Bước tới nội dung

Bóng chày

Đây là một bài viết cơ bản. Nhấn vào đây để biết thêm thông tin.
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
(Đổi hướng từ Baseball)

Bóng chày
Cơ quan quản lý cao nhấtWorld Baseball Softball Confederation
Thi đấu lần đầuNước Anh, thế kỷ 18 (tiền thân)
Hoa Kỳ, thế kỷ 19 (phiên bản hiện đại)
Đặc điểm
Số thành viên đấu đội9
Hình thứcBat-and-ball
Trang bịQuả bóng chày
Gậy bóng chày
Găng tay bóng chày
Mũ bảo hiểm (của cầu thủ phát bóng)
Đồ bảo hộ của cầu thủ bắt bóng
Hiện diện
OlympicThể thao biểu diễn: 1912, 1936, 1952, 1956, 1964, 1984 và 1988
Huy chương thể thao: 1992 – 2008, 2020 –
Zack Greinke đang ném bóng.
Quang cảnh sân vận động bóng chày tại Busch Stadium IISt. Louis, Missouri.

Bóng chày (tiếng Anh: baseball) là một môn thể thao dùng gậy đánh bóng (bat-and-ball sport) được chơi giữa hai đội, mỗi đội chín người, thay phiên nhau phòng thủ và tấn công. Trò chơi diễn ra trong nhiều lượt chơi, với mỗi lượt chơi thường bắt đầu khi một cầu thủ trong đội phòng thủ, được gọi là cầu thủ giao bóng, ném một quả bóng mà một cầu thủ trong đội tấn công, được gọi là cầu thủ phát bóng, cố gắng phát bằng gậy bóng chày. Mục tiêu của đội tấn công (đội phát bóng) là phát bóng vào phần sân chơi, cách xa các cầu thủ của đội phòng thủ, cho phép các cầu thủ của đội tấn công chạy tới các chốt, yêu cầu họ tiến ngược chiều kim đồng hồ qua các chốt để ghi điểm được gọi là lượt chạy. Mục tiêu của đội phòng thủ là ngăn cầu thủ phát bóng chạy qua các chốt và ghi điểm.[1] Một lượt chạy được tính điểm khi một cầu thủ chạy qua các chốt và quay về chốt nhà.

Đội tấn công sẽ cố gắng đến được chốt đầu tiên (chốt 1) một cách an toàn (safe), thường xảy ra khi cầu thủ phát bóng phát trúng bóng và đến chốt trước khi đối phương kịp lấy bóng và ném nó về phía cầu thủ giữ chốt, hoặc khi cầu thủ giao bóng bị đủ 3 lần "ball"[a] hoặc vô tình ném bóng vào cầu thủ phát bóng (hit by pitch), khi đó cầu thủ phát bóng có quyền "đi bộ" tới chốt 1, gọi là base on ball. Những cầu thủ trong đội tấn công đến được chốt 1 mà không bị "loại" ("out") có thể tới các chốt tiếp theo bằng các lượt chạy. Đội phòng thủ cố gắng ngăn đội đối phương ghi điểm bằng cách khiến các cầu thủ phát bóng hoặc runner bị "loại". Cầu thủ giao bóng có thể loại cầu thủ phát bóng bằng cách ném ba cú hợp lệ (các cú strike), trong khi các cầu thủ ở cánh trái, cánh phải có thể loại cầu thủ phát bóng bằng cách bắt bóng mà cầu thủ phát bóng đánh tới trước khi nó kịp chạm đất. Runner có thể loại bằng cách tag họ.

Bóng chày đôi khi còn gọi là bóng cứng để phân biệt nó với các môn thể thao tương tự như là bóng mềm.

Bóng chày rất phổ biến tại nhiều quốc gia ở châu MỹĐông Á. Ở Nhật Bản, Puerto Rico, Cộng hòa Dominica, Cuba, Panama, Venezuela, Nicaragua, México, CanadaĐài Loan, bóng chày là một trong những môn thể thao phổ biến nhất. Ở Mỹ, bóng chày không chỉ là môn thể thao chính mà còn là trò giải trí quốc giaMajor League Baseball đã được Quốc hội Mỹ trao biểu tượng độc quyền; tổng số người tham dự các trận ở Major League gần bằng với tổng số các môn thể thao chuyên nghiệp khác của Mỹ hợp lại. Về mặt khán giả truyền hình, bóng chày vượt qua bóng bầu dục về mặt phổ biến (theo tỉ lệ bình chọn qua truyền hình). Mặc dù ba trong số bốn môn thể thao phổ biến ở Bắc Mỹ là các trò chơi về bóng (bóng chày, bóng rổbóng bầu dục), sự phổ biến của bóng chày lớn đến nỗi mà từ ballgame ở Mỹ thường dùng để ám chỉ môn bóng chày, và ballpark dùng để chỉ sân bóng chày (ngoại trừ ở phía nam, nơi bóng đá rất phổ biến và ballgame thường dùng để nói đến môn bóng này).

Lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Sự phát triển của bóng chày từ các trò chơi bóng chày cũ hơn rất khó được biết chính xác. Theo đồng thuận, bóng chày hiện đại được phát triển ở Bắc Mỹ từ những trò chơi rounders cũ hơn, phổ biến đối với trẻ em ở Vương quốc Liên hiệp Anh và Ireland.[2][3][4] Nhà sử học bóng chày người Mỹ David Block cho rằng bóng chày bắt nguồn từ nước Anh; bằng chứng lịch sử được phát hiện gần đây cho thấy điều này. Block lập luận rằng rounder và bóng chày thời kỳ đầu thực sự là các biến thể của nhau và trò chơi tiền thân trực tiếp nhất của môn bóng chày là stoolball và "tut-ball" của người Anh.[2] Block phát hiện ra rằng trò chơi "Bass-Ball" được ghi lại lần đầu tiên diễn ra vào năm 1749 tại Surrey và có sự tham gia của Thân vương xứ Wales với tư cách là người chơi.[5] Hình thức ban đầu của trò chơi này rõ ràng là do những người Anh nhập cư mang đến Canada.[6]

Vào đầu những năm 1830, đã có báo cáo về nhiều trò chơi bóng chày chưa được hệ thống hóa có thể nhận ra là hình thức bóng chày ban đầu được chơi trên khắp Bắc Mỹ.[7] Trận bóng chày được ghi hình chính thức đầu tiên ở Bắc Mỹ diễn ra ở Beachville, Ontario, Canada, vào ngày 4 tháng 6 năm 1838.[8] Năm 1845, Alexander Cartwright, một thành viên của câu lạc bộ Knickerbocker của thành phố New York, đã lãnh đạo việc pháp điển hóa luật Knickerbocker[9] dựa trên các luật do William R. Wheaton của câu lạc bộ Gotham phát triển vào năm 1837.[10] Trong khi có báo cáo rằng New York Knickerbockers đã chơi môn thể thao này vào năm 1845, trận đấu từ lâu đã được công nhận là trận bóng chày được ghi lại chính thức đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ diễn ra vào ngày 19 tháng 6 năm 1846, tại Hoboken, New Jersey: "New York Nine" đánh bại Knickerbockers, 23–1, sau bốn hiệp.[11] Vào thời điểm diễn ra nội chiến Hoa Kỳ, bóng chày đã bắt đầu vượt qua cricket về mức độ phổ biến ở Hoa Kỳ, một phần do bóng chày có thời lượng ngắn hơn nhiều so với môn cricket được chơi vào thời điểm đó, cũng như thực tế là quân đội trong cuộc nội chiến không cần một sân chơi chuyên dụng để chơi bóng chày, khác với cricket.[12][13]

Cách chơi

[sửa | sửa mã nguồn]

Dụng cụ chơi

[sửa | sửa mã nguồn]

Găng tay bóng chày

[sửa | sửa mã nguồn]
Găng tay bóng chày.

Một chiếc găng tay bóng chày được làm từ da. Riêng cầu thủ bắt bóng được phép mặc đồ bảo hộ. Các cầu thủ khác đeo găng để bắt bóng. Găng tay bắt bóng của các cầu thủ luôn có một cái lưới giữa ngón cái và ngón trỏ. Chiếc lưới có công dụng là bắt bóng, bởi bóng có lực rất mạnh và vận tốc rất cao.

Quả bóng chày

[sửa | sửa mã nguồn]
Quả bóng chày.

Quả bóng chày có cấu tạo bằng cao su và vỏ bọc ở ngoài bằng da, được quấn nối bằng các sợi chỉ hoặc dây màu. Một quả bóng chày quy định có chu vi từ 9 đến 9,25 inch (229 đến 235 mm), tức là đường kính từ 2,86 đến 2,94 inch (73 đến 75 mm), với trọng lượng từ 5 đến 5,25 ounce (0,142 đến 0,149 kg).[14]

Bóng có hai loại: bóng mềm dùng cho tập luyện và bóng cứng dùng cho thi đấu. Bóng mềm được làm từ cao su và bóng cứng được làm từ gỗ bọc da.

