Bước tới nội dung

Đại hỏa hoạn Chicago

41°52′09″B 87°38′30″T / 41,8693°B 87,6418°T / 41.8693; -87.6418
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Đại hỏa hoạn Chicago
Nghệ sĩ vẽ ngọn lửa, bởi Currier and Ives; khung cảnh hướng về phía đông bắc qua Randolph Street Bridge
Địa điểmChicago, Illinois
Thống kê
Thiệt hại222 triệu đô la (1871 USD)[1]
($4.593 billion in 2018)[2]
Thời gian8 tháng 10 năm 1871 (1871-10-08) – 10 tháng 10 năm 1871 (1871-10-10)
Diện tích cháy2,112 mẫu Anh (0,00855 km2)
Nguyên nhânkhông xác định
Công trình
bị phá hủy
17.500 tòa nhà
Người chết300 người thiệt mạng (ước tính)
Bản đồ
Đại hỏa hoạn Chicago trên bản đồ Illinois
Đại hỏa hoạn Chicago
Tranh vẽ Vụ cháy của Jonh Chapin trên Tuần báo Happer

Đại hỏa hoạn Chicago kéo dài từ ngày Chủ nhật 08 tháng 10 năm 1871 đến sáng ngày thứ Ba 10 tháng 10 năm 1871. Sự kiện hỏa hoạn này đã làm chết 300 người, phá hủy toàn bộ trong khoảng 3,3 dặm vuông (9 km2) diện tích thành phố Chicago, bang Illinois, Mỹ và khiến hơn 100.000 người lâm vào cảnh mất nhà cửa[3]. Mặc dù vụ cháy là một trong những thảm họa lớn nhất nước Mỹ vào thế kỷ 19, phá hủy phần lớn khu vực trung tâm của thành phố Chicago, nhưng thành phố đã được xây dựng lại và tiếp tục phát triển để trở thành một trong những thành phố đông dân nhất và quan trọng về kinh tế của nước Mỹ.

Cũng trong buổi đêm bùng phát vụ cháy trên, một đám cháy khác lớn hơn đã tiêu hủy thành phố Peshtigo thuộc bang Wisconsin và các làng mạc, thị trấn khác ở phía bắc của vịnh Green, Wisconsin.

Nguồn gốc

[sửa | sửa mã nguồn]
Bản đồ Chicago năm 1868. Phần tô màu đậm là khu vực bị phá hủy bởi đám cháy
Bản đồ Chicago năm 1868. Phần tô màu đậm là khu vực bị phá hủy bởi đám cháy

Đám cháy bắt đầu bùng phát vào khoảng 9h00 đêm ngày 08 tháng 10 năm 1871, tại một chuồng gia súc nhỏ giáp con hẻm phía sau đường DeKoven[4]. Các giải thích thông thường về nguồn gốc của đám cháy cho rằng nó gây ra bởi một con bò đá vào một chiếc lồng đèn trong chuồng ngựa thuộc sở hữu của nhà Patrick và Catherine O'Leary, tuy vậy các quan chức thành phố không bao giờ nêu rõ lý do của trận hỏa hoạn này.[5] Năm 1893, Michael Ahern, phóng viên Tờ Cộng hòa Chicago, người viết tường trình của O'Leary, thừa nhận ông đã phóng đại màu sắc nội dung lên.

Chuồng gia súc bên cạnh chuồng của O'Learys ' là nhà đầu tiên bị ngọn lửa thiêu trụi nhưng các báo cáo chính thức không xác định được nguyên nhân chính xác. Tuy nhiên, cũng có một số suy đoán rằng đám cháy gây ra bởi một người chứ không phải một con bò. Một số lời khai nói rằng có một nhóm người đàn ông đã đánh bạc bên trong chuồng bò đó nên không ai nhìn thấy họ. Chiếc đèn họ dùng đã bị đạp đổ và gây cháy, song cũng không ai đưa ra được bằng chứng thuyết phục. Ngoài ra cũng có những nghi vấn về sự liên quan đến các vụ cháy khác bắt đầu cùng ngày.

