Bước tới nội dung

Đối tác chiến lược, đối tác toàn diện (Việt Nam)

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Bài này nằm trong loạt bài về:
Chính trị và chính phủ
Việt Nam

Đối tác chiến lược, đối tác toàn diện là cụm từ chỉ quan hệ ngoại giao giữa hai nước với nhau. Quan hệ từ đối tác song phương, đối tác khu vực tới đối tác toàn diện, đối tác chiến lược. Cho tới năm 2013, mặc dù đã có tới 10 mối quan hệ đối tác chiến lược được thành lập trong vòng hơn 10 năm trước đó, nhưng các nhà hoạch định chính sách đối ngoại Việt Nam vẫn chưa đưa ra được một định nghĩa rõ ràng cho khái niệm này, đặc biệt là nội hàm của nó. Trong bài phỏng vấn của Báo điện tử Chính phủ năm 2015, ông Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao đã thống kê: Việt Nam có 5 đối tác chiến lược toàn diện, 15 đối tác chiến lược (tính cả bốn đối tác chiến lược toàn diện) và 12 đối tác toàn diện[1]. Theo thạc sĩ Lê Hồng Hiệp, một mối quan hệ nên được coi là "chiến lược" đối với Việt Nam chỉ khi nó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với an ninh, thịnh vượng, và vị thế quốc tế của Việt Nam. Trong ba khía cạnh này, hai khía cạnh an ninh và thịnh vượng phải là hai khía cạnh cốt yếu, còn khía cạnh cuối cùng chỉ mang ý nghĩa thứ yếu [2].

Tính tới tháng 10/2024, hiện Việt Nam có: 8 Đối tác Chiến lược Toàn diện; 18 Đối tác Chiến lược (bao gồm cả 8 Đối tác Chiến lược Toàn diện) và 14 Đối tác Toàn diện[3]. Trong đó 8/10 nước cùng là thành viên CPTPP (không tính Việt Nam) với 1 nước là Đối tác chiến lược toàn diện, 4 nước nước là Đối tác chiến lược và 3 nước là Đối tác toàn diện; 2 nước còn lại chưa có quan hệ đối tác cao là PeruMexico. Với các nước khối ASEAN, hiện Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao cao cấp với toàn bộ 9/9 nước thành viên (không tính Việt Nam) với 5 nước là Đối tác chiến lược và 2 nước là Đối tác toàn diện; 2 nước còn lại là CampuchiaLào là Quan hệ đặc biệt.

Một trường hợp đặc biệt khác trong các đối tác của Việt Nam là Hoa Kỳ, được nâng thẳng mức quan hệ từ Đối tác Toàn diện (xác lập năm 2013) lên mức cao nhất là Đối tác Chiến lược Toàn diện (xác lập năm 2023), mà bỏ qua mức Đối tác Chiến lược.[4]

Đối tác chiến lược toàn diện

[sửa | sửa mã nguồn]

Đối tác chiến lược toàn diện hay còn gọi là đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, tức là hai hay nhiều bên xác định gắn bó lợi ích lâu dài, hỗ trợ lẫn nhau và thúc đẩy sự hợp tác sâu rộng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực mà các bên cùng có lợi. Đồng thời hai bên còn xây dựng sự tin cậy lẫn nhau ở cấp chiến lược.[5]

Tới năm 2024 đã có 8 nước có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam là: Trung Quốc (2008); Nga (2012); Ấn Độ (2016); Hàn Quốc (2022); Hoa Kỳ (09/2023) và Nhật Bản (11/2023); Úc (03/2024) và Pháp (10/2024). Danh sách dưới đây được liệt kê theo năm nâng cấp mối quan hệ:

Vị trí của Việt Nam (cam) và Trung Quốc (lục)

Trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc tháng 5 năm 2008 của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhất trí xây dựng "Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện" trong thế kỷ 21 trên cơ sở phương châm 16 chữ vàng "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và tinh thần 4 tốt "Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt"[6].

Nhân chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Bí Thư, Chủ tịch Tập Cận Bình tới Hà Nội từ ngày 12-13/12/2023, hai bên đã ký Tuyên bố chung về việc "tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược"[7].

Vị trí của Việt Nam (cam) và Liên bang Nga (lục)

Ngày 1 tháng 3 năm 2001, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Nga Vladimir Putin – chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên của người đứng đầu nhà nước Nga kể từ khi Nga được thành lập năm 1991, 2 bên ký Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược. Đây được coi là nền tảng sự hợp tác của Việt Nam và Nga trong thế kỷ 21.[8] Nga cũng trở thành nước đầu tiên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.

