Bước tới nội dung

Bia Võ Cạnh

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Bia Võ Cạnh
Bảo vật quốc gia số 23, đợt 2
Bia Võ Cạnh tại Bảo tàng lịch sử Quốc gia
Chất liệuSa thạch
Chiều cao320 cm
Chiều rộng110 cm
Chiều dày80 cm
Hệ chữ viếtChữ Phạn
Niên đạiKhoảng thế kỷ II - III
Thời kỳ/Văn hóaChăm Pa
Địa điểm phát hiệnlàng Võ Cạnh, Vĩnh Trung, Nha Trang
Thời điểm phát hiện1910
Hiện lưu trữ tạiBảo tàng Lịch sử Quốc gia
Số đăng kýLSb.32864[1]

Bia Võ Cạnh là tấm bia cổ nhất được tìm thấy của Vương quốc Chăm Pa[1], đồng thời cùng là tấm bia cổ nhất ở Việt Nam[2] và một trong những tấm bia cổ nhất Đông Nam Á[3]. Tấm bia được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia trong đợt thứ hai năm 2013.[4]

Nguồn gốc

[sửa | sửa mã nguồn]

Bia Võ Cạnh được phát hiện bên cạnh nền móng một công trình bằng gạch ở giữa hai làng Phú Văn (hoặc Phố Văn) và Phú Vinh, thuộc Tổng Xương Hà, Vĩnh Xương, Khánh Hòa (ngày nay là làng Võ Cạnh, xã Vĩnh Trung, Nha Trang, Khánh Hòa)[2]. Tấm bia được Viện Viễn đông Bác cổ chuyển về Bảo tàng Louis Finot (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) vào năm 1910[5], đăng ký với số hiệu B2.1; C.40[1].

Bia cao 320 cm, chiều ngang 110 cm, dày 80 cm. Hiện nay bia đã bị mòn rất nhiều, chữ khó đọc, có nhiều vết sứt nhỏ[1]. Bia là khối sa thạch hình trụ có 4 mặt, khắc chữ Brahmi trên 3 mặt, mỗi dòng khắc liền từ mặt này tới mặt kia, trong đó có 2 câu viết theo thể thơ Vasantatilaka, các câu còn lại là văn xuôi, nét khắc đã mờ. Kiểu chữ khắc trên bia giống với chữ của các bia ký Amaravati (Ấn Độ) thế kỷ 3 - 4[3].

Niên đại

[sửa | sửa mã nguồn]

Thời điểm xuất hiện của văn bia Võ Cạnh là một trong những vấn đề được các nhà nghiên cứu tìm hiểu ngay từ khi bia ký này được phát hiện, dịch thuật và nghiên cứu. Niên đại của văn bia này thường được các học giả đánh giá dựa trên đặc điểm chữ viết có trên văn bia này. Tuy nhiên, cho đến nay vấn đề này vẫn còn đặt ra nhiều tranh luận xoay quanh nguồn gốc ảnh hưởng của chữ viết trên cơ sở đó mà xác định tác giả và thời điểm mà văn bia này được viết ra. Cuộc tranh luận này bắt đầu bởi quan điểm của Bergaine, nhưng quan điểm này sau đó lại bị phê phán bởi Majumdar, rồi ngay lập tức sự phê phán này lại bị phê phán bởi K. A. N. Sastri. Cuộc tranh luận vẫn tiếp diễn sau đó bởi các nghiên cứu của Sircar, Coedes, Kalyan Kumar Sarkar, M. K. Bhattachary... Như vậy, cho đến nay, cuộc tranh luận về niên đại và nguồn gốc chữ viết trên bia Võ Cạnh của các học giả vẫn chưa ngã ngũ. Điều duy nhất mà lúc này chúng ta có thể nói chính là niên đại của bia Võ Cạnh có thể tạm xác định khoảng thế kỷ I – IV, như vậy đây là minh văn cổ nhất được tìm thấy của Champa và có thể là của Đông Nam Á[2].

Văn tự trên bia

[sửa | sửa mã nguồn]
Bản sao bia Võ Cạnh đặt tại Bảo tàng Khánh Hòa

Tấm bia được E. Aymonier kiểm tra và dập thác bản năm 1885, được A. Bergaigne mô tả và xác định niên đại năm 1888. Năm 1915, được Louis Finot kiểm tra lại trong bài tạp chí “Bia ký của Bảo tàng Hà Nội”. Bản dịch được coi là đầy đủ và chính xác nhất là bản dịch năm 1969 của Jean Filliozat. Có thể nói, người đầu tiên nghiên cứu nội dung của minh văn trên bia Võ Cạnh là A.Bergaigne, qua hai bản dập A và B. Ông Bergaigne cho rằng toàn văn bài minh là văn xuôi. Sau đó, người nghiên cứu tiếp theo là ông Louis Finot, nhận định một phần bài minh được viết bằng văn vần, niêm luật theo lối thơ Vasantalilaka. L. Finot chho rằng: theo niêm luật thơ vansantalilaka, những chỗ sang dòng ở dòng thứ 8, 9, 10, 11 là đánh dấu sự chấm dứt một nửa của câu thơ về loại hình thơ này. Trong các vế sau thì niêm luật của bài minh không còn phù hợp với loại hình thơ này nữa[3].

