Bước tới nội dung

Đảng Nhân dân Cách mạng Lào

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Đảng Nhân dân Cách mạng Lào
ພັກປະຊາຊົນປະຕິວັດລາວ
Phak Pasaxon Pativat Lao
Lãnh tụKaysone Phomvihane
Souphanouvong
Tổng bí thưThongloun Sisoulith
Thường trực Ban Bí thưBounthong Chitmany
Thành lập22 tháng 3 năm 1955
(69 năm trước)
 (1955-03-22)
Tiền thânĐảng Cộng sản Đông Dương
Trụ sở chínhViêng Chăn, Lào
Báo chíPasaxon
Tổ chức thanh niênĐoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Lào
Tổ chức quân độiQuân đội Nhân dân Lào
Thành viên  (2021)348,686
Ý thức hệChủ nghĩa cộng sản
Chủ nghĩa Marx–Lenin
Tư tưởng Kaysone Phomvihane
Khuynh hướngCực tả
Thuộc tổ chức quốc giaMặt trận Lào Xây dựng Đất nước
Thuộc tổ chức quốc tếHội nghị Quốc tế các Đảng Cộng sản và Công nhân
Đảng ca"Quốc tế ca"
Quốc hội
158 / 164
Đảng kỳ
WebsiteWebsite chính thức

Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (tiếng Lào: ພັກປະຊາຊົນປະຕິວັດລາວ Phak Pasaxon Pativat Lao, phiên âm: Phắc Pa-xa-xôn Pa-ti-vắt Lào) là đảng cầm quyền và là chính đảng duy nhất ở Lào theo Hiến pháp.

Đảng Nhân dân Cách mạng Lào được chính thức thành lập vào ngày 22 tháng 3 năm 1955. Đảng đã lãnh đạo phong trào, cuộc nổi dậy chống lại Chính phủ Hoàng gia Lào và hỗ trợ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong Chiến tranh Việt Nam. Cuộc nổi dậy lên đến đỉnh điểm vào năm 1975, với việc Đảng Nhân dân Cách mạng Lào giành chính quyền. Trong những năm đầu tiên cầm quyền, Đảng đã tăng cường quyền kiểm soát đối với xã hội và cố gắng thiết lập một nền kinh tế kế hoạch dựa trên mô hình của Liên Xô. Trong những năm 1980, chịu ảnh hưởng của cải cách thị trường ở Trung Quốc và Việt Nam, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã khởi xướng các chương trình cải cách kinh tế nhằm tư nhân hóa các công ty nhà nước và hợp pháp hóa tài sản tư nhân.

Hình thức tổ chức của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào là nguyên tắc tập trung dân chủ. Cơ quan cao nhất của Đảng là Đại hội Đại biểu toàn quốc, nơi sẽ bầu ra Ban Chấp hành Trung ương. Giữa các kỳ Đại hội Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng là cơ quan tối cao quyết định các vấn đề của Đảng. Sau Đại hội, Trung ương sẽ bầu ra Bộ Chính trị, Ban Bí thư, và bầu một Ủy viên Bộ Chính trị làm Tổng Bí thư, người giữ chức vụ cao nhất của Đảng. Giữa các kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị là cơ quan quyết định cao nhất. Hiện nay, Bộ Chính trị khóa XI gồm 13 thành viên. Lãnh đạo Đảng hiện nay là Thongloun Sisoulith, người giữ các chức danh Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và Công an, Thủ tướng Lào, người đứng đầu Chính phủ.

Đảng Nhân dân Cách mạng Lào kiên định đi theo chủ nghĩa cộng sản và thường xuyên tham gia Cuộc gặp Quốc tế các Đảng Cộng sản và Công nhân, một diễn đàn quốc tế thường niên của các Đảng cộng sản. Theo Điều lệ Đảng, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Kaysone Phomvihane làm nền tảng tư tưởng. Khi lên nắm quyền vào năm 1975, Đảng đã ngay lập tức tìm cách xóa bỏ phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và thiết lập phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa. Đến những năm 1990, Đảng đã áp dụng chủ nghĩa tư bản nhà nước, một khâu trung gian trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Bối cảnh, thành lập và cuộc Cách mạng Dân chủ Quốc gia (1945–1975)

[sửa | sửa mã nguồn]

Tiền thân của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào là Đảng Cộng sản Đông Dương, do Hồ Chí Minh thành lập vào tháng 2 năm 1930 theo chỉ thị của Quốc tế Cộng sản (Comintern). Nhiệm vụ của Đảng Cộng sản Đông Dương là chia ruộng đất cho người cày, lật đổ chủ nghĩa đế quốc, tẩy sạch tàn tích phong kiến, Đông Dương hoàn toàn độc lập. Do người Việt Nam chiếm đa số trong Đảng, ban đầu Đảng được đặt tên là "Đảng Cộng sản Việt Nam". Sau này, tên của đảng được đổi thành Đảng Cộng sản Đông Dương theo yêu cầu của Quốc tế Cộng sản do tên gọi này mang tính chất chủ nghĩa dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, Comintern tin rằng công nhân Việt Nam, Campuchia và Lào có nhiều điểm chung hơn là có sự khác biệt.[1] Mặc dù tuyên bố là một Đảng Đông Dương, Đảng Cộng sản Đông Dương là một Đảng hoàn toàn do người Việt làm chủ cho đến sau khi tuyên bố tự giải tán và chuyển vào hoạt động bí mật vào ngày 11 tháng 11 năm 1945.[1]

Năm 1946, các thành viên Đảng Cộng sản Đông Dương bắt đầu tuyển mộ các cán bộ cộng sản Lào.[1] Kaysone Phomvihane, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào từ năm 1955 đến năm 1992, được tuyển mộ vào khoảng năm 1946–47 khi đang còn là sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội.[1] Tuy nhiên, đến tháng 2 năm 1951 chỉ có 81 trong số 2.091 thành viên Đảng Cộng sản Đông Dương là người Lào.[2]

Tháng 2 năm 1951, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng Cộng sản Đông Dương họp tại Tuyên Quang. Đại hội quyết định tách Đảng Cộng sản Đông Dương thành 3 Đảng riêng ở mỗi nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Chi bộ của Đảng Cộng sản Đông Dương ở Việt Nam được đổi tên thành Đảng Lao Động Việt Nam.[3] Theo Joseph J. Zasloff, việc xóa bỏ cái mác 'Đông Dương' dường như để thu hút tình cảm dân tộc chủ nghĩa ở Việt Nam, Lào và Campuchia.[3] Ngay sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II, một liên minh Việt-Lào-Khmer đã được thành lập.[3] Đến năm 1952, Đảng Lao Động Việt Nam đã chỉ đạo một số thành viên chi bộ ở Lào thành lập một Ban Tổ chức Đảng (còn gọi là Ủy ban Vận động thành lập Đảng) đứng đầu bởi: Kaysone Phomvihane (làm Bí thư), Nouhak Phoumsavanh, Sisavath Keobounphanh, Boun Phommahaxai, và Khamsen.[4][5] Trong những năm tiếp theo, được sự hướng dẫn của các cố vấn Việt Nam, một số cán bộ cộng sản bắt đầu thành lập các chi bộ trong vùng hoạt động của mình, dẫn đến sự xuất hiện của các đảng ở nhiều vùng khác nhau của Lào, mỗi đảng có một tên gọi khác nhau. Sau Hội nghị Geneve năm 1954, các cố vấn Việt Nam kêu gọi các đảng viên Lào tập hợp các tổ chức đảng khác nhau thành một đảng duy nhất. Ngày 22 tháng 3 năm 1955, Đại hội thành lập đã họp và thành lập Đảng Nhân dân Lào (LPP).[6]

Vào năm 1957 và 1958, một số lượng lớn đảng viên bị bắt, tù đày hoặc bị giết bởi sự đàn áp của chính phủ.[6] Từ năm 1959, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tăng cường hỗ trợ về vật lực và nhân lực cho Đảng Nhân dân Lào và Pathet Lào.[7] Chỉ ba năm sau, lực lượng cộng sản đã kiểm soát hơn một nửa đất nước.[7] Mặc dù là lực lượng hàng đầu đằng sau cuộc nổi dậy từ năm 1955 đến năm 1975, Đảng Nhân dân Lào thường hoạt động bí mật, chỉ đạo thông qua các mặt trận. Không nhiều người Lào biết về sự tồn tại của Đảng hoặc tên của các nhà lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ này.[8] Tháng 2 năm 1972, Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ II được tổ chức tại tỉnh Huaphanh, thống nhất đổi tên Đảng thành Đảng Nhân dân Lào thành Đảng Nhân dân Cách mạng Lào.