Đám cháy bùng phát và lan rộng thuận lợi do các cấu kiện bằng gỗ, vật liệu xây dựng chủ yếu của thành phố. Ngoài ra, hạn hán và gió Tây Nam mạnh càng khiến đám cháy phát triển mạnh hơn. Hơn hai phần ba trong số các công trình tại Chicago lúc này được làm hoàn toàn bằng gỗ và hầu hết nhà cửa cũng như công trình được lợp mái bằng nhựa đường hoặc ván lợp rất dễ cháy. Tất cả vỉa hè của thành phố và nhiều tuyến đường được làm bằng gỗ.[6] Thêm nữa, Chicago chỉ nhận được lượng mưa 1 inche từ 04/7 – 09/10, gây ra tình trạng hạn hán nghiêm trọng.[7]

Vào năm 1871, Sở Cứu hỏa Chicago có 185 nhân viên cứu hỏa, nhưng chỉ có các loại máy chữa cháy hơi nước 17 sức ngựa để bảo vệ toàn bộ thành phố[8]. Thông tin báo cháy nhanh chóng được Sở Cứu hỏa tiếp nhận và triển khai, nhưng do lỗi của Matthias Schaffer – người trực báo cháy, lính cứu hỏa được điều đến nhầm vị trí khiến đám cháy bùng phát tự do không thể kiểm soát nổi.[8] Một tin báo cháy từ nơi gần đám cháy bị lỗi không đến được Sở Cứu hỏa. Thêm nữa, lính cứu hỏa đã mệt mỏi do phải chữa một đám cháy lớn cùng nhiều đám cháy nhỏ khác trong tuần trước đó.[9] Những yếu tố này kết hợp khiến một đám cháy nhỏ ban đầu phát triển thành đám cháy lớn.

Lan truyền của ngọn lửa

[sửa | sửa mã nguồn]
Hậu quả của đám cháy, góc đường Dearborn và Monroe, 1871
Tháp nước Chicago

Khi lính cứu hỏa cuối cùng đến đường DeKoven, ngọn lửa đã phát triển và lan sang các tòa nhà lân cận và đang hướng tới các trung tâm thương mại. Lính cứu hỏa hy vọng rằng các nhánh phía Nam của sông Chicago và một khu vực đã bị đốt cháy hoàn toàn trước đây sẽ là một vành đai ngăn cháy tự nhiên.[10] Tuy nhiên, dọc theo sông lại là những bãi gỗ, kho, bãi than và có nhiều sà lan, cầu qua sông. Ngọn lửa lớn, gió tây mạnh, tạo bức xạ nhiệt lớn, các tòa nhà bị cháy do bức xạ và do tàn lửa do gió mang đến. Khoảng 11h30, các mảnh vỡ lớn đang cháy bị thổi qua sông, rơi trên các mái nhà South Side Gas Works, tiếp tục gây cháy.[11]

Đám cháy lan được qua sông, nhanh chóng phát triển về phía trung tâm của thành phố khiến tình hình trở nên hoảng loạn. Đến lúc này, thị trưởng Chicago Roswell B. Mason nhắn tin đến các thị trấn lân cận yêu cầu giúp đỡ. Khi nhà tòa án bốc cháy, thị trưởng ra lệnh sơ tán trong toàn tòa nhà, phạm nhân giam giữ ở tầng hầm được phóng thích. Lúc 2h20 ngày 09 tháng 10, các mái vòm của nhà tòa án bị sập, khiến chuông lớn rơi xuống,[12] một số nhân chứng tả lại nghe được âm thanh từ một dặm.

