Bước tới nội dung

Cổng thông tin:Đức/Nhân vật tiêu biểu

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Adolf Hitler

Adolf Hitler (20 tháng 4 năm 1889 – 30 tháng 4 năm 1945) là một chính khách người Đức, nhà độc tài của nước Đức trong giai đoạn 1933–1945. Tiến tới quyền lực với tư cách là chủ tịch Đảng Quốc Xã (NSDAP), Hitler trở thành thủ tướng vào năm 1933 và sau đó là Führer (lãnh tụ) vào năm 1934. Dưới sự lãnh đạo của Hitler, nền kinh tế quốc gia phục hồi nhanh chóng sau cuộc Đại khủng hoảng, những hạn chế mà Hòa ước Versailles áp đặt lên nước Đức giai đoạn hậu Chiến tranh thế giới thứ nhất từng bước được bãi bỏ, các vùng lãnh thổ có hàng triệu người dân tộc Đức sinh sống lần lượt được sáp nhập. Ngày 1 tháng 9 năm 1939, Hitler tiến hành xâm lược Ba Lan, dẫn tới sự bùng nổ của Chiến tranh thế giới thứ hai tại châu Âu. Xuyên suốt cuộc chiến, ông trực tiếp tham gia chỉ đạo các hoạt động quân sự của Wehrmacht, đồng thời thúc đẩy một cách có hệ thống quá trình diệt chủng khoảng 6 triệu người Do Thái châu Âu và hàng triệu nạn nhân khác mà Đức Quốc Xã xem là "không xứng đáng được tồn tại". [ Đọc tiếp ]


Anne Frank

Anne Franknhà văntác giả hồi ký người Đức gốc Do Thái. Cô là một trong những nạn nhân người Do Thái được biết đến nhiều nhất trong cuộc tàn sát Holocaust. Tác phẩm Nhật ký Anne Frank, ghi chép lại cuộc đời của cô trong khi ẩn náu lúc Wehrmacht chiếm đóng thời Chiến tranh thế giới thứ hai, là một trong những quyển sách nổi tiếng nhất thế giới, tạo cảm hứng cho nhiều vở diễn và tác phẩm điện ảnh sau này. Sinh ra tại Frankfurt am Main, Anne lớn lên gần Amsterdam, Hà Lan. Sau khi Adolf Hitler lên nắm quyền vào tháng 1 năm 1933, gia đình Anne Frank rời Frankfurt đến Amsterdam cuối năm 1933 để thoát khỏi sự truy đuổi của Đức Quốc Xã. Vào năm 1941, cô bị tước tư cách công dân Đức và trở thành người không quốc tịch. Từ tháng 7 năm 1942, họ ẩn náu trong những căn phòng được ngụy trang, khi đó Anne 13 tuổi. Sau 2 năm, do bị chỉ điểm, gia đình Anne bị phát hiện và đưa tới trại tập trung của Đức Quốc Xã. [ Đọc tiếp ]


Friedrich III, Hoàng đế Đức

Friedrich III (18 tháng 10 năm 1831 – 15 tháng 6 năm 1888) là Hoàng đế Đức và là Vua của Phổ trong khoảng ba tháng (99 ngày) từ tháng 3 đến tháng 6 năm 1888. Ông là con trai duy nhất của Hoàng đế Wilhelm I. Mặc dù được tôn vinh khi còn trẻ vì khả năng lãnh đạo và thành công trong các cuộc chiến tranh Schleswig lần hai, Áo-PhổPháp-Phổ, ông căm thù chiến tranh. Bất chấp nền tảng gia đình quân phiệt bảo thủ, Friedrich lại phát triển khuynh hướng tự do. Khi lên làm Thái tử, ông thường phản đối Thủ tướng Đức bảo thủ Otto von Bismarck, đặc biệt phản đối chính sách thống nhất nước Đức thông qua vũ lực của Bismarck, và kêu gọi kìm hãm quyền lực của thủ tướng. Những người theo chủ nghĩa tự do ở cả Đức và Anh đều hy vọng rằng Friedrich sẽ tiến tới tự do hóa Đế chế Đức. Khi Wilhelm qua đời ở tuổi chín mươi vào ngày 9 tháng 3 năm 1888, ngai vàng được trao cho Friedrich, sau đó Friedrich là Thái tử Đức mười bảy năm và Thái tử của Phổ hai mươi bảy năm. [ Đọc tiếp ]


