Bước tới nội dung

Cánh cung

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Cánh cung
Album phòng thu của Đỗ Bảo
Phát hànhCuối tháng 8 – đầu tháng 9 năm 2004
Thu âm2003–2004
Phòng thu
  • Hồ Gươm Audio và phòng thu cá nhân tại nhà riêng của nhạc sĩ Đỗ Bảo, Hà Nội
  • Phòng thu cá nhân tại nhà riêng của ca sĩ Trần Thu Hà, California, Hoa Kỳ
Thể loại
Thời lượng64:29
Hãng đĩaViết Tân
Sản xuấtĐỗ Bảo
Thứ tự album của Đỗ Bảo
Cánh cung
(2004)
Thời gian để yêu
(2008)

Cánh cung (hay Cánh cung 1) là album phòng thu đầu tay của nhạc sĩ Đỗ Bảo, phát hành vào cuối tháng 8 – đầu tháng 9 năm 2004 bởi Viết Tân. Đây là album tuyển chọn, chính thức đưa Đỗ Bảo tới với cộng đồng người nghe nhạc và giới chuyên môn qua một sản phẩm cá nhân chất lượng.[3] Album là kết quả quá trình tìm tòi và đúc kết kinh nghiệm sáng tác bên cạnh những chủ đề cuộc sống của bản thân Đỗ Bảo khi từ trước đó, anh đã sớm được nhìn nhận là một nhạc sĩ phối khí thành công.

Trực tiếp Đỗ Bảo sáng tác và hòa âm phối khí toàn bộ 11 ca khúc của album. Hồ Quỳnh Hương, Tấn Minh, Ngọc Anh, Khánh Linh, Minh Anh, Minh Ánh, Lê HiếuTrần Thu Hà là những ca sĩ tham gia trình bày các ca khúc trên. Song song với nhạc pop thương hiệu, Đỗ Bảo cũng thử nghiệm nhiều phong cách mới, bao gồm cả dân gian đương đại,[4] jazz, acoustic, funkNew Age.[5]

Cánh cung được khán giả và giới chuyên môn ủng hộ nhiệt liệt và được coi là một trong những album xuất sắc nhất của âm nhạc Việt Nam năm 2004.[4] Tới cuối năm 2004, album được đề cử "Album của năm" tại Giải thưởng Âm nhạc tiền Cống hiến, và bản thân Đỗ Bảo cũng có tên trong đề cử "Nhạc sĩ của năm".[6] Thành công của album góp phần xây dựng vững chắc tên tuổi của Đỗ Bảo, đưa anh trở thành một trong những nhạc sĩ được ưa thích nhất trong cộng đồng âm nhạc Việt Nam.[5][7]

Cánh cung cũng chính là sản phẩm mở đầu trong chuỗi 3 album sự nghiệp của Đỗ Bảo, cùng với Thời gian để yêu (2008) và Chuyện của mặt trời – Chuyện của chúng ta (2013). Album cũng trở thành một phần trong liveshow Cánh cung – Đỗ Bảo – Live in Hanoi diễn ra tối ngày 8 tháng 12 năm 2013 tại Cung Văn hóa hữu nghị Hà Nội kỷ niệm 20 năm sáng tác của cá nhân nhạc sĩ Đỗ Bảo.[8][9]

Hoàn cảnh ra đời

[sửa | sửa mã nguồn]

Đỗ Bảo từ giữa những năm 1990 đã được biết tới là một nhạc công keyboard và một nhạc sĩ trẻ có tiếng tăm ở Hà Nội. Năm 1993, anh đã lập nên ban nhạc Sao Mai gồm các sinh viên trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội, tham gia nhiều chương trình lớn nhỏ khắp nơi trong cả nước, tạo được tiếng vang nhất định trong lòng cộng đồng nghe nhạc.[10] Tuy nhiên, tên tuổi của Đỗ Bảo chỉ trở nên nổi bật khi anh phụ trách hòa âm phối khí cho album Nhật thực (2002) và chương trình theo kèm của nhạc sĩ Ngọc Đại và ca sĩ Trần Thu Hà khi anh mới chỉ là sinh viên năm thứ 3 khoa sáng tác của Nhạc viện Hà Nội.[11] Album cùng chương trình sau đó được bình chọn là sự kiện văn hóa tiêu biểu của năm 2002,[12][13] một hiện tượng đặc biệt thay đổi hoàn toàn phong cách âm nhạc cũng như nghệ thuật trình diễn.[14] Thành công vang dội của Nhật thực[15][16] và những đánh giá tích cực dành cho Nhật thực 2 (2003) đã thôi thúc Đỗ Bảo quyết tâm thực hiện một sản phẩm riêng với những sáng tác hoàn toàn cá nhân[17] với những ca khúc phản ánh "cuộc sống thật của tôi, không có sự bịa đặt", anh nói.[1]