Trong khi nhiều tòa nhà không chịu đựng được ngọn lửa thì một yếu tố chính góp phần vào sự lan truyền của đám cháy là một hiện tượng khí tượng được biết đến là vòng xoáy nhiệt[13]: Khí không khí bị đóng quá nhiệt và bay lên tiếp xúc với không khí lạnh, tạo ra một hiệu ứng như lốc xoáy. Những xoáy nhiệt này cuốn phăng các mảnh vỡ cấu kiện đang bốc cháy bay cao và bay xa. Những mảnh vỡ như vậy được thổi qua nhánh chính của sông Chicago tới một toa xe chở dầu hỏa.[14] Cứ như vậy, đám cháy lại lan truyền qua sông lần thứ hai, hoành hành khắp phía Bắc của thành phố.

Mặc dù đám cháy lan truyền và phát triển nhanh chóng, lính cứu hỏa thành phố tiếp tục chiến đấu với ngọn lửa. Chốc lát sau khi ngọn lửa "nhảy cóc" qua sông, một mảnh gỗ đang cháy mắc lại trên mái nhà của Nhà máy nước thành phố. Trong vòng vài phút, toàn bộ tòa nhà bị nhấn chìm trong biển lửa và bị phá hủy. Do đó, thành phố mất nước hoàn toàn và tình hình trở nên tuyệt vọng.[15] Đám cháy lan truyền tự do từ nhà này sang nhà khác, từ khu này sang khu khác mà không có sự ngăn chặn nào.

Cuối cùng, vào đêm ngày 09 tháng 10 trời bắt đầu đổ mưa, nhưng lúc này đám cháy cũng đã tàn dần. Nó đã lan đến khu vực phía Bắc thưa thớt sau khi thiêu trụi hoàn toàn phía Nam đông đúc, trù phú.[16]

Hậu quả

[sửa | sửa mã nguồn]
Điểm xuất phát cháy, nay nằm trong khuôn viên Học viện PCCC Chicago, được đặt tác phẩm Pillar of Fire
Cờ biểu tượng của thành phố Chicago với ngôi sao thứ hai được đặt ra nhằm kỷ niệm đại hỏa hoạn này.[17]
Tuyên ngôn, Bảo tàng Lịch sử Chicago
Cứu trợ cho những người bị nạn, Bảo tàng Lịch sử Chicago
Cho những người vô gia cư vì đám cháy ở Chicago, bảo tàng Lịch sử Chicago

Dù ngọn lửa đã tắt nhưng quá trình cháy âm ỉ vẫn tiếp diễn, khiến cho việc khảo sát, đánh giá thiệt hại kéo dài trong nhiều ngày. Cuối cùng, người ta xác định rằng vụ cháy đã phá hủy toàn bộ trong phạm vi có kích thước dài khoảng bốn dặm (6 km) và rộng trung bình 3/4 dặm (1 km), tức là hơn 2.000 mẫu Anh (8,1 km²).[18] Có hơn 73 dặm (117 km) đường bộ, 120 dặm (190 km) của vỉa hè, 2.000 cột đèn, 17.500 tòa nhà bị phá hủy, gây thiệt hại 222 triệu đô la Mỹ, chiếm 1/3 tài sản của toàn thành phố (giá trị quy đổi tương đương 4 tỷ USD năm 2015[19]). Trong toàn bộ dân cư thành phố có 300.000 người thì 100.000 người bị mất nhà cửa. Người ta xác định được 120 thi thể bị cháy nhưng số người chết có thể lên đến 300. Các nhân viên điều tra nhận định rằng con số không thể chính xác vì một số nạn nhân có thể đã bị chết đuối khi chạy trốn hoặc bị cháy hoàn toàn nên không để lại dấu vết.