Gậy bóng chày

[sửa | sửa mã nguồn]
Gậy bóng chày.

Gậy bóng chày được làm bằng gỗ hoặc kim loại mịn, dùng để đánh quả bóng sau khi cầu thủ giao bóng giao bóng. Đường kính gậy không quá 2,75 inch (7,0 cm) ở phần dày nhất và chiều dài không quá 42 inch (1,067 m). Gậy bóng chày thường nặng không quá 1 kg. Cầu thủ phát bóng sử dụng gậy để cố gắng đánh quả bóng do cầu thủ giao bóng ném, sau đó chạy đến các chốt và cuối cùng chạy về chốt nhà.

Cấu trúc chính

[sửa | sửa mã nguồn]
Sơ đồ sân bóng chày kim cương.

Bóng chày gồm hai đội chơi, mỗi đội gồm 9 người, dưới sự giám sát của một hay nhiều trọng tài (umpire). Thường có 4 trọng tài trong một trận đấu của giải Major League Baseball; có thể có tới 6 trọng tài tùy vào giải và tầm quan trọng của trận đấu. Có 4 chốt được đánh số theo ngược chiều kim đồng hồ, chốt 1, chốt 2 và chốt 3 có dạng hình vuông cạnh 15 inch (38 cm) nhô lên cao một khoảng ngắn so với mặt đất; cùng với chốt nhà, còn gọi là chốt 4, là phiến đá mỏng bằng cao su hình ngũ giác. Sân chơi được chia làm 2 phần chính:

  • Khu vực sân trong: bao gồm cả bốn chốt, được phân cách với sân ngoài bởi 4 đường vôi trắng và bao quanh là khu vực cỏ xanh (xem hình). Tuy nhiên, xét kỹ về mặt kỹ thuật thì khu vực sân trong chỉ bao gồm phần đất nền bên cạnh đường vôi, 4 chốt và 4 đường vôi trắng.
  • Khu vực sân ngoài: là khu vực có trồng cỏ bao quanh khu vực sân trong, và ngoài cùng được bao quanh bởi 1 bờ tường hoặc hàng rào chắn. Đường vôi nối chốt 1, chốt 3 và chốt nhà kéo dài ra đến khi chạm bờ rào, được xem là đường ngăn cách khu vực foul.

Trận đấu gồm 9 hiệp đấu (còn gọi là lượt đấu), trong đó mỗi đội thay phiên nhau đánh bóng và cố gắng ghi điểm (gọi là lượt chạy) trong khi đội kia ném bóng và bảo vệ sân. Trong bóng chày, đội phòng thủ luôn có bóng—một điều khác với các môn thể thao khác. Vai trò mỗi đội sẽ được thay đổi khi có 3 cầu thủ của đội đánh bóng bị loại. Đội thắng là đội có nhiều điểm nhất sau 9 hiệp. Trong trường hợp hòa nhau, hiệp phụ sẽ diễn ra cho tới khi hoàn thành hiệp đấu và tỷ số không còn bằng nhau.

Tư thế người đánh bóng sau khi vung gậy đánh vào trái bóng được ném tới.

Cuộc "đối đầu" quan trọng nhất trong bóng chày là giữa cầu thủ giao bóng ở đội phòng thủ và cầu thủ phát bóng ở phía đội tấn công. Cầu thủ giao bóng sẽ ném bóng về hướng chốt nhà, ở đó có sẵn một cầu thủ bắt bóng chờ để bắt lấy quả bóng được ném. Đứng ở sau lưng cầu thủ bắt bóng là một trọng tài, trọng tài này có thể quyết định một cú ném bóng có phạm luật hay không. Còn cầu thủ phát bóng ở phía đội tấn công sẽ đứng ở vị trí tay phải hoặc trái của cầu thủ bắt bóng, cố gắng đánh trúng quả bóng được ném từ cầu thủ giao bóng. Vị trí mà cầu thủ giao bóng đứng ném bóng được gọi là ụ ném bóng, ở chính giữa có một tấm cao su có kích thước 61 nhân 14 xentimét (2,00 ft × 0,46 ft). Cầu thủ giao bóng chỉ được phép bước lùi hoặc tiến 1 bước trong cả quá trình ném bóng. Nhiệm vụ của cầu thủ bắt bóng là bắt lấy quả bóng được ném, ngoài ra, cầu thủ bắt bóng có thể ra hiệu cho cầu thủ giao bóng bằng cách dùng ám hiệu ở tay về hướng ném bóng và cách ném bóng. Cầu thủ giao bóng có thể đồng ý bằng cách gật đầu, nếu không đồng ý, người đó có thể lắc đầu để bỏ qua yêu cầu của cầu thủ bắt bóng.

