Bước tới nội dung

Bảo tàng Địa chất

21°01′25″B 105°51′32″Đ / 21,023547°B 105,85877°Đ / 21.023547; 105.858770 (Bt.Địa chất)
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Bảo tàng Địa chất
Bảo tàng Địa chất, 2020
Thành lập1914[1]
Trụ sở chínhSố 6 phố Phạm Ngũ Lão, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm
Vị trí
Giám đốc
Trương Quang Quý
Chủ quản
Tổng cục Địa chất và Khoáng sản
Trang webBTDC Official website
Bảo tàng Địa chất Đông Dương năm 1914

Bảo tàng Địa chất là một bảo tàng chuyên ngành ở Việt Nam, lưu giữ các mẫu vật liên quan đến địa chất - khoáng sản.[2][3][4].

Bảo tàng Địa chất nằm trong hệ thống các Bảo tàng khoa học tự nhiên ở Việt Nam, và là thành viên chính thức của Hội đồng Bảo tàng Quốc tế (ICOM).

Bảo tàng Địa chất hiện đặt trong khuôn viên của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, tại địa chỉ số 6 phố Phạm Ngũ Lão, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội [1].

Lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Sau khi Sở Địa chất Đông Dương thành lập năm 1898, hai nhà địa chất Pháp là Honoré LantenoisHenri Mansuy được giao xây dựng Bảo tàng Địa chất. Bảo tàng được xây trong khuôn viên của Sở và hoàn thành năm 1914.[2]

Theo bài viết của Giám đốc Sở Địa chất Đông Dương André Blondel năm 1928 thì lúc đó Bảo tàng đã trưng bày mẫu vật thu thập trên lãnh thổ Đông Dương và được xếp theo bốn phần: 1. Khoáng vật, 2. Thạch học, 3. Cổ sinh vật, 4. Tiền sử, và còn thiếu mẫu về địa chất khu vực và khoáng sản.

Năm 1954 đất nước chia cắt, Sở Địa chất Đông Dương được coi là di dời vào Sài Gòn. Theo bài viết năm 1973 của Henri Fontaine [Ghi chú 1] thì các mẫu vật được chuyển theo. Các mẫu được giao cho Nha Tài nguyên Khoáng sản thuộc Bộ Kinh tế Việt Nam Cộng hòa, và Bảo tàng Địa chất đặt ở số 31 Hàn Thuyên. Năm 1970 nhà trưng bày được xây mới ở số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, cạnh Thảo Cầm Viên. Năm 1975 chiến tranh kết thúc, quản lý Bảo tàng Địa chất này được giao cho Liên Đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam, một đơn vị thành viên của Tổng cục Địa chất VNDCCH.

Tại miền bắc, Bảo tàng Địa chất thành lập và trực thuộc Vụ Kỹ thuật của Cục Địa chất, Bộ Công nghiệp của nhà nước VNDCCH. Năm 1963 giám đốc Bảo tàng Địa chất Leningrad Liên Xô là P. N. Varfolomeev (Петр Николаевич Варфоломеев) được mời làm cố vấn khôi phục và phát triển hoạt động của Bảo tàng.

Năm 1978 có tên là Viện Bảo tàng Lưu trữ Địa chất, sau đó năm 1985 là Viện Thông tin Tư liệu Mỏ Địa chất. Năm 1991 chính thức có tên Bảo tàng Địa chất. Năm 1997 là Viện Thông tin, Lưu trữ, Bảo tàng Địa chất.

Năm 1999 khai trương nhà trưng bày mới Bảo tàng Địa chất tại số 6 Phạm Ngũ Lão, Hà Nội.

Năm 2001 Bảo tàng Địa chất được ICOM công nhận là thành viên của tổ chức này, và là một trong năm thành viên đầu tiên của ICOM Việt Nam.

Từ 2003 Bảo tàng Địa chất là cơ quan chuyên về bảo tàng. Đến 2008 thì Bảo tàng Địa chất Miền Nam được nhập vào tên chung và là chi nhánh phía nam.

Hoạt động

[sửa | sửa mã nguồn]

Bảo tàng hiện phục vụ các nghiên cứu khoa học trong nước và trao đổi chuyên môn và mẫu vật với nước ngoài. Những phục vụ quảng bá và du lịch tham quan thì còn hạn chế.

Bên trong Bảo tàng, với hóa thạch chân khủng long Titanosaurus falloti, Creta muộn (K2),
được Josué Hoffet phát hiện ở Nam Lào năm 1936 (biển tên ghi lỗi là năm 1935).
  1. ^ Henri Fontaine (1924-2020) là linh mục được phái đến truyền giáo tại Hà Nội năm 1951. Ông nghiên cứu địa chất Bắc Việt và Vân Nam, và năm 1954 thực hiện cuộc di dời Sở Địa chất Đông Dương vào Sài Gòn, sau đó làm việc ở Sở theo yêu cầu của chính quyền VNCH đến 1960. Sau này ông vẫn có nhiều hoạt động khoa học liên quan tới địa chất Nam Việt Nam và Đông Dương.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b Bảo tàng Địa chất. Truy cập 2/12/2015.
  2. ^ a b Bảo tàng Địa chất Việt Nam. Lịch sử phát triển. idm.gov.vn, 2007. Truy cập 25/12/2015.
  3. ^ Lịch sử phát triển của Bảo tàng Địa chất Lưu trữ 2015-12-08 tại Wayback Machine. dgmv.gov.vn. Truy cập 2/12/2015.
  4. ^ Bảo tàng Địa chất với các mẫu miền Tây Bắc Bộ. Bảo tàng Địa chất, 2007. Truy cập 2/12/2015.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]