Chú voi con ở Bản Đôn
Chú voi con ở Bản Đôn | |
---|---|
của nhạc sĩ Phạm Tuyên | |
Thể loại | nhạc thiếu nhi |
Ngôn ngữ | tiếng Việt |
Sáng tác vào | 1983 |
"Chú voi con ở Bản Đôn" là ca khúc nhạc thiếu nhi được nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác vào năm 1983 tại Đắk Lắk.[1]
Bối cảnh sáng tác
[sửa | sửa mã nguồn]Năm 1983 nhạc sĩ Phạm Tuyên cùng nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn và nhạc sĩ Hoàng Vân đã đi thực tế ở Đắk Lắk để tìm cảm hứng sáng tác nhạc thiếu nhi. Ba ông đến Bản Đôn để xem voi, nhưng lúc đó đàn voi lớn đã đi lên rừng làm việc, chỉ có voi con trong bản. Nhạc sĩ Phạm Tuyên ấn tượng với con voi 6 tháng tuổi bị nhốt ở góc nhà. Tối hôm đó, Phạm Tuân đã sáng tác xong bài hát "Chú voi con ở Bản Đôn".[2]
Theo lời hướng dẫn viên Trung tâm du lịch Buôn Đôn, con voi con nguyên mẫu trong bài hát này đã được Trung tâm Du lịch Buôn Đôn đành nuôi dưỡng cùng với đàn voi nhà. Tuy nhiên, khoảng nửa năm sau con voi đó đã chết. Trung tâm đã quyết định ướp xác voi con và lưu giữ tiêu bản để phục vụ khách du lịch.[1]
Đón nhận
[sửa | sửa mã nguồn]Chỉ một thời gian ngắn sau khi được công bố, "Chú voi con ở Bản Đôn" đã trở thành một biểu tượng của tỉnh Đắk Lắk và được chọn làm nhạc hiệu cho đài truyền hình của tỉnh này. Bài hát được báo Thiếu niên Tiền Phong giới thiệu trên số Tết Trung Thu năm 1983; được Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức dàn dựng và phát sóng rộng rãi. Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa "Chú voi con ở Bản Đôn" vào sách giáo khoa lớp 4 xuất bản năm 1984.[3]
Bài hát đã giúp Bản Đôn trở thành điểm du lịch nổi tiếng, thu hút nhiều khách du lịch.[4]
Phiên bản remix
[sửa | sửa mã nguồn]Năm 2011, bản phối ca khúc Chú voi con ở Bản Đôn remix dựa trên nền guitar và Nobody (Wonder Girls) của song sinh Tùng Lâm - Tùng Linh xuất hiện trên mạng và được nhiều bình luận khen ngợi. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc remix một bài hát thiếu nhi có nhạc điệu vui tươi, trong sáng làm bài hát như bị “già” đi.[5] Sau đó nhóm nhạc acoustic Củ Chi đã cover "Chú voi con ở Bản Đôn", kết hợp lời và giai điệu từ nhạc trẻ Hàn Quốc và thu hút nhiều lượt xem. Nói về những phiên bản này, cây bút Phạm Xuân Hùng từ báo Đắk Lấk đã viết: "hiếm có ca khúc Việt nào như "Chú voi con ở Bản Đôn" vừa có sức sống lâu bền, vừa luôn được tái tạo trên nền bản gốc, và đó cũng là câu chuyện âm nhạc để nhiều người phải suy ngẫm".[6]
Tôi đưa cho bố, ông gạt đi và bảo đây không phải là sáng tác của ông |
bà Phạm Hồng Tuyến, con gái nhạc sĩ Phạm Tuyên |
Tháng 4 năm 2024, nhà báo Phạm Hồng Tuyến - con gái Phạm Tuyên - đã chia sẻ với báo chí về bản phái sinh của ca khúc. Cô cho rằng đây là phiên bản lỗi của "Chú voi con ở Bản Đôn" và nói bài hát bị chuyển từ giọng trưởng sang giọng thứ; nghe rất khó chịu, không đúng tinh thần của bài hát gốc.[7][8]
Nhà báo Nguyễn Hà của báo Quân đội nhân dân đã lên án gay gắt phiên bản này, gọi đây là "Chú voi con lạc điệu".[9]
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ a b Thanh Tú (14 tháng 12 năm 2018). “Lên Đắk Lắk, chạnh lòng nghe chuyện Chú voi con ở Bản Đôn”. Báo Bắc Ninh. Truy cập ngày 25 tháng 5 năm 2024.
- ^ “Gặp lại "chú voi con ở Bản Đôn"”. laodong.vn. 1 tháng 10 năm 2018. Truy cập ngày 25 tháng 5 năm 2024.
- ^ Bích Ngọc (11 tháng 10 năm 2011). “Bài 1: Nhạc sĩ Phạm Tuyên - Nhạc sĩ của tuổi thơ”. Báo Thể thao và Văn hóa. Truy cập ngày 25 tháng 5 năm 2024.
- ^ Hoài Thu (5 tháng 11 năm 2020). “Đắk Lắk dần chuyển đổi sang du lịch thân thiện với voi”. bnews.vn. Truy cập ngày 25 tháng 5 năm 2024.
- ^ Hoàng An (1 tháng 6 năm 2011). “2 chàng sinh viên hát Chú voi con ở Bản Đôn rất lạ tai”. VTC News. Truy cập ngày 25 tháng 5 năm 2024.
- ^ “Hãy hứa với anh rằng voi sẽ quay lại...”. baodaklak.vn. Truy cập ngày 25 tháng 5 năm 2024.
- ^ Đậu Dung (9 tháng 4 năm 2024). “Gia đình nhạc sĩ Phạm Tuyên bức xúc, không đồng ý bản phái sinh Chú voi con ở Bản Đôn”. Báo Tuổi trẻ. Truy cập ngày 25 tháng 5 năm 2024.
- ^ Lạc Thành (9 tháng 4 năm 2024). “Gia đình nhạc sĩ Phạm Tuyên nói gì khi "Chú voi con ở Bản Đôn" bị biến tấu?”. Báo điện tử Dân Trí. Truy cập ngày 25 tháng 5 năm 2024.
- ^ Nguyễn Hà (13 tháng 4 năm 2024). “Lăng kính văn hóa- Chú voi con lạc điệu”. Báo Quân đội nhân dân. Truy cập ngày 25 tháng 5 năm 2024.