Ngày 20 tháng 11 năm 2006, trong chuyến thăm Việt Nam lần thứ 2 của Tổng thống Nga Putin, 2 bên ra tuyên bố về "quan hệ đối tác chiến lược và sự hợp tác toàn diện giữa 2 nước".

Ngày 27 tháng 7 năm 2012, trong chuyến đi thăm Nga của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, 2 bên ra Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ Việt - Nga ghi nhận 2 nước "quan hệ đối tác chiến lược toàn diện".

Vị trí của Việt Nam (cam) và Ấn Độ (lục)

Tháng 7 năm 2007, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thăm Ấn Độ và lãnh đạo 2 nước đã chính thức nâng quan hệ lên tầm quan hệ "đối tác chiến lược" với việc tăng cường hợp tác về chính trị theo hướng ngày càng gắn bó và tin cậy.[9]

Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 2 - 3/9/2016, hai nước đã thống nhất nâng cấp quan hệ song phương từ Đối tác chiến lược lên "Đối tác chiến lược toàn diện".[10]

Vị trí của Việt Nam (cam) và Hàn Quốc (lục sậm) và lãnh thổ tuyên bố chủ quyền Bắc Triều Tiên (lục nhạt)

Tháng 10 năm 2009, trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và ông đã tuyên bố nâng cấp quan hệ hai nước lên thành "Đối tác hợp tác chiến lược".

Chiều ngày 5 tháng 12 năm 2022, ngay sau cuộc hội đàm tại Seoul giữa Chủ tịch nước Nguyễn Xuân PhúcTổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, hai nước đã thống nhất nâng cấp quan hệ song phương từ Đối tác chiến lược lên "Đối tác chiến lược toàn diện" nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương (22/12/1992 - 22/12/2022).[11]

Vị trí của Việt Nam (cam) và Hoa Kỳ (lục)

Ngày 25 tháng 7 năm 2013 tại Nhà Trắng đã diễn ra cuộc hội đàm giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama. Hai nhà Lãnh đạo đã quyết định xác lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ dựa trên các nguyên tắc tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.

Ngày 10 tháng 9 năm 2023, trong chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước từ ngày 10-11 tháng 9 năm 2023 của Tổng thống Joe Biden tới Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai bên đã ra Thông cáo chung, chính thức nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam nâng cấp quan hệ đối tác với một quốc gia từ mức Đối tác Toàn diện lên thẳng mức cao nhất Đối tác Chiến lược Toàn diện, bỏ qua mức Đối tác Chiến lược, chỉ trong vòng 10 năm (từ 2013 đến 2023).[4][12]

Vị trí của Việt Nam (cam) và Nhật Bản (lục)

Tháng 10 năm 2006, nhân dịp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Nhật Bản, hai bên thống nhất ra Tuyên bố chung về "Hướng tới quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á"[13].

Tháng 4 năm 2009, trong chuyến thăm Nhật Bản của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, hai bên chính thức thiết lập mối quan hệ "Đối tác Chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á"[14][15].

Ngày 18 tháng 03 năm 2014, Chủ tịch nước Trương Tấn SangThủ tướng Nhật Bản Abe Shinzō đã ký tuyên bố chung nâng cấp Quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Nhật Bản lên một tầm cao mới thành "Quan hệ Đối tác Chiến lược Sâu rộng vì Hòa bình và Phồn vinh ở Châu Á" [16].

Trong chuyến thăm Nhật Bản từ ngày 22-25/11/2021 của Thủ tướng Phạm Minh Chính với người đồng cấp - Thủ tướng Kishida Fumio, hai bên đã đưa ra Tuyên bố chung tái khẳng định: nhất trí đưa quan hệ "Đối tác Chiến lược Sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản" phát triển lên tầm cao mới, ngày càng sâu sắc, thực chất và hiệu quả trên mọi lĩnh vực.[17]

Nhân chuyến thăm chính thức Nhật Bản để tham dự Lễ kỉ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước, chiều ngày 27 tháng 11 năm 2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Kishida Fumio đã công bố nâng cấp quan hệ hai nước lên "Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới".[18]

Vị trí của Việt Nam (cam) và Úc (lục)

Trong chuyến thăm Canberra của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh vào tháng 9/2009, Phó thủ tướng Úc Julia Gillard và Phó thủ tướng Việt Nam Phạm Gia Khiêm đã ký kết tuyên bố chung về mối quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước. Tuyên bố chung đặt ra 6 lĩnh vực hợp tác tương lai lớn bao gồm: quan hệ chính trị và trao đổi chính sách công; tăng trưởng kinh tế và thương mại; hỗ trợ phát triển và hợp tác kỹ thuật; quan hệ quốc phòng và an ninh; kết nối nhân dân hai nước; chương trình nghị sự toàn cầu và khu vực.

