Sông Cổ Chiên
Sông Cổ Chiên | |
Sông | |
Sông Cổ Chiên, đoạn qua thành phố Vĩnh Long
| |
Quốc gia | Việt Nam |
---|---|
Tỉnh | Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre |
Nguồn | Sông Tiền |
Cửa sông | Cửa Cổ Chiên, Cửa Cung Hầu (Biển Đông) |
- vị trí | • Cửa Cổ Chiên: Thạnh Phú, Bến Tre và Châu Thành, Trà Vinh |
Chiều dài | 82 km (51 mi) |
Sông Cổ Chiên là một phân lưu của sông Tiền, dài khoảng 82 km[1], làm thành ranh giới tự nhiên giữa các tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh với Bến Tre.
Nguồn gốc tên gọi
[sửa | sửa mã nguồn]Thuyết thứ nhất:
[sửa | sửa mã nguồn]Theo Lý Đăng Thạnh, trong 'Lịch sử Đông Dương tập 7- Nước Việt thời Nam - Bắc phân tranh' (1994), thì tên gọi Cochinchine bao gồm hai từ tố là 'Cochin' và 'Chine'. Trong đó, Cochin có nguồn gốc từ tên gọi sông Koh Chin (កោះជីន), là một đoạn sông của Thủy Chân Lạp thuộc hệ thống sông Mekong (sông Cửu Long), chảy qua nhiều cù lao (đảo nhỏ trong châu thổ) từ địa phận thành phố Vĩnh Long ngày nay, qua các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, rồi đổ ra Biển Đông tại Cửa Koh Chin. Các nhà thám hiểm hàng hải châu Âu vào thế kỷ XV khi đến vùng đất đồng bằng sông Cửu Long để mua nước ngọt và lương thực, thực phẩm, có thể đã lấy tên cửa sông Koh Chin và sông Koh Chin của dải đất có cư dân đông đúc nhất đồng bằng sông Cửu Long thời ấy để gọi tên chung cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long là: Vùng Cochin. Do sợ nhầm với thành phố cảng Ấn Độ Cochin, nên người phương Tây thêm hậu tố chine vào thành Cochinchine. Tên gọi Cochinchine này sang đầu thế kỷ XVII có lúc đã được người Phương Tây đồng hóa với tên gọi toàn bộ dòng sông Mekong. Trong bản đồ Đông Nam Á năm 1609 (bên cạnh), có hai dòng chữ Cochinchine (in dòng lớn và dòng nhỏ) ở vị trí thuộc tỉnh Vân Nam ngày nay, tại thượng nguồn sông Mekong, mà rõ ràng không liên quan gì đến khu vực đồng bằng sông Hồng (Giao Chỉ cũ).
Tài liệu nói trên cũng trích dẫn một đoạn trong tác phẩm của học giả Lê Hương nhan đề Việt Kiều ở Kampuchia, do Nhà xuất bản Khai Trí ấn hành tại Sài Gòn năm 1971, nguyên văn tại cuối trang 10 như sau: "Sau ngày 11-4-1970, Chính phủ Cao Miên trở thành một nước Cộng hòa, chấm dứt chế độ quân chủ 1.400 năm, báo chí Miên đả kích Hoàng gia cho rằng Quốc vương Chey Chetta II mê bà vợ Việt Nam tên 'CÔ CHÍNH XINH' mới làm mất phần đất 'Cao Miên miền dưới' (Kampuchéa Krom) chỉ miền Nam Việt Nam. Tài liệu Cao Miên cho rằng Công chúa Ngọc Vạn tên CÔ CHÍNH XINH nên vị quốc vương ấy mới đặt cho miền Nam và Pháp gọi là COCHINCHINE." Và Lý Đăng Thạnh chú thêm là nếu việc đặt tên như thế là có thật thì sẽ xảy ra sau năm 1620, vì đây là thời điểm mà nhiều tài liệu cho rằng là năm Công nữ Ngọc Vạn được cha là Chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên gả cho vua Cao Miên. Công nữ Nguyễn Phước Ngọc Vạn sinh khoảng năm 1605, mất sau năm 1658, là con gái thứ hai của Chúa Sãi, nhưng chưa rõ có phải là 'người con thứ chín' nếu tính cả các người con trai của Chúa Sãi hay không, hoặc là Bà còn có một tên gọi 'thân mật' là Cô Chính hay không.
Đầu thế kỷ XVII, dưới thời Trịnh-Nguyễn phân tranh, nước Việt Nam phân đôi thành Đàng Trong và Đàng Ngoài, thì Cochinchine được người Phương Tây dùng để chỉ Đàng Trong, còn Tonkin chỉ Đàng Ngoài. Cuối thế kỷ XVII, Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh khi vào thu phục vùng đồng bằng sông Cửu Long thì triều đình Đàng Trong đã gọi sông Koh Chin theo âm Hán-Việt là Cổ Chiên Giang (鼓栴江), và cửa sông Koh Chin là Cổ Chiên Tấn (鼓栴汛). Trên một số bản đồ cổ của Phương Tây in vào thế kỷ XVIII-XIX còn đọc Koh Chin bằng những âm khác như Kho Cin, Cocin. Coghien..., hoặc như bản đồ do Stielers Handatlas xuất bản vào tháng 8-1891 tại Đức còn ghi cửa sông Koh Chin là Ko-kien.
