Acanthurus nigricans
Acanthurus nigricans | |
---|---|
Tình trạng bảo tồn | |
Phân loại khoa học | |
Giới (regnum) | Animalia |
Ngành (phylum) | Chordata |
Lớp (class) | Actinopterygii |
Bộ (ordo) | Acanthuriformes |
Họ (familia) | Acanthuridae |
Chi (genus) | Acanthurus |
Loài (species) | A. nigricans |
Danh pháp hai phần | |
Acanthurus nigricans (Linnaeus, 1758) | |
Danh pháp đồng nghĩa | |
|
Acanthurus nigricans là một loài cá biển thuộc chi Acanthurus trong họ Cá đuôi gai. Loài cá này được mô tả lần đầu tiên vào năm 1758.
Từ nguyên
[sửa | sửa mã nguồn]Tính từ định danh của loài cá này, nigricans, trong tiếng Latinh có nghĩa là "đen", ám chỉ cơ thể của chúng có màu đen hoặc xanh đen[2].
Phạm vi phân bố và môi trường sống
[sửa | sửa mã nguồn]A. nigricans có phạm vi phân bố thưa thớt ở Đông Ấn Độ Dương và Đông Thái Bình Dương, nhưng xuất hiện rộng rãi ở Tây và Trung Thái Bình Dương.
Ở Ấn Độ Dương, A. nigricans chỉ được ghi nhận tại quần đảo Cocos (Keeling) và đảo Giáng Sinh (Úc), cũng như vùng biển ngoài khơi Tây Úc và Diego Garcia[3] (thuộc quần đảo Chagos); còn ở Tây Thái Bình Dương, A. nigricans được phân bố rộng khắp vùng biển các nước Đông Nam Á và hầu hết các đảo quốc thuộc châu Đại Dương, xa nhất ở phía đông đến quần đảo Australes (Polynésie thuộc Pháp, trừ đảo Rapa Iti), ngược lên phía bắc đến vùng biển phía nam Nhật Bản và quần đảo Hawaii, giới hạn phía nam đến bờ đông Úc (gồm cả rạn san hô Great Barrier); ở Đông Thái Bình Dương, A. nigricans được ghi nhận ở ngoài khơi phía nam bán đảo Baja California, dọc theo bờ biển México xuống đến Costa Rica và Ecuador, bao gồm tất cả các quần đảo ngoài khơi (quần đảo Revillagigedo, đảo Cocos, quần đảo Galápagos).[1][4][5]
Ở Việt Nam, A. nigricans được ghi nhận tại vịnh Vân Phong,[6] vịnh Nha Trang (Khánh Hòa) và quần đảo Trường Sa;[7] cũng như tại quần đảo Hoàng Sa và đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).[8]
A. nigricans sống tập trung trên các rạn san hô viền bờ và trong đầm phá ở độ sâu đến ít nhất là 67 m.[1]
Mô tả
[sửa | sửa mã nguồn]Chiều dài cơ thể lớn nhất được ghi nhận ở A. nigricans là 22,6 cm.[4] Loài cá này có một mảnh xương nhọn màu vàng chĩa ra ở mỗi bên cuống đuôi, tạo thành ngạnh sắc. Cơ thể hình bầu dục thuôn dài, có màu đen phủ khắp cơ thể và trên các vây, trừ vây đuôi có màu trắng. Có một vệt màu trắng bên dưới mắt và một vòng trắng bao quanh miệng. Các dải màu vàng nổi bật ở gốc vây lưng và vây hậu môn, cũng như một sọc hẹp màu vàng ở gần rìa sau của vây đuôi. Đuôi cụt. Các vây (trừ đuôi) đều có dải viền màu xanh ánh kim ở rìa.
A. nigricans khá giống với loài chị em là Acanthurus japonicus từ màu sắc cho đến hình dáng. Khác biệt giữa hai loài này dễ nhận thấy nhất chính là A. japonicus có dải màu trắng kéo dài từ bên dưới của mắt đến môi và thêm một dải màu cam ở cận rìa, trong khi A. nigricans không có những điểm này.
Số gai ở vây lưng: 9; Số tia vây ở vây lưng: 28–31; Số gai ở vây hậu môn: 3; Số tia vây ở vây hậu môn: 26–29; Số tia vây ở vây ngực: 16; Số gai ở vây bụng: 1; Số tia vây ở vây bụng: 5; Số lược mang: 17–19.[9]
Sinh thái học
[sửa | sửa mã nguồn]A. nigricans sống đơn lẻ hoặc hợp thành đàn, và là loài có tính lãnh thổ. Thức ăn của chúng là tảo.[4]
Tuổi thọ cao nhất được ghi nhận ở A. nigricans là 34 năm tuổi.[10]
Lai với các loài chị em
[sửa | sửa mã nguồn]Acanthurus achilles, A. japonicus, Acanthurus leucosternon và A. nigricans là 4 loài chị em với nhau, được xếp vào nhóm phức hợp loài A. nigricans (còn được gọi là phức hợp loài A. achilles). Trong 4 loài kể trên, A. nigricans là loài có phạm vi phân bố rộng nhất, chồng lấn lên tất cả phạm vi phân bố của 3 loài còn lại. Chính vì vậy, A. nigricans thường tạp giao với chúng.[11][12]
- A. nigricans × A. achilles: được ghi nhận tại quần đảo Marshall và Kosrae, quần đảo Caroline. A. rackliffei, một loài được phát hiện tại đảo san hô Orona (quần đảo Phoenix), được nghĩ là con lai của hai loài này.[13]
- A. nigricans × A. japonicus: được ghi nhận tại phía nam Nhật Bản, Guam (quần đảo Mariana) và đảo Đài Loan.