Những ngày sau đó từ khắp nơi trên nước Mỹ cũng như các thành phố nước ngoài đã quyên góp tiền cùng thực phẩm, quần áo, và hàng hóa khác cho Chicago. Những đóng góp đến từ các cá nhân, công ty và các thành phố. Thành phố New York quyên góp 450.000 USD cùng với quần áo, thành phố St. Louis quyên góp 300.000 USD, Hội đồng TP London đã cho 1.000 ghi nê và 7.000 bảng Anh.[20] Các thành phố khác như Cincinnati, Cleveland, Buffalo, vốn là các đối thủ cạnh tranh thương mại đã quyên góp hàng ngàn đô la. Trong khi TP Milwaukee và các thành phố khác gần đó đã trợ giúp bằng cách gửi các trang thiết bị chữa cháy. Ngoài ra, thực phẩm, quần áo và sách đã được đưa bằng xe lửa từ khắp các châu lục.[21] Thị trưởng Mason đưa trách nhiệm phối hợp hỗ trợ cho Chicago Relief and Aid Society.[22]

Từ phát động của Giáo đoàn đệ nhất, các quan chức và ủy viên thành phố đã tiến hành các bước để giữ gìn trật tự trong thành phố. Đầu tiên là cố định giá cả; trong một sắc lệnh ban ra thành phố thiết lập giá bánh mì là 8¢ cho một ổ bánh 12-ounce.[23] Các tòa nhà công cộng được sử dụng làm nơi trú ngụ cho những người vô gia cư, các quán rượu đóng cửa trước 9h tối trong tuần sau đám cháy.

Vụ cháy cũng dẫn đến dấu hỏi về sự phát triển tại Hoa Kỳ. Vào thời điểm này Chicago được mở rộng rất nhanh, vụ cháy khiến nhiều người Mỹ chỉ trích về công nghiệp hóa. Các quan điểm tôn giáo nói rằng người Mỹ nên quay về lối sống cũ và rằng đám cháy là do những kẻ phớt lờ đạo đức. Mặt khác, nhiều người Mỹ cho rằng bài học cần được rút ra từ vụ cháy là thành phố cần phải cải thiện các kỹ thuật xây dựng. Frederick Law Olmsted quy kết điều này từ đặc điểm xây dựng của Chicago:

"Chicago yếu kém trong những thứ lớn lao, dường như người ta cho rằng nó là phần phụ của New York. Có quá nhiều quảng cáo tại các mái nhà trong thành phố. Thiếu sót trong xây dựng và trang trí các ngôi nhà lòe loẹt rất nhiều; tường của chúng mỏng, quá tải và thô".

Olmsted tin rằng công trình với những bức tường gạch, lính cứu hỏa và cảnh sát có kỷ luật... thì thiệt hại của vụ cháy sẽ giảm đi rất nhiều.[21]

Ngay sau đó, thành phố bắt đầu soạn lại tiêu chuẩn phòng cháy, được thúc đẩy bởi chủ các hãng bảo hiểm hàng đầu và các kỹ sư PCCC như Arthur C. Ducat. Chicago từ đó nhanh chóng phát triển được một lực lượng chữa cháy hàng đầu của đất nước.

Các nhà kinh doanh địa ốc, như Gurdon Saltonstall Hubbard và các chủ doanh nghiệp đã khẩn trương bắt tay xây dựng lại thành phố. Vào ngày tòa nhà cuối cùng bị cháy trong thành phố được dập tắt, chuyến gỗ đầu tiên để xây dựng lại được chở đến. Đến triển lãm World Columbian 22 năm sau tại Chicago, đã có hơn 21 triệu du khách đến thành phố. Khách sạn Palmer House bị thiêu rụi chỉ sau 13 ngày kể từ ngày khai trương. Người ta đã đầu tư xây dựng lại với tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn, nó được công nhận là "Công trình chịu lửa đầu tiên của thế giới".