Toàn bộ album được Đỗ Bảo thực hiện trong quãng thời gian gần 2 năm, song song với các hoạt động âm nhạc khác của nhạc sĩ.[18] Trần Thu Hà mong muốn trực tiếp trình bày tất cả các ca khúc của album, song nhạc sĩ đã từ chối.[19]

Nhan đề album Cánh cung được Đỗ Bảo lựa chọn nhằm thể hiện "sự bứt phá như một mũi tên".[2][4][20] Bản thân anh cũng quan niệm album này như một sự cố gắng hoàn thiện giấc mơ sự nghiệp:

Thành công của tôi có một nửa là sự cố gắng, nửa kia là do may mắn. Một mũi tên dù có sắc đến đâu cũng không thể tự nhiên bay được. Nó bay xa nhờ sức đẩy của "Cánh cung". "Cánh cung" như đời sống của tôi. Gia đình, bạn bè đã cho tôi sức đẩy để bay lên. Thành công không thể đến nếu không có sự hỗ trợ.

— Đỗ Bảo[18]

Phần bìa đĩa được thiết kế và đồ họa bởi họa sĩ Dzung Yoko – người bạn thân và cũng là người sau này thiết kế bìa đĩa cho các album mà Đỗ Bảo trực tiếp tham gia hòa âm phối khí và sản xuất.[21] Trước khi phát hành, Cánh cung được chỉnh âm bởi nghệ sĩ Việt kiều Nguyễn Nhất Lý trong vòng 1 tuần tại một khách sạn ở thành phố Hồ Chí Minh nhân chuyến công tác về Việt Nam của nghệ sĩ này và cũng nhân chuyến công tác của Đỗ Bảo tại đây.

Sáng tác

[sửa | sửa mã nguồn]
"Rất nhiều người hỏi tôi về "Bức thư tình đầu tiên" nhưng khi anh Bảo viết ca khúc này, hai chúng tôi chưa quen nhau. Bài hát đó dành tặng cho người bạn gái của anh – họ là bạn. Còn "Bức thư tình thứ hai" anh Bảo sáng tác nhân dịp lần đầu tiên hai người gặp nhau tại khi cùng tham gia một chương trình văn hóa nghệ thuật."[16]

— MC Thanh Vân

"Ngày tháng mong chờ" được Tam ca 3A trình bày rất thành công từ chuỗi chương trình Làn sóng xanh (1998). Đây cũng chính là sáng tác đầu tiên của Đỗ Bảo được biểu diễn trên một sân khấu lớn. Thực hiện Cánh cung, bộ đôi Minh Anh và Minh Ánh của Tam ca 3A được anh gửi lời mời để trình bày lại ca khúc trên để đưa vào album.[14] "Bài hát cho em" là ca khúc đầu tiên của Đỗ Bảo được giới thiệu tới công chúng qua giọng hát của ca sĩ Trần Thu Hà[22] tại chương trình Gala 2000, nay được đưa vào album với sự thể hiện của ca sĩ Khánh Linh.[14] Cánh cung cũng là lần đầu tiên ca sĩ Tấn Minh được cộng tác với Đỗ Bảo. 2 ca khúc mà anh trình bày trong album, "Bức thư tình đầu tiên" và "Cỏ mềm", đều sau này trở thành những ca khúc thương hiệu của cá nhân ca sĩ.[23] Rất bất ngờ rằng ca khúc nổi tiếng của Đỗ Bảo trong thời gian này là "Cánh buồm đỏ thắm" lại không được anh đưa vào album.[14] Ngoài ra, "Chuyện đêm khuya"[24] và đặc biệt ca khúc "Đường trung dung" mà anh lấy ý tưởng từ "triết học của Lão Tử về sự trung dung, ôn hòa giữa con người với vạn vật" cũng không được lựa chọn vì quá khó nghe. Trong số 11 ca khúc, Hồ Quỳnh Hương, Khánh Linh, Trần Thu Hà, Tấn Minh mỗi người trình bày 2 bài, ca sĩ Ngọc Anh thể hiện "Anh đã khác xưa" còn Lê Hiếu trình bày ca khúc tiêu đề. Quá trình thu âm được hoàn thiện sớm trong đầu năm 2004 với sự hỗ trợ của nhạc sĩ Ngọc Châu, phần chỉnh âm và biên tập CD được toàn bộ ê-kíp thực hiện kéo dài sau nhiều tháng sau đó.[17] Do khoảng cách lớn về địa lý và thời gian, những ca khúc do Trần Thu Hà trình bày đều được thu âm tại phòng thu cá nhân của cô tại Mỹ, trước khi được gửi về biên tập bởi ê-kíp của nhạc sĩ. Một số thành viên chơi nhạc trong ban nhạc Sao Mai của Đỗ Bảo trực tiếp tham gia thu âm phần đệm cho album.

