Cổng thông tin:Thiên nhiên/Sinh vật/Lưu trữ
Cừu Dolly
Cừu Dolly là động vật có vú đầu tiên được nhân bản vô tính trên thế giới. Nó được tạo ra bởi Ian Wilmut, Keith Campbell và các cộng sự tại Viện Roslin ở Edinburgh, Scotland, là con cừu thuộc giống cừu Dorset Phần Lan. Dolly là động vật có vú được nhân bản vô tính đầu tiên và được tạo ra từ tế bào sinh dưỡng trưởng thành nhờ áp dụng phương pháp chuyển nhân. Việc tạo ra Dolly đã chứng tỏ rằng một tế bào được lấy từ những bộ phận cơ thể đặc biệt có thể tái tạo được cả một cơ thể hoàn chỉnh. Đặc biệt hơn, điều này chỉ ra, những tế bào xôma đã biệt hóa và trưởng thành từ cơ thể động vật dưới một số điều kiện nhất định có thể chuyển thành những dạng toàn năng chưa biệt hóa và sau đó có thể phát triển thành những bộ phận của cơ thể con vật.
Cá voi 52 hertz
Cá voi 52 hertz là một cá thể cá voi thuộc loài không xác định, tiếng kêu của nó có tần số bất thường là 52 Hz. Tần số này cao hơn nhiều so với những loài cá voi khác có tập tính di cư tương tự như cá voi xanh hay cá voi vây. Nó được phát hiện thường xuyên ở nhiều địa điểm khác nhau từ cuối những năm 1980 và có vẻ như là cá thể duy nhất phát ra tiếng kêu ở tần số này. Nó được truyền thông gọi là "Chú cá voi cô đơn nhất hành tinh".
Gà không đầu Mike
Gà không đầu Mike là một cá thể gà Wyandotte sống tới 18 tháng sau khi bị chặt đầu. Mặc dù từng bị nhiều người nghĩ là trò chơi khăm, người chủ của con gà đã đưa nó tới Đại học Utah ở Thành phố Salt Lake để chứng minh sự thật của câu chuyện. Vào ngày 10 tháng 9 năm 1945, nông dân Lloyd Olsen ở Fruita, Colorado, Hoa Kỳ, đang ăn súp với mẹ vợ và được vợ yêu cầu đi làm thịt gà. Olsen chọn con gà trống choai năm tháng rưỡi tên Mike. Rìu chặt không trúng tĩnh mạch cảnh, chặt mất một tai và hầu như giữ nguyên thân não. Mặc dù Olsen thất bại trong việc chặt đầu Mike, Mike vẫn có khả năng giữ thăng bằng và đi, nó thậm chí còn cố gắng rỉa lông và gáy, mặc dù nó không làm được. Khi con gà không chết, ông Olsen rất ngạc nhiên, ông quyết định tiếp tục chăm sóc Mike, cho nó ăn một hỗn hợp sữa và nước qua phễu, nó cũng ăn một ít hạt ngô.
Karen (đười ươi)
Ham là con tinh tinh được đưa vào vũ trụ trong chương trình không gian của Hoa Kỳ. Ban đầu có 40 con tinh tinh là ứng viên cho chuyến bay tại Holloman, sau khi đánh giá, số ứng viên còn lại 18, sau đó là 6, bao gồm Ham.
Larry (mèo)
Larry là chú mèo tại Số 10 Phố Downing và là Tổng quản Bắt Chuột tại Văn phòng Nội các Anh Quốc. Larry là mèo mướp có thêm sắc nâu và trắng trên lông, được cho là chào đời vào tháng 1 năm 2007. Đến tháng 7 năm 2016, thời điểm Thủ tướng Theresa May nhậm chức, Larry bị mang tiếng "bạo lực" trong cư xử với các mèo lân cận khác làm nhiệm vụ bắt chuột, trong đó phải kể tới mèo trẻ Palmerston tại Văn phòng Đối ngoại và Thịnh vượng chung.
