Bước tới nội dung

Đốc Thiết

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Đốc Thiết
SinhLang Văn Thiết
1850
bản Chiềng, làng Gia Hội, tổng Đồng Lạc (nay là xã Châu Hội, Châu Nga, huyện Quỳ Châu)
Mất1897
làng Thanh Nga, xã Châu Nga, huyện Quỳ Châu
Nguyên nhân mấtHy sinh
Nơi an nghỉbản Hội 2, xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An
Quốc tịchViệt Nam
Nghề nghiệpThủ lĩnh trong phong trào Cần Vương chống Pháp
Năm hoạt động1886-1897
Quê quánNghệ An
Cha mẹ
  • Lang Văn Thu (cha)
  • ? (mẹ)

Đốc Thiết (1850 - 1897) tên thật là Lang Văn Thiết, ông là vị thủ lĩnh trong phong trào Cần Vương chống Pháp của người Thái ở Nghệ An những năm 1886 - 1897.[1]

Tiểu sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Lang Văn Thiết sinh năm 1850 tại bản Chiềng, làng Gia Hội, tổng Đồng Lạc (nay thuộc xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu), là con trai của võ quan Lang Văn Thu dưới triều Tự Đức.[1] Từ nhỏ ông đã được cha huấn luyện võ nghệ, lại ham luyện cung, múa kiếm, lớn lên thân hình cường tráng lại giao lưu rộng nên có uy tín lớn trong cộng đồng. Sau đó, ông được cậu ruột là Tri phủ Quỳ Châu giao cho chức đốc binh, do đó mà ông còn được gọi là Đốc Thiết.[2] Ông được cho là người có công lớn trong việc dẹp loạn người Xá đến quấy phá bản mường ở miền Tây tỉnh Nghệ An.[1][2]

Vào khoảng năm 1874, ở vùng đất Châu Kim (nay thuộc xã Châu Kim, huyện Quế Phong) xảy ra loạn giặc Xá. Chính Đốc Thiết đã đứng ra tập hợp, và đã chỉ huy 1000 người đuổi giặc ra khỏi ba tổng. Sau năm 1883, khi giặc Xá dẹp xong, Đốc Thiết có thêm kinh nghiệm chiến đấu, chuẩn bị tổ chức chống Pháp.[2]

Khởi nghĩa chống Pháp

[sửa | sửa mã nguồn]

Trong một lần đi Trung Quốc, vua Hàm Nghi cùng Tôn Thất Thuyết đã dừng chân tại đại bản doanh của ông.[1] Hưởng ứng phong trào Cần Vương, ông lãnh đạo nhân dân các dân tộc thiểu số tại vùng Châu Hội, Châu Nga ngày nay đứng lên chống Pháp. Ông được Tôn Thất Thuyết giao nhiệm vụ phối hợp nghĩa quân Cầm Bá Thước tại vùng núi Thanh Hóa xây dựng căn cứ chống Pháp và được vua Hàm Nghi thưởng nhiều vàng bạc. Cũng nhờ uy danh của ông, mà cộng sự đắc lực của Phan Đình Phùng, Cao Thắng đích thân từ Hương Khê, Hà Tĩnh ra gặp để hợp tác chống Pháp. Cuộc chiến kéo dài 10 năm từ năm 1886-1896 tại vùng Châu Hội, Châu Nga.[1]

Qua đời

[sửa | sửa mã nguồn]

Ông hi sinh vào năm 1897 tại làng Thanh Nga, xã Châu Nga, huyện Quỳ Châu do bị địch vây đánh khiến ông bị thương, tuy ông vẫn cố chạy phá vây nhưng do chảy quá nhiều máu, ông đã qua đời và bị Thực dân Pháp bắt chặt đầu ở gốc cây táo ở bản Khun, xã Châu Hội. Phần thân ông bị Pháp vứt trôi xuôi dòng sông Hiếu, sau đó được người dân vớt lên và được an táng tại bản Hội 2, xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An.[3]

Gia đình

[sửa | sửa mã nguồn]

Ông có bốn người con (2 trai và 2 gái). Năm 1897, biết mình sẽ bị Thực dân Pháp và tay sai phục bắt, ông dặn dò vợ phải bảo vệ tính mạng cho các con. Vợ ông đã đưa các con trốn tại xã Châu Thuận - cách nhà Đốc Thiết 25 km. Con cháu ông sống tại bản Khun, châu Hội.

Tên ông được đặt cho một con đường ở Thành phố Vinh, dài hơn 1 km.[2]

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b c d e Hữu Vi; Ngọc Lan (7 tháng 7 năm 2014). “Đốc Thiết, người anh hùng của bản làng”. Báo Nghệ An.
  2. ^ a b c d Đình Sâm (19 tháng 7 năm 2014). “Đường Đốc Thiết-Hài hòa nhịp phố”. Truy cập 20 tháng 1 năm 2020.
  3. ^ Vi Ngọc Chân. “Sơ lược về phong trào chống Pháp của Đốc binh Lang Văn Thiết” (PDF).