Bước tới nội dung

Bão Sonca (2022)

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Bão số 5 (Sonca)
Bão nhiệt đới (Thang JMA)
Bão nhiệt đới (SSHWS/NWS)
Sonca ngay sau khi mạnh lên thành bão nhiệt đới với trung tâm hoàn lưu mực thấp bị lộ rõ trên ảnh vệ tinh
Hình thành13 tháng 10 năm 2022
Tan15 tháng 10 năm 2022
Sức gió mạnh nhấtDuy trì liên tục trong 10 phút:
65 km/h (40 mph)
Duy trì liên tục trong 1 phút:
65 km/h (40 mph)
Áp suất thấp nhất998 mbar (hPa); 29.47 inHg
Số người chết8
Thiệt hại$101,5 triệu (USD 2022)
Vùng ảnh hưởngViệt Nam (Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên), Lào, Thái Lan
Một phần của Mùa bão Tây Bắc Thái Bình Dương 2022

Bão Sonca (tên tiếng Anh: Tropical Storm Sonca, Việt Nam gọi là bão số 5 năm 2022) hình thành từ một vùng áp thấp ở phía Tây Phillipines, vùng áp thấp này mạnh lên chậm do các yếu tố khí tượng chỉ hơi thuận lợi một chút. Ngày 13 tháng 10 vùng áp thấp mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và di chuyển chủ yếu theo hướng vào đất liền Việt Nam và đến ngày 14 tháng 10, áp thấp đã mạnh lên thành bão Sonca trong một thời gian ngắn trước khi suy yếu trở lại thành áp thấp nhiệt đới và tâm bão đổ bộ trực tiếp vào đất liền các tỉnh từ Quảng Nam đến Quảng Ngãi. Tuy là một cơn bão không mạnh và suy yếu nhanh nhưng do kết hợp với nhiều yếu tố khí tượng khác đã gây mưa lớn trên diện rộng cho miền Trung Việt Nam. Cơn bão đã khiến 8 người chết và tổng thiệt hại tài sản hơn 100 triệu USD. Đà Nẵng là tỉnh bị thiệt hại nặng nhất.

Tên bão Sonca này là do Việt Nam đề cử và được Uỷ ban Bão (khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương) lựa chọn.[1][2] Đây là tên một loài chim (chim sơn ca).[3]

Lịch sử khí tượng

[sửa | sửa mã nguồn]
Biểu đồ thể hiện đường đi và cường độ của bão theo thang Saffir-Simpson
Chú thích biểu đồ
     Áp thấp nhiệt đới (≤38 mph, ≤62 km/h)
     Bão nhiệt đới (39–73 mph, 63–118 km/h)
     Cấp 1 (74–95 mph, 119–153 km/h)
     Cấp 2 (96–110 mph, 154–177 km/h)
     Cấp 3 (111–129 mph, 178–208 km/h)
     Cấp 4 (130–156 mph, 209–251 km/h)
     Cấp 5 (≥157 mph, ≥252 km/h)
     Không rõ
Kiểu bão
▲ Xoáy thuận ngoài nhiệt đới / Vùng áp thấp / Nhiễu động nhiệt đới / Áp thấp gió mùa

Chiều ngày 11 tháng 10, Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp (JTWC) bắt đầu theo dõi một vùng áp thấp. Vùng áp thấp này có mây đối lưu rải rác, trung tâm mực thấp rộng và tổ chức kém cách khoảng 150 hải lí (280 km) về phía Tây Tây Nam của Manila, Philippines.[4] Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia (NCHMF) cho biết vùng áp thấp hình thành trên biển Đông vào sáng ngày 12 tháng 10.[5] Các điều kiện chỉ hơi thuận lợi, dòng phân kì yếu và không rõ rệt, gió đứt từ yếu đến trung bình và nhiệt độ bề mặt nước biển ấm, hình thái được tổ chức tốt hơn một chút vào ngày hôm sau, với mây đối lưu phát triển mạnh và phần trung tâm hoàn lưu vùng áp thấp ở mực thấp vẫn lộ ra ngoài.[6]