Trong chuyến công du tới Úc từ 14 - 18/3/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã được tiếp đón theo nghi thức cao nhất dành cho người đứng đầu Chính phủ tại tòa Nhà Quốc hội Australia. Ngay sau đó, sáng ngày 15/3/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã ký Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước, nâng cấp quan hệ Việt - Úc từ Đối tác toàn diện năm 2009 lên cấp Đối tác chiến lược [19][20]. Hai nước cũng nhất trí tập trung hiện thực hóa ý định nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.[21]

Ngày 7 tháng 3 năm 2024, nhân chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Úc theo lời mời của Thủ tướng Anthony Albanese, hai bên đã thống nhất nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất Đối tác Chiến lược Toàn diện,[22] trở thành đối tác chiến lược toàn diện thứ 7 của Việt Nam.

Vị trí của Việt Nam (cam) và Pháp (lục)

Nhân chuyến thăm chính thức Pháp (24 - 26/9/2013), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault đã ký "Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp"[23].

Nhân chuyến thăm chính thức Pháp (06 - 07/10/2024), Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tô LâmTổng thống Pháp Emmanuel Macron đã ký "Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược Toàn diện Việt Nam - Pháp" [24].

Đối tác chiến lược

[sửa | sửa mã nguồn]

Đối tác chiến lược là mối quan hệ mang tính chất toàn cục, then chốt và có giá trị lâu dài với thời gian. Mối quan hệ gắn liền với nhiều lĩnh vực phát triển cùng có lợi với nhau (quan hệ cùng thắng) có thể có cả lĩnh vực an ninh quân sự. Số lượng đối tác chiến lược loại này đang gia tăng nhanh chóng.

Theo giáo sư Va-lê-ri Lót-xkin (Nga), "đối tác chiến lược" phải bao gồm những nội dung sau:

Không tấn công lẫn nhau; không liên minh chống lại các nước khác; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; phải có lòng tin lẫn nhau.

Đối với Mỹ, đối tác chiến lược phải bao gồm hợp tác chặt chẽ về quân sự, an ninh.

Về hình thức, đối tác chiến lược có thể diễn ra linh hoạt (chính thức hoặc không chính thức, song phương hoặc đa phương, diện và mức độ tham gia rộng hoặc hẹp, nhiều hoặc ít...) và có tính mở vì không hướng tới một kết cục cụ thể.

Đối tác chiến lược trên thế giới:

  • Trung Quốc: là nước có nhiều quan hệ đối tác chiến lược nhất thế giới với hơn 60 đối tác, trong đó có cả những nước nhỏ như Lào, Campuchia, Kazakhstan, Afghanistan và ba đối tác là các tổ chức quốc tế gồm EU, ASEANLiên minh châu Phi.
  • Nga: hơn 40 đối tác chiến lược và tương đương.
  • Mỹ: 9 đối tác chiến lược, 3 đối tác toàn diện, 2 quan hệ đặc biệt với AnhIsrael, 2 quan hệ đồng minh ngoài NATO, 8 quan hệ đồng minh khác. Tổng cộng 24 đối tác chiến lược hoặc tương đương trở lên.
  • Pháp: 13 đối tác chiến lược.
  • Anh, Ấn Độ: mỗi nước có 12 quan hệ đồng minh và đối tác chiến lược;

Hiện nay Việt Nam có 18 nước là đối tác chiến lược (8 nước là đối tác chiến lược toàn diện) trong đó có 5 đối tác là các quốc gia chủ chốt trong ASEAN, gồm: Nga (2001); Ấn Độ (2007); Trung Quốc (2008); Nhật Bản, Hàn Quốc và Tây Ban Nha (2009); Anh (2010); Đức (2011); Italy (1/2013), Thái Lan (6/2013), Indonesia (6/2013), Singapore (9/2013), Pháp (9/2013); Malaysia và Philippines (2015); Úc (2018); New Zealand (2020) và Hoa Kỳ (9/2023).

Danh sách dưới đây được liệt kê theo năm nâng cấp mối quan hệ, và không liệt kê lại các nước quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ở phần trên.