Ngày 21 tháng 2 năm 1973, sau nhiều năm chiến tranh, một hiệp định hòa bình đã được ký kết với Chính phủ Hoàng gia Lào.[9] Chính phủ Lâm thời Thống nhất Quốc gia (PGNU) được thành lập, bao gồm những cảm tình viên cộng sản, và đứng đầu một người theo chủ nghĩa bảo hoàng Souvanna Phouma.[9] Tương tự như sự tan rã của miền Nam Việt Nam từ năm 1974 đến năm 1975, Chính phủ Hoàng gia Lào đã phải đối mặt với một số cuộc nổi dậy.[10] Từ tháng 12 năm 1974 đến tháng 1 năm 1975, quân đội hoàng gia ở huyện Houei Sai tỉnh Houa Khong, và ở tỉnh Khammouane, bắt đầu một cuộc nổi dậy chống lại chính quyền.[10] Trước tình hình đó, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, thông qua Pathet Lào, giành quyền kiểm soát các tuyến đường dẫn đến Viêng Chăn, từ đó cắt đứt nguồn cung cấp đến thủ đô.[10] Trong tháng 4 và tháng 5, một cuộc biểu tình chống chính phủ đã diễn ra trên toàn thành phố Viêng Chăn, dẫn đến việc 5 thành viên nội các phải từ chức.[11] Trong một nỗ lực cuối cùng để cứu chế độ quân chủ, chính phủ thông báo sẽ tổ chức cuộc bầu cử mới vào năm 1976.[12] Vào ngày 26 tháng 11, đại diện của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã cố gắng để chế độ quân chủ "tự nguyện" từ bỏ sự giàu có của hoàng gia và thoái vị.[13] Đảng đã triệu tập Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc từ ngày 1 đến ngày 2 tháng 12 năm 1975. Đại hội giải tán Vương quốc Lào, thành lập Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, và tuyên bố kết thúc cuộc Cách mạng Dân chủ Quốc gia kéo dài 30 năm.[12]

Đảng cầm quyền (1975 – nay)

[sửa | sửa mã nguồn]

Sự sụp đổ của chính phủ hoàng gia và sự tiếp quản của cộng sản đã khiến hàng vạn người vượt biên khỏi đất nước.[14] Đến năm 1980, mười phần trăm dân số đã rời bỏ đất nước.[15] Trong những năm đầu tiên cầm quyền, Đảng vẫn giữ những đường lối bí mật.[15] Ví dụ, Kaysone Phomvihane, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, không được hầu hết mọi người biết đến vào thời điểm đó.[15] Những tiếng nói hàng đầu của phong trào cộng sản trước năm 1975, chẳng hạn như Chủ tịch Mặt trận Yêu nước Lào Souphanouvong, đã bị gạt sang một bên sau khi cộng sản nắm chính quyền.[16] Chính phủ mới nhanh chóng đóng cửa các tổ chức tin tức độc lập.[16] Các tổ chức không muốn bị giải thể đã buộc phải tìm kiếm thành viên của Mặt trận Lào Xây dựng Tổ quốc (LFNC), một tổ chức quần chúng do Đảng Nhân dân Cách mạng Lào kiểm soát.[17] Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và LFNC đã tổ chức các cuộc gặp trên khắp cả nước để giáo dục người dân về đường lối của Đảng và truyền bá học thuyết Mác-Lênin.[16]

Năm 1978, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào tiếp tục quá trình chuyển đổi xã hội chủ nghĩa bằng cách tập thể hóa nông nghiệp.[18] Theo Martin Stuart-Fox, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào tin rằng năng suất nông nghiệp chỉ có thể được nâng cao thông qua quy mô kinh tế (tương tự với mô hình công nghiệp), và điều này chỉ có thể đạt được bằng sở hữu tập thể đối với tư liệu sản xuất. Hợp tác xã có thể tối đa hóa việc sử dụng các nguyên liệu đầu vào sản xuất nông nghiệp.[19] Mục tiêu kép của quá trình tập thể hóa là xóa bỏ sở hữu tư nhân ở nông thôn và tăng cường kiểm soát chính trị tại các khu vực trước đây do Chính phủ Hoàng gia Lào kiểm soát.[20] Tập thể hóa tỏ ra khó thực hiện, và một số khu vực chống lại chính sách này.[20] Do đó, Ủy ban Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã từ bỏ việc tập thể hóa vào năm 1981.[21] Thay vì nhấn mạnh đến tính tập thể, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào bắt đầu tập trung vào việc sử dụng các thiết bị nông nghiệp hiện đại để nâng cao hiệu quả kinh tế.[22] Đến năm 1988, Kaysone Phomvihane thừa nhận rằng tập thể hóa đã thất bại, cho rằng chính sách hợp tác xã theo kiểu cũ không phù hợp, mà phải bắt đầu từ hộ gia đình cá thể.[22] Hai năm sau, vào năm 1990, hầu như tất cả các hợp tác xã nông nghiệp đã không còn tồn tại.[23]

Năm 1986, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào bắt đầu xóa bỏ nền kinh tế kế hoạch, lấy cảm hứng từ mô hình của Liên Xô.[24] Kaysone Phomvihane, trong Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương lần thứ III, nhấn mạnh rằng những khuyết điểm chính nằm việc chủ quan và nóng vội trong quá trình xóa bỏ các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa, nghiêng về chủ nghĩa quân bình. Hậu quả là đã không khuyến khích những người lao động giỏi, có năng suất lao động cao, người dân không nhận thức được mối quan hệ giữa trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ và lợi ích.[24] Với danh nghĩa hạch toán kinh tế xã hội chủ nghĩa, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào bắt đầu cắt các doanh nghiệp nhà nước khỏi ngân sách nhà nước, buộc các doanh nghiệp phải tự tồn tại trên thị trường tự do.[25] Năm 1988, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Khối phía ĐôngLiên Xô, những cải cách tiếp theo đã được đưa ra.[25] Một bộ luật thân thiện với Đầu tư trực tiếp nước ngoài đã được thông qua và các liên doanh được khuyến khích.[25] Lý do quan trọng nhất cho những thay đổi này là sự sụt giảm viện trợ nước ngoài, trong đó 70% từ Liên Xô và Khối phía Đông.[25] Năm 1988, tổng viện trợ nước ngoài từ Khối phía Đông là 52 triệu đô la Mỹ; đến năm 1989 là 1 triệu đô la Mỹ, và không có khoản nào được nhận vào năm 1990.[25]

Sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở châu Âu đã tác động rất lớn đến Lào.[26] Một số sinh viên bắt đầu chỉ trích sự độc quyền quyền lực chính trị của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và bắt đầu kêu gọi một hệ thống đa đảng,[26] khuyến khích bởi Câu lạc bộ Dân chủ Xã hội, một nhóm gồm bốn mươi trí thức Lào.[26] Thongsouk Saisangkhi, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, sau đó đã nộp đơn từ chức và cáo buộc Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã thiết lập một "chế độ quân chủ cộng sản" và "triều đại của Bộ Chính trị".[26] Đảng Nhân dân Cách mạng Lào không hề thay đổi, và Thongsouk Saisang khi cùng với Thứ trưởng Kinh tế và Kế hoạch Latsami Khamphoui và một cán bộ Bộ Tư pháp Pheng Sakchittaphong đã bị bắt giam vào tháng 10 năm 1990, và bị kết án mười bốn năm tù vào tháng 11 năm 1992.[26] Cuối cùng năm đó, một hiến pháp mới đã được thông qua, theo đó Lào là một nước chuyên chính dân chủ nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào.[27] Thay vì xoa dịu lời chỉ trích, Khamtai Siphandon, một ủy viên Bộ Chính trị vào thời điểm đó, tuyên bố dứt khoát rằng "Đảng cũng là Đảng duy nhất mà nhân dân tin tưởng. Tất cả những lời vu khống và âm mưu nhằm làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng đều được coi là đi ngược lại với lịch sử và lợi ích quốc gia."[26]

Sự điều hành của Đảng và nhà nước đã ổn định từ những năm 1980.[28] Clay Wescott lưu ý rằng Đảng "đã thể hiện bản thân rất kiên cường. Quá trình chuyển giao quyền lực có xu hướng suôn sẻ, thế hệ lãnh đạo mới đã chứng tỏ sự cởi mở hơn với cải cách và Bộ Chính trị hiện có một số đa dạng về sắc tộc."[28] Sau mười bốn năm đảm nhiệm cương vị Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Khamtai Siphandon từ chức vào năm 2006, và được kế nhiệm bởi Choummaly Sayasone.[29] Bounnhang Vorachith kế nhiệm Sayasone làm Tổng Bí thư vào năm 2016,[30] tại chức cho đến khi Thongloun Sisoulith được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào vào năm 2021.[31]

Quản trị

[sửa | sửa mã nguồn]

Nguyên tắc tập trung dân chủ

[sửa | sửa mã nguồn]

Đảng được tổ chức chính thức trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ, một nguyên tắc do nhà lý luận Mác xít Nga Vladimir Lenin hình thành.[32][33] Điều này đòi hỏi các cơ quan Đảng cấp dưới tuân theo quyết định của cấp trên, chẳng hạn như Ủy ban Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào.[33] Đồng thời, điều này cũng kéo theo một lệnh cấm đối với các phe phái trong nội bộ Đảng.[33] Cuối cùng, mọi cơ quan ra quyết định phải được hướng dẫn bởi nguyên tắc lãnh đạo tập thể, một quy trình nhấn mạnh đến việc ra quyết định của tập thể, trái ngược với sự thống trị của một người.[33] Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Kaysone Phomvihane, trong bài phát biểu trước Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V năm 1991, đã tuyên bố nguyên tắc dân chủ của Đảng là dân chủ tập trung, vì vậy, phải thực hiện nghiêm túc nguyên tắc thiểu số phải nhường đa số; cơ quan lãnh đạo cấp dưới thi hành mệnh lệnh của cơ quan lãnh đạo cấp trên và toàn Đảng làm theo Ban Chấp hành Trung ương.[34]

Chủ nghĩa ưu đãi nội nhóm

[sửa | sửa mã nguồn]

Chủ nghĩa gia đình trị, hay chủ nghĩa ưu đãi nội nhóm dành cho người thân và người bảo trợ, là trụ cột chính của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào.[35][36] Người ta ước tính rằng 25% ủy viên Ủy ban Trung ương khóa X được kết nối thông qua kết hôn hoặc phả hệ với một trong những gia đình cách mạng sáng lập.[32] Ví dụ nổi bật nhất là Saysomphone Phomvihane, con trai cả của Kaysone Phomvihane, người được bầu vào bộ chính trị khóa X và XI.[37] Vợ của Kaysone Phomvihane, Thongvin Phomvihane, từng là Tổng Bí thư Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Lào từ năm 1988 đến 1993.[38] Khampheng Saysompheng, con rể của cựu Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Khamtai Siphandon, được bầu vào Ủy ban Trung ương khóa IX, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội năm 2015, và được bầu vào Ủy ban Trung ương khóa X năm 2016.[37] Năm 2015, Viengthong Siphandone, vợ của Khampheng Saysompheng và con gái của Khamtai Siphandon, được bổ nhiệm làm chủ tịch Kiểm toán Nhà nước, năm 2016 được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương khóa X.[37] Anh trai của Viengthong Siphandone là Sonexay Siphandone đã được chuyển từ chủ tịch tỉnh Champasack sang làm Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ vào năm 2015, được bầu vào Bộ Chính trị lần thứ X và XI vào năm 2016 và năm 2021.[37]

Xu hướng này tiếp tục diễn ra dưới thời của Choummaly Sayasone,[37] anh rể Khammeung Phongthady được bầu vào Ủy ban Trung ương khóa IX và được điều động từ chủ tịch tỉnh Viêng Chăn làm Chánh văn phòng Chủ tịch nước.[39] Việc bổ nhiệm Khammeung đã mở ra cơ hội cho Choummaly Sayasone bổ nhiệm con trai cả của ông, Vidong Sayasone, trở thành Bí thư Tỉnh ủy Viêng Chăn.[40] Ngoài chức vụ này, Vidong Sayasone sau đó còn được bầu vào Ủy ban Trung ương khóa IX.[40] Hai người con trai khác của Choummaly Sayasone, Phoxay Sayasone và Phokham Sayasone, cũng được bổ nhiệm vào các văn phòng lãnh đạo của Đảng, với Phoxay Sayasone được bầu làm thành viên dự khuyết của Ủy ban Trung ương khóa X.[40] Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào hiện tại Thongloun Sisoulith kết hôn với con gái nuôi của Phoumi Vongvichit.[41]

Stuart-Fox nhận xét rằng "các Đảng viên cao cấp [sau cuộc cách mạng] sớm bắt đầu phân phát quyền bảo trợ theo cách truyền thống của Lào, thưởng cho các thành viên gia đình và những người trung thành bằng những ưu ái và công việc mà họ không đủ trình độ, để xây dựng cơ sở hỗ trợ chính trị [...] Trớ trêu thay, quá trình hình thành giới tinh hoa kinh tế-chính trị này lại được hỗ trợ đắc lực bởi sự ra đời của những cải cách kinh tế những năm 1980".[36] Bởi vậy văn hóa chính trị của Lào ít thay đổi từ khi Đảng nắm chính quyền.[36] Xu hướng cố hữu này trong Đảng Nhân dân Cách mạng Lào có thể giải thích trục lợi của một số thành viên và năng lực tổ chức hạn chế của Đảng.[36] Đảng Nhân dân Cách mạng Lào ở điểm này khác hẳn so với các Đảng Cộng sản ở Trung Quốc và Việt Nam.[42] Stuart-Fox cho rằng việc Lào không có hệ thống quan liêu nhà nước trong suốt quá trình lịch sử đã buộc người Lào phải dựa vào mối quan hệ gia đình và bạn bè rộng rãi.[43] Tuy nhiên Keith Barney và Simon Creak không đồng ý với khẳng định của Stuart-Fox và cho rằng sự tương đối thể chế hóa của chủ nghĩa chuyên chế Lào đã hạn chế quyền lực của những người lãnh đạo cao nhất và đặt họ nhiều hơn dưới kỷ luật của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Nói một cách khác, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào cung cấp một cơ chế kỷ luật cho các mối quan hệ cho nhận trong toàn xã hội, từ đó phụ thuộc vào các mối quan hệ với Đảng.[44]

Độc quyền quyền lực

[sửa | sửa mã nguồn]
Đảng Nhân dân Cách mạng Lào có độc quyền về quyền lực nhà nước ở quốc gia.