"Bức thư tình đầu tiên" sớm được phát hành vào đầu năm 2004 như bản demo giới thiệu album.[17] Khác với Nhật thực mà anh thừa nhận chịu ảnh hưởng ít nhiều từ nhạc sĩ Ngọc Đại, Đỗ Bảo muốn xây dựng một hình ảnh, một phong cách cá nhân với Cánh cung khi chọn pop là chủ đạo, pha trộn với những phong cách và giai điệu thế mạnh của mình từ jazz và New Age.[11] Trực tiếp Đỗ Bảo thiết kế nội dung và thứ tự các ca khúc.[18] Nói về sản phẩm cá nhân đầu tay, anh giải thích:

Tôi làm CD này không phải nhằm đưa mình đứng về phía những tuyên ngôn nghệ thuật mà đơn giản là tâm niệm trong suốt sự nghiệp sáng tạo của tôi – một kẻ may mắn. Cánh cung của riêng tôi, là tuổi trẻ mà tôi đã và sẽ đi qua, để ngồi một mình trong ngày tương lai hoài nhớ. Nó chứa đựng sự lớn khôn của tôi, những chuyện tình nhỏ, cả những vấp váp, khuyết điểm của quãng đời trưởng thành của mình.

— Đỗ Bảo[3]

Ca từ được Đỗ Bảo đặc biệt trau chuốt và được anh coi là hạt nhân của CD: "Ca từ trong album đậm chất tâm lý Việt, đặc biệt là lứa tuổi trẻ. Trong đó có một số bài thể hiện rõ khuynh hướng Đỗ Bảo. Có thể chủ quan, nhưng nó hợp với lối sống hiện đại: nhanh nhạy và đủ sâu sắc. Tôi không muốn công chúng mất nhiều thời gian mà vẫn cảm nhận đầy đủ âm nhạc của tôi."[18] Mỗi ca khúc là một câu chuyện riêng biệt song vẫn hòa chung vào tổng thể cấu trúc album.[3] Với chủ đề chính là tình yêu và khát khao tuổi trẻ, Đỗ Bảo cũng giành nhiều cảm xúc để viết về người vợ mới cưới và những mối tình trước đó.[16][25] 2 ca khúc "Bức thư tình" trong album mở đầu cho chuỗi những ca khúc thương hiệu của Đỗ Bảo[26][27] gắn liền với tên tuổi của Hồ Quỳnh Hương và Tấn Minh, mà sau này ca khúc "Bức thư tình thứ tư" được anh đưa vào album tiếp theo của mình Thời gian để yêu (2008), trong khi "Bức thư tình thứ ba" và "Bức thư tình thứ năm" lần lượt trở thành ca khúc nhan đề trong 2 album solo của ca sĩ Tấn Minh (2006 và 2012).[28][29][30]

Danh sách ca khúc

[sửa | sửa mã nguồn]

Tất cả các ca khúc được sáng tác và biên soạn bởi Đỗ Bảo.[31]