Trong chuyến thăm Tây Ban Nha của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tháng 12 năm 2009, hai bên đã thiết lập quan hệ "Đối tác chiến lược hướng tới tương lai", khẳng định quyết tâm đẩy mạnh quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước trong thời gian tới.[25]

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen từ ngày 8 - 12/9/2010, chiều 8/9 (rạng sáng giờ Hà Nội), tại thủ đô Luân Đôn, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Anh William Hague. Ngay sau hội đàm, hai bên đã ký Tuyên bố chung chính thức nâng cấp quan hệ Việt Nam - Anh lên đối tác chiến lược, tạo khuôn khổ phát triển quan hệ song phương một cách toàn diện.

Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Đức Angela Merkel (tháng 10/2011), Thủ tướng hai nước đã ký Tuyên bố chung Hà Nội về việc thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược, trong đó đề ra các mục tiêu và biện pháp cụ thể tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên.

Đáng lưu ý, sau vụ việc Trịnh Xuân Thanh, Đức đã đình chỉ quan hệ Đối tác Chiến lược với Việt Nam vào năm 2018[26]. Tuy nhiên, từ năm 2019, hai bên đã có những động thái nối lại quan hệ Đối tác Chiến lược với nhau, và đỉnh điểm là chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước của Tổng thống Frank-Walter Steinmeier tới từ ngày 23-24/01/2024[27]. Trong chuyến thăm này, hai bên cũng tiếp tục ký kết Kế hoạch hành động thực hiện Đối tác chiến lược cho hai năm 2023-2024[28].

Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ý từ ngày 20 - 22/1/2013 của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, hai bên đã ký Tuyên bố chung thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Ý.

Tháng 6 năm 2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Thái Lan từ ngày 25 - 27/6/2013. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã nhất trí thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Thái Lan, Thái Lan - Việt Nam với 5 trụ cột chính: quan hệ chính trị, hợp tác quốc phòng và an ninh, hợp tác kinh tế, hợp tác xã hội văn hóa, hợp tác khu vực và quốc tế[29].

Tháng 6 năm 2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Indonesia theo lời mời của Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono từ ngày 27-28/6/2013. Sau hội đàm 2 bên đã nhất trí nâng cấp trở thành quan hệ Đối tác Chiến lược.

Trong cuộc hội kiến với Tổng thống Indonesia Joko Widodo chiều 4/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai nước tăng cường trao đổi tiếp xúc cấp cao, phát huy hiệu quả cơ chế hợp tác song phương và phối hợp triển khai tốt các hiệp định, thỏa thuận đã ký kết, nhằm tạo động lực đưa quan hệ hai nước hướng tới là Đối tác chiến lược toàn diện trong thời gian tới.[30]

Tháng 9 năm 2013, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long thăm chính thức Việt Nam từ ngày 11-13/9/2013. Trong cuộc hội đàm ngày 11 tháng 9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Lý Hiển Long tuyên bố nâng cấp quan hệ song phương lên đối tác chiến lược và ra Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, đề cập 5 trụ cột hợp tác.

Năm 2023, lãnh đạo của hai nước đã nhất trí xem xét khả năng nghiên cứu nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện trong thời gian tới.[31]

Năm 2004, nhân chuyến thăm Malaysia của Thủ tướng Phan Văn Khải, hai nước ra "Tuyên bố chung về khuôn khổ Đối tác toàn diện trong thế kỷ 21".

Nhân chuyến tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo cấp cao APEC lần thứ 23 và nhận lời mời của Tổng thống Philippines Benigno Aquino, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Philippines từ ngày 17 - 19/11/2015. Ngày 17/11/2015 Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Benigno Aquino đã ký Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Philippines[32].

Tháng 9 năm 2009, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm chính thức New Zealand. Lãnh đạo cấp cao 2 nước đã nhất trí thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện.

Tại Hội đàm Cấp cao trực tuyến sáng ngày 22 tháng 7 năm 2020 nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - New Zealand (1975-2020) diễn ra giữa chính phủ hai nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Jacinda Ardern đều nhất trí tuyên bố: chính thức nâng cấp quan hệ Việt Nam - New Zealand lên thành Đối tác Chiến lược[33].

Đối tác toàn diện

[sửa | sửa mã nguồn]

Đối tác toàn diện là quan hệ thông thường giữa các chủ thể đã có một hoặc một vài mặt nào đó đạt đến mức chiến lược, nhưng chưa có sự đồng đều giữa các mặt hợp tác. Do sự tin cậy lẫn nhau chưa đủ hoặc thời điểm chưa chín muồi, nên các chủ thể chọn cách xây dựng một khuôn khổ đối tác toàn diện với hàm ý nhấn mạnh mặt hợp tác, tiếp tục củng cố lòng tin và cùng hướng tới tương lai.

