Đinh Liễn
Đinh Liễn 丁璉 | |
---|---|
Hoàng tử Việt Nam | |
Nam Việt Vương | |
Tại vị | 968 - 979 |
Thông tin chung | |
Sinh | 945 Đại Hoàng, Hoa Lư |
Mất | Tháng 10, 979 Hoa Lư |
Thê thiếp | Ngô thị, em gái Ngô Nhật Khánh |
Tước vị | Nam Việt vương (南越王) |
Hoàng tộc | Nhà Đinh |
Thân phụ | Đinh Tiên Hoàng |
Đinh Liễn (chữ Hán: 丁璉; 945 - Tháng 10, 979) hay Đinh Khuông Liễn (丁匡璉), là một hoàng tử nhà Đinh, con trai cả của Đinh Bộ Lĩnh, vị Hoàng đế khai sáng ra triều đại nhà Đinh trong lịch sử Việt Nam. Ông được nhà Tống phong cho chức Giao Chỉ Quận Vương vào năm 975.
Ông từng được Đinh Bộ Lĩnh cử làm con tin ở triều đình Cổ Loa suốt 15 năm rồi theo cha đánh dẹp 12 sứ quân và còn thay cha trong việc giao bang với Trung Hoa. Khi Đinh Bộ Lĩnh xưng Hoàng đế, ông được phong chức Nam Việt vương (南越王) nhưng lại không được chọn làm Thái tử, mà thay vào đó là Đinh Hạng Lang, một người con nhỏ khác của Đinh Bộ Lĩnh.
Chính việc bỏ Đinh Liễn lập Hạng Lang, rồi dẫn đến sự kiện Đinh Liễn sai người giết Hạng Lang để tranh ngôi Thái tử, là một chuỗi các sự kiện khiến các sử gia về sau chỉ trích quyết định thiếu sáng suốt của Đinh Bộ Lĩnh. Cuối cùng, ông cùng cha bị sát hại trong một vụ án còn gây tranh cãi, với hung thủ được ghi nhận trong sử sách là một vị quan tên Đỗ Thích.
Tiểu sử
[sửa | sửa mã nguồn]Đinh Liễn người động Hoa Lư, châu Đại Hoàng (nay là Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Đinh Bộ Lĩnh có ba người con trai: Đinh Liễn, Đinh Hạng Lang và Đinh Toàn. Đinh Liễn hay Đinh Khuông Liễn là con trai cả của vua Đinh và là người con trai duy nhất sinh ra, trưởng thành trước khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi.
Đinh Bộ Lĩnh khi lên ngôi lập 5 hoàng hậu nhưng sử không ghi rõ Đinh Liễn là con bà hoàng hậu nào. Chỉ chắc chắn rằng ông không phải là con bà Dương hậu, người sinh ra Đinh Toàn và cũng không phải là con của bà Hoàng hậu mẹ của Ngô Nhật Khánh. Cũng có khả năng mẹ của Đinh Liễn đã mất trước khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế (tức năm 968), và đó cũng có thể là một lý do mà Đinh Tiên Hoàng không lập ông làm Thái tử.
Cuộc đời và sự nghiệp
[sửa | sửa mã nguồn]Làm con tin ở Cổ Loa
[sửa | sửa mã nguồn]Năm 951, Đinh Bộ Lĩnh cát cứ ở Hoa Lư không chịu thần phục nhà Ngô lúc đó do hai anh em Ngô Xương Ngập và Ngô Xương Văn cùng trị vì. Bộ Lĩnh sai Đinh Liễn vào Cổ Loa làm con tin[1]. Đinh Liễn đến, hai vua Ngô trách tội Bộ Lĩnh không đến chầu, rồi bắt giữ Liễn, đem theo đi đánh Hoa Lư. Hơn một tháng, quân Ngô không đánh nổi, hai vua Ngô bèn treo Liễn lên ngọn sào, sai người bảo Bộ Lĩnh, nếu không chịu hàng thì giết Liễn. Bộ Lĩnh tức giận nói:
- "Đại trượng phu chỉ mong lập được công danh, há lại bắt chước thói đàn bà xót con hay sao?"