Lolong
Lolong là một con cá sấu và là con lớn nhất sống trong môi trường nuôi nhốt. Nó là một con cá sấu nước mặn được đo với chiều dài 6,17 m và nặng 1.075 kg, khiến nó trở thành một trong những con cá sấu lớn nhất từng được đo từ mõm đến đuôi. Vào tháng 11 năm 2011, chuyên gia về cá sấu người Úc, Tiến sĩ Adam Britton của Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ đã gây mê và đo kích thước của Lolong trong chuồng của nó và xác nhận nó là con cá sấu lớn nhất thế giới từng bị bắt và giam cầm.
Mary (voi)
Mary là một con voi cái châu Á nặng 5 tấn, còn được gọi với cái tên "Mary Sát nhân", biểu diễn trong gánh xiếc Sparks World Famous Shows. Sau khi giết một người huấn luyện ở Kingsport, Tennessee, nó bị treo cổ ở khu vực gần Erwin, Tennessee, vào năm 1916. Cái chết của voi Mary đôi khi được hiểu như một câu chuyện cảnh báo về việc ngược đãi động vật trong rạp xiếc vào đầu thế kỷ 20.
Tinh tinh Oliver
Oliver là tên của một con tinh tinh biểu diễn giải trí được công chúng đặt biệt danh là "tinh tinh người" do diện mạo tương đối giống người và có khả năng đứng thẳng bằng hai chân. Mặc dù với các đặc điểm hình thái và hành vi khác thường, Oliver được các nhà khoa học xác minh rằng không phải là một cá thể lai giữa người và tinh tinh.
Trung Trung và Hoa Hoa
Trung Trung và Hoa Hoa là những con khỉ ăn cua được nhân bản vô tính thông qua chuyển giao hạt nhân tế bào soma, đây là kỹ thuật nhân bản giống nhau từng tạo ra con cừu Dolly vào năm 1996. Chúng là những động vật linh trưởng đầu tiên được tạo ra bởi kỹ thuật này. Không giống như những nỗ lực trước đây để nhân bản các giống khỉ, các nhân được hiến tặng đến từ tế bào gốc bào thai, không phải tế bào phôi thai. Hai con khỉ này đều sinh ra tại Viện Khoa học thần kinh học của Viện Khoa học Trung Quốc ở Thượng Hải.
Unsinkable Sam
Sam không thể chìm là biệt danh của một con mèo thực sự hoặc hư cấu, được báo cáo là phục vụ như một con mèo trên các tàu trong Thế chiến II cả trong Hải quân Đức Quốc Xã và Hải quân Hoàng gia Anh, sống sót sau khi chìm ba chiếc tàu.
Vẹt Sirocco
Sirocco là một con vẹt kakapo, một con vẹt đêm lớn và một trong số ít những con vẹt Kakapo còn lại trên thế giới. Chú vẹt đã trở nên nổi tiếng sau một sự cố trên truyền hình trong loạt phim của BBC mang tên Last Chance to See khi mà chú vẹt này đã cố gắng làm tình với nhà động vật học Mark Carwardine. Hiệu ứng ngoài ý muốn của sự cố này trên các kênh truyền hình lan tỏa trên khắp thế giới và YouTube đã dẫn đến việc Sirocco trở nên nổi tiếng thế giới. Ở quê nhà của nó ở New Zealand, Sirocco đã thu hút hàng ngàn người trong các lần xuất hiện và vào tháng 01 năm 2010 được trao cho danh hiệu "Người phát ngôn chính thức về Bảo tồn" của Thủ tướng John Key. Trong vai trò này, Sirocco giúp vận động bảo tồn thông qua các trung gian của con người trên các trang mạng xã hội và blog.
Laika
Laika là sinh vật đầu tiên được đưa lên quỹ đạo quanh Trái Đất, động vật đầu tiên hy sinh trên quỹ đạo. Thời điểm con tàu chở Laika vào quỹ đạo, khi đó các nhà khoa học còn rất mơ hồ về tác động của chuyến bay ngoài không gian tới sinh vật sống. Một số nhà khoa học tin rằng con người có thể sống sót và chịu đựng được các điều kiện ngoài không gian. Vì vậy, một vài kĩ sư đã xem việc sử dụng động vật cho chuyến bay thử nghiệm trước khi thực hiện sứ mệnh bay của loài người là cần thiết. Hoa Kỳ sử dụng tinh tinh cho chuyến bay thử nghiệm trong khi Xô Viết quyết định sử dụng chó. Laika đã trải qua khóa huấn luyện với hai chú chó khác và đã được chọn đưa lên tàu Sputnik 2 và bay lên quỹ đạo vào ngày 3 tháng 11 năm 1957.