Tới 2024, Việt Nam đã thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện với 14 quốc gia: Nam Phi (2004); Chile, Brazil và Venezuela (2007); Argentina (2010); Ukraine (2011); Đan Mạch (2013); Myanmar và Canada (2017); Hungary (2018); Brunei và Hà Lan (2019); Mông Cổ (09/2024) và UAE (10/2024). Danh sách dưới đây được liệt kê theo năm nâng cấp mối quan hệ.

Từ ngày 22 - 25 tháng 11 năm 2004, Thủ tướng Phan Văn Khải thăm chính thức Nam Phi trong chuyến thăm 3 nước An-giê-ri, Maroc, Nam Phi. Nhân dịp này, hai bên đã ký "Tuyên bố chung về Đối tác vì hợp tác và phát triển", "Hiệp định thành lập Diễn đàn Đối tác Liên Chính phủ hợp tác kinh tế, thương mại, văn hoá, khoa học kỹ thuật", "Thoả thuận thành lập ủy ban thương mại hỗn hợp" và "Thoả thuận hợp tác giữa hai Phòng Thương mại và Công nghiệp".[34]

Trong thời gian từ ngày 25 đến ngày 27/5/2007, nhận lời mời của Tổng thống Michelle Bachelet Jeri, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã thăm Chile, hai bên đã ra Tuyên bố chung cấp cao xác định khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện.[35]

Nhân chuyến thăm Nam Mỹ tháng 5 năm 2007, ngày 27/5 Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã đến Brazil theo lời mời của Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva. Ngày 29/5, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã hội kiến với Tổng thống Lula da Silva, sau đó lãnh đạo hai bên đã nhất trí nâng cấp quan hệ thành đối tác toàn diện.[36]

Trong chuyến thăm Venezuela của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tháng 5 năm 2007. Ngày 30/5, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã đến Venezuela. Sau cuộc hội kiến với Tổng thống Hugo Chavez ngày 1/6/2007, hai bên đã nhất trí nâng cấp quan hệ thành đối tác toàn diện.[37]

Ngày 16 tháng 4 năm 2010, sau Lễ đón chính thức được tổ chức trọng thể tại Cung Tổng thống La Rosada ở Thủ đô Buenos Aires, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã hội đàm với Tổng thống Argentina Cristina Fernandez de Kirchner.Họp báo sau hội đàm 2 bên đã nhất trí nâng cấp lên thành đối tác toàn diện.[38]

Tháng 3 năm 2011, Tổng thống Ukraina Viktor Yanukovych thăm cấp nhà nước Việt Nam, trong chuyến thăm hai bên nhất trí về triển vọng to lớn phát triển quan hệ hợp tác và đối tác toàn diện Việt Nam – Ukraine.[39]

Ngày 19 tháng 9 năm 2013 tại Copenhagen, Đan Mạch. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning-Schmidt. Hai nhà lãnh đạo đã thống nhất nâng quan hệ hai nước từ Đối tác chiến lược trong một số lĩnh vực thành quan hệ Đối tác toàn diện.[40]

Ngày 24 tháng 8 năm 2017 tại Naypyidaw, Myanmar, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc gặp thân mật với Tổng thống Myanmar Htin Kyaw. Sau cuộc gặp hai nhà lãnh đạo đã tiến hành hội đàm, trong đó hai bên nhất trí thiết lập khuôn khổ "Quan hệ Đối tác, hợp tác toàn diện" giữa nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Liên bang Myanmar.[41]

Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Canada Justin Trudeau từ ngày 8 đến ngày 10 tháng 11 năm 2017 nhân dịp dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng, vào ngày 8 tháng 11, hai bên đã ra tuyên bố "thiết lập khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện".[42]

Ngày 10 tháng 9 năm 2018, tại Budapest, Hungary, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Hungary Orbán Viktor nhất trí nâng khuôn khổ quan hệ hai nước lên "Đối tác toàn diện".[43]

Ngày 27 tháng 3 năm 2019, nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Sultan (Quốc vương) Brunei Hassanal Bolkiah, trong cuộc gặp với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, hai bên đã ra Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ ngoại giao giữa hai bên lên mức Đối tác toàn diện.[44][45]

Ngày 9 tháng 4 năm 2019 trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte theo lời mời của phía Việt Nam. Sau cuộc hội đàm giữa hai lãnh đạo đồng cấp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Mark Rutte, hai bên đã đưa ra thông báo nhất trí xây dựng quan hệ Đối tác toàn diện với mong muốn đưa hợp tác giữa hai nước phát triển sâu rộng hơn.[46][47]

Trước đó, Việt Nam và Hà Lan đã xây dựng mối quan hệ Đối tác chiến lược ở 2 lĩnh vực: thích ứng với biến đổi khí hậu & quản lý nước và về nông nghiệp bền vững & an ninh lương thực.