Liền sai hơn mười tay nỏ nhắm Liễn mà bắn. Hai vua Ngô kinh sợ nói:
- "Ta treo con nó lên là muốn để nó đoái tiếc con mà ra hàng cho chóng. Nó tàn nhẫn như thế, còn treo con nó làm gì?"
Bèn không giết Liễn mà đem quân về[1]. Căn cứ vào năm sinh của Đinh Bộ Lĩnh (924) và sự kiện trên, có thể ước đoán Đinh Liễn sinh khoảng sau năm 940 một chút. Từ năm 951 tới năm 965, Đinh Liễn làm con tin ở Cổ Loa. Năm 954, Thiên Sách vương Ngô Xương Ngập chết. Năm 965, Nam Tấn vương Ngô Xương Văn tử trận, triều đình Cổ Loa rối ren chia bè phái, Đinh Liễn trở về Hoa Lư[1].
Trong sách Thập quốc thế gia có viết rằng:
- ''Ngô Xương Văn mất ở Giao Châu, tướng tá của ông là Lã Xử Bình và Thứ sử Phong Châu là Kiều Tri Hựu tranh nhau lên thay. Giao Chỉ đại loạn, Đinh Liễn ở Giao Châu đánh tan hai người ấy. Sử gia Ngô Thì Sĩ nhận xét: "Theo như sách chép thì lúc đó Nam Tấn mới mất, trong nước rối ren, Đinh Liễn có công dẹp loạn, lại được phong tước, chứ chẳng như những con tin tầm thường nhân lúc loạn lạc mà trốn về".
Tham gia dẹp loạn 12 sứ quân
[sửa | sửa mã nguồn]Không chỉ đánh bại hai lực lượng Lã Xử Bình và Kiều Công Hãn ở Cổ Loa, Đinh Liễn còn tham gia các trận bình định nhiều sứ quân khác. Khi trong nước đại loạn, 12 sứ quân nổi dậy chiếm giữ các nơi tự xưng danh hiệu, không có ai làm chủ. Lúc đó Đinh Bộ Lĩnh đã liên hợp với sứ quân Trần Lãm, thanh thế rất mạnh. Theo lệnh cha, Đinh Liễn vào Ái châu để mộ quân lo việc đánh dẹp và ông mộ được 3000 tráng sĩ, trong đó có Lê Hoàn.
Từ đó Đinh Liễn cùng cha ra tay đánh dẹp, chiêu hàng các sứ quân. Trong 3 năm, cha con Bộ Lĩnh dẹp xong loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước. Để thu phục sứ quân Ngô Nhật Khánh, Bộ Lĩnh đã lấy mẹ của Nhật Khánh làm một trong các Hoàng hậu của mình, ông còn đem gả con gái ông là Phất Kim công chúa cho Khánh và Đinh Liễn được định hôn với em gái của Nhật Khánh.
Do lập nhiều công lao, vì thế sau khi lên ngôi vua, Đinh Bộ Lĩnh đã phong cho con trai Đinh Liễn làm Nam Việt vương.
Nam Việt vương
[sửa | sửa mã nguồn]Năm 968, khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, định đô ở Hoa Lư, Đinh Liễn được phong làm Nam Việt Vương.
Năm 972, Đinh Liễn phụng mệnh cha đi sứ nhà Tống[2]. Năm sau ông trở về. Nhà Tống sai sứ sang phong cho vua Đinh làm Giao Chỉ quận vương và phong Đinh Liễn làm Kiểm hiệu thái sư, Tĩnh Hải quân tiết độ sứ An Nam đô hộ[2][3].
Năm 975, nhà Tống sai Cao Bảo Tự cùng Vương Ngạn Phù đem chế sách sang gia phong cho Nam Việt vương Đinh Liễn làm Khai phủ nghi đồng tam ty, Kiểm hiệu thái sư, Giao Chỉ quận vương[2] (Tống sử, quyển 488 thì chép việc phong này là cho Đinh Bộ Lĩnh[3]). Từ đó về sau, trong việc sai sứ sang nhà Tống, vua Đinh đều lấy Liễn làm chủ.