Félicette
Félicette là con mèo đầu tiên đã được phóng vào không gian. Nó được người Pháp phóng vào không gian ngày 18 tháng 10 năm 1963 và là con mèo duy nhất sống sót sau chuyến phi hành vũ trụ. Một con mèo thứ hai đã được phóng vào không gian vào ngày 24 tháng 10, nhưng chuyến bay thất bại và con mèo đã chết.
Félicette đã được kỷ niệm trên tem bưu chính trên toàn thế giới, và vào năm 2017, một chiến dịch tài trợ cho một đài tưởng niệm con mèo đầu tiên bay vào không gian đã được phát động.
Gordo (khỉ)
Gordo là một trong những con khỉ đầu tiên du hành vào vũ trụ. Là một thành viên tham gia chương trình không gian của NASA, Gordo đã được phóng từ Mũi Canaveral vào ngày 13 tháng 12 năm 1958 bằng tên lửa Jupiter PGM-19 trong nhiệm vụ AM-13. Tên lửa được dự định bay với hành trình hơn 1.500 dặm và đạt độ cao 310 dặm trước khi trở về Trái Đất và hạ cánh ở Nam Đại Tây Dương. Một trục trặc kỹ thuật đã khiến cho dù của "viên nhộng" chứa Gordo không thể mở, một cuộc tìm kiếm ngắn đã được tiến hành, tuy vậy vẫn không thể tìm thấy thi thể của Gordo hay xác con tàu.
Miss Baker
Miss Baker là một con khỉ sóc, vào năm 1959, cùng với khỉ vằn Miss Able, một trong hai con vật đầu tiên trở về an toàn sau khi được Hoa Kỳ phóng lên vũ trụ.
Ham (tinh tinh)
Ham là con tinh tinh được đưa vào vũ trụ trong chương trình không gian của Hoa Kỳ. Ngày 31 tháng 1 năm 1961, Ham đã bay cùng tên lửa vào không gian để thực hiện sứ mệnh MR-2 của Cơ quan vũ trụ Mỹ, nhưng chuyến bay gần như ngay lập tức đã gặp trục trặc. Đường bay của tên lửa cao hơn một độ so với mức dự kiến, đồng nghĩa với việc nó đã lên tới độ cao gần 252,7 km trên bề mặt Trái Đất, cao hơn mục tiêu dự kiến là 185 km, và mức oxy bắt đầu giảm xuống. Trong 6 phút bay, Ham đã ở tình trạng không trọng lượng khi tên lửa tăng tốc trên bầu trời tới khoảng 804,7 km/h. Tên lửa rơi xuống Đại Tây Dương trong 16 phút, 39 giây sau đó và khi đội cứu hộ tiếp cận được nó. Chàng tinh tinh không bị tổn hại gì sau chuyến phiêu lưu vào vũ trụ và tiếp tục sống ở vườn thú quốc gia ở Washington suốt 17 năm sau đó. Ham qua đời ở vườn thú Bắc Carolina ở tuổi 25.
Barry (chó)
Barry là một chú chó St. Bernard đã thực hiện các công việc trong vai trò là một con chó cứu hộ núi ở Thụy Sĩ và Ý cho Great St. Bernard Aidice. Nó là một con chó sinh ra trước thời kỳ của giống chó St. Bernard hiện đại, và có thể hình nhẹ hơn so với giống hiện đại. Nó được mô tả là con chó thuộc giống chó St. Bernard nổi tiếng nhất vì được ghi nhận là đã cứu hơn 40 mạng sống trong suốt cuộc đời.
Boo (chó)
Boo là một chó Phốc sóc đã trở thành một hiện tượng trên mạng Internet. Được biết đến với bộ lông ngắn, con chó này có một trang Facebook nổi tiếng và là chủ đề của bốn cuốn sách ảnh. Tính đến tháng 3 năm 2016, Boo có hơn 17,5 triệu lượt Thích trên Facebook. Boo thuộc sở hữu của Irene Ahn, một nhân viên của Facebook.