STTNhan đềHát chínhThời lượng
1."Bức thư tình thứ hai"Hồ Quỳnh Hương5:53
2."Bài hát cho em"Khánh Linh5:33
3."Bức thư tình đầu tiên"Tấn Minh5:22
4."Điều ngọt ngào nhất"Trần Thu Hà5:52
5."Ngày cuối tuần rực rỡ"Hồ Quỳnh Hương5:40
6."Anh đã khác xưa"Ngọc Anh6:08
7."Điều hoang đường nhất"Khánh Linh4:42
8."Ngày tháng chờ mong"Minh Anh và Minh Ánh5:13
9."Cỏ mềm"Tấn Minh6:17
10."Cánh cung"Lê Hiếu7:03
11."Cầu vồng đêm mưa"Trần Thu Hà6:46

Đánh giá và đón nhận của công chúng

[sửa | sửa mã nguồn]

Cánh cung được phát hành đầu tháng 9 năm 2004 bởi hãng Viết Tân. Album nhanh chóng trở thành hiện tượng của năm 2004, bên cạnh những album xuất sắc khác như Bên bờ ao nhà mình (Ngọc Khuê), Đường xa vạn dặm (Quốc Trung), Tuấn Khanh & Friends (Tuấn Khanh),...[4] Ở tuổi 26, Đỗ Bảo là nhạc sĩ trẻ nhất có được một album cá nhân "chỉn chu và hoàn thiện".[2][32] Nhiều đánh giá và bản thân nhạc sĩ Đỗ Bảo[33] cho rằng Cánh cung thực sự là một sản phẩm liều lĩnh "khi đi ngược lại xu thế âm nhạc hiện đại, thời điểm mà giới trẻ chỉ đam mê hip hop hoặc những ca khúc thất tình, buồn thảm."[34] Cho dù được cho là "kén tai",[35] từng ca khúc của album vẫn trở thành những ca khúc được yêu mến của thính giả cũng như của giới chuyên môn.[28][36]

Họa sĩ Dzung Yoko đánh giá cao album "rõ ràng là một sự khác biệt" với nhiều "sự chênh vênh trong giai điệu". Anh cho rằng "Từ ngôn ngữ đến âm nhạc, Đỗ Bảo đã thể hiện ngay tâm thế của một chàng trai trẻ rất nhạy cảm với cuộc sống đương thời... Cái nhìn của Bảo luôn hướng về phía trước", đặc biệt anh nhấn mạnh góc nhìn của tác giả là của "một cậu thanh niên trẻ thành thị", thể hiện rõ nét "sự trăn trở của rất nhiều người trong thế hệ chúng tôi."[21]

"Sau "Bức thư tình đầu tiên", cuộc sống và sự nghiệp của tôi sang một trang mới... Có thể tôi không hát nhiều ca khúc của cậu ấy,... nhưng đó đều là những bài tôi thật sự tâm đắc."[23]

— Tấn Minh, 2012

Báo điện tử VnExpress viết: "Đỗ Bảo chọn bài hát cho album của mình theo các tiêu chí, đầu tiên là lời ca phải dễ hiểu, dựa trên ý tưởng không xáo mòn, sau đó là giai điệu đẹp và không quá trúc trắc, âm nhạc càng có âm điệu gạn lọc từ dân gian càng tốt, quan trọng nhất nó phải thật tự nhiên, không hề gượng ép. Phần hoà âm và hình thức tác phẩm hài hòa với nội dung."[3] Nói về album này trong dịp thực hiện Chuyện của mặt trời – Chuyện của chúng ta (2013), Trần Thu Hà nhận xét: "Cánh Cung 1 gần 10 năm trước có những bài rất hay, có bài khá... gượng gạo. Bảo viết nhạc già hơn tuổi, tuy thế, có những điều phải qua thời gian xây đắp."[32]

Thành công của album trực tiếp góp phần giúp Đỗ Bảo xây dựng nên thương hiệu "Bảo pop"[2][18][37][38][39] Báo Tuổi Trẻ so sánh âm nhạc của anh với dòng Britpop tương tự là một dòng "Hanoi-pop, pop-phố-cổ êm ái, dễ nghe mà Bảo pop là một thành tố tích cực..." và đặc biệt ấn tượng với cách nhạc sĩ sử dụng ca từ để truyền tải âm nhạc.[1] Trền tờ Năng lượng mới, album được nhìn nhận đã "kết nối thành công âm nhạc của [Đỗ Bảo] đến trái tim người nghe".[14]