Giết Đinh Hạng Lang
[sửa | sửa mã nguồn]Năm 978, Đinh Bộ Lĩnh lúc đó đã có thêm 2 người con trai bé là Đinh Toàn và Đinh Hạng Lang. Vua Đinh yêu con nhỏ nên lập Hạng Lang làm Thái tử. Một số nhà nghiên cứu hiện nay như Ông Nguyễn Văn Son, Hội viên Hội Di sản văn hóa Việt Nam, người ở Cố đô Hoa Lư cho rằng Đinh Liễn không được lập làm Thái tử do Vua Đinh nhận thấy con trai đã được nhà Tống thừa nhận[4].
Đầu năm 979, Đinh Liễn quá giận dữ nên đã sai người ngầm giết Hạng Lang[2]. Sau đó, để làm nguôi lòng cha mẹ, ông đã sai dựng những cột kinh khắc bài Phật-đỉnh Tôn-thắng Đà-la-ni để cầu siêu cho người em. Phần lạc khoản trên các cột kinh là lời sám hối của ông, có mấy đoạn sau:
“ | Đệ tử là Suy thành Thuận Hóa, Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ, đặc tiến Kiểm hiệu Thái sư, thực ấp một vạn hộ, Nam Việt vương Đinh Khuông Liễn, vì vong đệ là Đại đức Đính Noa Tăng Noa không làm điều trung hiếu, không thờ anh và cha, lại có lòng ác, trái với sự yêu thương và khoan dung, anh không thể bỏ qua, nên đã làm tổn hại đến tính mệnh của Đại đức Đính Noa Tăng Noa, để trọn vẹn tình nhà nghĩa nước. Lời người xưa rằng, đã tranh quan thì không nhường, ra tay trước mới là hay, đến nỗi ra tình hình như vậy. Nay nguyện làm 100 cột kinh để cúng cho vong đệ và những hồn ma của người chết trước đây và sau này, cầu cho tất cả giải thoát, không phải tranh giành kiện tụng. Trước hết là chúc cho Đại Thắng Minh hoàng đế, mãi mãi làm chủ trời Nam, giữ yên ngôi báu (Đệ tử Suy thành Thuận Hóa, Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ, đặc tiến Kiểm hiệu Thái sư, thực ấp nhất vạn hộ, Nam Việt vương Đinh Khuông Liễn, sở vi vong đệ Đại đức Đính Noa Tăng Noa bất vi trung hiếu phục sự thượng phụ cập trưởng huynh, khước hành ác tâm, vi bội nhược ái khoan dung, huynh hư trước tạo thứ sở dĩ tổn hại Đại đức Đính Noa Tăng Noa tính mệnh, yếu thành gia quốc vĩnh bá môn phong. Cổ ngôn tranh quan bất nhượng vị, tiên hạ thủ vi lương, trí dĩ như tư. Kim nguyện tạo bảo tràng nhất bách tọa, tiến bạt vong đệ cập tiên vong hậu một nhất hạ thoát, miễn cánh chấp tụng. Tiên chúc Đại Thắng Minh hoàng đế, vĩnh bá thiên Nam, hằng an bảo vị). | ” |
— Cột 3A |
Như vậy, trên các tràng kinh này Đinh Liễn đặt lại tên mình là Khuông Liễn để tỏ ý tôn kính quốc sư Khuông Việt và sùng Phật[5]. Hiện nay các nhà nghiên cứu đã phát hiện được di tích của gần 20 cột kinh tại Hoa Lư.
Cái chết
[sửa | sửa mã nguồn]Cuối năm 979, mùa đông tháng 10, cả Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn bị sát hại trong cung[2]. Lúc đó ông 40 tuổi. Người con trai còn lại của Đinh Tiên Hoàng là Vệ vương Đinh Toàn được đưa lên ngôi, tức là Đinh Phế Đế.