Johannes Kepler

Johannes Kepler (27 tháng 12 năm 1571 – 15 tháng 11 năm 1630) là một nhà toán học, thiên văn họcchiêm tinh học người Đức. Là một trong những đại diện của cuộc cách mạng khoa học thế kỷ 17, Kepler được biết đến nhiều nhất bởi các định luật về chuyển động thiên thể mang tên ông do các nhà thiên văn học thiết lập dựa trên những công trình của ông như Astronomia nova, Harmonice Mundi và cuốn Thiên văn học Copernicus giản lược. Khởi đầu sự nghiệp, Kepler từng là một giáo viên Toán ở chủng viện Graz trước khi làm trợ tá cho nhà Thiên văn Tycho Brahe, và cuối cùng trở thành nhà Thiên văn học triều đình cho Hoàng đế La Mã Thần thánh Rudolf II và sau đó là các hoàng đế kế vị MatthiasFerdinand II. Trong những năm biến động cuối đời, ông dạy toán ở Linz và là cố vấn cho Albrecht von Wallenstein. Được biết đến chủ yếu ngày nay vì những nghiên cứu thiên văn học, ông còn có những công trình quan trọng trong lĩnh vực quang học, phát minh ra một mẫu kính viễn vọng phản xạ (Kính viễn vọng Kepler) và thảo luận về những khám phá bằng kính viễn vọng của Galileo Galilei. [ Đọc tiếp ]


Emmy Noether

Emmy Noether (23 tháng 3 năm 1882 – 14 tháng 4 năm 1935), là nhà toán học người Đức gốc Do Thái nổi tiếng vì những đóng góp nền tảng và đột phá trong lĩnh vực đại số trừu tượngvật lý lý thuyết. Được Pavel Alexandrov, Albert Einstein, Jean Dieudonné, Hermann Weyl, Norbert Wiener và những người khác miêu tả là một trong những nhà nữ toán học quan trọng nhất trong lịch sử toán học, bà đã làm nên cuộc cách mạng trong lý thuyết vành, trường, và đại số trên một trường. Trong vật lý học, định lý Noether giải thích mối liên hệ sâu sắc giữa tính đối xứng và các định luật bảo toàn. Các công trình toán học của Noether được chia thành ba "kỷ nguyên" chính. Trong giai đoạn đầu (1908–1919), bà có những đóng góp quan trọng cho lý thuyết các bất biến đại số và trường số. Trong kỷ nguyên thứ hai (1920–1926), Noether phát triển lý thuyết iđêan trong vành giao hoán trở thành một công cụ mạnh với ứng dụng rộng rãi trên nhiều lĩnh vực. Trong kỷ nguyên thứ ba (1927–1935), bà công bố chủ yếu các công trình trong đại số không giao hoán và số siêu phức cũng như thống nhất lý thuyết biểu diễn nhóm với lý thuyết mô đun và iđêan. [ Đọc tiếp ]


Max Weber

Max Weber (21 tháng 4 năm 1864 – 14 tháng 6 năm 1920) là một nhà xã hội học, nhà sử học, nhà luật học và nhà kinh tế chính trị người Đức, được coi là một trong những nhà lý thuyết quan trọng nhất về sự phát triển của xã hội phương Tây hiện đại. Ý tưởng của ông đã ảnh hưởng sâu sắc đến lý thuyết và nghiên cứu xã hội. Mặc dù được công nhận là một trong những cha đẻ của xã hội học, Weber chưa bao giờ thừa nhận mình là một nhà xã hội học mà là một nhà sử học. Khác với Émile Durkheim, Weber không tin vào những lời giải thích đơn nguyên mà đề xuất rằng đối với bất kỳ kết quả nào cũng có thể có nhiều nguyên nhân. Do đó, ông là người đề xướng phương pháp luận chống chủ nghĩa thực chứng, lập luận cho việc nghiên cứu hành động xã hội thông qua các phương pháp diễn giải (chứ không phải theo chủ nghĩa kinh nghiệm), dựa trên sự hiểu biết về mục đích và ý nghĩa của các cá nhân gắn với hành động của chính họ. [ Đọc tiếp ]


Erich von Manstein

Erich von Manstein (24 tháng 11 năm 1887 – 10 tháng 7 năm 1973) là một chỉ huy cấp cao của quân đội Đức thời Đệ tam Đế chế. Ông được thăng đến cấp hàm Thống chế trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Theo nhận định của B. H. Liddell Hart – một chiến lược gia quân sự có tên tuổi người Anh, Manstein là vị tướng giỏi nhất Đức Quốc xã. Khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ tháng 9 năm 1939, ông làm Tham mưu trưởng Cụm Tập đoàn quân Nam, cùng Tư lệnh Gerd von Rundstedt đem quân vào chiếm Ba Lan. Ông còn là tác giả chính của kế hoạch chinh phục Pháp và Tây Âu năm 1940. Phán đoán rằng quân Đồng Minh sẽ phản ứng mạnh nếu Đức chọn Hà Lan làm hướng tấn công chính, Manstein đề xuất cho mũi chủ công xuyên qua Ardennes – nơi Đồng Minh coi là "bất khả xâm phạm" – rồi thọc sâu về eo biển Anh, cô lập quân chủ lực của Anh-Pháp tại Bỉ và Flanders. [ Đọc tiếp ]