Ngày 30 tháng 9 năm 2024, nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm theo lời mời của Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh từ ngày 30/9 - 1/10, hai bên đã ra Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện nhằm định hướng cho sự hợp tác tin cậy sâu sắc giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả và toàn diện.[48]

Ngày 28 tháng 10 năm 2024, nhân chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới UAE theo lời mời của Tổng thống Mohamed bin Zayed Al Nahyan, hai bên nhất trí 6 trọng tâm ưu tiên hợp tác giữa hai nước, đồng thời thống nhất nâng cấp quan hệ lên Đối tác Toàn diện. Qua đó cũng đánh dấu UAE trở thành Đối tác Toàn diện đầu tiên của Việt Nam tại khu vực Trung Đông.[49]

Đối tác chiến lược lĩnh vực

[sửa | sửa mã nguồn]

Đối tác chiến lược lĩnh vực là sự hợp tác trong một lĩnh vực nào đó mà cả hai nước đều có sự tin cậy lẫn nhau. Nhưng sự hợp tác ấy chỉ trong lĩnh vực ấy không sang các ngành và chuyên môn khác.

Bên lề Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu lần thứ 8 tại Brussels, Bỉ, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Hà Lan Balkenende ngày 4 tháng 10 năm 2010 đã ký Thỏa thuận Đối tác Chiến lược trong Quản lý Nước và Ứng phó với Biến đổi khí hậu, đưa quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực này lên tầm cao nhất.

Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Mark Rutte ngày 16 tháng 6 năm 2014, Việt Nam và Hà Lan chính thức thiết lập thêm cơ chế Đối tác chiến lược về Nông nghiệp và An ninh lương thực.

Vào tháng 4 năm 2019, trong chuyến thăm của Thủ tướng Mark Rutte đến Việt Nam, hai bên đã nhất trí nâng quan hệ hai nước lên thành Đối tác toàn diện.[46]

Trong chuyến thăm Việt Nam của Thái tử Frederik, từ ngày 27/11 - 1/12/2011, tại buổi hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai nước đã ký Tuyên bố chung Việt Nam – Đan Mạch về thiết lập quan hệ đối tác chiến lược trong lĩnh vực biến đối khí hậu, môi trường, năng lượng và tăng trưởng xanh.

Tại chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tháng 9 năm 2013, đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning-Schmidt. Hai nhà lãnh đạo đã thống nhất nâng quan hệ hai nước từ Đối tác chiến lược trong một số lĩnh vực thành quan hệ Đối tác toàn diện.

Quan hệ đặc biệt

[sửa | sửa mã nguồn]

Quan hệ đặc biệt là mối quan hệ đồng minh chiến lược theo ý thức hệ, đồng thời là đối tác chiến lược toàn diện trên tất cả lĩnh vực.

Dòng thời gian

[sửa | sửa mã nguồn]
Lịch sử quan hệ đối tác
Quốc gia Đối tác chiến lược lĩnh vực
(Năm)
Đối tác toàn diện
(Năm)
Đối tác chiến lược
(Năm)
Đối tác chiến lược toàn diện
(Năm)
 Anh Quốc tháng 9 năm 2010
 Argentina tháng 4 năm 2010
 Australia tháng 9 năm 2009 tháng 3 năm 2018 tháng 3 năm 2024
 Ấn Độ tháng 7 năm 2007 tháng 9 năm 2016
 Brasil tháng 5 năm 2007
 Brunei tháng 3 năm 2019
 Canada tháng 11 năm 2017
 Chile tháng 5 năm 2007
 Đan Mạch tháng 11 năm 2011 tháng 9 năm 2013
 Đức tháng 10 năm 2011
 Hà Lan tháng 10 năm 2010 tháng 4 năm 2019
 Hàn Quốc tháng 10 năm 2009 tháng 12 năm 2022
 Hoa Kỳ tháng 7 năm 2013 tháng 9 năm 2023
 Hungary tháng 9 năm 2018
 Indonesia tháng 6 năm 2013
 Malaysia tháng 8 năm 2015
 Mông Cổ tháng 9 năm 2024
 Myanmar tháng 8 năm 2017
 Nam Phi tháng 11 năm 2004
 New Zealand tháng 7 năm 2020
 Nga tháng 3 năm 2001 tháng 7 năm 2012
 Nhật Bản tháng 4 năm 2009 tháng 11 năm 2023
 Pháp tháng 9 năm 2013 tháng 10 năm 2024
 Philippines tháng 11 năm 2015
 Singapore tháng 9 năm 2013 (2024)[a][50]
 Tây Ban Nha tháng 12 năm 2009
 Thái Lan tháng 6 năm 2013
 Trung Quốc tháng 5 năm 2008
 UAE tháng 10 năm 2024
 Ukraina tháng 3 năm 2011
 Venezuela tháng 6 năm 2007
 Ý tháng 1 năm 2013
Chú thích: Những năm được định dạng dưới dạng số "nghiêng" là những năm dự kiến nâng tầm quan hệ với quốc gia đã nêu.
  1. ^ Dự kiến theo thảo thuận giữa hai lãnh đạo