Cứ mỗi nửa hiệp đấu, mục đích của đội phòng thủ là ngăn đội tấn công ghi điểm và loại 3 cầu thủ bất kỳ của đội tấn công. Một cầu thủ bị loại sẽ phải rời sân và chờ lượt đánh bóng kế tiếp của mình. Có rất nhiều cách để loại cầu thủ đánh bóng hoặc cầu thủ chiếm chốt; phổ biến nhất là cầu thủ đội phòng thủ cố gắng bắt quả bóng ngay khi nó còn chưa kịp chạm đất (sau khi bị cầu thủ phát bóng đánh trúng bóng), hoặc cầu thủ giữ chốt (đội phòng thủ) nhận được bóng và chạm vào người cầu thủ đang chạy chiếm chốt, hoặc cầu thủ giao bóng làm cho cầu thủ phát đánh bóng bị 3 strike và bị loại (strikeout; khi số lần strike nhỏ hơn 2, foul sẽ khiến strike tăng lên, nhưng foul sẽ không khiến strike tăng thành 3. Chỉ khi lần giao bóng tiếp theo, cầu thủ phát bóng không đánh trúng bóng thì strike mới tăng thành 3 và bị strikeout).

Nếu cầu thủ giao bóng ném hỏng (bóng lỗi) 4 lần thì cầu thủ phát bóng được walk (đi bộ lên chiếm chốt 1). Sau khi số cầu thủ bị loại của đội tấn công lên tới 3 người thì nửa lượt đấu đó sẽ chấm dứt, 2 đội đổi phiên cho nhau. Một hiệp đấu sẽ kết thúc khi cả 2 đội đã thực hiện xong phần tấn công của mình.

Đội hình

[sửa | sửa mã nguồn]

Các cầu thủ của đội phòng thủ sẽ đứng trong sân bóng và có nhiệm vụ ngăn chặn cầu thủ đối phương ghi điểm. Có tất cả chín cầu thủ ở bên đội phòng thủ, trong đó chỉ có 2 vị trí (cầu thủ giao bóng và bắt bóng) là cố định, còn tất cả các vị trí khác là tùy ý. Thông thường sẽ có một bố trí tối ưu cho các cầu thủ bên đội phòng thủ, nhưng tùy vào cầu thủ phát bóng và tình hình trận đấu mà các cầu thủ có thể thay đổi cho phù hợp. 9 vị trí phòng thủ là: cầu thủ giao bóng (pitcher), cầu thủ bắt bóng (catcher), cầu thủ giữ chốt 1 (first baseman), cầu thủ giữ chốt 2 (second baseman), cầu thủ giữ chốt 3 (third baseman), cầu thủ chặn ngắn (shortstop), cầu thủ ở cánh trái (left fielder), cầu thủ ở trung tâm (center fielder), cầu thủ ở cánh phải (right fielder). Thứ tự của các cầu thủ trên bảng ghi điểm sẽ là cầu thủ giao bóng (1), cầu thủ bắt bóng (2), cầu thủ giữ chốt 1 (3), cầu thủ giữ chốt 2 (4), cầu thủ giữ chốt 3 (5), cầu thủ chặn ngắn (6), cầu thủ ở cánh trái (7), cầu thủ ở trung tâm (8), cầu thủ ở cánh phải (9). Vị trí của cầu thủ chặn ngắn (shortstop) hơi khác biệt so với các vị trí khác là do thói quen của các cầu thủ trong thời sơ khai của môn thể thao này.

Khẩu đội hình

[sửa | sửa mã nguồn]

Khẩu đội bao gồm cầu thủ giao bóng - người đứng trên ụ ném bóng - và cầu thủ bắt bóng - có nhiệm vụ bắt lấy quả bóng được ném. Khẩu đội (battery) bao gồm 2 vị trí luôn phải đấu với cầu thủ phát bóng của đội đối phương nên mới được gọi là battery, từ do Henry Chadwick sáng tạo.

