Bước tới nội dung

Cử Vịnh

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Nguyễn Vịnh (1840–1895), thường gọi là Cử Vịnh, là một trong những lãnh đạo của phong trào Cần vương tỉnh Quảng Ngãi.

Cuộc đời

[sửa | sửa mã nguồn]

Nguyễn Vịnh sinh năm Canh Tý (1840) tại làng An Phú, phủ Bình Sơn, nay thuộc thôn Minh Thành, xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Trước năm 1880 (nhiều nguồn chép sai là 1888), ông vào Kinh thành Huế thi Võ cử và trúng Cử nhân.[1]

Năm 1885, Kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi phát dụ Cần vương, phong trào Cần vương ở Quảng Ngãi nổ ra dưới sự chỉ huy của các lãnh tụ Lê Trung Đình, Nguyễn Tự Tân, Nguyễn Bá Loan,... song đều bị dập tắt. Sau một thời gian dài nỗ lực khôi phục, năm 1894, hưởng ứng nghĩa quân Hương Khê, Nguyễn Vịnh cùng Thái Thú, Tôn Đính và em rể Bạch Văn Vĩnh bí mật tổ chức lực lượng, vạch ra kế hoạch đánh chiếm đồn Thương chính Cổ Lũytỉnh thành Quảng Ngãi.[1][2]

Đêm ngày 7 rạng sáng 8 tháng Chạp năm Giáp Ngọ (1894), nghĩa quân tổ chức thành hai cánh, một do Thái Thú chỉ huy đánh chiếm đồn Cổ Lũy, một do Nguyễn Vịnh chỉ huy đánh chiến tỉnh thành. Hướng Cổ Lũy tác chiến thành công nhưng hướng tỉnh thành lại thất bại do Án sát Tôn Thất Lữ phòng giữ nghiêm ngặt. Nguyễn Vịnh chỉ có thể cho quân bao vây, đến khi lực lượng của Thái Thú từ Cổ Lũy đến hội quân thì rút về núi An Đại (Tư Nghĩa). Tôn Thất Lữ cho quân truy đuổi, bao vây.[3]

Thái Thú, Nguyễn Vịnh, Bạch Văn Vĩnh bị bắt và bị xử tử vào ngày 24 tháng Chạp (19 tháng 1 năm 1895).[4][5] Cũng có ghi chép Nguyễn Vịnh chết ngày 13 tháng Chạp (8 tháng 1 năm 1895).[1]

Di hài của ông được đưa về quê nhà An Phú và được chôn cất ở gò Giản. Năm 2001, mộ của ông được dời đến gò Miễu và được công nhân là Di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh.[1] Đây là một trong ba di tích cấp tỉnh của xã Tịnh Minh, bên cạnh Nhà lưu niệm Trung tướng Phạm Kiệt (cùng quê ở thôn Minh Thành) và Trường Sĩ quan Lục quân.[6][7]

Tên của ông được đặt cho một con đường ở thành phố Quảng Ngãi.

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b c d Lê Hồng Khánh (8 tháng 7 năm 2015). “Nhân vật Quảng Ngãi: Nguyễn Vịnh (1840- 1895)”. Báo Quảng Ngãi. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 7 năm 2015. Truy cập ngày 26 tháng 8 năm 2024.
  2. ^ Phạm Thanh Biền. “Về cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền tây Quảng Ngãi (28-8-1959)” (PDF). Tạp chí Nghiên cứu lịch sử. Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học: 12-19.
  3. ^ Từ Tân Vũ; Phạm Nhớ; Nguyễn Chí Tuyền; Võ Văn Hào; Võ Thanh An (2004). “Chương I: Đất nước - Con người Quảng Ngãi” (PDF). Bản sao đã lưu trữ. Quảng Ngãi: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi. tr. 20–22. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 5 năm 2021. Truy cập ngày 28 tháng 8 năm 2024. Đã định rõ hơn một tham số trong |tựa đề=|title= (trợ giúp)
  4. ^ Lê Hồng Khánh (13 tháng 11 năm 2013). “Nhân vật Quảng Ngãi: Thái Thú (1870 - 1894)”. Báo Quảng Ngãi. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 11 năm 2023. Truy cập ngày 26 tháng 8 năm 2024.
  5. ^ Lê Hồng Khánh (21 tháng 5 năm 2024). “Xuôi ngược sông đêm”. Báo VietNamNet. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 26 tháng 8 năm 2024.
  6. ^ “Giới thiệu chung”. Ủy ban nhân dân xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 8 năm 2024. Truy cập ngày 28 tháng 8 năm 2024.
  7. ^ “Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, cấp tỉnh trên địa bàn huyện Sơn Tịnh”. Cổng thông tin điện tử huyện Sơn Tịnh. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 7 năm 2022. Truy cập ngày 28 tháng 8 năm 2024.