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ “Hướng đi chiến lược của ngoại giao Việt Nam trong thế kỷ 21”.
  2. ^ VN bị “lạm phát” đối tác chiến lược?, Lê Hồng Hiệp, BBC tiếng Việt, ngày 18 tháng 4 năm 2013. Truy cập ngày 30 tháng 12 năm 2014
  3. ^ “Dấu ấn đặc biệt quan trọng trong nâng tầm đối ngoại đa phương Việt Nam”. Zingnews.
  4. ^ a b “Việt Nam và Hoa Kỳ nhất trí nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược Toàn diện”. 10 tháng 9 năm 2023.
  5. ^ Trí, Dân (11 tháng 9 năm 2023). “Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện được hiểu như thế nào?”. Báo điện tử Dân Trí. Truy cập ngày 21 tháng 7 năm 2024.
  6. ^ “Tài liệu cơ bản về Trung Quốc và quan hệ Việt Nam - Trung Quốc”. Website Bộ Ngoại giao Việt Nam.
  7. ^ “Tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược”. Báo Chính phủ. 13 tháng 12 năm 2023.
  8. ^ “Bản sao đã lưu trữ”. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 3 năm 2022. Truy cập ngày 2 tháng 7 năm 2014.
  9. ^ “Bản sao đã lưu trữ”. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 7 năm 2014. Truy cập ngày 2 tháng 7 năm 2014.
  10. ^ Nam Hằng. “Việt Nam, Ấn Độ nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện”. Báo Dân Trí. Truy cập ngày 7 tháng 12 năm 2022.
  11. ^ “Việt Nam - Hàn Quốc nâng cấp quan hệ lên 'Đối tác chiến lược toàn diện'. Báo Chính phủ. 5 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 5 tháng 12 năm 2022.
  12. ^ “Việt - Mỹ xác lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện”. VNEXPRESS. 10 tháng 9 năm 2023.
  13. ^ “LÀM SÂU SẮC HƠN QUAN HỆ ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC VIỆT - NHẬT”. Tạp chí Quốc phòng toàn dân. 9 tháng 12 năm 2013. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 8 năm 2021. Truy cập ngày 26 tháng 8 năm 2021.
  14. ^ “Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử”. Báo Điện Tử Đảng Cộng Sản. 18 tháng 10 năm 2020.
  15. ^ “Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản”. VietnamPlus.
  16. ^ “Tuyên bố chung Việt Nam-Nhật Bản về thiết lập quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á”. Website Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản. line feed character trong |title= tại ký tự số 89 (trợ giúp)
  17. ^ “Tuyên bố chung Việt Nam - Nhật Bản: Hướng tới một giai đoạn mới của quan hệ Đối tác Chiến lược sâu rộng vì hoà bình và thịnh vượng ở châu Á”. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. 24 tháng 11 năm 2021.
  18. ^ “Nâng cấp quan hệ Việt Nam-Nhật Bản lên 'Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới'. Báo Chính phủ. 27 tháng 11 năm 2023.
  19. ^ “Việt Nam-Australia trở thành Đối tác Chiến lược”. VietNamNet. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2018.
  20. ^ “Thủ tướng Việt Nam - Australia ký tuyên bố đối tác chiến lược lịch sử”. Zing News. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 3 năm 2018. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2018.
  21. ^ Đức Trung. “Việt Nam - Australia tập trung hiện thực hóa nâng cấp quan hệ”. VnExpress. Truy cập ngày 28 tháng 8 năm 2023.
  22. ^ “Úc trở thành Đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam”. Báo Thanh niên. 7 tháng 3 năm 2024.
  23. ^ “Thông tin về quan hệ Việt Nam - Pháp 2018”. Website Bộ Ngoại giao Việt Nam.
  24. ^ “Việt - Pháp nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện”.
  25. ^ “Bản sao đã lưu trữ”. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 3 tháng 7 năm 2014.