Dookie (chó)
Dookie là một con chó Corgi xứ Wales được mua vào năm 1933 bởi Vua George VI và là một trong những con chó Corgi Wales đầu tiên gia nhập gia đình hoàng gia. Con chó đặc biệt nổi tiếng với Nữ hoàng Elizabeth II, kể từ đó bà đã sở hữu hơn ba mươi con corgi.
Džok
Dżok là một con chó lai màu đen, trong suốt cả năm, Dżok được nhìn thấy trong khi đang đứng chờ đợi chủ nhân trong vô vọng tại vòng xoay Rondo Grunwaldzkie ở Kraków, Ba Lan, nơi chủ nhân của nó qua đời trong một cơn đau tim. Một tượng đài tưởng niệm Dżok nằm trên Đại lộ Czerwonański kế bên sông Vistula ở Kraków, gần Lâu đài Wawel và Cầu Grunwald.
Fufu (chó)
Fufu là tên một chú chó xù, thú cưng của vua Vajiralongkorn, thời ông còn là thái tử Thái Lan. Con chó là thú cưng được yêu thích của thái tử và thường đi cùng ông trong các buổi lễ hoàng gia. Theo thái tử, cô con gái thứ hai Sirivannavari Nariratana của ông đã mua con chó khi nó được khoảng một tháng tuổi từ chợ Chatuchak ở Bangkok, cùng với một số thỏ, chuột đồng và những con chó khác. Chú chó "khá dễ thương, nhưng có vẻ rất yếu", và do cô bé vẫn còn nhỏ, nên chú chó đã được nhân viên cung điện giữ trong chuồng thú cưng. Fufu thỉnh thoảng được đưa ra nơi công cộng, như trong Triển lãm thú cưng Thái Lan ở Nakhon Pathom vào tháng 12 năm 2006 khi chú chó được cho là đã "toát ra vẻ quyến rũ và thực hiện các pha nguy hiểm một cách thông minh".
Hachikō
Hachikō là một chú chó giống Akita nổi tiếng khắp Nhật Bản do trung thành với chủ ngay cả sau khi người chủ đã chết nhiều năm. Mỗi buổi sáng, Hachikō theo giáo sư Hidesaburō Ueno tới tận nhà ga Shibuya nơi ông đi tới nơi làm việc và chờ đón ông tại đó khi ông trở về vào cuối ngày. Thói quen đó cứ tiếp diễn cho đến ngày 21 tháng 5 năm 1925, khi Ueno đột ngột bị nhồi máu và mất ngay tại nơi làm việc. Trong các ngày sau đó, Hachikō vẫn tới nhà ga để chờ đón ông chủ, xuất hiện đúng lúc tàu vào ga. Và cứ mỗi ngày sau đó, chú vẫn đều đặn có mặt tại nhà ga trong 9 năm 9 tháng và 15 ngày cho đến khi mất.
Kabang
Kabang là một chú chó lai ở thành phố Zamboanga thuộc Philippines. Chú chó đã trở nên nổi tiếng toàn cầu với biệt danh "Chú chó anh hùng" sau khi cứu hai bé gái trong một tai nạn xe máy và đã mất phân nửa khuôn mặt của mình. Kabang bị mất hết phần mõm và hàm trên sau khi nhảy ra đường để ngăn chặn một chiếc xe máy tốc độ cao sắp lao tới đụng vào con gái và cháu gái của chủ nhân tại thành phố Zamboanga.
Koni (chó)
Koni là một cô chó giống Labrador được sở hữu bởi Tổng thống Nga Vladimir Vladimirovich Putin. Con chó được Đại tướng Sergey Kuzhugetovich Shoygu tặng cho Putin vào năm 2000. Con chó này thường thấy bên cạnh Putin, bao gồm các cuộc họp, và khi ông chào đón các lãnh đạo thế giới đến thăm Nga.
