Đầy tháng
Đầy tháng là thời điểm, theo quan niệm dân gian Việt Nam, đứa trẻ được vừa tròn một tháng sau sinh. Trong ngày đầy tháng, thường các gia đình làm lễ cúng đầy tháng và làm cỗ mời họ hàng khách khứa để mừng cho cháu bé đã qua thời trứng nước, đồng thời cũng là thời điểm mẹ của cháu bé (sản phụ) kết thúc giai đoạn kiêng khem ở cữ.
Nguồn gốc
[sửa | sửa mã nguồn]Xuất phát từ sinh lý tự nhiên, tháng đầu tiên trong cuộc đời của em bé vô cùng quan trọng. Ngày xưa ở Việt Nam, em bé sau khi ra đời không được đặt tên ngay vì tỉ lệ tử vong của bé sơ sinh rất cao. Trong 4 tuần đầu sau khi lọt lòng mẹ, trẻ em dễ chết yểu vì những khả năng đề kháng của bé chưa được hoàn hảo và chưa hoạt động đúng mức. Thống kê khác cũng cho thấy, trong số trẻ không may chết trong năm đầu thì có tới 2/5 sẽ chết ngay trong tháng đầu tiên. Vì thế, nếu bé được ăn đầy tháng thì cháu đã thoát được hết hai phần ba của những rủi ro trong năm tuổi đầu tiên của cuộc đời. Đầu xuôi đuôi lọt, sau một tháng bé vẫn còn mạnh khỏe, tăng cân, thì có lẽ hy vọng sống sót lớn lên thành người, vì vậy ngày đầy tháng là dịp ăn mừng cho cháu, bố mẹ và thậm chí là cả họ hàng.
Tháng đầu sau khi em bé được sinh ra cũng là giai đoạn ở cữ của sản phụ, do đó khi kết thúc tháng đầu cũng là sự kết thúc của giai đoạn khó khăn nhất không chỉ đối với bé mà với cả bà mẹ thời hậu sản.
Những tín ngưỡng dân gian ngày xưa quy ước đàn bà ở cữ và con chưa đủ tháng thường không được ra khỏi nhà và tránh tiếp xúc với người khác[1]. Do đó ngày đầy tháng cũng là ngày đầu tiên gia đình trình với nội-ngoại, họ hàng, lối xóm về một đứa cháu nhưng ít ai nhìn thấy từ lúc sinh ra (cả mẹ và con) như là chứng nhận của xã hội về sự tồn tại của một con người, để được nâng niu, chúc tụng, để cộng đồng có trách nhiệm giúp đỡ, cưu mang, che chở.
Lễ đầy tháng
[sửa | sửa mã nguồn]Lễ cúng đầy tháng là một trong những lễ cúng Mụ tương tự các nghi lễ cúng tạ các bà Mụ vào ngày đầy cữ (3 ngày sau sinh), đầy tuổi tôi (3 tháng 10 ngày sau sinh), thôi nôi (1 năm sau sinh), xuất phát từ hình thức tín ngưỡng dân gian mang đậm dấu ấn tín ngưỡng thờ mẫu. Việc tổ chức lễ đầy tháng nhằm tạ ơn các Mụ bà không chỉ nặn ra đứa trẻ, mà còn phù trợ cho "mẹ tròn con vuông".
Trong ngày đầy tháng, ngoài việc chuẩn bị món ăn thức uống dùng để chiêu đãi khách mời, gia chủ còn chuẩn bị mâm lễ vật cung kính 12 Mụ bà gồm 12 chén chè, 3 tô chè, 3 đĩa xôi và một mâm cúng kính 3 Đức ông gồm con vịt chéo cánh được luộc chín, 3 chén cháo và 1 tô cháo[2][3].
Xem thêm
[sửa | sửa mã nguồn]Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Theo Phan Kế Bính trong Việt Nam phong tục (Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, H. 2001, trang 420): người mới đẻ thì người ngoài kiêng vào nhà, sợ cung long thì làm ăn luẩn quẩn không hay và người mới đẻ kiêng không cho người ngoài giắt tiền vào phòng, sợ trẻ giật mình v.v.
- ^ “Gợi ý mâm cúng đầy tháng bé gái chi tiết cho cả 3 miền”. VOH - Đài Tiếng nói Nhân dân Thành Phố Hồ Chí Minh.
- ^ “Lễ đầy tháng bé trai ngày nào, mâm cúng đầy tháng ra sao?”. VOH - Đài Tiếng nói Nhân dân Thành Phố Hồ Chí Minh.