyết không tính đến sự phức tạp của cơ sở giai cấp của nhà nước, và mối liên kết thực sự giữa chính phủ và giới tinh hoa. Nó mặc nhiên thừa nhận một cấu trúc đơn nhất của sự thống trị mà trong thực tế không tồn tại.
  • Học thuyết không giải thích được sự nổi lên của hệ tư tưởng tân tự do trong kinh tế học cho rằng một mục tiêu quan trọng nên làm là giảm ảnh hưởng của nhà nước đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, chủ nghĩa tân tự do không phản đối việc làm cho nhà nước trở nên phụ thuộc vào mục đích của các tập đoàn lớn, trong cái được gọi là độc quyền do chính phủ cho phép.
  • Học thuyết không cho thấy rõ sự khác biệt giữa nhà nước xã hội chủ nghĩa và nhà nước tư sản, ngoại trừ ở một nước xã hội chủ nghĩa, Đảng Cộng sản (hay đúng hơn là Ủy ban trung ương) đóng vai trò chính trị hàng đầu. Trong trường hợp đó, bản chất giai cấp của nhà nước được xác định hoàn toàn theo chính sách của Ủy ban Trung ương Đảng cầm quyền.

Nhà nước trong các xã hội kiểu Xô-viết đã được các những người theo chủ nghĩa tân Trotsky xác định là nhà tư bản độc quyền. Không có sự khác biệt, theo quan điểm của họ, giữa phương Tây và phương Đông về vấn đề này. Do đó, một số loại cách mạng chống quan liêu được cho là bắt buộc, nhưng các nhóm Trotsky chủ nghĩa khác nhau tranh luận với nhau về hình thức cuộc cách mạng như thế sẽ cần phải thực hiện, hoặc có thể thực hiện. Một số người theo chủ nghĩa Trotsky tin rằng cuộc cách mạng chống quan liêu sẽ xảy ra một cách tự nhiên, chắc chắn. Những người khác tin rằng nó cần phải được tổ chức - mục đích là thiết lập một xã hội thuộc sở hữu và điều hành bởi tầng lớp lao động. Theo những người tân Trotsky, Đảng Cộng sản không thể đóng vai trò chủ đạo bởi vì nó không đại diện cho lợi ích của nhân dân lao động.

Những người theo chủ nghĩa vô chính phủ thị trường thường chỉ trích các lực lượng tân tự do vì việc áp dụng không phù hợp hoặc đạo đức giả lý thuyết tân tự do vào vấn đề chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước, rằng trong những mâu thuẫn đó tồn tại cơ sở của các đặc quyền được nhà nước bảo đảm tiếp tục chọn lọc cho giới tinh hoa.[7]

Khái niệm chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước đã bị sửa đổi hoặc bị từ bỏ trong chủ nghĩa cộng sản Âu châu bởi vì người ta tin rằng bộ máy nhà nước hiện nay có thể được cải cách để phục vụ lợi ích của đa số nhân dân lao động. Nói cách khác, việc nhà nước sở hữu các doanh nghiệp lớn được đề cập trước đó không còn là một vấn đề cấp thiết.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Imperialism, the Highest Stage of Capitalism V.I.Lenin 1916
  2. ^ a b V.I.Lênin. Toàn tập, Tập 34. Nhà xuất bản Tíến bộ, Mátxcơva, 1976, trang 258
  3. ^ At the Afro-Asian Conference in Algeria by Che Guevara, Delivered at the Second Economic Seminar of Afro-Asian Solidarity in Algiers, Algeria - on ngày 24 tháng 2 năm 1965
  4. ^ V.I.Lênin. Toàn tập, Tập 36. Nhà xuất bản Tíến bộ, Mátxcơva, 1976, trang 311
  5. ^ Lenin, The State and Revolution, Chapter IV
  6. ^ The Case of Eugene Varga Raya Dunayevskaya 1949
  7. ^ "The Iron Fist Behind the Invisible Hand: Corporate Capitalism As a State-Guaranteed System of Privilege" by Kevin A. Carson

Thư mục

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Guy Ankerl, Beyond Monopoly Capitalism and Monopoly Socialism. Cambridge MA, Schenkman, 1978, ISBN 0-87073-938-7
  • Nikolai Bukharin, Imperialism and World Economy.
  • Gerd Hardach, Dieter Karras and Ben Fine, A short history of socialist economic thought., pp. 63–68.
  • Bob Jessop, The capitalist state.
  • Charlene Gannage, "E. S. Varga and the Theory of State Monopoly Capitalism", in Review of Radical Political Economics 12(3), Fall 1980, pages 36–49.
  • Johnn Fairley, French Developments in the Theory of State Monopoly Capitalism, in: Science and Society; 44(3), Fall 1980, pages 305-25.
  • Keitha S. Fine, The French communist party: the theory of state monopoly capitalism and the practice of class politics, 1958-1978. Phd Thesis, Tufts University, 1979.
  • Ernest Mandel, Late Capitalism, pp. 515–522.
  • Ernest Mandel, Historical Materialism and the Capitalist State.
  • Paul Boccara et al., Le Capitalisme Monopoliste d'Etat. Paris: Editions Sociales, 1971 (2 vols).
  • G. N. Sorvina et al., "The Role of the State in the System of State Monopoly Capitalism", in: The Teaching of Political Economy: A Critique of Non Marxian Theories. Moscow: Progress, 1984, pages 171-179.
  • Ben Fine & Laurence Harris, Re-reading Capital.
  • Jacques Valier, Le Parti Communiste Francais Et Le Capitalisme Monopoliste D'Etat, 1976