Bước tới nội dung

Cao Ngọc Lễ

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Cao Ngọc Lễ (? - ?) là quan nhà Nguyễn và là cộng sự của thực dân Pháp trong lịch sử Việt Nam.

Tiểu sử sơ lược

[sửa | sửa mã nguồn]

Cao Ngọc Lễ là người xã Bồng Trung, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Ông vừa là cháu gọi Tống Duy Tân bằng cậu, vừa là học trò của vị tiến sĩ này.

Trước đây, khi vua Hàm Nghi chạy ra Cam Lộ (Quảng Trị) ban bố dụ Cần Vương ngày 13 tháng 7 năm 1885, như bao sĩ phu khác, Cao Ngọc Lễ liền ứng nghĩa. Nhưng sau đó, ông trở về làm việc cho triều đình thân Pháp, được bổ làm tri huyện rồi thăng lên chức án sát tỉnh Hà Tĩnh.

Nhiều người[1] cho rằng chính Cao Ngọc Lễ vì hám lợi đã làm chỉ điểm cho quân Pháp bắt được Tống Duy Tân, khi vị lãnh tụ này ẩn náu tại hang Niên Kỷ (nay thuộc huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) năm 1892.

Chính vì vậy, ông đã bị người đời hài tội bằng hai câu thơ:

Vô địa khả mai Cao Ngọc Lễ
Hữu tiền nan thục Tống Duy Tân.

Tạm dịch nghĩa:

Không có đất chôn Cao Ngọc Lễ,
Có tiền không chuộc Tống Duy Tân[2].

Theo một vài sử liệu thì khi làm quan tại Hà Tĩnh, Cao Ngọc Lễ còn "tự tay vu hãm chí sĩ Ngô Đức Kế"[3].

Thông tin thêm

[sửa | sửa mã nguồn]

Cao Ngọc Lễ là ông ngoại nhà văn Thanh Châu, tác giả truyện ngắn Hoa Ti gôn.[cần dẫn nguồn]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Phần nhiều các sách sử trong đó có: Lịch sử Việt Nam [1858-cuối XIX], quyển 3, tập 1, phần 1, tr. 128), Đại cương lịch sử Việt Nam (tập 2. tr. 78) Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (tr. 848) đều biên chép theo ý này. Tuy nhiên, nhà sử học Phạm Văn Sơn thì kể rằng vì bị hăm dọa mà vợ của một viên thổ ty (khi trước có chứa chấp nghĩa quân) đã phải dẫn thiếu úy Hensxhell cùng 20 lính đi bắt sống Tống Duy Tân vào chiều ngày 4 tháng 10 năm 1892. Còn phần Cao Ngọc Lễ làm chỉ điểm, ông chỉ chú thích thêm là có sách chép như vậy (Việt sử tân biên, quyển 5, tập trung, tr. 141).
  2. ^ Theo Từ điển nhân vật lịch sử Thanh Hóa (bản điện tử) thì câu thứ hai có dị bản: Hữu thiên bất tử Tống Duy Tân. Có nghĩa: Có trời không chết Tống Duy Tân. Xem tại đây: [1].
  3. ^ Theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (tr.72) và Đại cương lịch sử Việt Nam (Tập 2) do Đinh Xuân Lâm làm chủ biên (Nhà xuất bản Giáo dục, 2006, tr. 155).

Sách tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Nguyễn Q. Thắng-Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1992.
  • Vũ Ngọc Khánh, Quan lại trong lịch sử Việt Nam. Nhà xuất bản Thanh Niên, 2008.