Đảng Nhân dân Cách mạng Lào là đảng duy nhất ở Lào theo Hiến pháp.[45] Nhà nước duy trì quyền lực tập trung và thống nhất dựa trên nguyên tắc tập trung dân chủ.[45] Với tư cách là quốc gia "đa dạng về sắc tộc nhất" ở Đông Nam Á, hệ thống nhà nước đơn nhất của Lào được hợp pháp hóa bằng hội nhập xã hội chủ nghĩa (socialist integrationism).[45] Trường phái tư tưởng này coi các tầng lớp xã hội là thành phần quan trọng của tư tưởng và thực tiễn xã hội, và coi việc thúc đẩy phân phối công bằng là ưu tiên công cộng.[45] Nói cách khác, sự khác biệt về giai cấp, thu nhập và địa vị quan trọng hơn sự khác biệt về sắc tộc.[46] Theo Stuart-Fox, Đảng điều khiển nhà nước đơn nhất thông qua chính phủ, bộ máy hành chính, các tổ chức đoàn thể và quân đội. Trong cả bốn trường hợp, người đứng đầu gần như bắt buộc phải là Đảng viên. Trên thực tế, họ sẽ không ở những vị trí đó trừ khi họ là Đảng viên. Các chi bộ Đảng hoạt động ở tất cả các cơ quan và tích cực tuyển chọn những người trẻ có triển vọng vào Đảng.[47] Nhà kinh tế Bounlonh J.Soukamneuth đồng tình với đánh giá của Stuart-Fox và cho rằng Đảng thâm nhập vào tất cả các thể chế của chính phủ và nhiều lĩnh vực của xã hội. Tất cả các tổ chức của Đảng, Nhà nước (từ bộ máy chính quyền, tổ chức quần chúng, quân đội) đều thực hiện các chỉ thị của Đảng.[48]

Đảng đã thành lập các chi bộ trong mọi cơ quan nhà nước.[49] Mục đích là đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối và trực tiếp của Đảng đối với tất cả mọi việc, từ việc vạch ra các đường lối và chính sách, đến việc tổ chức thực hiện và kiểm soát.[49] Thành quả là, theo cựu Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Khamtai Siphandon, việc sự lãnh đạo của Đảng chỉ huy các sự kiện lịch sử.[50] Điều này có nghĩa là các cơ quan nhà nước, chẳng hạn như Chính phủ Lào, thực hiện các chỉ thị của Đảng.[50] Mỗi bộ của chính phủ bổ nhiệm một thứ trưởng chịu trách nhiệm thực hiện các chỉ thị của Đảng.[50]

Lời mở đầu của hiến pháp Lào nói rằng "sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Đông Dương trước đây và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào hiện nay" giải thích vai trò của Đảng đối với xã hội.[47] Tuy nhiên, không giống như vai trò theo luật định của Đảng Cộng sản Trung QuốcĐảng Cộng sản Việt Nam, hiến pháp Lào không thiết lập vững chắc vai trò lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đối với nhà nước và xã hội.[47] Điều 3 của hiến pháp quy định rằng "Quyền làm chủ đất nước của những người đa dân tộc được thực hiện và bảo đảm thông qua sự vận hành của hệ thống chính trị với Đảng Nhân dân Cách mạng Lào là hạt nhân lãnh đạo."[51] Theo học giả pháp lý Bùi Ngọc Sơn, Điều 3 "không chỉ đơn thuần thể hiện tính chính thống của chủ nghĩa Mác về đội tiên phong của Đảng mà còn đáp ứng mối quan tâm của địa phương về hội nhập đa dạng sắc tộc. Đây là một cam kết không rõ ràng của hiến pháp để phản ứng đối với sự đa sắc tộc của đất nước."[51] Hơn nữa, hiến pháp quy định tại Điều 10 rằng Đảng phải tuân theo pháp luật: "[Đảng] phải hoạt động trong giới hạn của Hiến pháp và pháp luật."[52]

Lực lượng vũ trang nhân dân Lào, quân đội, được hiến pháp giao nhiệm vụ bảo vệ thành quả của cuộc cách mạng và những thành tựu của chế độ Đảng Nhân dân Cách mạng Lào.[53] Hiến pháp nói rất ít về các mối quan hệ dân sự-quân sự và quyền kiểm soát chính trị.[53] Điều lệ của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào nêu rõ rằng vai trò lãnh đạo chính trị của nó đối với quân đội (và các lực lượng an ninh khác) đến từ Ủy ban Quốc phòng và An ninh Công cộng thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (DPSC) và rằng DPSC duy trì quyền kiểm soát trực tiếp, thống nhất và đầy đủ đối với Lực lượng vũ trang nhân dân Lào.[53]

Kết quả bầu cử

[sửa | sửa mã nguồn]
Năm Khóa +/– Seats
1989 II
65 / 79
Tăng 65
1992 III
85 / 85
Tăng 20
1997 IV
98 / 99
Tăng 13
2002 V
109 / 109
Tăng 11
2006 VI
113 / 115
Tăng 4
2011 VII
128 / 132
Tăng 15
2016 VIII
144 / 149
Tăng 16
2021 IX
158 / 164
Tăng 14

Bầu cử Quốc hội được tổ chức 5 năm một lần.[54] Quốc hội được hiến pháp quy định là cơ quan đại diện cho quyền, và lợi ích của người dân.[54] Cơ quan này được bầu theo phương thức phổ thông đầu phiếubỏ phiếu kín.[54] Luật bầu cử quy định rằng để ứng cử, một ứng cử viên phải được sự chấp thuận của Mặt trận Lào Xây dựng Đất nước. Cơ quan này quyết định xem ứng cử viên có vượt qua các tiêu chí hay không.[55] Một số tiêu chí khá chung chung như ứng viên phải yêu nước, tận tụy với dân chủ nhân dân, trung thành với cơ chế kinh tế của Đảng, trung với dân tộc, luôn phục vụ lợi ích của nhân dân, có thái độ kiên định, trong sáng, tuyệt đối với bạn và thù.[56] Các tiêu chí khác như ứng viên phải có trình độ hiểu biết đầy đủ về các chính sách và chương trình chiến lược của Đảng, và các quy định pháp luật của Nhà nước, có năng lực tuyên truyền, vận động mọi người nhận thức và tham trong việc thực hiện chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, điều này giúp các Đảng viên dễ dàng được phê duyệt ứng cử.[33]