Cục Khí tượng Nhật Bản (JMA) cho biết vùng áp thấp này thành áp thấp nhiệt đới vào sáng ngày 13 tháng 10 và dự báo áp thấp có thể mạnh lên thành bão nhiệt đới.[7] NCHMF cũng cho biết vùng áp thấp mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới vào sáng ngày 13 tháng 10 và chung nhận định với JMA.[8] JTWC sau đó đã ban hành bản tin cảnh báo sự hình thành xoáy thuận nhiệt đới (Tropical Cyclone Formation Alert -TCFA) trên hình thái nhiệt đới này trong cùng ngày, và các dự báo viên của JTWC lưu ý rằng đối lưu sâu bị phân mảnh đang bao trùm vào trung tâm mực thấp rộng của nó.[9] Đến ngày hôm sau, JTWC bắt đầu đưa ra khuyến cáo về hình thái này cho biết hình thái phát triển thành áp thấp nhiệt đới và chỉ định số hiệu là 22W.[10]

Áp thấp nhiệt đới di chuyển về phía Tây và JMA dựa vào phân tích Dvorak kết hợp với số liệu quan trắc khí tượng bề mặt cho rằng áp thấp phát triển thành bão nhiệt đới vào chiều ngày 14 tháng 10 và JMA đặt tên nó là Sonca, mặc dù tại thời điểm này JTWC vẫn gọi hình thái này là áp thấp nhiệt đới.[11][12] NCHMF cũng cho biết áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão và gọi là bão số 5 (năm 2022) vào cùng thời gian này.[13] Sonca không thể phát triển thêm do trung tâm của nó vẫn lộ ra, với đối lưu sâu dịch chuyển về phía Tây do gió đứt mạnh.[14] NCHMF cho rằng bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới vào tối cùng ngày, chỉ 6 giờ sau khi mạnh lên thành bão.[15] Trong khi đó JTWC lại cho rằng Sonca mà họ gọi là 22W mạnh lên thành bão nhiệt đới vào cùng thời gian đó.[16] JTWC đưa ra khuyến cáo cuối cùng vào rạng sáng ngày 15 tháng 10 khi Sonca chuẩn bị đi sâu vào trong đất liền.[17] NCHMF cho biết áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào khu vực Quảng Nam-Quảng Ngãi vào sáng ngày 15 tháng 10.[18] JMA cho biết Sonca suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và đổ bộ vào đất liền vào sáng ngày 15 tháng 10.[19] NCHMF cho biết áp thấp tiếp tục suy yếu thành vùng áp thấp và tan dần sau khi tiếp tục di chuyển sâu vào đất liền.[20] Bản báo cáo phân tích thời tiết của JMA chiều ngày 15 tháng 10 không cho thấy thấy bất kì thông tin nào về áp thấp suy yếu từ bão Sonca, cho rằng áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão Sonca tan hoàn toàn.[21]

Phân tích lại các cơn bão sau mùa bão 2022, JTWC cho rằng Sonca khi áp sát bờ biển mới mạnh lên thành bão, đi vào đất liền rồi suy yếu thành vùng áp thấp 6 giờ sau.[22] Còn JMA cho rằng Sonca mạnh lên thành bão sớm hơn 6 giờ so với báo cáo ban đầu.[23]

Ảnh hưởng tại Việt Nam

[sửa | sửa mã nguồn]

Tác động gió mạnh và mưa lớn

[sửa | sửa mã nguồn]