Năm 1956, các cấu trúc sót lại tại nhà O'Leary tại 558 phố W. DeKoven đã được phá bỏ để xây dựng Học viện PCCC Chicago, cơ sở đào tạo cho lực lượng cứu hỏa Chicago. Một tác phẩm điêu khắc bằng đồng cách điệu ngọn lửa, được đặt tên là Pillar of Fire (Cột lửa) do nhà điêu khắc Egon Weiner thực hiện, được dựng lên năm 1961 tại điểm phát cháy vụ cháy này.[24]

Các câu hỏi về vụ cháy

[sửa | sửa mã nguồn]

Catherine O'Leary dường như là vật tế thần hoàn hảo: Cô ấy là một người nghèo, người nhập cư Công giáo Ai-len. Trong nửa sau của thế kỷ 19, tình cảm chống người Ai len diễn ra mạnh mẽ trên khắp Hoa Kỳ và ở Chicago. Nó càng được bổ sung khi mà quyền lực chính trị ngày càng tăng về tay người gốc Ireland trong thành phố. Câu chuyện này được lưu truyền, ngay khi mà đám cháy chưa được dập tắt, được ghi nhận trong lần đầu trên tờ Chicago Tribune. Năm 1893, phóng viên Michael Ahern hủy bỏ câu chuyện "Con bò và chiếc đèn lồng", thừa nhận đó là bịa đặt.

Câu chuyện con bò và đám cháy được đặt ra để đổ cho nhà Catherine O'Leary và được giải thích bởi Richard F. Bales: một đám cháy xảy ra ở nhà kho nhà Patrick và Catherine O'Leary, lan ra toàn TP Chicago. Khi đám cháy đang cháy, câu chuyện luôn được nhằm vào O'Leary. Người ta nói rằng ngọn lửa bùng lên khi O'Leary đang vắt sữa một con bò, nó đá vào chiếc đèn lồng, bắt lửa lên rơm và sau đó cháy toàn bộ chuồng trại. Điều này bị gia đình O'Leary phủ nhận, khi nói rằng họ đang ngủ khi đám cháy bùng phát, nhưng câu chuyện về những con bò bắt đầu lan rộng toàn thành phố. O'Leary sau đó được minh oan.

Nhà sử học nghiệp dư Richard Bales cũng gợi ý rằng, đám cháy có thể bắt nguồn do Daniel "Pegleg" Sullivan, người đầu tiên báo cháy, đốt chuồng ngựa khi ăn cắp sữa. Các nhận định của Bales là không nhất quán. Nhân viên Thư viện Công cộng Chicago đã chỉ trích quan điểm của Bales trên trang web về đám cháy này.

Anthony DeBartolo thì báo cáo về những bằng chứng trên tờ Chicago Tribune rằng Louis M. Cohn có thể gây cháy khi đang chơi xúc xắc. Theo Cohn, vào lúc cháy, cậu đang đánh bạc trong chuồng bò của O'Learys với con trai của họ và một số chàng trai khác. Khi bà O'Leary vào chuồng để đuổi những đứa trẻ đi vào khoảng 9h00, trên đường rút chạy, họ va phải chiếc đèn khiến nó bị đổ, mặc dù Cohn nói rằng cậu vẫn đủ thời gian để gom lại tiền. Sau cái chết của ông vào năm 1942, để lại thừa kế $ 35,000 cho trường Báo chí Medill tại Đại học Northwestern. Thừa kế trên được trao vào 28/9/1944 cùng với lời thú nhận của ông.

Một lý thuyết khác, lần đầu tiên được đề xuất vào năm 1882 bởi Ignatius Donnelly L. trong quyền "Ragnarok: Thời đại của Lửa và Sỏi", là Vụ cháy KK Chicago đã được gây ra bởi một trận mưa sao băng. Tại một hội nghị năm 2004 của Tổng công ty hàng không vũ trụ và Viện Hàng không Vũ trụ Mỹ, kỹ sư và nhà vật lý Robert Wood cho rằng đám cháy bắt đầu khi sao chổi Biela của bay qua Midwest. Có bốn vụ cháy lớn đã diễn ra trong cùng một ngày, tất cả trên bờ hồ Michigan (xem Sự kiện liên quan) gợi lên về một nguyên nhân chung. Các nhân chứng cho biết nhìn thấy sự tự bốc lửa, ít khói, "quả cầu lửa" từ trời rơi xuống và các ngọn lửa màu xanh. Theo Wood, các chứng cứ này cho thấy rằng các vụ cháy là do khí metan thường được thấy trong các sao chổi.