Do đó, hầu hết các người ứng cử đều trở thành thành viên của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào.[55] Thường có nhiều người ứng cử hơn số ghế; tại cuộc bầu cử năm 2016, 210 ứng cử viên đang cạnh tranh 149 ghế trong Quốc hội khóa VII.[54] Trong khi các đại biểu Quốc hội có thể chất vấn chính phủ về một loạt chính sách, chẳng hạn như tham nhũng, Quốc hội chưa bao giờ có thể thực sự trừng phạt chính phủ.[54] Stuart-Fox cho rằng các thành viên Đảng Nhân dân Cách mạng Lào sẽ không dại gì giảm cơ hội thăng tiến trong Đảng bằng cách chất vấn quá kỹ các nhà lãnh đạo của chính họ.[54] Holly High không đồng ý, và cho rằng mặc dù trong quá khứ Quốc hội thường mang tính biểu tượng đại diện chính trị và thực hiện các chỉ thị của Đảng, nhận thức đã thay đổi trong những năm gần đây.[57] Bà nhấn mạnh rằng Chủ tịch Quốc hội Pany Yathotou đã tìm cách đơn giản hóa quy trình theo đó các cử tri có thể liên hệ với các đại biểu được bầu.[57] Quốc hội cũng đã thiết lập một đường dây nóng để bất kỳ công dân Lào nào cũng có thể liên hệ với đại biểu Quốc hội qua cuộc gọi miễn phí, thư hoặc e-mail. Tại phiên họp toàn thể giữa năm của Quốc hội năm 2012, các đại biểu đã nhận được 280 cuộc gọi trong 17 ngày.[58] Phần lớn các khiếu nại là về việc xử lý các vấn đề đất đai và đền bù.[58]

Chủ nghĩa tiên phong

[sửa | sửa mã nguồn]

Đảng Nhân dân Cách mạng Lào là một Đảng theo chủ nghĩa Mác-Lênin chịu ảnh hưởng sâu sắc từ những tấm gương của những người cộng sản Việt Nam và Liên Xô.[59] Đảng tự coi mình là "người đại diện trung thành duy nhất cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động thuộc các dân tộc Lào và toàn thể nhân dân Lào."[59] Giống như Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào tin rằng chủ nghĩa xã hội chỉ có thể thành công nếu có một Đảng cách mạng chân chính và kỷ luật.[60] Như vậy, Đảng tự coi mình là lực lượng chỉ đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng xã hội chủ nghĩa, đồng thời coi mình là người có trách nhiệm tuyên truyền các giá trị của chủ nghĩa Mác.[59] Có nghĩa là, Đảng tự coi mình là một đảng tiên phong.[59] Do đó, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào cho rằng không có lý do gì, về mặt ý thức hệ, để các Đảng khác tồn tại. Trước vấn đề này, Kayasone Phomvihane từng nói với The New York Times rằng "Nhân dân Lào luôn tin tưởng và nhất trí với sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng vì Đảng là Đảng của dân, từ nhân dân mà ra, và vì nhân dân phục vụ. Đảng của chúng tôi chưa thấy có nhu cầu thành lập các Đảng phái chính trị khác".[61]

Tài liệu nghiên cứu của Đảng cho rằng những thế hệ đi trước chống lại sự áp bức của Pháp - như Ong Keo, Kommadam, Chao-Fa Patchai và Pho Kadout - thất bại vì không có Đảng lãnh đạo.[60] Cán bộ Đảng dạy rằng họ là "đội tiên phong của cuộc cách mạng" vì Đảng thấu hiểu được những mâu thuẫn trong xã hội Lào và, trong cuộc Nội chiến Lào, hiểu rằng cách duy nhất để có được một nước Lào tự do là thông qua đấu tranh vũ trang.[62] Do đó, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào định nghĩa một cán bộ tốt là người "trung thành với dân tộc và sẵn sàng vì Nhân dân phục vụ, vâng lời lãnh đạo mà không thắc mắc, giữ kỷ luật tốt, tôn trọng hệ thống, hoàn thiện bản thân thông qua học tập [... ] [và] kiên quyết, dũng cảm và không nản lòng khi đối mặt với khó khăn."[62]

Tổ chức

[sửa | sửa mã nguồn]

Tổ chức trung ương

[sửa | sửa mã nguồn]

  Đại hội đại biểu toàn quốc là cơ quan cao nhất của đảng, được triệu tập 5 năm một lần.[63][49] Theo điều lệ Đảng, Ban Chấp hành Trung ương triệu tập đại hội toàn quốc.Điều lệ đảng trao cho Đại hội những trách nhiệm sau:[64]

  1. nghe Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương sắp mãn nhiệm;
  2. thẩm tra Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương sắp mãn nhiệm;
  3. thông qua Kế hoạch Phát triển Kinh tế - Xã hội 5 năm;
  4. bầu Ban Chấp hành Trung ương;
  5. thảo luận và ban hành các chính sách của Đảng;
  6. sửa đổi điều lệ Đảng.

Giữa 2 kỳ đại hội, Ban Chấp hành Trung ương là cơ quan lãnh đạo cao nhất.[64] Ban Chấp hành Trung ương bầu ra thành viên của một số cơ quan quan trọng.[49] Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương mới sẽ bầu chọn Tổng bí thư của Đảng,[49] Ủy ban Quốc phòng và Công an,[53] Ban Bí thư,[64] Bộ Chính trị,[49] và Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Bộ Chính trị thực hiện chức năng, quyền hạn của Ban Chấp hành Trung ương khi Ban Chấp hành Trung ương không họp.[64] Ủy ban Quốc phòng và Công an là cơ quan ra quyết định cao nhất liên quan đến các vấn đề quân sự và an ninh trong Đảng, đồng thời kiểm soát các hoạt động của Lực lượng Vũ trang Nhân dân Lào.[53] Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đương nhiệm là chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và Công an.[53] Trong khi đó, Ban Bí thư là cơ quan thực hiện cao nhất và do Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đứng đầu, Chủ tịch Ủy ban Kiểm tra Trung ương đứng vị trí thứ 2, và Thường trực Ban Bí thư đứng thứ 3.[65][66] Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào thường đứng đầu hoặc làm việc trong các Ủy ban Trung ương, các cơ quan ngôn luận như PasaxonAlun Mai[67], v.v.[38] Ủy ban Kiểm tra Trung ương giải quyết các vấn đề kỷ luật liên quan đến Đảng viên.Hành vi điều tra từ đút lót hối lộ đến các hoạt động chống phá Đảng, phản cách mạng và nhìn chung bao gồm tất cả các trường hợp vi phạm điều lệ Đảng.[68]

Tổ chức cấp thấp hơn

[sửa | sửa mã nguồn]

Đoàn Thanh niên Cách mạng Nhân dân Lào (LPRYU) là liên đoàn thanh niên của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào.[38] Đoàn được thành lập vào năm 1983, dựa trên mô hình tổ chức Đảng Nhân dân Cách mạng Lào; có Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương.[38] Đoàn triệu tập đại hội toàn quốc 5 năm một lần;[38] và cơ quan ngôn luận là, tờ Num Lao.[38]

Ý thức hệ

[sửa | sửa mã nguồn]

Chủ nghĩa Mác-Lênin[69] và Tư tưởng Kaysone Phomvihane (2016 trở đi)[70] là hệ tư tưởng chính thức của Đảng. Vào năm 1970, Kaysone Phomvihane từng nói rằng: "Những chiến thắng vang dội của các dân tộc Đông Dương trong một phần tư thế kỷ qua không thể tách rời việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Đông Dương, cung cấp kim chỉ nam hành động cho mọi hành động và chỉ ra cách thức thiết thực để tiến lên cách mạng Lào."[69] Tài liệu của Đảng lưu ý thêm rằng chính Karl MarxFriedrich Engels đã khám phá ra các nguyên tắc phổ quát của chủ nghĩa cộng sản.[69]

Tháng 12 năm 1975, tại Hội nghị lần thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương khóa II, Đảng đã nêu rõ ý định bỏ qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa để tiến lên chủ nghĩa xã hội.[71] Tuy nhiên, trong phiên họp đó, Đảng cũng đã coi việc chuyển đổi xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp (tập thể hóa) là không phù hợp với trình độ phát triển của đất nước[71] Đảng Nhân dân Cách mạng Lào sau đó bỏ ý định xóa bỏ các quan hệ tài sản tư bản chủ nghĩa.[71] Nguyên nhân là do trình độ trưởng thành về chính trị và văn hóa của đất nước còn thấp, năng lực tổ chức yếu kém của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và sự non nớt của khu vực nhà nước khiến không thể bỏ qua chủ nghĩa tư bản và bắt đầu ngay việc xây dựng chủ nghĩa xã hội.[72] Do đó, Đảng đã quyết định chiến lược lâu dài quá độ lên chủ nghĩa xã hội: (1) tìm cách xóa bỏ dấu vết của cả đế quốc, thực dânphong kiến, đồng thời xây dựng chế độ dân chủ nhân dân bằng cách mở rộng quyền lực hành chính từ trung ương đến cơ sở; và (2) ổn định đời sống nhân dân bằng cách thiết lập lại quan hệ tư bản chủ nghĩa cùng với thiết lập quan hệ sản xuất mới xã hội chủ nghĩa.[72]

Các tác phẩm của Karl MarxVladimir Lenin là cơ sở hình thành nên hệ tư tưởng của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào.