Gió mạnh trên đất liền phổ biến cấp 5-6 giật cấp 7. Những nơi ghi nhận gió mạnh nhất do tác động của bão kết hợp với không khí lạnh chủ yếu là các đảo. Đảo Cồn Cỏ ghi nhận có gió mạnh 68 km/h, gió giật 79 km/h (gió cấp 8 giật cấp 9). Đảo Lí Sơn ghi nhận có gió mạnh 60 km/h, gió giật 79 km/h (cấp 7 giật cấp 9).[24]

Do ảnh hưởng của bão kết hợp với đới gió Đông trên cao, mưa lớn trên diện rộng đã xảy ra tại nhiều nơi tại miền Trung và một số nơi tại Tây Nguyên. Tổng lượng mưa từ chiều 13 tháng 10 đến sáng 16 tháng 10 ghi nhận tại Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng phổ biến từ 400-650 mm, có nơi cao hơn. Khu vực Nam Quảng Bình, Quảng Trị và Quảng Nam có tổng lượng mưa 150-400mm, có nơi trên 450mm. Nơi ghi nhận tổng lượng mưa lớn nhất là Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) với giá trị đo được là 1093 mm.[24] Tại Đà Nẵng đã ghi nhận mưa lớn trong thời gian ngắn, trong 7 giờ đồng hồ ghi nhận tổng lượng mưa tại Suối Đá là 642 mm, tại trung tâm thành phố là 600 mm, tại Hồ Thạch Gián 527 mm và các nơi khác phổ biến 300-400 mm.[25]

Ảnh hưởng tới đời sống và kinh tế

[sửa | sửa mã nguồn]

Mưa lớn dữ dội khiến hầu hết các nơi ở Đà Nẵng bị ngập sâu trong nước.[26] Có hơn 102 nghìn ngôi nhà bị ngập thì riêng Đà Nẵng có gần 70 nghìn ngôi nhà bị ngập.[27][28] Có hơn 200.000 hộ dân tại Đà Nẵng bị mất điện.[29] Ngoài ra có 2.000 ô tô, 30.000 xe máy bị hỏng và 600 ngôi mộ bị chôn vùi tại Đà Nẵng.[28][30] Bán đảo Sơn Trà cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 10 km bị "sạt lở chưa từng có", nhiều đoạn đường và địa điểm trên bán đảo đã ghi nhận sạt lở đất.[31] Kể từ sau đợt mưa này cho đến tháng 9 năm 2023, tình trạng sạt lở vẫn còn có diễn biến phức tạp và nhiều địa điểm vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao.[32] Ở Thừa Thiên Huế ghi nhận nhiều nơi bị ngập, trong đó có hơn 70% tuyến đường của 30 xã phường thuộc thành phố Huế bị ngập.[33] Kinh thành Huế bị ngập do nước lũ dâng cao, nhiều di tích bị ngập nước sâu khoảng 0,5m.[34] Tại Quảng Nam, hơn 4.100 ngôi nhà bị ngập, trong đó có hơn 1.400 ngôi nhà bị ngập từ 1m đến 3m.[35] Một số tuyến đường ở Quảng Nam bị sạt lở, ngập sâu và xuất hiện các hố sụt.[36] Ngoài ra mưa lớn cũng gây ra ngập lụt và sạt lở đất tại Quảng Trị, Quảng Bình khiến nhiều nơi, nhiều ngôi nhà bị ngập và giao thông tại nhiều địa điểm bị gián đoạn tạm thời.[37] Tại Quảng Trị, đoạn đường dài 200m thuộc quốc lộ 15D bị sụt lún khiến cửa khẩu quốc tế La Lay bị tê liệt.[38] Giao thông qua một số tuyến đường quan trọng như Quốc lộ 1, Đường sắt Bắc Nam bị gián đoạn tạm thời do mưa, lũ, sạt lở đất và lực lượng chức năng đã tiến hành thông tuyến nhiều đoạn đường.[39][40][41] Đèo Hải Vân cũng ghi nhận tình trạng sạt lở, đoạn đường qua đèo có 2 vị trí sạt lở gây tắc đường hoàn toàn và tình trạng sạt lở cho đến hết tháng 10 vẫn chưa khắc phục xong.[42] Học sinh ở các tỉnh thành bị ảnh hưởng do mưa lớn đã được cho nghỉ học tạm thời.[43] Theo thống kê chính thức của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai đợt mưa lớn mà một phần nguyên nhân do bão số 5 gây ra đã làm tổng cộng 8 người chết và tổng thiệt hại tài sản hơn 2.400 tỷ đồng (101,5 triệu USD).[27] Theo nguồn Vnexpress thì có tổng cộng 10 người thiệt mạng, trong đó có 6 người tại Đà Nẵng, 2 người tại Thừa Thiên Huế và 2 người tại Quảng Nam.[44] Cũng theo các báo cáo thống kê ban đầu, tổng thiệt hại tài sản tại Đà Nẵng là gần 1.500 tỉ đồng (gần 61 triệu USD),[45] tại Thừa Thiên Huế là hơn 337 tỉ đồng (hơn 13 triệu USD).[46]

Ảnh hưởng tại khu vực khác

[sửa | sửa mã nguồn]

Mưa lớn đã được ghi nhận tại các vùng phía Nam Lào và các vùng phía Bắc, Đông Bắc và miền Trung Thái Lan do hoàn lưu của Sonca gây ra.[47][48] Hơn 8.100 hộ gia đình ở Thái Lan bị ảnh hưởng do mưa lớn.[48]

  • Bão Cecil (1985) gây thiệt hại rất lớn cho miền Trung Việt Nam, là cơn bão mạnh nhất trong 100 năm tại Bình Trị Thiên.
  • Bão Cecil (1989) trái mùa cũng gây thiệt hại rất lớn cho Việt Nam.
  • Bão Xangsane (2006) đổ bộ trực tiếp vào Đà Nẵng gây thiệt hại lớn.
  • Bão Sonca (2017) cùng tên, cường độ tương tự và vị trí đổ bộ gần với cơn bão này.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ “10 tên bão do Việt Nam đề xuất được Ủy ban Bão quốc tế duyệt là gì?”. Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn. 17 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 22 tháng 5 năm 2024.
  2. ^ “List of names for tropical cyclones adopted by the ESCAP/WMO Typhoon Committee for the western North Pacific and the South China Sea (valid as of 2024)”. Cục Khí tượng Nhật Bản (bằng tiếng Anh). Truy cập 22 tháng 5 năm 2024.
  3. ^ “Bão Sơn Ca, từ đêm nay nhiều khu vực mưa rất lớn”. Sức khoẻ Đời sống. 14 tháng 10 năm 2022. Truy cập ngày 22 tháng 5 năm 2024.
  4. ^ Significant Tropical Weather Advisory for the Western and South Pacific Oceans (Reissued) (Bản báo cáo) (bằng tiếng Anh). Joint Typhoon Warning Center. 11 tháng 10 năm 2022. Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 9 năm 2022. Alt URL
  5. ^ “Xuất hiện áp thấp trên biển Đông, miền Trung mưa rất lớn từ 14-16/10”. Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn. 12 tháng 10 năm 2022. Lưu trữ bản gốc 1 tháng 7 năm 2024. Truy cập 1 tháng 7 năm 2024.
  6. ^ Significant Tropical Weather Advisory for the Western and South Pacific Oceans (Reissued) (Bản báo cáo) (bằng tiếng Anh). Joint Typhoon Warning Center. 12 tháng 10 năm 2022. Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 9 năm 2022. Alt URL
  7. ^ RSMC Tropical Cyclone Prognostic Reasoning No. 1 for TD located at 12.1N 114.4E (Bản báo cáo) (bằng tiếng Anh). Cục Khí tượng Nhật Bản. 13 tháng 10 năm 2022. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 10 năm 2022.
  8. ^ Chí Tuệ (13 tháng 10 năm 2022). “Áp thấp nhiệt đới, từ chiều 13-10 Trung và Nam Trung Bộ mưa tăng dần”. Tuổi Trẻ Online. Lưu trữ bản gốc 31 tháng 10 năm 2022. Truy cập ngày 22 tháng 5 năm 2024.
  9. ^ Tropical Cyclone Formation Alert (Invest 90W) (Bản báo cáo) (bằng tiếng Anh). Joint Typhoon Warning Center. 13 tháng 10 năm 2022. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 10 năm 2022.
  10. ^ Prognostic Reasoning for Tropical Depression 22W (Twenty-two) Warning Nr 001 (Bản báo cáo) (bằng tiếng Anh). Joint Typhoon Warning Center. 14 tháng 10 năm 2022. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 10 năm 2022.
  11. ^ RSMC Tropical Cyclone Prognostic Reasoning No. 6 for TS 2219 Sonca (2219) (Bản báo cáo) (bằng tiếng Anh). Cục Khí tượng Nhật Bản. 14 tháng 10 năm 2022. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 10 năm 2022.
  12. ^ Prognostic Reasoning for Tropical Depression 22W (Twenty-two) Warning Nr 002 (Bản báo cáo) (bằng tiếng Anh). Joint Typhoon Warning Center. 14 tháng 10 năm 2022. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 10 năm 2022.
  13. ^ An Thượng (14 tháng 10 năm 2022). “Áp thấp nhiệt đới đã mạnh thành bão số 5 - Sơn Ca, đổ bộ vào miền Trung”. Tuổi trẻ Online. Truy cập 22 tháng 5 năm 2024.
  14. ^ Prognostic Reasoning for Tropical Storm 22W (Sonca) Warning Nr 003 (Bản báo cáo) (bằng tiếng Anh). Joint Typhoon Warning Center. 14 tháng 10 năm 2022. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 10 năm 2022.
  15. ^ Phạm Linh (14 tháng 10 năm 2022). “Bão Sơn Ca suy yếu thành áp thấp nhiệt đới”. Vnexpress. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 10 năm 2022. Truy cập ngày 22 tháng 5 năm 2024.
  16. ^ Prognostic Reasoning for Tropical Depression 22W (Twenty-two) Warning Nr 003 (Bản báo cáo) (bằng tiếng Anh). Joint Typhoon Warning Center. 14 tháng 10 năm 2022. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 10 năm 2022.
  17. ^ "TROPICAL STORM 22W (SONCA) WARNING NR 004" (Bản báo cáo). Joint Typhoon Warning Center. 14 tháng 10 năm 2022. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 10 năm 2022. (Giờ quốc tế)
  18. ^ Chí Tuệ (15 tháng 10 năm 2022). “Áp thấp nhiệt đới đổ bộ Quảng Nam - Quảng Ngãi, trong 9 giờ Thừa Thiên Huế mưa 570mm”. Tuổi trẻ Online. Truy cập ngày 22 tháng 5 năm 2024.
  19. ^ RSMC TROPICAL CYCLONE ADVISORY NAME TD DOWNGRADED FROM TS 2219 SONCA (2219) (Bản báo cáo) (bằng tiếng Anh). Cục Khí tượng Nhật Bản. 15 tháng 10 năm 2022. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 10 năm 2022.
  20. ^ Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn (2023). Đặc điểm Khí tượng Thuỷ văn Việt Nam năm 2022 (PDF). Nhà xuất bản Thanh niên. tr. 32. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 14 tháng 6 năm 2024.
  21. ^ WARNING AND SUMMARY 150600 WARNING VALID 160600 (Bản báo cáo) (bằng tiếng Anh). Cục Khí tượng Nhật Bản. 15 tháng 10 năm 2022. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 10 năm 2022.
  22. ^ "Western North Pacific Ocean Best Track Data- 22W SONCA" (zip). Joint Typhoon Warning Center. Phát hành năm 2023.
  23. ^ RSMC TROPICAL CYCLONE BEST TRACK NAME 2219 SONCA (2219) (Bản báo cáo). Cục Khí tượng Nhật Bản. 4 tháng 1 năm 2023. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 1 năm 2023.
