Chợ Khau Vai
Chợ Khau Vai, còn gọi là chợ tình Khau Vai, là chợ lễ hội ở bản Khau Vai xã Khâu Vai huyện Mèo Vạc tỉnh Hà Giang, Việt Nam.[1]
Tên gọi "Khau Vai" theo tiếng Tày - Nùng có nghĩa là "đèo Mây - dây Mây", tuy nhiên nhiều văn liệu đã ghi thành "Khâu Vai".[2] Du khách có khi gọi chợ là chợ Phong Lưu. Hàng năm chợ chỉ họp một lần vào ngày 27 tháng 3 âm lịch. Chợ đã có từ gần 100 năm nay [3], trong đó có nguồn nói là từ năm 1919.[4]
Lúc đầu chợ gần như không có người bán, người mua hàng hóa đúng nghĩa mà chỉ có một số người bán đồ ăn uống phục vụ cho những người về đây họp chợ. Vì đây là địa điểm để người ta tìm đến nhau, sau một năm (cũng có thể là nhiều năm) xa cách, chủ yếu là những người có mối tình trắc trở, yêu thương nhau thực sự, nhưng vì một lý do nào đó không lấy được nhau, nay mỗi người đều có duyên phận riêng của mình. Đúng ngày này, họ hẹn nhau về đây để tâm sự, thông báo cho nhau cuộc sống riêng của mỗi người, ôn lại những tình cảm xưa. Có rất nhiều đôi vợ chồng cùng nhau đến chợ; đến nơi, vợ đi tìm bạn của vợ, chồng đi tìm bạn của chồng, họ không ghen tuông, không bực bội, mà tôn trọng nhau, tôn trọng bạn của vợ, của chồng mình; họ coi đó là sự linh thiêng, là bổn phận và trách nhiệm trước cuộc sống tinh thần của người bạn đời.[4]
Hiện nay, chợ tình Khau Vai đang bị thương mại hóa khiến nó mất dần đi vẻ mộc mạc vốn có và trở thành nơi bày bán đủ loại hàng hóa.[5][6]
Nguồn gốc[7]
[sửa | sửa mã nguồn]Sự xuất hiện của chợ tình bắt nguồn từ truyền thuyết về chàng Ba, cô Út. Chàng Ba người dân tộc Nùng, nhà ở Khau Vai, khôi ngô tuấn tú, hát hay, thổi sáo giỏi nhưng nhà nghèo. Cô Út xinh đẹp là con một tộc trưởng người Giáy. Hai người yêu nhau nhưng gia đình cô Út không đồng ý vì chàng nghèo và khác dân tộc không cùng con ma, không cùng phong tục tập quán; con trai người Nùng không thể lấy con gái người Giáy làm vợ.
Chàng và nàng trốn nhà đưa nhau lên hang núi Khau Vai sống. Gia đình, họ tộc cô gái vác súng kíp, cung nỏ sang nhà trai chửi mắng chàng Út phá lệ đưa cô gái ra rừng. Gia đình chàng trai cũng mang gậy gộc, súng, dao ra chửi bới nhà gái. Từ hang núi nhìn xuống cảnh máu chảy, đâm chém nhau giữa hai họ, thương cha, thương mẹ, thương dân bản hai làng bỗng trở nên thù hận nhau chỉ vì tình yêu của mình nên cả hai chia tay nhau và về làng, thề kiếp sau sẽ thành vợ thành chồng. Ngày họ chia tay là ngày 27/3, người dân trong vùng lấy ngày đó làm ngày họp chợ.[3]
Khi đôi trai gái chia tay nhau, họ đã cắt máu thề: Dù không lấy được nhau nhưng mỗi năm, cứ đến ngày 27/3 họ lại lên Khau Vai hát cho nhau nghe, kể với nhau những thầm kín ấp ủ trong lòng trong suốt một năm xa nhau. Họ tâm tình, ca hát hết đêm rồi đến hết đêm hôm sau rồi lại trở về với cuộc sống ngày thường. Ngày cuối cùng của cuộc đời, họ lại đến với nhau. Họ tìm đến gốc cây rừng và ngồi bên hòn đá thề năm xưa, ôm chặt nhau cùng đi vào cõi vĩnh hằng. Họ ra đi cũng đúng vào ngày 27/3 - ngày mà năm nào họ quyết định chia tay và cũng là ngày họp chợ. Dân làng đã dựng hai miếu thờ là "miếu Bà" và "miếu Ông" ngay chính nơi họ mất để tưởng nhớ về mối tình trai gái [8]