Theo sử sách, người sát hại cha con Đinh Liễn là nội nhân Đỗ Thích[2], nhưng một số nhà nghiên cứu gần đây đặt giả thiết vụ này chủ mưu là Lê Hoàn và hoàng hậu Dương Vân Nga. Động cơ và hoàn cảnh của vụ án này thực chất là ngôi thái tử và gần giống với Vụ án Lệ Chi Viên sau này. (Xem thêm bài về Đinh Tiên Hoàng).
Sử sách không ghi chép về gia quyến Đinh Liễn, chỉ biết ông có một người vợ là em gái sứ quân Ngô Nhật Khánh. Theo gia phả họ Đinh Danh ở Thái Bình, sau khi Đinh Toàn lên ngôi, Lê Hoàn làm phó vương đã "cấm cố họ Đinh", vì vậy gia đình Đinh Liễn đã phải chạy đi nơi khác và thế hệ sau của họ này chính là Đinh Lễ, Đinh Liệt - các công thần khai quốc nhà Hậu Lê.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư, bản kỉ quyển 1 chép:
- Mùa xuân [năm Kỷ Mão, 979], Nam Việt Vương [Đinh Liễn] giết chết Hoàng Thái Tử Hạng Lang. Đinh Liễn là con trưởng của Nhà vua, thuở hàn vi từng chịu đựng gian khổ, khi thiên hạ được thái bình, ý vua cũng muốn truyền ngôi cho, bèn phong làm Nam Việt Vương. Đinh Liễn lại cũng từng chịu mệnh và nhận tước vị của nhà Tống ban cho. Nhưng về sau, vua sinh được người con trai nhỏ là Hạng Lang, rất mực yêu quý, bèn lập Hạng Lang làm Thái Tử. Đinh Liễn bất bình, liền sai người lập mưu giết đi[2].
Tôn vinh
[sửa | sửa mã nguồn]Đinh Liễn cùng Đinh Bộ Lĩnh, Đinh Toàn và Đinh Hạng Lang được thờ ở Đền Vua Đinh Tiên Hoàng, thuộc quần thể di tích cố đô Hoa Lư, thành phố Hoa Lư, Ninh Bình.
Đinh Liễn cũng được đặt tên cho một tuyến đường ở trung tâm thành phố Hoa Lư. Đường Đinh Liễn nối từ đường Trần Hưng Đạo ra đê sông Đáy. Ở Thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lăk cũng có đường Đinh Liễn nối đường Hùng Vương với đường Trần Văn Ơn thuộc phường Thống Nhất.
Xem thêm
[sửa | sửa mã nguồn]Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ a b c Đại Việt Sử ký toàn thư, ngoại kỷ, quyển V: Kỷ nhà Ngô - Hậu Ngô vương
- ^ a b c d e f g Đại Việt Sử ký toàn thư, bản kỷ, quyển I: Kỷ nhà Đinh - Tiên Hoàng đế
- ^ a b Tống sử quyển 488 Liệt truyện đệ 247 ngoại quốc 4: Giao Chỉ
- ^ Bí ẩn xung quanh cái chết của vua Đinh
- ^ Khuông Việt đại sư - một thiền sư tiêu biểu trong buổi đầu dựng nước Lưu trữ 2011-11-28 tại Wayback Machine, TT. Thích Bảo Nghiêm, Báo Người Phật tử, ngày ngày 15 tháng 9 năm 2011
Liên kết ngoài
[sửa | sửa mã nguồn]- Đạo Phật Thời Kỳ Tự Chủ Nhà Đinh và Tiền Lê Lưu trữ 2010-06-21 tại Wayback Machine
- Thạch kinh cổ nhất Việt Nam Lưu trữ 2007-09-27 tại Wayback Machine
- Thêm 16 cột kinh (sách đá) thời Đinh được phát hiện ở Hoa Lư Lưu trữ 2007-09-26 tại Wayback Machine
- Sắp đặt thư pháp Mật ngữ Lưu trữ 2010-08-27 tại Wayback Machine
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- Đại Việt sử ký toàn thư
- Nhà Đinh dẹp loạn và giữ nước - Nguyễn Danh Phiệt, Nhà xuất bản Đại học và giáo dục chuyên nghiệp, 1990
- Truyền thuyết Hoa Lư - Trương Đình Tưởng, Lê Hoa