  26. ^ Đại sứ quán Đức. “Vietnam und Deutschland beraten Neuausrichtung ihrer Strategischen Partnerschaft”. Cơ quan đại diện Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam (bằng tiếng Đức). Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 6 năm 2024. Truy cập ngày 4 tháng 6 năm 2024.
  27. ^ “Staatsbesuch in Vietnam”. bundespraesident.de. 23 tháng 1 năm 2024.
  28. ^ “Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Đức Olaf Scholz: Đưa mối quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức lên tầm cao mới”. Đại sứ quán nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức.
  29. ^ “Việt - Thái thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược”. Báo ảnh Việt Nam. 29 tháng 6 năm 2013.
  30. ^ Viết Tuân. “Việt Nam hướng tới quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Indonesia”. VnExpress. Truy cập ngày 10 tháng 9 năm 2023.
  31. ^ Chinhphu.vn (28 tháng 8 năm 2023). “Việt Nam, Singapore xem xét khả năng nghiên cứu nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện”. Báo Điện tử Chính phủ. Truy cập ngày 28 tháng 8 năm 2023.
  32. ^ http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/viet-nam-philippines-lap-quan-he-doi-tac-chien-luoc-3313738.html
  33. ^ “Việt Nam, New Zealand chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược”. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. 22 tháng 7 năm 2020.
  34. ^ “Thủ tướng Phan Văn Khải thăm chính thức Cộng hòa Nam Phi”. Báo Nhân Dân điện tử. 23 tháng 11 năm 2004. Truy cập ngày 21 tháng 7 năm 2024.
  35. ^ PHÓNG, BÁO SÀI GÒN GIẢI (28 tháng 5 năm 2007). “Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh kết thúc chuyến thăm Cộng hòa Chile”. BÁO SÀI GÒN GIẢI PHÓNG. Truy cập ngày 21 tháng 7 năm 2024.
  36. ^ baochinhphu.vn (30 tháng 5 năm 2007). “Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh hội đàm với Tổng thống Brazil”. baochinhphu.vn. Truy cập ngày 21 tháng 7 năm 2024.
  37. ^ baochinhphu.vn (31 tháng 5 năm 2007). “Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh bắt đầu chuyến thăm chính thức Venezuela”. baochinhphu.vn. Truy cập ngày 21 tháng 7 năm 2024.
  38. ^ PHÓNG, BÁO SÀI GÒN GIẢI (18 tháng 4 năm 2010). “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội đàm với Tổng thống Argentina”. BÁO SÀI GÒN GIẢI PHÓNG. Truy cập ngày 21 tháng 7 năm 2024.
  39. ^ daibieunhandan.vn. “Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych thăm chính thức Việt Nam”. Báo Đại biểu Nhân dân. Truy cập ngày 21 tháng 7 năm 2024.
  40. ^ “Việt Nam-Đan Mạch nâng tầm quan hệ đối tác toàn diện”. VOV.VN. 19 tháng 9 năm 2013. Truy cập ngày 21 tháng 7 năm 2024.
  41. ^ “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Myanmar Htin Kyaw”. Truy cập ngày 21 tháng 7 năm 2024.
  42. ^ “Việt Nam - Canada thiết lập khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện”. VnExpress. Truy cập ngày 8 tháng 11 năm 2017.
  43. ^ “Việt Nam, Hungary nâng tầm quan hệ lên Đối tác toàn diện”. Truy cập ngày 10 tháng 9 năm 2018.
  44. ^ “Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Brunei”. BÁO ĐIỆN TỬ VTC NEWS.
  45. ^ “Đưa quan hệ Việt Nam - Brunei lên tầm đối tác toàn diện”. VTV News.
  46. ^ a b “Thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hà Lan phát triển sâu rộng, hiệu quả”. Báo Nhân Dân Online. Truy cập ngày 9 tháng 4 năm 2019.
  47. ^ “Việt Nam - Hà Lan nâng quan hệ lên Đối tác toàn diện”. Báo điện tử VnExpress. Truy cập ngày 9 tháng 4 năm 2019.
  48. ^ “Việt Nam - Mông Cổ thiết lập quan hệ đối tác toàn diện”. Báo Điện tử Chính phủ. 30 tháng 9 năm 2024.
  49. ^ “Việt Nam nâng cấp quan hệ với UAE - trung tâm tài chính hàng đầu Trung Đông”. Báo điện tử Dân Trí. 28 tháng 10 năm 2024.
  50. ^ “Việt Nam - Singapore nghiên cứu xây dựng đối tác chiến lược”.