Tháng 10 năm 1975, Hội nghị toàn thể lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khóa II đã làm rõ thêm tư tưởng của Đảng.[73] Kaysone Phomvihane tin rằng Lào đang phải đối mặt với một cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa đế quốc Mỹ và các chính phủ bù nhìn của Mỹ.[73] Điều này được ông xác định là một phần của cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản.[73] Tại Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương khóa II, Kaysone Phomvihane phát biểu rằng "cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, cuộc đấu tranh giữa chúng và ta, đấu tranh giai cấp và đấu tranh xây dựng một chế độ mới đều liên quan đến 'ai thắng ai'. giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản".[73] Cuộc đấu tranh này cần được theo sau bằng cách đẩy nhanh việc xây dựng chủ nghĩa xã hội.[74] Vào tháng 2 năm 1977, Hội nghị lần thứ 4 của Ban Chấp hành Trung ương khóa II đã quyết định rằng quốc hữu hóa và tập thể hóa là những phương tiện để thực hiện điều này.[72] Kaysone Phomvihane châm biếm "việc xóa bỏ chế độ sở hữu và bóc lột phong kiến, tịch thu tài sản của bọn phong kiến phản động và bọn tư bản chủ nghĩa... [và] xây dựng quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế quốc doanh dựa trên hai hình thức sở hữu chính: sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể."[74]

Năm 1979, tại Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương khóa II, đường lối của Đảng lại thay đổi, nhấn mạnh việc đưa quan hệ thị trường vào nền kinh tế.[73] Quyết định này được đưa ra dựa trên ý kiến cho rằng quá độ lên chủ nghĩa xã hội là một quá trình lịch sử lâu dài và Lào vẫn đang trong giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội.[75] Đảng khẳng định rằng nhà nước và doanh nghiệp tập thể sẽ đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế, nhưng chủ nghĩa tư bản nhà nước, sở hữu tư nhân và hoạt động kinh tế cá thể sẽ tiếp tục và được nhà nước sử dụng để xây dựng xã hội chủ nghĩa.[75]Theo nhà kinh tế Norihiko Yamada:

... chủ nghĩa xã hội mất đi ý nghĩa thực chất của nó và không còn được coi là mục tiêu quốc gia hiện thực. Trong khi chủ nghĩa xã hội vẫn là mục tiêu cuối cùng của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, như ngày nay, Đảng này thừa nhận rằng thời kỳ quá độ sẽ kéo dài hơn dự kiến. Mặc dù Đảng không từ bỏ chủ nghĩa xã hội, nhưng không chắc quá trình này sẽ kéo dài bao lâu và khi nào thì công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội sẽ hoàn thành. Nói cách khác, chủ nghĩa xã hội đã trở thành lý tưởng. Thay vào đó, tái thiết sau chiến tranh và thiết lập những nền tảng cần thiết để xây dựng nhà nước đã trở thành mục tiêu thực tế của nhà nước.[76]

Tác động của những thay đổi năm 1979 đã không ảnh hưởng đến giới lãnh đạo của Đảng trước giữa những năm 1980.[77] Ban đầu, cải cách thị trường được thúc đẩy dưới sự bảo trợ của Cơ chế quản lý kinh tế xã hội chủ nghĩa, và đến năm 1984 là Cơ chế quản lý kinh tế mới.[77] Cả hai thuật ngữ này đều nhấn mạnh tầm quan trọng của quản lý nhà nước đối với nền kinh tế.[77] Đảng Nhân dân Cách mạng Lào vẫn cho rằng "kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể và chủ nghĩa tư bản nhà nước dựa trên nguyên tắc của nền kinh tế kế hoạch, trong khi khu vực tư nhân và cá thể dựa trên nguyên tắc quan hệ hàng hóa - tiền tệ."[77] Tại Phiên họp lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương khóa II, Kaysone Phomvihane phát biểu rằng cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản đã bước sang một giai đoạn mới và phức tạp.[77] Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III, Kaysone Phomvihane đã làm rõ thêm tuyên bố của mình, cho rằng cuộc đấu tranh này là giữa những người ủng hộ và phản đối cải cách kinh tế.[78] Trước sự phản đối của các quan chức Đảng, đặc biệt là những người thân thiết với Nouhak Phoumsavanh, Kaysone Phomvihane đã đưa thuật ngữ Tư duy Mới vào diễn văn ý thức hệ tại Đại hội toàn quốc lần thứ IV.[79] Thuật ngữ này được định nghĩa đối lập với cái mà Kayasone Phomvihane gọi là "tư duy cũ":[79]

"Trước đây, chúng ta xác định cuộc đấu tranh cơ bản ở nước ta là cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản và cho rằng muốn quá độ lên chủ nghĩa xã hội, chúng ta phải giải quyết cuộc đấu tranh này và cuộc đấu tranh giữa sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân. Điều này cho thấy một sự hiểu lầm. Mặc dù chúng ta phải phân biệt đâu là kẻ thù và ta, nhưng khi chúng ta quá độ lên chủ nghĩa xã hội, căn cứ vào điều kiện xã hội, việc giải quyết cuộc đấu tranh đó không phải là ưu tiên hàng đầu.

Xét tình hình kinh tế - xã hội nước ta hiện nay, cuộc đấu tranh cơ bản nhất mà cách mạng phải giải quyết là cuộc đấu tranh giữa lực lượng sản xuất lạc hậu và sức sản xuất ngày càng tăng để phục vụ nhu cầu trong xã hội đang ngày càng tăng lên".

—Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa IV Mounkeo Oraboun trong bài báo "Con đường từng bước từ dân chủ nhân dân đến chủ nghĩa xã hội", đăng trên tạp chí lý luận của đảng Alun Mai (1989).[80]

"Đôi khi trong quá khứ, họ [các nhà lãnh đạo] không có can đảm để nói thẳng thắn về sự thật, khó khăn và thiếu sót trong công việc của mình với người dân, mà họ chỉ cố gắng nói về những thành tích và chiến công. Đó không phải là một cách suy nghĩ khoa học, và điều đó là sai lầm [...] Nói đúng với thực tế là tư duy mới... Tin dân, nói thật, nói thẳng với dân là tư duy mới, phong cách làm việc mới. Ngược lại, không tin dân, xuyên tạc sự thật, che giấu những khó khăn, khuyết điểm, là lối tư duy lạc hậu, lối cũ, lối tư duy cũ là chủ quan, nóng vội. [...] Một ví dụ của lối tư duy cũ là: chỉ thấy được những mặt tiêu cực của thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa mà chưa thấy được lợi thế của nó trong phát triển kinh tế và nâng cao đời sống của nhân dân. Do đó, chúng tôi cho rằng thay đổi sở hữu tư liệu sản xuất là chìa khóa để phát triển năng lực sản xuất, từ đó tự động sẽ cải thiện cuộc sống của người dân."[79]

Trong khi các cải cách kinh tế làm tăng tăng trưởng kinh tế và nâng cao mức sống, các cải cách cũng tạo ra cái mà Đảng Nhân dân Cách mạng Lào gọi là "các hiện tượng tiêu cực" như tham nhũng, gian lận, chênh lệch kinh tế và bất bình đẳng thu nhập.[81] Chủ tịch Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Khamtai Siphandon do đó đã khởi xướng một chiến dịch củng cố các giá trị xã hội chủ nghĩa, và nói với Đảng rằng "kiểm soát tuyến cơ sở và người dân là một cuộc đấu tranh nghiêm túc 'ai sẽ thắng ai?' giữa kẻ thù và chúng ta."[81] Ngay sau đó, ủy viên Ban Bí thư Chueang Sombounkhan đã công bố trên Alun Mai một bài báo làm rõ quan điểm của Đảng đối với chủ nghĩa xã hội: "để chuẩn bị cho giai đoạn quá độ, cần phải dành một khoảng thời gian nhất định, có nghĩa là 'quá độ cho quá độ' hoặc 'quá độ gián tiếp', để đạt tới chủ nghĩa xã hội. Nói chung, con đường chuyển tiếp như vậy là con đường dài nhất, một con đường phức tạp và khó khăn. "[81] Theo lời của Yamada:

"[Đảng Nhân dân Cách mạng Lào] tuyên bố rằng Lào đang trong quá trình chuyển đổi hoặc trong một quá trình chuyển đổi siêu dài và các khía cạnh tiêu cực của tăng trưởng kinh tế là do quá trình này gây ra. Đảng đã sử dụng lập luận này để hợp pháp hóa đường lối của họ cũng như để tầm thường hóa các vấn đề. Tuy nhiên, ngay cả khi một lý thuyết như vậy có thể hợp thức hóa quá trình quá độ lâu dài lên chủ nghĩa xã hội và những vấn đề đi kèm, nó không nhất thiết giải quyết được khoảng cách giữa chủ nghĩa xã hội và kinh tế thị trường. Nói cách khác, Đảng không có biện pháp lý luận để giải quyết các vấn đề, ngoại trừ chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, Đảng đã tầm thường hóa các vấn đề nảy sinh từ phát triển kinh tế như một cuộc đấu tranh ý thức hệ. "[81]

Năm 2006, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào lại tìm cách làm rõ quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lê nin.[82] Nó quyết định rằng chừng nào các chính sách của Đảng là (i) phát triển sức mạnh kinh tế; (ii) củng cố nhà nước và đảm bảo ổn định chính trị; và (iii) cải thiện mức sống và tạo ra lợi ích cho người dân thì nó là xã hội chủ nghĩa.[82] Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương lần thứ VII trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII chỉ rõ để đạt được mục tiêu lâu dài mà Đảng đã xác định, phải coi công nghiệp hóa, hiện đại hóa là ưu tiên trong phát triển vì csự nghiệp xã hội chủ nghĩa có cùng mục tiêu và đích đến như công nghiệp hóa, hiện đại hóa.[82] Vì vậy, Đảng đã cố gắng làm rõ lý do tại sao việc sử dụng thị trường để xây dựng chủ nghĩa xã hội là hợp lý và hợp pháp[82] Đảng cho rằng xây dựng nhà nước thành công là điều kiện tiên quyết để tạo ra các điều kiện xã hội chủ nghĩa.[82] Tuy nhiên, đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Choummaly Sayasone nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường công tác tư tưởng và hiểu biết:[82]

"[Chúng ta phải] tiếp tục kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin và lý tưởng xã hội chủ nghĩa, chú ý nghiên cứu, nắm vững một số nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, vận dụng sáng tạo, phù hợp tình hình thực tiễn của Nhà nước ta bằng cách điều chỉnh đường lối của Đảng đối với yêu cầu phát triển đất nước. Để chỉ đạo thực tiễn Đảng lãnh đạo và giải quyết các vấn đề một cách hợp lý, chúng ta luôn rút ra bài học kinh nghiệm từ thực tiễn và kiên định đường lối đổi mới bằng cách chống chủ nghĩa giáo điều, chủ nghĩa nguyên thủy, chủ nghĩa chủ quan, chủ nghĩa cấp tiến và tư tưởng không nắm chắc tình hình thực tiễn và nguyên tắc của công cuộc đổi mới ".[82]

Đến năm 2016, Đảng đã hiện đại hóa khuôn khổ tư tưởng.[70] Tư tưởng Kaysone Phomvihane đã được bổ sung vào điều lệ Đảng.[70] Bằng cách này, Đảng đã tìm cách hợp pháp hóa sự cai trị của Đảng và các chính sách kinh tế của Đảng hơn nữa.[70] Tuy nhiên, đây là một sự vi phạm truyền thống của Đảng,[70] vì Đảng Nhân dân Cách mạng Lào chưa bao giờ đặt tên một lý thuyết theo tên một cá nhân trước đây;[70] không giống như Đảng Cộng sản Trung Quốc đã áp dụng Tư tưởng Mao Trạch Đông, Lý luận Đặng Tiểu Bình, và Tư tưởng Tập Cận Bình, Đảng Cộng sản Việt Nam áp dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh; Chủ nghĩa Kimilsung-Kimjongil của Đảng Công nhân Hàn Quốc; và Chủ nghĩa Fidel ở Cuba.[70] Trong khi Đảng không giải thích được ý nghĩa của thuật ngữ này tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, thì bản thân thuật ngữ này đôi khi đã được sử dụng trước đó.[70] Để kỷ niệm 85 năm ngày sinh Kaysone Phomvihane vào năm 2006, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã tổ chức hội thảo "Tư tưởng Kaysone Phomvihane trong việc xây dựng và phát triển chế độ dân chủ nhân dân trên con đường xã hội chủ nghĩa".[70] Hội thảo đã ca ngợi ông là nhà tư tưởng và nhà lý luận chủ chốt của Đảng, người khởi xướng công cuộc cải cách năm 1979, và là người thừa kế của Marx và Vladimir Lenin, những người đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào Lào.[70] Tư tưởng Kaysone Phomvihane được xác định là lý luận nền tảng cho công cuộc đổi mới Đảng và là kim chỉ nam cho Đảng và cho đất nước.[70]

Quan hệ với các đảng khác

[sửa | sửa mã nguồn]

Đảng Nhân dân Cách mạng Lào cũng tiếp tục duy trì quan hệ với các đảng cộng sản và công nhân không cầm quyền và tham dự các hội nghị cộng sản quốc tế, nổi bật nhất là Cuộc gặp Quốc tế các đảng cộng sản và công nhân. Đảng cũng duy trì quan hệ chặt chẽ với Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng Cộng sản Cuba, Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đảng Lao động Triều TiênĐảng Nhân dân Campuchia.[83]

Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc thường cạnh tranh giành ảnh hưởng ở Lào, nhưng Đảng Nhân dân Cách mạng Lào vẫn gần gũi với Đảng Cộng sản Việt Nam nhất.[83] Mặc dù Đảng Cộng sản Trung Quốc thường viện trợ cho Lào và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, mối quan hệ này thiếu các nghi thức đặc trưng cho mối quan hệ Đảng Nhân dân Cách mạng Lào-Đảng Cộng sản Việt Nam.[84] Ví dụ, trong chuyến thăm định kỳ tới Lào vào tháng 12 năm 2015, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã trao tặng Huân chương Độc lập (Hạng 2 và 3), Huân chương Lao động (Hạng 3) và Huân chương Hữu nghị với những người đồng cấp Lào vì thành tích xuất sắc trong việc tăng cường quan hệ giữa Lào và Việt Nam.[85] Ưu tiên dành cho các mối quan hệ với Đảng Cộng sản Việt Nam cũng được thể hiện trong các lĩnh vực khác.[86] Ví dụ, khi được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bounnhang Vorachith đã liên hệ với người đồng cấp Việt Nam trước và sau đó là Đảng Cộng sản Trung Quốc.[86]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b c d Zasloff (1973), tr. 12.
  2. ^ Stuart-Fox (2008a), tr. 136.
  3. ^ a b c Zasloff (1973), tr. 13.
  4. ^ Stuart-Fox (2008), tr. 66.
  5. ^ Zasloff (1973), tr. 13-14.
  6. ^ a b Zasloff (1973), tr. 14.
  7. ^ a b Zasloff (1973), tr. 14–5.
  8. ^ “Lao People's Revolutionary Party - LPRP”. Library of Congress. Truy cập ngày 15 tháng 1 năm 2021.
  9. ^ a b Brown & Zasloff (1976), tr. 193.
  10. ^ a b c Brown & Zasloff (1976), tr. 194.
  11. ^ Brown & Zasloff (1976), tr. 195.
  12. ^ a b Brown & Zasloff (1976), tr. 197.
  13. ^ Brown & Zasloff (1976), tr. 196–7.
  14. ^ Stuart-Fox (2008a), tr. 176–7.
  15. ^ a b c Stuart-Fox (2008a), tr. 177.
  16. ^ a b c Stuart-Fox (2008a), tr. 178.
  17. ^ Stuart-Fox (2008a), tr. 179.
  18. ^ Stuart-Fox (2008a), tr. 191.
  19. ^ Stuart-Fox (2008a), tr. 192.
  20. ^ a b Stuart-Fox (2008a), tr. 193.
  21. ^ Stuart-Fox (2008a), tr. 194.
  22. ^ a b Stuart-Fox (2008a), tr. 195.
  23. ^ Stuart-Fox (2008a), tr. 196.
  24. ^ a b Stuart-Fox (2008a), tr. 197.
  25. ^ a b c d e Stuart-Fox (2008a), tr. 198.
  26. ^ a b c d e f Stuart-Fox (2008a), tr. 200.
  27. ^ Stuart-Fox (2008a), tr. 201.
  28. ^ a b Wescott (2003), tr. 246.
  29. ^ Gunn (2007), tr. 183–4.
  30. ^ Gunn (2017), tr. 206.
  31. ^ “Laos Communist Party names PM Thongloun as new leader”. Reuters. ngày 15 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 15 tháng 1 năm 2021.
  32. ^ a b Creak & Sayalath (2017), tr. 181.
  33. ^ a b c d e Punya (2019), tr. 58.
  34. ^ Meng (1993), tr. 187–8.
  35. ^ Creak & Sayalath (2017), tr. 187.
  36. ^ a b c d Soukamneuth (2006), tr. 63.
  37. ^ a b c d e Creak & Sayalath (2017), tr. 182.
  38. ^ a b c d e f Stuart-Fox (2008b), tr. 189.
  39. ^ Creak & Sayalath (2017), tr. 182–3.
  40. ^ a b c Creak & Sayalath (2017), tr. 183.
  41. ^ Punya (2019), tr. 66.
  42. ^ Soukamneuth (2006), tr. 64.
  43. ^ Soukamneuth (2006), tr. 100.
  44. ^ Creak & Barney (2018), tr. 699.
  45. ^ a b c d Son (2020), tr. 211.
  46. ^ Son (2020), tr. 212.
  47. ^ a b c Son (2020), tr. 232.
  48. ^ Soukamneuth (2006), tr. 53–4.
  49. ^ a b c d e f Soukamneuth (2006), tr. 54.
  50. ^ a b c Soukamneuth (2006), tr. 58.
  51. ^ a b Son (2020), tr. 233.
  52. ^ Son (2020), tr. 234.
  53. ^ a b c d e f Stuart-Fox (2002), tr. 309.
  54. ^ a b c d e f Son (2020), tr. 230.
  55. ^ a b Stuart-Fox (2007), tr. 164.
  56. ^ Punya (2019), tr. 59.
  57. ^ a b High (2013), tr. 142.
  58. ^ a b High (2013), tr. 143.
  59. ^ a b c d Stuart-Fox (1983), tr. 438.
  60. ^ a b Zasloff (1973), tr. 20.
  61. ^ Hamm, Henry (ngày 27 tháng 1 năm 1990). “Communist Laos Mixes Strict Political Dogma With Capitalist Economics”. The New York Times. Truy cập ngày 17 tháng 1 năm 2021.
  62. ^ a b Zasloff (1973), tr. 20–1.
  63. ^ Creak & Sayalath (2017), tr. 179.
  64. ^ a b c d Punya (2019), tr. 98.
  65. ^ Soukamneuth (2006), tr. 55.
  66. ^ “10th Central Committee of the Lao People's Revolutionary Party”. Thông tấn xã Lào. Truy cập ngày 15 tháng 1 năm 2021.
  67. ^ Stuart-Fox (2008b), tr. 231.
  68. ^ “Laos Country Report 2020”. Bertelsmann Transformation Index. Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 19 tháng 1 năm 2021.
  69. ^ a b c Zasloff (1973), tr. 21.
  70. ^ a b c d e f g h i j k Yamada (2018), tr. 732.
  71. ^ a b c Yamada (2018), tr. 719.
  72. ^ a b c Yamada (2018), tr. 720.
  73. ^ a b c d e Yamada (2018), tr. 721.
  74. ^ a b Yamada (2018), tr. 720–1.
  75. ^ a b Yamada (2018), tr. 722.
  76. ^ Yamada (2018), tr. 722–3.
  77. ^ a b c d e Yamada (2018), tr. 723.
  78. ^ Yamada (2018), tr. 724.
  79. ^ a b c Yamada (2018), tr. 725.
  80. ^ Yamada (2018), tr. 727.
  81. ^ a b c d Yamada (2018), tr. 730.
  82. ^ a b c d e f g Yamada (2018), tr. 731.
  83. ^ a b Creak & Sayalath (2017), tr. 198–9.
  84. ^ Creak & Sayalath (2017), tr. 199.
  85. ^ Creak & Sayalath (2017), tr. 199–200.
  86. ^ a b Creak & Sayalath (2017), tr. 200.

Trích dẫn

[sửa | sửa mã nguồn]

Sách:

  • Wescott, Clay (2003). “Combating Corruption in Southeast Asia”. Trong Frank-jurgen Richter & John Kidd (biên tập). Fighting Corruption In Asia: Causes, Effects And Remedies. World Scientific. ISBN 978-9814486934.
  • Son, Bui Ngoc (2020). Constitutional Change in the Contemporary Socialist World. Oxford University Press. ISBN 978-0198851349.
  • Stuart-Fox, Martin (2002). Buddhist Kingdom, Marxist State: The Making of Modern Laos (ấn bản thứ 2). University of Michigan. ISBN 978-9748496481.
  • Stuart-Fox, Martin (2008). A History of Laos (ấn bản thứ 2). Cambridge University Press. ISBN 978-0521597463.
  • Stuart-Fox, Martin (2008). Historical Dictionary of Laos. Scarecrow Press. ISBN 978-0-81086-411-5.

Luận án:

Tạp chí khoa học:

Báo cáo: