Cổng thông tin:Chăm Pa/Địa danh/Lưu trữ/0
Vijaya
là kinh đô của Chăm Pa trong thời kỳ quốc hiệu Chiêm Thành.
Sau khi kinh đô cũ Indrapura bị quân đội Lê Hoàn của Đại Cồ Việt tấn công và phá hủy năm 982. Triều đình Chăm Pa lánh nạn vào phương Nam. Lưu Kế Tông, một vị tướng của Lê Hoàn đã ở lại và cai trị khu vực bắc Chăm từ Quảng Bình vào Quảng Nam ngày nay.
Ở phía Nam, người Chăm đã tôn một vị lãnh đạo của mình lên ngôi với tên hiệu là Harivarman II vào năm 988. Ông đã cho xây dựng Vijaya là quốc đô của mình. Sau cái chết của Lưu Kế Tông, người Việt rút lui khỏi vùng đất phía bắc, Harivarman II đã lấy lại và dời đô và kinh đô cũ Indrapura, tuy nhiên tới khoảng năm 999 vị vua kế tiếp là Sri Vijaya Yangkupu đã vĩnh viễn dời đô về Vijaya. Việc dời đô về Vijaya được Tống sử ghi lại khi đoàn sứ thần của Chăm Pa tới nhà Tống vào năm 1005.
Kandapurpura
là một trong hai kinh đô của nước Lâm Ấp. Kandapurpura được xây dựng và sử dụng trong khoảng 1 thế kỷ từ đầu thế kỷ 4 đến cuối thế kỷ 4 trong thời kỳ Phật giáo tiểu thừa và Ấn Độ giáo ảnh hưởng nhiều tới Lâm Ấp.
Thành đô này được người Chăm xây dựng vào thời vua Phạm Duật với sự góp phần của Phạm Văn vào đầu thế kỷ 4, sau khi chiếm được miền bắc.
Sau các cuộc tấn công từ Giao Châu bởi Ôn Phóng Chi, thứ sử Giao Châu, Lâm Ấp đã phải dời đô về vùng Trà Kiệu với tên gọi kinh đô mới là Simhapura, tuy nhiên các triều đại Chăm Pa sau này vẫn sử dụng thành Kandapurpura như là một trong những trọng trấn ở miền Bắc
Simhapura
là kinh đô của Chăm Pa thời kỳ Lâm Ấp. Sau các cuộc tấn công từ Giao Châu bởi các thứ sử Ôn Phóng Chi, Giao Tuấn, kinh đô Kandapurpura bị phá hủy. Lâm Ấp chuyển đô vào khu vực Trà Kiệu lập kinh đô mới với tên gọi Simhapura vào khoảng cuối thế kỷ 4 đầu thế kỷ 5.
Sinhapura nằm gần thánh địa Mỹ Sơn, mặc dù từ trước đó Mỹ Sơn đã được người Chăm sử dụng làm thánh địa, nhưng mãi tới khi kinh đô chuyển về nam gần đó thì họ mới đẩy mạnh việc xây dựng đền tháp thờ phụng các vị thần của Ấn Độ giáo.
Virapura
là kinh đô của Chăm Pa giai đoạn 757 - 875. Là thủ đô của Chăm Pa trong một thời gian tương đối ngắn khoảng 100 năm nên không có nhiều ghi chép lại về kinh đô này, các khảo cổ cũng chưa khai quật được dấu tích chắc chắn về đặc điểm và vị trí của kinh đô, vị trí hiện nay được phỏng đoán là nằm ở phía nam Phan Rang, quanh khu vực thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Bia ký cho biết kinh thành Virapura bị người Java tấn công và tàn phá vào năm 787, sau khi họ đã tấn công và tàn phá thánh địa tôn giáo ở Po Nagar trước đó vào năm 774.
Indrapura
là một thành quốc tồn tại trong giai đoạn 657 - 1471, đồng thời giữ vai trò kinh đô Champa suốt thời kỳ 875 - 982. Đây cũng là thời kỳ ảnh hưởng Phật giáo đại thừa ảnh hưởng mạnh vào vương triều này cũng như tinh thần của xã hội Chăm Pa. Phật giáo gần như trở thành tôn giáo chính của cả vương triều. Chính do lòng tin và thành kính đối với đức Phật mà ngay từ vị vua đầu tiên đã cho xây dựng cả một tu viện Phật giáo rộng lớn ngay kinh thành, được đánh giá là tu viện phật giáo lớn nhất Đông Nam Á thời đó.
Panduranga
là một tiểu quốc tồn tại trong giai đoạn 757 - 1832, tương ứng khu vực hiện nay là Ninh Thuận và Bình Thuận. Panduranga được biết đến là xứ Champa có cương vực rộng nhất và tồn tại sau cùng, khi vương quốc Chămpa bị người Việt triệt phá vào các năm 1471 và 1653.