Được đào tạo từ môi trường kinh viện, hít thở không khí tự sự Hà Nội, Đỗ Bảo không cần quan tâm đến việc "làm khác đi" xu hướng chung của các nhạc sĩ đồng hương. Với tư cách nhà sáng tác, không thể biến mình "đồng điệu" véo von theo đám đông; giọng riêng chỉ có thể có được khi anh làm kẻ ngoại cuộc, nhìn ngắm, suy ngẫm và định danh cho sự vật, cho khái niệm bằng kinh nghiệm và vốn văn hoá của chính anh... Hoà âm bạo tay, những đoạn interlude đầy ngẫu hứng, âm sắc nhạc cụ lạ thường, là những điểm đáng ca ngợi ở Bảo. Giai điệu còn gượng ép, hồ như anh đã viết lời trước rồi bị bó vào lời. Những mắc xích nối câu, nối đoạn khá lỏng lẻo, một điểm đặc trưng của phong cách tự sự.

— Nhạc sĩ Quốc Bảo[40]

5.000 CD của album đã được bán hết trong tháng đầu tiên phát hành.[41] Tính tới tháng 1 năm 2005, Cánh cung bán được khoảng 9.000 bản.[42]

Một phần của album cũng được đưa vào liveshow Con đường âm nhạc có tên Tình bạn (2006) giới thiệu Đỗ Bảo và Ngọc Châu.[34][43][44] Tại Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến đầu tiên (còn gọi là tiền Cống hiến) tổ chức vào tháng 1 năm 2005, Cánh cung được vinh dự có tên trong đề cử hạng mục "Album của năm", còn bản thân nhạc sĩ Đỗ Bảo cũng được đề cử trong hạng mục "Nhạc sĩ của năm". Các ca khúc "Điều ngọt ngào nhất", "Bức thư tình thứ hai", "Ngày cuối tuần rực rỡ", "Cỏ mềm", "Bức thư tình đầu tiên", "Điều hoang đường nhất" được đưa vào liveshow Cánh cung – Đỗ Bảo – Live in Hanoi vào cuối năm 2013, kỷ niệm 20 năm sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ.[45]