Khu vực sân trong (infield)

[sửa | sửa mã nguồn]

Bốn cầu thủ của đội phòng thủ khu vực sân trong là cầu thủ giữ chốt 1, cầu thủ giữ chốt 2, cầu thủ giữ chốt 3 và cầu thủ chặn ngắn.

Cầu thủ giữ chốt 1 có nhiệm vụ chính là nhận bóng để loại cầu thủ phát bóng bên đối phương đang chạy tới chốt 1. Khi một cầu thủ ở khu vực sân trong bắt được bóng (nếu bóng chưa kịp chạm đất mà đã bị cầu thủ bên đội phòng thủ bắt được thì cầu thủ phát bóng sẽ bị loại), họ sẽ phải ném bóng về phía cầu thủ giữ chốt 1 trước khi cầu thủ bên đội tấn công kịp chạy đến đó. Ngoài ra, cầu thủ giữ chốt 1 cũng cần chặn được những cú phát bóng bay về gần chốt 1. So với các vị trí khác thì vị trí này thường nhẹ nhàng hơn, do đó, những cầu thủ có tuổi, hoặc cầu thủ phát bóng tốt nhưng phòng thủ kém thường được chuyển về chốt 1.[cần dẫn nguồn] Cầu thủ giữ chốt 2 phòng thủ khu vực bên phải của chốt 2 và chơi hỗ trợ cầu thủ giữ chốt 1 trong các tình huống cầu thủ phát bóng chơi đỡ nhẹ (bunt). Cầu thủ chặn ngắn chơi ở khoảng trống giữa chốt 2 và chốt 3, nơi những cầu thủ phát bóng thuận tay phải thường đánh bóng đến. Họ cũng chơi hỗ trợ cho cầu thủ giữ chốt 2, chốt 3 hoặc vùng sân ngoài bên trái. Đây là vị trí rất quan trọng trong phòng thủ, vì thế đôi khi một cầu thủ chặn ngắn tốt được chọn để chơi trong đội hình chính mặc dù có thể không phải là một cầu thủ phát bóng giỏi. Cầu thủ giữ chốt 3 thường cần đủ khỏe để ném bóng thật nhanh xuyên qua sân trong về phía chốt 1. Ngoài ra, họ cũng cần có phản xạ tốt, vì những cầu thủ ở chốt 3 có thể nhìn được những cú phát bóng rõ ràng hơn so với ở các vị trí khác.

Khu vực sân ngoài (outfield)

[sửa | sửa mã nguồn]

Ba cầu thủ ở khu vực sân ngoài là cầu thủ ở cánh trái, cầu thủ ở trung tâm và cầu thủ ở cánh phải, được đặt tên theo hướng nhìn của cầu thủ bắt bóng. Cầu thủ ở trung tâm có khu vực phòng thủ rộng nhất, do đó cần phải rất nhanh. Cũng giống như vị trí chặn ngắn, đây là vị trí được đặt trọng yếu trong phòng thủ. Ngoài ra, cầu thủ ở vị trí này cũng là chỉ huy của nhóm cầu thủ sân ngoài. Các cầu thủ ở cánh phải hoặc cánh trái thường nhường bóng cho họ trong trường hợp bóng bay đến khu vực giữa hai người.

Chiến lược phòng thủ

[sửa | sửa mã nguồn]

Ném bóng

[sửa | sửa mã nguồn]
Động tác của cầu thủ giao bóng.

Ném bóng là phương thức phòng thủ hữu hiệu nhất bên phía đội phòng thủ, nó có thể loại trực tiếp cầu thủ phát bóng và ngăn cầu thủ chạy đến chiếm chốt. Một trận đấu thực sự có tổng cộng hơn 100 cú ném bóng từ mỗi đội. Tuy nhiên, đa số các cầu thủ giao bóng đều không đủ thể lực để "cầm cự" tới thời điểm đó. Trước kia, một cầu thủ giao bóng có thể bị yêu cầu ném liên tục 4 trận đấu (mỗi trận 9 hiệp) trong vòng 1 tuần. Y học hiện đại đã chứng minh rằng nó không tốt cho sức khỏe; các cầu thủ giao bóng chính hiện nay chỉ được yêu cầu ném từ 6 đến 7 hiệp trong 1 trận đấu (tùy vào phong độ) sau 5 ngày.