  24. ^ a b Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn (2023). Đặc điểm Khí tượng Thuỷ văn Việt Nam năm 2022 (PDF). Nhà xuất bản Thanh niên. tr. 33. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 14 tháng 6 năm 2024.
  25. ^ Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn (2023). Đặc điểm Khí tượng Thuỷ văn Việt Nam năm 2022 (PDF). Nhà xuất bản Thanh niên. tr. 71. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 14 tháng 6 năm 2024.
  26. ^ Thái Bá Dũng, Tấn Lực (14 tháng 10 năm 2022). “Mưa như trút nước, người Đà Nẵng lội nước từ trong nhà ra ngoài đường”. Tuổi Trẻ Online. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 10 năm 2022. Truy cập ngày 4 tháng 6 năm 2024.
  27. ^ a b “TỔNG HỢP THIỆT HẠI DO THIÊN TAI NĂM 2022” (PDF). Cục Quản lí Đê điều và Phòng chống Thiên tai. Lưu trữ (PDF) bản gốc 21 tháng 5 năm 2024. Truy cập 9 tháng 6 năm 2024.
  28. ^ a b Nguyễn Đông (19 tháng 10 năm 2022). "Đà Nẵng thiệt hại gần 1.500 tỷ đồng do mưa lũ". Báo điện tử Vnexpress. Bản gốc đã được lưu trữ ngày 19 tháng 10 năm 2022. Truy cập ngày 19 tháng 10 năm 2022.
  29. ^ Hồ Giáp (11 tháng 11 năm 2023). “Loạt dự án giúp Đà Nẵng giải bài toán 'mưa là ngập'. VietNamNet. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 6 năm 2024. Truy cập ngày 9 tháng 6 năm 2024.
  30. ^ Trường Trung (18 tháng 10 năm 2022). “Hơn 600 ngôi mộ bị vùi lấp do sạt lở, Ban nghĩa trang Đà Nẵng tính phương án thờ chung”. Tuổi trẻ Online. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 10 năm 2022. Truy cập ngày 4 tháng 6 năm 2024.
  31. ^ Nguyễn Đông (30 tháng 10 năm 2023). “Bán đảo Sơn Trà sạt lở 'chưa từng có'. Vnexpress. Lưu trữ bản gốc 31 tháng 10 năm 2022. Truy cập 7 tháng 6 năm 2024.
  32. ^ Vinh Thông. “Tình trạng sạt lở trên bán đảo Sơn Trà diễn biến phức tạp”. Báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 9 năm 2023. Truy cập ngày 7 tháng 6 năm 2024.
  33. ^ “Ghi nhận tình hình lũ lụt tại Thừa Thiên Huế”. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. 15 tháng 10 năm 2022. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 10 năm 2022. Truy cập ngày 4 tháng 6 năm 2024.
  34. ^ Võ Thạnh. “Nước lũ tràn vào kinh thành Huế”. Báo điện tử Vnexpress. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 6 năm 2023. Truy cập ngày 4 tháng 6 năm 2024.
  35. ^ Mạnh Cường (16 tháng 10 năm 2022). “Quảng Nam: Một ngày, 2 cháu bé đuối nước thương tâm do mưa lũ”. Báo Thanh niên. Lưu trữ bản gốc 9 tháng 6 năm 2024. Truy cập 9 tháng 6 năm 2024.
  36. ^ Thùy Trang, Nguyễn Linh (15 tháng 10 năm 2022). “Quảng Nam bị sạt lở nghiêm trọng, xuất hiện hố tử thần trên QL 14B”. Báo Lao động. Lưu trữ bản gốc 23 tháng 10 năm 2022. Truy cập ngày 4 tháng 6 năm 2024.