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b c “Đỗ Bảo và pop-phố cổ”. ngày 25 tháng 9 năm 2004. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 2 năm 2016. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2015.
  2. ^ a b c d “Đỗ Bảo: 'Tôi muốn tạo nên thương hiệu Bảo pop'. ngày 17 tháng 5 năm 2004. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 11 năm 2015. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2015.
  3. ^ a b c d “Đỗ Bảo ra mắt album đầu tay 'Cánh cung'. VnExpress - Tin nhanh Việt Nam. ngày 1 tháng 9 năm 2004. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 7 tháng 4 năm 2015.
  4. ^ a b c d “Những nhạc sĩ của năm 2004”. Báo Nhân dân. ngày 31 tháng 12 năm 2004. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 4 năm 2015. Truy cập ngày 7 tháng 4 năm 2015.
  5. ^ a b “Tái bản sau 3 ngày phát hành album: Hiện tượng Đỗ Bảo - Hà Trần?”. Thể thao & Văn hóa. ngày 27 tháng 8 năm 2013. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 11 năm 2015. Truy cập ngày 7 tháng 4 năm 2015.
  6. ^ “Giải thưởng Âm nhạc tiền Cống hiến — 2005”. Thể thao & Văn hóa. ngày 6 tháng 4 năm 2013. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 4 năm 2014. Truy cập ngày 7 tháng 4 năm 2015.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  7. ^ “Nhạc sĩ Đỗ Bảo: Khép lại 'Cánh cung' – mở chặng đường mới”. Thể thao & Văn hóa cuối tuần. ngày 16 tháng 8 năm 2013. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 11 năm 2015. Truy cập ngày 7 tháng 4 năm 2015.
  8. ^ “Nhạc sĩ Đỗ Bảo và một thập kỷ Cánh Cung”. Elle Việt Nam. ngày 10 tháng 11 năm 2013. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 4 năm 2015. Truy cập ngày 7 tháng 4 năm 2015.
  9. ^ “Đỗ Bảo và đêm "Cánh cung". Báo Điện tử Tiền Phong. ngày 20 tháng 11 năm 2013. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2015.
  10. ^ “Nhạc sĩ Đỗ Bảo và đêm nhạc Cánh cung đầy cảm xúc”. VNmedia.vn. ngày 9 tháng 12 năm 2013. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 4 năm 2015. Truy cập ngày 9 tháng 4 năm 2015.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  11. ^ a b “Đỗ Bảo: 'Tôi không muốn chỉ dừng lại ở Nhật thực'. ngày 26 tháng 4 năm 2002. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 10 năm 2015. Truy cập ngày 9 tháng 4 năm 2015.
  12. ^ “Bữa trưa vui vẻ cùng Trần Thu Hà – 27/09/2014”. VTV. ngày 9 tháng 9 năm 2014. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 9 tháng 4 năm 2015.
  13. ^ “Tạp chí Âm nhạc cuối tuần — Nhạc sĩ Đỗ Bảo”. RFA. ngày 18 tháng 7 năm 2011. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 10 năm 2015. Truy cập ngày 16 tháng 4 năm 2015.
  14. ^ a b c d e "Cánh cung" của Đỗ Bảo”. Năng lượng mới. ngày 1 tháng 1 năm 2014. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 2 năm 2014. Truy cập ngày 9 tháng 4 năm 2015.
  15. ^ “Âm nhạc và chuyện của Đỗ Bảo – Hà Trần”. Phụ nữ Online. ngày 2 tháng 9 năm 2013. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 9 năm 2013. Truy cập ngày 9 tháng 4 năm 2015.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  16. ^ a b c “Đỗ Bảo và nồng nàn những bức thư tình”. vtv.vn. ngày 25 tháng 10 năm 2007. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2015. trên trang web của báo Gia đình & xã hội
  17. ^ a b c “Đỗ Bảo vượt qua chính mình bằng 'Nhật thực 2'. VnExpress - Tin nhanh Việt Nam. ngày 11 tháng 5 năm 2004. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 9 tháng 4 năm 2015.
  18. ^ a b c d e “Đỗ Bảo: 'Thế hệ sau phải có sức bật hơn thế hệ trước'. Ngoisao.net. ngày 3 tháng 9 năm 2004. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2015.
  19. ^ “Đỗ Bảo chưa nghĩ đến hiện tượng trẻ”. Báo Nông nghiệp. ngày 14 tháng 11 năm 2013. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 12 năm 2018. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2015.
  20. ^ “Điều ngọt ngào mang tên Đỗ Bảo”. Văn nghệ trẻ. ngày 16 tháng 5 năm 2014. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 4 năm 2015. Truy cập ngày 11 tháng 4 năm 2015.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  21. ^ a b Hoàng Trung. “Dũng Yoko nói về Đỗ Bảo”. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 4 năm 2015. Truy cập ngày 11 tháng 4 năm 2015. trên woodpress của nhà báo Chu Minh Vũ.
  22. ^ “Diva Hà Trần và mối quan hệ đặc biệt với nhạc sĩ Đỗ Bảo”. Năng lượng mới. ngày 10 tháng 12 năm 2013. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 7 tháng 11 năm 2015.
  23. ^ a b Thục Quyên. “Tấn Minh nói về Đỗ Bảo”. Đẹp+. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 4 năm 2015. Truy cập ngày 9 tháng 4 năm 2015. trên woodpress của nhà báo Chu Minh Vũ