Chuyện của người H'Mông
[sửa | sửa mã nguồn]Chuyện kể rằng: ngày ấy, không nhớ là năm nào hay từ bao giờ, có một đôi trai gái yêu nhau nhưng bị cha mẹ ngăn cấm. Đôi trai gái ấy biết chẳng chống lại được tục lệ hà khắc nên rủ nhau đến mỏm đá tai mèo (nơi là chợ tình Khau Vai bây giờ) để gieo mình tự vẫn. Hồn thiêng của họ cứ lẩn khuất nơi đó khóc than ai oán. Để giúp oan hồn được giải thoát, thầy cúng của người Mông phải đến đây làm lễ. Từ đó, cứ đến ngày này là bà con người Mông lại về đây họp chợ. Chợ hầu như chả bán gì mà chỉ là nơi để các đôi uyên ương xưa từng lỡ dở về đây hò hẹn, tình tự. Vợ người này có thể đến hốc đá riêng để ngủ với chồng của nhà khác. Tất cả mọi người đểu chả ai ghen tuông với ai. Một năm chỉ có một lần như thế để họ được tự nguyện hóa giải hết mọi mong chờ, khát khao, rồi ai lại về nhà nấy, tiếp tục cuộc sống thường nhật.
Tiến sĩ Bàn Tuấn Năm viết tiếp: "Năm ấy, cụ ông Mã Văn Sủng đến chợ từ rất sớm. Ông chờ bà từ chiều hôm trước đến tận sáng hôm sau mà vẫn không thấy bà đến chợ. Thương tình, bà cụ bán nước mới nói cho ông biết: “Bà cụ đã mất từ trong năm rồi ông ạ”. Nghe vậy, cụ ông Mã Văn Sủng lẳng lặng đi mua một chai rượu và đôi giày về đặt vào trong hốc đá để cúng hồn người tình. Cúng xong, ông đập vỡ chai rượu tưới vào hốc đá, nơi ông bà đã bao năm cùng tình tự. Phần còn lại, ông tưới lên đầu của mình rồi khóc rằng: KHAU VAI ƠI – TỪ NAY TA KHÔNG ĐẾN NỮA."
Đó là một tục lệ nhân văn, không chỉ văn minh mà còn rất NGƯỜI của người Mông xưa và nay, hiếm có dân tộc nào trên thế giới tìm được thứ văn minh đỉnh cao như họ.
Xem thêm
[sửa | sửa mã nguồn]Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Tập bản đồ hành chính Việt Nam. Nhà xuất bản Tài nguyên – Môi trường và Bản đồ Việt Nam. Hà Nội, 2013.
- ^ Thông tư 21/2013/TT-BTNMT ngày 01/08/2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Danh mục địa danh dân cư... lập bản đồ tỉnh Hà Giang. Bản này dùng tên Khâu Vai. Thuky Luat Online, 2016. Truy cập 30/11/2019.
- ^ a b “Chợ tình Khau Vai”. Báo Thanh Niên.
- ^ a b Tổng Biên tập báo Hà Giang Lê Trọng Lập. “Nhớ về bạn nhé Chợ tình Khau Vai”. Cổng thông tin điện tử Hà Giang. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 22 tháng 1 năm 2013.
- ^ “Lễ hội chợ tình Khau Vai: Ngày càng biến dạng”. Báo An ninh thủ đô.
- ^ “'Ai trong đời chẳng có một Khau Vai'”. Báo điện tử Vietnamnet.
- ^ https://biquyetxaynha.com/theo-anh-chi-tai-sao-tac-gia-lai-cho-rang-cho-tinh-khau-vai-la-phien-cho-tinh-doc-dao.
|title=
trống hay bị thiếu (trợ giúp) - ^ “Tháng Tư về chợ tình Khau Vai - phiên chợ mùa Xuân”. Thông tấn xã Việt Nam. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 5 năm 2013. Truy cập ngày 22 tháng 1 năm 2013.