Mặc dù cầu thủ giao bóng chỉ được phép tiến hoặc lùi một bước trong quá trình ném bóng, nhưng bù lại người đó cũng có lợi thế nhất định khi có thể thay đổi vị trí ném bóng, tốc độ, đường bóng, cách vung tay và độ xoáy khác nhau. Đa số các cầu thủ giao bóng đều cố gắng nắm vững từ 2 đến 3 kỹ năng ném bóng khác nhau; nhưng cũng có những cầu thủ giao bóng ném tốt cả sáu cách ném bóng với mức độ khó cao. Cú ném thường thấy nhất là một cú fastball, bóng đi với tốc độ nhanh nhất có thể và thường đi thẳng; một cú curveball, đường bóng đi hơi cong vì cách kết hợp ngón tay và cổ tay của cầu thủ giao bóng tạo độ xoáy cho bóng; và ngoài ra con có cú ném "bóng giả nhanh" giả mạo cú ném fasball nhưng tốc độ thấp hơn nhiều để đánh lừa cầu thủ phát bóng.

Chiến lược ném bóng cổ điển dễ hiểu nhất của cầu thủ giao bóng là sự kết hợp giữa "bóng nhanh" và "bóng hơi nhanh". Một cầu thủ giao bóng ở giải chuyên nghiệp có thể ném bóng đạt vận tốc 145 kilômét trên giờ (90 mph), thậm chí một số cầu thủ giao bóng ném bóng đạt tới vận tốc 161 kilômét trên giờ (100 mph). Trong khi đó cú "bóng hơi nhanh" có vận tốc chỉ là 121 đến 137 kilômét trên giờ (75 đến 85 mph). Mặc dù cách ném và đường bóng rất giống cú ném fasball nhưng tốc độ lại giảm đáng kể. Điều này có thể đánh lừa cầu thủ phát bóng vì cầu thủ phát bóng canh thời gian để phát một cú fastball nhưng thực ra lại bóng lại bay chậm hơn nhiều.

Một số cầu thủ giao bóng chọn kiểu ném "tàu ngầm", một cách ném đòi hỏi cầu thủ giao bóng phải vung tay hướng từ dưới lên hoặc đưa ngang. Tuy nhiên, những cú ném như vậy thường rất khó để có thể đánh trúng được vì hướng đi và tốc độ của bóng rất khó đoán. Mặc dù những cú ném như vậy thường không thể đi nhanh bằng những cú vung tay qua đầu nhưng các cầu thủ giao bóng thường ném bóng đi hiểm để làm cầu thủ phát bóng bị mất thăng bằng khi phát bóng. Tuy nhiên vẫn có ngoại lệ, Walter Johnson, cầu thủ nổi tiếng với những cú ném bóng nhanh nhất trong lịch sử bóng chày ném bóng bằng cách vung tay ngang (mặc dù không hoàn toàn là kiểu ném tàu ngầm).

Một trận đấu có thể đòi hỏi nhiều cầu thủ giao bóng, bao gồm cầu thủ giao bóng chính và một vài cầu thủ giao bóng dự bị. Cầu thủ giao bóng được thay ra thay vào giống như các cầu thủ khác, và luật không hạn chế có bao nhiêu cầu thủ giao bóng được sử dụng trong mỗi trận đấu. Hạn chế duy nhất chỉ là số thành viên trong danh sách đăng ký. Trong những lúc tình hình không nguy hiểm, các cầu thủ giao bóng dự bị được sử dụng để giảm tải cho cầu thủ giao bóng chính (ngoại trừ các trận đấu về cuối mùa giải cực kỳ quan trọng). Các cầu thủ giao bóng dự bị được sử dụng một khu vực trên sân để làm nóng người trước khi được thay vào.

Chiến lược trên sân

[sửa | sửa mã nguồn]