  24. ^ “Nhạc sĩ Đỗ Bảo và nỗ lực tự khẳng định mình”. VnExpress - Tin nhanh Việt Nam. ngày 28 tháng 1 năm 2004. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 13 tháng 5 năm 2015.
  25. ^ “Đỗ Bảo: 'Hôn nhân không làm hỏng cảm xúc'. VnExpress - Tin nhanh Việt Nam. ngày 6 tháng 11 năm 2004. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 4 năm 2015. Truy cập ngày 9 tháng 4 năm 2015.
  26. ^ “Nhạc sĩ Đỗ Bảo: "Chưa từng viết bức thư nào cho vợ". Dân trí. ngày 13 tháng 2 năm 2012. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 4 năm 2016. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2014.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  27. ^ “Nhạc sĩ Đỗ Bảo: Phải dấn thân thôi...”. Công an nhân dân. ngày 19 tháng 12 năm 2013. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 4 năm 2015. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2015.
  28. ^ a b Bạch Vân. “Phỏng vấn Đỗ Bảo”. Đẹp+. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 4 năm 2015. Truy cập ngày 11 tháng 4 năm 2015. trên woodpress của nhà báo Chu Minh Vũ
  29. ^ “Đỗ Bảo làm liveshow kỷ niệm 20 năm sáng tác”. Hà Nội mới. ngày 29 tháng 11 năm 2013. Bản gốc lưu trữ ngày 31 tháng 1 năm 2014. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2015.
  30. ^ “Tác giả của những "bức thư tình" tôn thờ sự sáng tạo”. An ninh Thủ đô. ngày 19 tháng 2 năm 2012. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 10 năm 2019. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2015.
  31. ^ “Cánh Cung by Đỗ Bảo on Apple Music”. iTunes. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 4 năm 2023. Truy cập ngày 12 tháng 3 năm 2019.
  32. ^ a b “Hà Trần tiết lộ lý do gắn bó với Đỗ Bảo”. VietNamNet. ngày 7 tháng 8 năm 2013. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 1 năm 2015. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2015.
  33. ^ “Nhạc sĩ Đỗ Bảo: Từ "Cánh cung 3" đến liveshow đầu tiên”. Báo Điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam. ngày 15 tháng 11 năm 2013. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 6 năm 2015. Truy cập ngày 30 tháng 4 năm 2015.
  34. ^ a b “Ngọc Châu – Đỗ Bảo tỏa sáng với 'Tình bạn'. VnExpress - Tin nhanh Việt Nam. ngày 13 tháng 2 năm 2006. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 30 tháng 4 năm 2015.
  35. ^ “Thanh Lam - Hà Trần đứng đầu số phiếu bình chọn”. Tập đoàn Điện lực Hà Nội. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 4 năm 2015. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2015.
  36. ^ “Thiếu úy, nhạc sĩ Đỗ Bảo: Với âm nhạc, đường còn rất dài”. Báo điện tử Quân đội nhân dân. ngày 12 tháng 4 năm 2009. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 9 năm 2015. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2015.
  37. ^ “Nhạc sĩ Đỗ Bảo: Giờ tôi sợ cả chữ 'hit'. Thể thao & Văn hóa. ngày 6 tháng 4 năm 2014. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 6 năm 2015. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2015.
  38. ^ “Musician: Đỗ Bảo & Những bí mật chờ mang đến”. Đẹp. ngày 13 tháng 1 năm 2014. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 4 năm 2015. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2015.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  39. ^ “Tản mạn trong ngày sinh nhật của Đỗ Bảo...”. Dân trí. ngày 30 tháng 6 năm 2005. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2015.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  40. ^ “Quốc Bảo: "Đỗ Bảo rơi tõm vào đám đông". VnExpress - Tin nhanh Việt Nam. ngày 24 tháng 10 năm 2004. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 5 năm 2015. Truy cập ngày 13 tháng 5 năm 2015.
  41. ^ “Đỗ Bảo: "Tôi không thể sao chép nhạc". VnExpress - Tin nhanh Việt Nam. ngày 14 tháng 3 năm 2005. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 11 năm 2015. Truy cập ngày 13 tháng 5 năm 2015.
  42. ^ “Hôm nay nhạc sĩ Đỗ Bảo trả lời trực tuyến”. VnExpress - Tin nhanh Việt Nam. ngày 31 tháng 1 năm 2005. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 5 năm 2015. Truy cập ngày 2 tháng 5 năm 2015.
  43. ^ “Đỗ Bảo – Ngọc Châu hội ngộ trong 'Tình bạn'. VnExpress - Tin nhanh Việt Nam. ngày 7 tháng 2 năm 2006. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 6 năm 2015. Truy cập ngày 30 tháng 4 năm 2015.
  44. ^ “Đỗ Bảo và ước mơ sau 'Tình bạn'. VnExpress - Tin nhanh Việt Nam. ngày 11 tháng 2 năm 2006. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 6 năm 2015. Truy cập ngày 30 tháng 4 năm 2015.
  45. ^ “Hà Trần giấu nước mắt trong đêm nhạc "Cánh cung". Báo Điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam. ngày 9 tháng 12 năm 2013. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 4 năm 2015. Truy cập ngày 7 tháng 4 năm 2015.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]