Tuy nhiên, thiên thạch không được coi là nguồn gây cháy hoặc làm lan truyền cháy và chúng thường bị nguội khi rơi xuống đất, do đó lý thuyết này đã không giới khoa học tán đồng. Nguyên nhân chung cho các đám cháy ở miền Trung Tây nước Mỹ có thể do trong thực tế rằng khu vực này đã trải qua một mùa hè khô hạn như rang, vì vậy những cơn gió trong buổi tối đó có thể khiến đám cháy nhanh chóng phát triển và lan rộng khi có sự cháy bắt nguồn từ các nguồn gây cháy có sẵn, vốn rất phong phú trong khu vực. Hỗn hợp mêtan - không khí trở thành chất cháy chỉ khi nồng độ mêtan vượt quá 5%, lúc này hỗn hợp cũng trở nên bùng nổ. Mêtan ở thể khí nhẹ hơn không khí và do đó không tích tụ gần mặt đất; bất kỳ sự tích tụ nào của mêtan trong không khí sẽ nhanh chóng bị phân tán. Hơn nữa, nếu một mảnh vỡ của một sao chổi băng tấn công Trái đất, kết quả là: do cường độ chịu lực kéo kém, nó sẽ bị phân huỷ tầng khí quyển cao dẫn đến sự nổ trên không trung, tương tự như vụ nổ Tunguska.

Công trình còn sót lại sau vụ cháy

[sửa | sửa mã nguồn]

Các công trình còn sót lại sau vụ cháy có thể kể đến Trường Cao đẳng dự bị Ignatius, Nhà thờ thánh Michael, Tháp nước Chicago, Trạm bơm Chicago Avenue, Trạm Cảnh sát Constable Bellinger tại 2121 N. Hudson. Nhà thờ thánh Michael và Trạm bơm Chicago bên trong bị cháy hoàn toàn nhưng mặt ngoài vẫn còn sót, chúng được xây dựng lại dựa trên các bức tường sót lại này. Ngoài ra, mặc dù các phần của tòa nhà đã bị phá hủy, tháp chuông của nhà thờ St James sót sau vụ cháy và đã được đưa vào nhà thờ sau khi xây dựng lại, những phiến đá gần đỉnh tháp vẫn còn bị ám đen  bởi bồ hóng và khói. Một vài khu nhà gỗ trên Bắc Cleveland Avenue cũng sót sau vụ cháy.

Các sự kiện liên quan

[sửa | sửa mã nguồn]

Trong một ngày mùa thu khô, nóng và gió mạnh, ba vụ cháy lớn khác xảy ra dọc theo bờ hồ Michigan cùng lúc với vụ cháy lớn Chicago. Cách khoảng 250 dặm (400 km) về phía Bắc, một vụ cháy thiêu trụi hoàn toàn thị trấn Peshtigo, Wisconsin, cùng với một chục ngôi làng khác. Vụ cháy làm chết từ 1.200 đến 2.500 người và thiêu rụi khoảng 1,5 triệu mẫu Anh (6.000 km²). Vụ cháy Peshtigo là một trong những vụ cháy chết chóc nhất trong lịch sử nước Mỹ, vì tương đối hẻo lánh nên nó ít được chú ý trong thời điểm đó, dù thực tế rằng một trong những thứ đầu tiên bị đốt cháy trong vụ cháy này là đường dây điện thoại đến Vịnh Green.