  37. ^ Võ Dung. “Quảng Bình: Mưa lớn gây ngập lụt, chia cắt nhiều tuyến đường”. Vietnamplus. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 6 năm 2024. Truy cập ngày 9 tháng 6 năm 2024.
  38. ^ “Quảng Trị: Quốc lộ 15D bị sụt lún 200m, cửa khẩu La Lay tê liệt”. Truyền hình Quốc hội. 16 tháng 10 năm 2022. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 6 năm 2024. Truy cập ngày 4 tháng 6 năm 2024.
  39. ^ Đoàn Loan, Gia Chính, Hoàng Táo (15 tháng 10 năm 2022). “Đường sắt Bắc Nam, quốc lộ 1 bị chia cắt”. Vnexpress. Lưu trữ bản gốc 15 tháng 10 năm 2022. Truy cập ngày 7 tháng 6 năm 2024.Quản lý CS1: nhiều tên: danh sách tác giả (liên kết)
  40. ^ Nhân Tâm (16 tháng 10 năm 2022). “Miền Trung khắc phục nhanh hậu quả bão Sonca để ứng phó bão Nesat”. Tạp chí Kinh tế Sài Gòn. Lưu trữ bản gốc 8 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 7 tháng 6 năm 2024.
  41. ^ Minh Hạnh (16 tháng 10 năm 2022). “Đã thông tuyến nhiều điểm sạt lở trên quốc lộ sau mưa lũ”. Báo Lao động. Lưu trữ bản gốc 16 tháng 10 năm 2022. Truy cập ngày 7 tháng 6 năm 2024.
  42. ^ Hoài Sơn (3 tháng 11 năm 2022). “Đèo Hải Vân vẫn ngổn ngang đất đá sau trận mưa lịch sử”. Báo điện tử Dân Trí. Lưu trữ bản gốc 3 tháng 11 năm 2022. Truy cập ngày 18 tháng 6 năm 2024.
  43. ^ ĐV (15 tháng 10 năm 2022). “5 tỉnh, thành phố miền Trung cho học sinh nghỉ vì mưa lũ”. Báo Sức khỏe Đời sống. Lưu trữ bản gốc 15 tháng 10 năm 2022. Truy cập 1 tháng 7 năm 2024.
  44. ^ Nhóm phóng viên. “10 người chết do mưa lũ ở miền Trung”. Vnexpress. Lưu trữ bản gốc 30 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 21 tháng 5 năm 2024.
  45. ^ Hoàng Hiệp (19 tháng 10 năm 2022). “Đà Nẵng bị thiệt hại hơn 1.486 tỷ đồng do trận ngập lụt lịch sử”. Báo Đà Nẵng. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 10 năm 2022. Truy cập ngày 22 tháng 5 năm 2024.
  46. ^ Nhật Linh (20 tháng 10 năm 2022). “Thừa Thiên Huế thiệt hại hơn 337 tỉ đồng do mưa lũ”. Tuổi trẻ Online. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 22 tháng 5 năm 2024.
  47. ^ Laos Meteo (tháng 11 năm 2022). “MEMBER REPORT Lao PDR ESCAP/WMO Typhoon Committee 17th Integrated Workshop (Video conferencing) 29-30 November 2022” (PDF). Typhoon Committee (bằng tiếng Anh). Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 19 tháng 6 năm 2024. Truy cập ngày 18 tháng 6 năm 2024.
  48. ^ a b Thai Meteorological Department (tháng 11 năm 2022). “MEMBER REPORT [THAILAND] ESCAP/WMO Typhoon Committee 17th Integrated Workshop (Video conferencing) 29-30 November 2022” (PDF). Typhoon Committee (bằng tiếng Anh). Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 19 tháng 6 năm 2024. Truy cập ngày 18 tháng 6 năm 2024.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]