Trong một trận đấu, chỉ có vị trí của cầu thủ giao bóng và bắt bóng là cố định, còn các cầu thủ khác phải di chuyển quanh sân bóng để ngăn chặn đối phương ghi điểm. Tùy vào tình huống trận đấu mà các cầu thủ có thể bố trí vị trí khác nhau. Các "tình huống" của trận đấu có thể bao gồm: số cầu thủ đã bị loại, số bóng đã ném (strike và ball), số cầu thủ đang chạy và tốc độ chạy của cầu thủ, khả năng và kiểu ném bóng của cầu thủ giao bóng, lượt ném bóng, sân nhà hay sân đối phương, và rất nhiều yếu tố khác. Các tình huống phòng ngự điển hình gồm có: chống chơi đỡ nhẹ (bunt), ngăn steal (cầu thủ phát bóng chạy đến chốt tiếp theo mà không cần chờ cầu thủ phát bóng phát bóng), phòng thủ thật gần để ngăn cầu thủ phát bóng ở chốt 3 ghi điểm, phòng ngự kiểu kép (double play) tức là loại cùng lúc hai người chạy ở chốt 1 và chốt 2, chuyển các vị trí phòng thủ đến những chỗ cầu thủ phát bóng hay phát bóng tới,...

Thuật ngữ

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Strike: cầu thủ phát bóng vung gậy nhưng không đánh trúng bóng.
  • Strikeout: sau 3 lần strike sẽ bị loại (khi số lần strike nhỏ hơn 2, foul sẽ khiến strike tăng lên, nhưng foul sẽ không khiến strike tăng thành 3. Chỉ khi lần giao bóng tiếp theo, cầu thủ phát bóng không đánh trúng bóng thì strike mới tăng thành 3 và bị strikeout).
  • Fly out: cầu thủ phát bóng đánh trúng bóng nhưng bóng bị cầu thủ của đội phòng thủ bắt khi chưa kịp chạm đất. Trong trường hợp này, cầu thủ phát bóng bị loại.
  • Ground out: cầu thủ phát bóng đánh trúng bóng và bắt đầu chạy về chốt, bóng chạm đất nhưng cầu thủ của đội phòng thủ bắt được bóng và ném về chốt trước khi cầu thủ phát bóng kịp tới nơi. Cầu thủ phát bóng bị loại.
  • Tag out: cầu thủ phát bóng đánh trúng bóng và chạy về chốt, nhưng bị cầu thủ của đội phòng thủ đang giữ bóng chạm vào người.
  • Double play: loại cùng lúc hai người.
  • Tripple play: loại cùng lúc 3 người.
  • Foul: cầu thủ phát bóng đánh bóng ra ngoài biên (vạch foul hai bên sân bóng).
  • Ball: cầu thủ giao bóng ném bóng nằm ngoài vùng strike nhưng cầu thủ phát bóng không đánh bóng. 4 lần ball được tính là 1 walk.
  • Dead ball: cầu thủ giao bóng ném bóng trúng cầu thủ phát bóng. Cầu thủ phát bóng được walk.
  • Walk: cầu thủ phát bóng được đi bộ lên chiếm chốt 1 sau 4 lần cầu thủ giao bóng ném bóng lỗi hoặc bị ném bóng trúng vào người.
  • Bunt: nảy bóng; cầu thủ phát bóng giơ ngang chày ra trước vị trí bắt bóng của cầu thủ bắt bóng để đón bóng.
  • Squeeze: bunt khi có runner ở chốt 3.
  • Safe: đội tấn công an toàn chiếm được chốt.
  • Out: cầu thủ phát bóng chạy lên chiếm chốt bị loại, hoặc nhầm thứ tự đánh bóng, hoặc đánh được một cú home run nhưng khi chạy về quên đạp lên chốt.
  • Home run: cầu thủ phát bóng đánh bóng ra ngoài sân, trong vùng giữa hai vạch foul. Lúc đó, cầu thủ phát bóng sẽ chạy vòng quanh các chốt, quay về đến chốt nhà và ghi điểm (nếu các cầu thủ phát bóng khác đang chiếm chốt thì họ cũng sẽ về chốt nhà và ghi điểm).
  • Steal: cướp chốt: cầu thủ phát bóng đứng ở các chốt đã chiếm được bắt đầu chạy khi cầu thủ giao bóng vừa ném bóng để tranh thủ cơ hội chiếm chốt tiếp theo.
  • No hit, no run: cầu thủ giao bóng không mắc lỗi xử lý bóng nào trong trận.
  • Perfect game: trận thắng tuyệt đối, sau 9 hiệp đội thua không có cầu thủ nào lên chiếm được chốt.
  • Called game: một đội thua trước khi đấu hết 9 hiệp (thường là ở hiệp 5 hoặc hiệp 7, do quá cách biệt về tỷ số). Quy định về called game khác nhau tuỳ theo hình thức giải đấu (giải chuyên nghiệp hay không chuyên, vòng loại hay vòng bán kết,...).