Phía đông của bờ Hồ, tại thị trấn Holland, bang Michigan và các khu vực lân cận bị đốt trụi. Khoảng 100 dặm (160 km) ở phía bắc của Holland, khu vực sản xuất gỗ của Manistee cũng bị thiêu rụi trong đám cháy, sau này được gọi là The Great Michigan Fire.

Xa hơn về phía đông, dọc theo bờ hồ Huron, Vụ cháy Port Huron quét qua TP Port Huron, bang Michigan và nhiều khu vực của Michigan. Ngày 09 tháng 10 năm 1871, một đám cháy quét qua thành phố Urbana, Illinois, cách 140 dặm (230 km) về phía nam của Chicago, phá hủy khu vực trung tâm TP. Tương tự vậy, TP Windsor, bang Ontario cũng bị cháy vào ngày 12/10/1871.

Thành phố Singapore, bang Michigan là nơi cung cấp phần lớn gỗ để xây dựng lại Chicago. Kết quả khu vực này bị phá rừng nặng nề, đất xấu đi, chỉ còn cồn cát cằn cỗi và bị bỏ hoang.

Trong văn hóa

[sửa | sửa mã nguồn]

The Chicago Fire, đội bóng chơi tại giải Bóng đá nhà nghề Mỹ (Major League Soccer), được thành lập ngày 8 tháng 10 năm 1997, kỷ niệm 126 năm Vụ cháy lớn Chicago. Trước đó, một đội Chicago Fire khác đã chơi trong thời gian ngắn ngủi tại Giải liên đoàn bóng bầu dục thế giới. Cũng có đội The Fire Chicago chơi tại giải bóng bầu dục Mỹ.

Đội thể thao Đại học Illinois tại Chicago được đặt biệt danh là Flames nhằm tưởng nhớ Vụ cháy Lớn Chicago.

Mặc dù được viết ở Philadelphia, cuốn tiểu thuyết The Financier của Theodore Dreiser năm 1912 đã khắc họa sự tác động toàn quốc của Vụ cháy lớn Chicago với thị trường chứng khoán và thế giới tài chính.

Bộ phim In Old Chicago năm 1937, xoay quanh vụ cháy với nhân vật chính là gia đình O'Leary được tiểu thuyết hóa.

Một phần quan trọng của cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Run, Come See Jerusalem của Richard C. Meredith miêu tả cuộc Vụ cháy Lớn Chicago từ quan điểm của kẻ thù du hành xuyên thời gian đến từ tương lai, những cuộc đấu tranh của nó trong ngọn lửa giận dữ sẽ tác động đến toàn bộ lịch sử của thế giới.

Các sự kiện trong cuốn tiểu thuyết Illinois của Dana Fuller Ross năm 1986 xảy ra xung quanh Vụ cháy lớn Chicago.

Ban nhạc punk rock Allister đã viết một bài hát được gọi là "Huyền thoại Pegleg Sullivan" cho album của họ "Before the Blackout"; lời bài hát viết về việc Daniel Sullivan đốt cháy (Trong Vụ cháy lớn Chicago).

Trong Early Edition, có thời điểm trong hai tập phim "Hot time in the Old Town," Gary được phái đến năm 1871 để dập lửa.

Trong năm 2014, thành phố Chicago và Nhà hát Redmoon hợp tác để phát hành Liên hoan Great Chicago Fire. Được tổ chức vào ngày 04 tháng 10 năm 2014, sự kiện này thất bại vì những kỹ thuật khó như mô hình năm 1871, những ngôi nhà trên sà lan trôi trên sông Chicago đã không thể cháy do sự cố về điện và mưa lớn trong những ngày trước đó.

Năm 1987, Williams sản xuất một máy chơi bi găm, lấy cảm hứng từ cuộc Vụ cháy Lớn Chicago, có tựa đề "Cháy!". Khi nhấn nút bắt đầu game, có thể nghe thấy tiếng con bò của O'Leary.

Ảnh toàn cảnh của Chicago sau trận hỏa hoạn 1871

[sửa | sửa mã nguồn]
Hình ảnh của Nick Bernhard.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Lỗi chú thích: Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên DonaldMiller
  2. ^ “$222,000,000 in 1871 → 2018 | Inflation Calculator”.
  3. ^ Bales, Richard (2004). “What do we know about the Great Chicago Fire?”. Truy cập ngày 14 tháng 11 năm 2008.
  4. ^ Pierce, Bessie Louise (ngày 9 tháng 1 năm 2007). A History of Chicago: Volume III: The Rise of a Modern City, 1871–1893. Chicago: University of Chicago Press. tr. 4. ISBN 978-0-226-66842-0.
  5. ^ L.L. Owens, The Great Chicago Fire, ABDO, tr. 7.
  6. ^ {|Murphy, Jim. The Great Fire. U.S.A: Scholastic Inc, 1995. Book.|}
  7. ^ Miller, Donald (1996). City of the Century: The Epic of Chicago and the Making of America. New York: Simon & Schuster. tr. 144. ISBN 0684831384.
  8. ^ a b Miller, Donald (1996). City of the Century: The Epic of Chicago and the Making of America. New York: Simon & Schuster. tr. 146. ISBN 0684831384.
  9. ^ “The fire Fiend”. Chicago Daily Tribune. ngày 8 tháng 10 năm 1871. tr. 3. |ngày truy cập= cần |url= (trợ giúp)
  10. ^ Miller, Donald (1996). City of the Century: The Epic of Chicago and the Making of America. New York: Simon & Schuster. tr. 147. ISBN 0684831384.
  11. ^ Miller, Donald (1996). City of the Century: The Epic of Chicago and the Making of America. New York: Simon & Schuster. tr. 147–148. ISBN 0684831384.
  12. ^ Miller, Donald (1996). City of the Century: The Epic of Chicago and the Making of America. New York: Simon & Schuster. tr. 148. ISBN 0684831384.
  13. ^ Abbott, Karen. “What (or Who) Caused the Great Chicago Fire?”. Smithsonian Magazine. Truy cập ngày 14 tháng 2 năm 2014.
  14. ^ Miller, Donald (1996). City of the Century: The Epic of Chicago and the Making of America. New York: Simon & Schuster. tr. 152. ISBN 0684831384.
  15. ^ Miller, Donald (1996). City of the Century: The Epic of Chicago and the Making of America. New York: Simon & Schuster. tr. 152–153. ISBN 0684831384.
  16. ^ Miller, Donald (1996). City of the Century: The Epic of Chicago and the Making of America. New York: Simon & Schuster. tr. 158. ISBN 0684831384.
  17. ^ “Municipal Flag of Chicago”. Chicago Public Library. 2009. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 3 năm 2008. Truy cập ngày 4 tháng 3 năm 2009.
  18. ^ Miller, Donald (1996). City of the Century; The Epic of Chicago and the making of America. New York: Simon & Schuster. tr. 159. ISBN 0684831384.
  19. ^ “Inflation Calculator”. DaveManuel.com. Truy cập 23 tháng 10 năm 2015.
  20. ^ "The Great Fires in Chicago and The West", by a Chicago Clergyman, Published by J.W. Goodspeed, Chicago, 1871
  21. ^ a b John J. Pauly. “The Great Chicago Fire as a National Event” (bằng tiếng Anh). doi:10.2307/2712866. Truy cập 23 tháng 10 năm 2015.
  22. ^ Miller, Donald (1996). City of the Century; The Epic of Chicago and the making of America. New York: Simon & Schuster. tr. 162. ISBN 0684831384.
  23. ^ Pierce, Betty Louise, A History of Chicago: The Rise of a Modern City, Chicago, University of Chicago Press, 1957, p. 7
  24. ^ Chicago Landmarks. retrieved ngày 14 tháng 12 năm 2006

Đọc thêm

[sửa | sửa mã nguồn]

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]