- A. nigricans × A. leucosternon: được ghi nhận tại quần đảo Cocos (Keeling), đảo Giáng Sinh và Bali, Indonesia.
Thương mại
[sửa | sửa mã nguồn]A. nigricans được đánh bắt nhằm mục đích thương mại cá cảnh với giá dao động từ 34 đến 99 USD một con tùy theo kích cỡ.[1]
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ a b c d Choat, J. H.; Abesamis, R.; Clements, K. D.; McIlwain, J.; Myers, R.; Nanola, C.; Rocha, L. A.; Russell, B.; Stockwell, B. (2012). “Acanthurus nigricans”. Sách đỏ IUCN về các loài bị đe dọa. 2012: e.T177969A1506081. doi:10.2305/IUCN.UK.2012.RLTS.T177969A1506081.en. Truy cập ngày 21 tháng 12 năm 2021.
- ^ C. Scharpf; K. J. Lazara (2021). “Order ACANTHURIFORMES (part 2)”. The ETYFish Project Fish Name Etymology Database. Truy cập ngày 18 tháng 12 năm 2020.
- ^ Craig, Matthew T. (2008). “The goldrim surgeonfish (Acanthurus nigricans; Acanthuridae) from Diego Garcia, Chagos Archipelago: first record for the central Indian Ocean” (PDF). Zootaxa. 1850: 65–68. doi:10.5281/zenodo.183400.
- ^ a b c Ranier Froese và Daniel Pauly (chủ biên). Thông tin Acanthurus nigricans trên FishBase. Phiên bản tháng 6 năm 2024.
- ^ R. Fricke; W. N. Eschmeyer; R. van der Laan biên tập (2023). “Acanthurus nigricans”. Catalog of Fishes. Viện Hàn lâm Khoa học California. Truy cập ngày 1 tháng 5 năm 2022.
- ^ Trần Thị Hồng Hoa, Võ Văn Quang, Nguyễn Phi Uy Vũ, Lê Thị Thu Thảo, Trần Công Thịnh (2014). “Thành phần loài cá khai thác ở vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa” (PDF). Tuyển Tập Nghiên Cứu Biển. 20: 70–88.Quản lý CS1: sử dụng tham số tác giả (liên kết)
- ^ Nguyễn Hữu Phụng (2002). “Thành phần cá rạn san hô biển Việt Nam” (PDF). Tuyển tập Báo cáo Khoa học Hội nghị Khoa học "Biển Đông-2002": 275–308.
- ^ Nguyễn Văn Long (2016). “Hiện trạng và biến động quần xã cá rạn san hô ở khu bảo tồn biển Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi” (PDF). Tuyển tập Nghiên Cứu Biển. 22: 111–125.Quản lý CS1: sử dụng tham số tác giả (liên kết)
- ^ John E. Randall; Gerald R. Allen; Roger C. Steene (1998). The Fishes of the Great Barrier Reef and Coral Sea. Nhà xuất bản Đại học Hawaii. tr. 423. ISBN 978-0824818951.
- ^ J. H. Choat; D. R. Robertson (2002). “Chapter 3. Age-based studies on coral reef fishes” (PDF). Trong P. F. Sale (biên tập). Coral Reef Fishes. tr. 57–80. doi:10.1016/B978-012615185-5/50005-0.Quản lý CS1: sử dụng tham số tác giả (liên kết)
- ^ Marie, A. D.; van Herwerden, L.; Choat, J. H.; Hobbs, J-P. A. (2007). “Hybridization of reef fishes at the Indo-Pacific biogeographic barrier: a case study” (PDF). Coral Reefs. 26 (4): 841–850. doi:10.1007/s00338-007-0273-3. ISSN 1432-0975.
- ^ DiBattista, Joseph D.; Whitney, Jonathan; Craig, Matthew T.; Hobbs, Jean-Paul A.; Rocha, Luiz A.; Feldheim, Kevin A.; Berumen, Michael L.; Bowen, Brian W. (2016). “Surgeons and suture zones: Hybridization among four surgeonfish species in the Indo-Pacific with variable evolutionary outcomes” (PDF). Molecular Phylogenetics and Evolution. 101: 203–215. doi:10.1016/j.ympev.2016.04.036. ISSN 1095-9513. PMID 27143241.
- ^ John E. Randall (1956). “Acanthurus rackliffei, a Possible Hybrid Surgeon Fish (A. achilles × A. glaucopareius) from the Phoenix Islands”. Copeia. 1956 (1): 21–25. doi:10.2307/1439239.
- Loài ít quan tâm theo Sách đỏ IUCN
- Acanthurus
- Cá Ấn Độ Dương
- Cá Thái Bình Dương
- Cá Thái Lan
- Cá Việt Nam
- Cá Philippines
- Cá Indonesia
- Cá Malaysia
- Cá Papua New Guinea
- Cá Đài Loan
- Cá Nhật Bản
- Cá Úc
- Cá châu Đại Dương
- Cá Nouvelle-Calédonie
- Cá Hawaii
- Cá vịnh California
- Cá México
- Cá Costa Rica
- Cá Panama
- Cá Colombia
- Cá Ecuador
- Cá được mô tả năm 1758
- Nhóm loài do Carl Linnaeus đặt tên