Albert Einstein

Albert Einstein (14 tháng 3 năm 1879 – 18 tháng 4 năm 1955) là một nhà vật lý lý thuyết người Đức, được công nhận là một trong những nhà vật lý vĩ đại nhất mọi thời đại, người đã phát triển thuyết tương đối tổng quát, một trong hai trụ cột của vật lý hiện đại (trụ cột còn lại là cơ học lượng tử). Mặc dù được biết đến nhiều nhất qua phương trình về sự tương đương khối lượng-năng lượng được xem là "phương trình nổi tiếng nhất thế giới", ông lại được trao Giải Nobel Vật lý năm 1921 "cho những cống hiến của ông đối với vật lý lý thuyết, và đặc biệt cho sự khám phá ra định luật của hiệu ứng quang điện". Công trình về hiệu ứng quang điện của ông mang tính bước ngoặt khai sinh ra lý thuyết lượng tử. Khi bắt đầu sự nghiệp của mình, Einstein đã nhận ra cơ học Newton không còn có thể thống nhất các định luật của cơ học cổ điển với các định luật của trường điện từ. Từ đó ông phát triển thuyết tương đối đặc biệt với các bài báo đăng trong năm 1905. Tuy nhiên, ông nhận thấy nguyên lý tương đối có thể mở rộng cho cả trường hấp dẫn, và điều này dẫn đến sự ra đời của lý thuyết về hấp dẫn trong năm 1916. [ Đọc tiếp ]


Angela Merkel

Angela Merkel (sinh tại Hamburg, Đức ngày 17 tháng 7 năm 1954) là Thủ tướng Đức từ năm 2005 đến năm 2021. Trong cương vị chủ tịch Đảng Liên minh Dân chủ Kitô giáo (CDU), Merkel thành lập chính phủ liên hiệp với Đảng anh em, Liên minh Xã hội Kitô giáo Bayern (CSU) và Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD), sau những cuộc đàm phán kéo dài hai tháng nối tiếp cuộc bầu cử liên bang năm 2005. Merkel, trúng cử vào Quốc hội Đức từ bang Mecklenburg-Vorpommern, là chủ tịch Đảng CDU từ năm 2000, chủ tịch nhóm Đảng CDU-CSU tại quốc hội từ năm 2002 đến năm 2005. Bà là phụ nữ đầu tiên đảm nhận chức vụ Thủ tướng Đức, cũng là công dân đầu tiên của Cộng hoà Dân chủ Đức vươn đến vị trí lãnh đạo nước Đức thống nhất, và là phụ nữ đầu tiên lãnh đạo nước Đức kể từ khi xứ sở này trở thành một quốc gia hiện đại năm 1871. Tính đến năm 2006, bà còn là thủ tướng trẻ tuổi nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Theo bình chọn của tạp chí Forbes năm 2006, Angela Merkel đứng đầu danh sách 100 phụ nữ nhiều quyền lực nhất thế giới và liên tục giữ vị trí này trong mười ba năm kế tiếp. [ Đọc tiếp ]

Immanuel Kant

Immanuel Kant (1724 –1804) là một triết gia người Đức có ảnh hưởng lớn đến Kỷ nguyên Khai sáng. Ông được cho là một trong những nhà triết học có ảnh hưởng nhất từ trước đến nay. Theo quan điểm của ông, tâm trí tạo hình và cấu tạo nên kinh nghiệm, trong đó toàn bộ kinh nghiệm của con người đều chia sẻ các đặc điểm cấu trúc nhất định. Một trong những tác phẩm nổi bật nhất của ông, Phê phán Lý tính Thuần túy (1781; tái bản lần 2 năm 1787), ông đề ra một giả thuyết tương đồng với Cách mạng Copernic trong đó nói rằng các sự vật trên thế giới có thể bị kích thích thông qua một tiên nghiệm ('trước đó'), và rằng do đó trực giác độc lập với thực tế khách quan. Kant tin rằng lý trí cũng là nguồn gốc của đạo đức, và mỹ học nổi lên từ một nhánh của phê phán không vụ lợi. Quan điểm của Kant tiếp tục ảnh hưởng lớn mỹ học hậu hiện đại. Ông cố gắng giải thích mối quan hệ giữa lý trí và kinh nghiệm của con người và đã vượt ra khỏi những sai lầm của triết học và siêu hình học truyền thống. [ Đọc tiếp ]