Các loại ném bóng

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Fastball: bóng thẳng, tốc độ cao.
  • Off speed: chậm hơn fastball, có thể được ném với nhiều quỹ đạo.
  • Breaking ball: một loại off speed, bóng thay đổi quỹ đạo khi bay.
  • Curveball: breaking ball, bóng xoáy (cong), vòng về bên trái hoặc phải, độ xoáy lớn.
  • 12-6 curveball: là một loại curveball, bóng xoáy xuống theo đường thẳng.
  • Slider: breaking ball, một dạng bóng cong nhưng độ xoáy ít và để tăng tốc độ (chỉ hơi cong).
  • Slurve: là một loại breaking ball kết hợp giữa slider và curveball.
  • Screwball: là một loại breaking ball, quỹ đạo bay ngược với curveball và slider.
  • Forkball: breaking ball, một loại đường bóng nhẹ và chậm, kèm độ lắc, dùng để lừa các cầu thủ phát bóng.
  • Change up: một loại off speed, đường bóng giống fastball nhưng tốc độ chậm hơn và không thay đổi quỹ đạo.
  • Cirlce change up: là một loại change up nhưng bóng thay đổi quỹ đạo khi bay.
  • 4-seam fastball: bóng thẳng, tốc độ cao nhất trong tất cả các cú ném.
  • 2-seam fastball: là một loại fastball nhưng có độ cắt từ trái sang phải.
  • Sinker: 2-seam fastball cộng thêm quỹ đạo đi xuống.
  • Cutter: fastball có độ cắt từ phải sang trái.
  • Splitter (split-finger fastball): bóng đột ngột hạ xuống khi tới gần cầu thủ phát bóng.
  • Knuckleball: bóng chậm, không có độ xoáy nên đường bóng rất khó phán đoán, ngay cả cầu thủ giao bóng cũng không thể biết được quỹ đạo của bóng.
  • Eephus: bóng bay chậm (rất chậm), đi theo đường cầu vồng.
  1. ^ "Ball" xảy ra khi cầu thủ giao bóng ném bóng ra khỏi strike zone.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Official Baseball Rules (PDF) (ấn bản thứ 2019). Major League Baseball. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 2 tháng 5 năm 2019. Truy cập ngày 3 tháng 9 năm 2021.
  2. ^ a b Block (2005), pp. 86, 87, 111–113, 118–121, 135–138, 144, 160; Rader (2008), p. 7.
  3. ^ “Rounders (English Game)”. Encyclopædia Britannica. Truy cập ngày 23 tháng 10 năm 2018.
  4. ^ Cohen, Claire (2 tháng 2 năm 2015). “Save rounders! It's the only sport for people who hate sport”. The Telegraph. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 1 năm 2022. Truy cập ngày 23 tháng 10 năm 2018.
  5. ^ “Why isn't baseball more popular in the UK?”. BBC News. 26 tháng 7 năm 2013. Truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2013.
  6. ^ Block (2005), pp. 58, 160, 300, 307, 310; Miller, Doug (2 tháng 8 năm 2005). “Pittsfield: Small City, Big Baseball Town”. Major League Baseball. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 3 năm 2006. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2009.
  7. ^ Block (2005), pp. 4–5, 11–15, 25, 33, 59–61, et. seq.
  8. ^ Giddens, David (15 tháng 6 năm 2017). “How Canada invented 'American' football, baseball, basketball and hockey” (bằng tiếng Anh). Canadian Broadcasting Corporation. Truy cập ngày 4 tháng 6 năm 2019.
  9. ^ Sullivan (1997), p. 292.
  10. ^ Kittel, Jeffrey. “Evolution or Revolution? A Rule-By-Rule Analysis of the 1845 Knickerbocker Rules”. Protoball. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 9 tháng 5 năm 2016.
  11. ^ Sullivan (1997), pp. 32, 80, 95.
  12. ^ Crown, Daniel (19 tháng 10 năm 2017). “The Battle Between Baseball and Cricket for American Sporting Supremacy”. Atlas Obscura (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 5 tháng 1 năm 2023.
  13. ^ “Why cricket and America are made for each other”. The Economist. ISSN 0013-0613. Truy cập ngày 5 tháng 1 năm 2023.
  14. ^ Official Baseball Rules (ấn bản thứ 2021). Chicago, Illinois: Major League Baseball. 2021. tr. 5. ISBN 1-62937-893-3. OCLC 1199124942.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]