Nhà nghiên cứu Claude Jacques cho rằng ông Finot đã bỏ qua sự lưu ý của ông Bergaigne. Claude Jacques dựa trên hiểu biết của mình về niêm luật thơ cổ cũng như tính toán về mặt lý thuyết đã cho rằng bài minh văn hẳn phải được khắc trên 3 mặt của tấm bia trong đó có 21 vần thiếu ở đoạn dưới và 30 vần thiếu ở đoạn trên. Sự khuyết thiếu này gây ra những khó khăn trong thấu hiểu trọn vẹn ý nghĩa của bài minh, tuy vậy cũng có thể biết được trong đó có những đoạn được viết bằng văn xuôi, có những đoạn được viết theo niêm luật thơ cổ sardulavukridita. Việc căn cứ vào niêm luật thơ, kết hợp với diện tích mặt bia để ước lượng số chữ tương xứng thực tế đã mất trên mặt bia[3].

Cách thức trên đã được đưa vào tính toán, và thu được kết quả. Từ suy luận về việc ngắt dòng và nghỉ hơi giữa các dòng, đã xác định được 21 vần thiếu ở đoạn dưới và 30 vần thiếu ở đoạn trên, đây là một sự chênh lệch tương đối lớn giữa chỗ thiếu ở hai đoạn. Tuy nhiên, tảng đá rõ ràng được đẽo không đều đặn, khắc chữ rộng dưới, hẹp trên. Diện tích thật của mặt bia (theo số liệu của L. Finot) là 1,53 x 0,72 x 0,67 m, không được đẽo trơn tru, mặt càng phía trên càng nhỏ đi. Dựa trên các dữ liệu phân tích và suy luận kích thước, khó lòng có thể nghĩ tấm bia được khắc trên cả bốn mặt, nhưng cũng không thể cho rằng nó chỉ được khắc trên hai mặt. Dựa trên việc áp dụng niên luật thơ cổ và tính toán lý thuyết thì việc trên cả ba mặt bia thực tế có khắc chữ là hoàn toàn phù hợp với yêu cầu của niêm luật. Rõ ràng sự thiếu các vần đã gây ra các khó khăn trong việc trình bày văn bia, thậm chí nếu không coi đó là một bài thơ, và diễn bằng văn xuôi thì mọi thứ lại rất dễ dàng. Nhưng, các chữ được nổi rõ ràng trên bản dập không thể kết lại thành một bản hoàn chỉnh được. Trong quá trình nghiên cứu, việc không có ai hiểu rõ về âm luật học tạo nên khó khăn trong nhận định vị trí của những vần nằm rải rác trên mặt đá. Qua đó xác định thấy sự cách ly rõ ràng giữa phần thơ và phần văn xuôi, sự cách ly giữa các câu thơ. Trong quá trình biên tập sách của bác sĩ B. Ch. Chhabra là cuốn “Sự bành trướng của nền văn hóa Ấn Độ Aryen trong thời đại của luật pallava”, Claude Jacques cũng đồng ý với nhận định là trong bài minh có một số bài thơ theo niêm luật sardulavukridita[3].

Do sự thiếu đầy đủ trên văn bia, việc trình bày toàn văn bài minh theo đúng niêm luật, sắp xếp ban đầu vẫn chưa được hoàn thiện và vì thế vẫn còn gây tranh cãi về nội dung chính xác của bài ký. Nội dung của minh văn được L. Finot khái quát như sau:

Bản dịch của Jean Filliozat - Giám đốc Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO):

Với một số minh văn trên bia như: “lokasyàsya gatàgati” (sự chết và sự phục sinh/đến rồi đi ở thế giới này) hay “prajànàn karuna” (lòng khoan dung/từ bi trắc ẩn đối với chúng sanh) còn cho thấy sự ảnh hưởng mạnh mẽ của tư tưởng Phật giáo từ Ấn Độ vào cư dân Chăm Pa, đặc biệt là tầng lớp tăng lữ Chăm Pa (Brahman) khá sớm (từ những thế kỷ đầu sau Công nguyên)[5].

Giá trị

[sửa | sửa mã nguồn]

Đây là tấm bia cổ nhất còn lại của Vương quốc cổ Champa. Bia được khắc bằng chữ Phạn cổ cho biết nhiều thông tin có giá trị về lịch sử Vương triều Tiền vương quốc Nam Chăm. Minh văn còn cho biết sự du nhập và ảnh hưởng mạnh mẽ của Phật giáo trong nền văn minh Ấn Độ vào cư dân Chăm khá sớm (khoảng thế kỷ I sau công nguyên) và giới tăng lữ tiểu vương quốc này. Bia Võ Cạnh là vật chứng cổ nhất Đông Nam Á nói về sự du nhập của Phật giáo. Minh văn khắc trên bia được đánh giá là cổ nhất ở Đông Nam Á vì thế bia được giới thiệu trong nhiều ấn phẩm khoa học lịch sử ở Việt Nam và trên thế giới[1].

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]