Batyr
Batyr là một con voi châu Á được tuyên bố là có thể sử dụng một số cụm từ của con người. Sống trong một sở thú ở Kazakhstan thuộc Liên Xô, Batyr được cho rằng là có vốn từ vựng hơn 20 cụm từ. Một bản ghi âm "lời nói" của Batyr cho thấy nó có thể phát âm các cụm "Batyr tốt", tên của nó và sử dụng các từ như "uống" và "cho". Đoạn ghi âm này đã được phát trên đài phát thanh nhà nước Kazakhstan và trên Đài phát thanh - truyền hình Trung ương Liên Xô - Vremya vào năm 1980.
Gita (voi)
Gita là một con voi châu Á thuộc giống cái, đã chết tại Sở thú Los Angeles vào ngày 10 tháng 6 năm 2006, khi nó được 48 tuổi. Cái chết của Gita đã khiến hàng chục nhà hoạt động vì quyền động vật, bao gồm cả tổ chức Bảo vệ Động vật, buộc tội sở thú bỏ bê và gây nguy hiểm cho động vật của mình bằng cách giam giữ chúng trong các điều kiện sống không thỏa đáng, và gây ra cuộc tranh luận kéo dài nhiều năm trong chính quyền thành phố về đạo đức giữ voi tại sở thú.
Gabi (voi)
Gabi là con voi đầu tiên được thụ thai ở Israel thông qua phương pháp thụ tinh nhân tạo. Ca sinh kéo dài 6 giờ của nó được hơn 350.000 người từ 108 quốc gia xem trực tiếp trên trang web của Sở thú Kinh thánh Jerusalem, là tổ chức điều phối việc mang thai và sinh nở thông qua chương trình thụ tinh nhân tạo ở voi.
Isilo (voi)
Isilo là một trong những con voi châu Phi lớn nhất ở Nam Phi và là động vật có ngà lớn nhất ở nam bán cầu trước khi chết. Con voi đực này nổi tiếng về cặp ngà dài và nặng hơn 100 pounds. Mặc dù Isilo chết vì những nguyên nhân tự nhiên vì lý do tuổi tác, nhưng cái chết của nó đã thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế vì cặp ngà của Isilo, vốn được coi là cổ vật Di sản Quốc gia, đã biến mất khi phát hiện ra xác của nó.
Jumbo
Jumbo là một con voi đồng cỏ châu Phi thế kỷ 19 sinh ra ở Sudan. Jumbo được xuất khẩu sang Vườn bách thảo Paris, một sở thú ở Paris, và sau đó được chuyển vào năm 1865 đến Sở thú Luân Đôn ở Anh. Bất chấp sự phản đối của công chúng, Jumbo đã bị bán cho P. T. Barnum, người đã đưa nó đến Hoa Kỳ để triển lãm vào tháng 3 năm 1882.
Muja (cá sấu)
Muja là một con cá sấu Mỹ tại sở thú Belgrade ở Serbia, là cá sấu sống thọ nhất trên thế giới. Vào năm 2007, nó trở thành cá sấu Mỹ sống thọ nhất thế giới bị giam cầm khi một con cá sấu khác là Čabulītis chết tại Sở thú Riga ở Latvia.
Cá sấu Gustave
Gustave là một con cá sấu sông Nile đực ở Burundi. Nó nổi tiếng qua hàng loạt vụ giết người, và đồn rằng nó đã giết hơn 300 người bên bờ sông Ruzizi và bờ bắc của hồ Tanganyika. Mặc dù các thông số rất khó để xác định nhưng nó đã trở thành huyền thoại và là nỗi khiếp sợ của người dân trong vùng.
Saturn (cá sấu mõm ngắn Mỹ)
Saturn là một con cá sấu mõm ngắn Mỹ cư trú trong Sở thú Moskva. Nó là chủ đề của một truyền thuyết đô thị, kể rằng trước đây nó là cá sấu thú cưng của Adolf Hitler.
Mandarin Patinkin
Mandarin Patinkin là một con uyên ương trống được nhìn thấy tại ao trong Công viên Trung tâm Thành phố New York bắt đầu vào cuối năm 2018. Vẻ ngoài sặc sỡ của nó, tương phản với uyên ương bản địa, kết hợp với sự hiện diện của nó nằm ngoài phạm vi bản địa của loài này ở Đông Á, dẫn đến sự chú ý của truyền thông từ cuối năm 2018 đến năm 2019.