Thuyết thứ hai:
[sửa | sửa mã nguồn]Về tên Cổ Chiên cũng có thuyết cho rằng tên sông có liên quan đến một sự kiện lịch sử cuối thế kỷ XVIII. Vào năm 1785, khi bị đại bại ở trận Rạch Gầm – Xoài Mút, tàn quân của Nguyễn Ánh phải dùng thuyền chạy trốn xuống phía Nam, đến dòng sông này bị thuyền của Tây Sơn đuổi theo sát quá, quan quân của Nguyễn Ánh cuống quýt, sợ hãi đã làm rơi cả trống và chiêng lệnh xuống sông (theo từ Hán - Việt, Cổ là cái trống, Chinh là chiêng). Từ sự kiện này, nhân dân địa phương gọi sông Cổ Chiên (do đọc trại từ "Cổ Chinh" mà ra).[2]
Địa lý
[sửa | sửa mã nguồn]Sông Cổ Chiên bắt đầu từ thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long, chảy theo hướng tây bắc – đông nam, dọc theo ranh giới giữa các huyện Long Hồ (Vĩnh Long) và Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú (Bến Tre). Ở bên tả ngạn với thành phố Vĩnh Long, các huyện Long Hồ, Mang Thít, Vũng Liêm (Vĩnh Long) và Càng Long, thành phố Trà Vinh, Châu Thành, Cầu Ngang (Trà Vinh) bên hữu ngạn.
Đến ranh giới ngã ba giữa huyện Châu Thành và huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, sông chia làm hai đổ ra Biển Đông qua 2 cửa sông là:
- Cửa Cổ Chiên ở giữa huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre và huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh.
- Cửa Cung Hầu lệch về phía tỉnh Trà Vinh giữa huyện Châu Thành và huyện Cầu Ngang.
Trên dòng sông Cổ Chiên cũng có nhiều cù lao và cồn như: cù lao Nai, cồn Chen, cồn Dung, cồn Lớn đều thuộc tỉnh Bến Tre.
Hệ thống sông Cổ Chiên[2]
[sửa | sửa mã nguồn]- Rạch Thông Lưu: Từ xã Phú Phụng đến xã Vĩnh Bình (huyện Chợ Lách) dài 6,0 km.
- Rạch Cái Bàng: Ranh giới giữa xã Hưng Khánh Trung B (huyện Chợ Lách) và xã Nhuận Phú Tân (huyện Mỏ Cày Bắc) dài 5,0 km.
- Kênh Mỏ Cày: Từ thị trấn Mỏ Cày đến xã An Thạnh (huyện Mỏ Cày Nam) thông với rạch Thom dài 6,5 km.
- Rạch Cái Chát Lớn: Từ xã Thành Thới B đến xã Thành Thới A (huyện Mỏ Cày Nam) thông với rạch Thom dài 8,0 km.
- Rạch Cái Chát Nhỏ: Từ xã Thành Thới A đến xã Thành Thới B (huyện Mỏ Cày Nam) thông với rạch Thom dài 5,0 km.
- Rạch Bà Thi: Xã Thành Thới A (huyện Mỏ Cày Nam) thông với rạch Thom dài 5,0 km.
- Rạch Vàm Thom: Từ xã Ngãi Đăng đến xã Cẩm Sơn (huyện Mỏ Cày Nam) thông với rạch Hương Chạy dài 9,0 km.
- Rạch Giồng: Từ xã Quới Điền đến xã Tân Phong (huyện Thạnh Phú) dài 5,5 km.
- Kênh Cái Cá: Từ xã Quới Điền đến xã Hòa Lợi (huyện Thạnh Phú) dài 5,5 km.
- Rạch Ớt: Ranh giới hai xã An Thuận và An Quy (huyện Thạnh Phú) dài 7,5 km.
- Rạch Cả Bảy: Xã An Nhơn (huyện Thạnh Phú) dài 8,0 km.
- Rạch Khém Thuyền: Ranh giới hai xã Giao Thạnh và Thạnh Phong (huyện Thạnh Phú) dài 9,0 km.
- R. Khâu Băng: Xã Thạnh Phong (huyện Thạnh Phú) thông với rạch Hồ Cỏ dài 6,0 km.
- Rạch Cồn Ốc: Xã Thạnh Hải (huyện Thạnh Phú) thông với rạch Băng Cung: 13,0 km.
Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Lê Thông (2006) [2006]. Địa lý các tỉnh và thành phố Việt Nam (tập 6). Nguyễn Minh Tuệ, Nguyễn Văn Phú et al . Hà Nội (Việt Nam): Nhà xuất bản Giáo dục. tr. 104. ISBN 8934980639184.
- ^ a b “Tỉnh Bến Tre”. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 11 năm 2013. Truy cập 21 tháng 3 năm 2015.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- Vietnam Administrative Atlas, Nhà xuất bản Bản Đồ, 2004