Bước tới nội dung

Đa Minh Toại

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
tượng cổ giáo xứ Kính Danh 1958

Đa Minh Toại hay Đa Minh Trần Văn Toại là một ngư phủ theo đạo Công giáo, tử vì đạo dưới triều vua Tự Đức, được Giáo hội Công giáo Rôma phong Hiển Thánh vào năm 1988.

Ông sinh năm 1812 tại làng Đông Thành, xứ Kẻ Mèn, địa phận Trung Đàng Ngoài, nay là thôn Nội Lang Nam xã Nam Hải, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, thuộc Giáo phận Thái Bình[1]. Ông lập gia đình và sinh sống bằng nghề đánh cá trên sông Nhị Bình, gần cửa Ba Lạt. Do lệnh cấm đạo của vua Tự Đức, ngày 17 tháng 1 năm 1860, ông bị bắt giải lên huyện Quỳnh Côi. Thấy ông bệnh tật, đi lại khó khăn, binh lính đề nghị nộp một số tiền thì được tha nhưng ông từ chối. Trong chín tháng bị giam trong ngục, nhiều lần bị ép buộc đạp lên Thánh Giá, nhưng ông vẫn giữ vững đức tin Công giáo. Ngày 5 tháng 6 năm 1862, ông chịu án thiêu sinh tại pháp trường Nam Định[2].Được an táng tại nhà thờ Thánh Danh Chúa Giêsu, thuộc giáo họ Đông Thành, giáo xứ Kẻ Mèn, Địa phận Trung Đàng Ngoài, nay là giáo xứ Kính Danh, giáo phận Thái Bình (thông Nội Lang Nam, xã Nam Hải , huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình ngày nay.)

TIỂU SỬ THÁNH ĐAMINH TRẦN VĂN TOẠI[3]

“Chúng ta hãy can đảm chịu đau khổ vì Chúa Ki tô, chúng ta hãy chịu đựng với lòng cương quyết cho tới chết mới thôi”

(th.Đaminh Toại)

MỘT ĐỜI HAI NGHIỆP

Thánh  Đaminh Trần Văn Toại sinh năm Tân Mùi – 1811. Cha mẹ ngài là cụ Đaminh Trần Văn Phiệt mà Maria Mạnh, một gia đình nông dân chăm chỉ, cũng là những ngư phủ chuyên cần , đạo đức

Lớn lên với nếp sống gia đình , cậu Toại cũng trở thành một nông dân cần cù, một ngư phủ cương quyết . Đôi tay nông phu rắn chắc khi tung chài bủa lưới cũng sành sỏi không kém gì những tay ngư phủ chuyên nghiệp.

Như bao thanh niên đồng trang lứa, cậu Toại xây dựng gia đình với một cô thôn nữ chăm chỉ, đạo hạnh và duyên sắc trong cùng họ đạo. Đôi vợ chồng trẻ vẫn nối tiếp nghiệp nhà, cặm cụi trên cánh đồng cho kịp thời vụ, buông tay cuốc ra là bắt lấy tay chèo, lướt sóng ra khơi để thu về khoang thuyền đầy cá thu, cá trích .. Cứ như thế, cuộc sống gia đình trở lên ấm no, hạnh phúc, sống thảnh thơi trong sự quan phòng của Thiên Chúa, với nguyện kinh chiều hôm ban sáng gia đình dâng lên Chúa. Đó là những điều thuận lợi để ông bà chăm lo giáo dục con cái thành những tín hữu tốt, những người dân hiền lành, thánh thiện , hữu ích..

                                            LÊN XE ĐẾN HUYỆN

Trong thời kì Đạo Chúa bị bách hại liên tục, dân chúng vẫn sinh hoặt hàng ngày, những người công giáo vẫn ưu tư, dù là vùng biển xa xôi như tổng Đông Thành.

Quả thật, lệnh cấm đạo của vua Tự Đức đã tràn đến xóm làng xa xôi ven biển này. Trong một sắc lệnh cấm đạo Công Giáo năm 1855, vua Tự Đức đã để ý đến các người đánh cá . Sắc lệnh viết:“ Trong số những người chài lưới ở gần biển, có những kẻ ngu xuẩn giả vờ đánh cá để đưa tây dương Đạo trưởng vào trong nước.. Ai cũng thừa biết bọn theo đạo Gia tô là bọn bất lương, côn đồ, thế mà các quan vô tư không lo lắng gì để dân phải lầm lạc theo tà đạo. Ta truyền cho tất cả các quan lớn bé phải đi tìm kinh lược trong địa hạt mình, xem xét dạy dỗ cho ngư dân để chúng quay về chính đạo của tiên đế.. phải đốt tất cả các đạo đường, đạo quán, phát giác và đập các hầm trú ẩn, cấm bọn Gia tô không được tập trung … Tát một lời: Hãy dùng mọi phương tiện để tiêu diệt hết  tả đạo”.

Sử sách không nói đến cửa biển Ba Lạt ngư dân có dịp đưa đón các đấng thừa sai hay không. Nhưng vùng này không thoát khỏi gót chân của lính nhà vua đi lùng bắt các tín hữu. Bởi địa phận Trung là nơi chịu sự đánh phá dữ dội của quan tổng đốc Nam Định Nguyên Đình Tân nổi tiếng ghét đạo, không thua gì Trịnh Quang Khanh thời vua Minh Mệnh, nên không có một làng công giáo nào vắng nốt chân của quân lính nhà vua đi bắt đạo. Ông Toại cũng biết như thế, nên ông luôn ao ước có dịp được làm chứng nhân cho đạo. Ông đã chuẩn bị tinh thần để sẵn sàng chịu mọi thử thách.

Tháng 9 năm 1861, tính từ huyện về phối hợp với tuần tráng của tổng, của làng ồ ạt bao vây làng Đông Thành. Chúng lục soát mọi nhà, bắt đi một số người. Ông Toại cũng bị bắt trong dịp này. Vì ông đang mắc bệnh sốt rét, phải nằm ở nhà. Lính lôi ông ra định trói ông về huyện, nhưng thấy ông đang bệnh không đi được, cho ông được lấy tiền chuộc mạng, khỏi bị bắt.

Nếu phải lấy tiền chuộc mạng về một tội nào khác thì ông sẵn sàng. Nhưng ông không muốn để mất cơ hội quý báu là có thể hiến mạng sống chứng tỏ niềm tin vào Thiên Chúa. Ông đã không đồng ý dùng tiền để thay thế một ơn phúc quý giá như thế. Vì thế, ông xin được tự mình mượn xe kéo đưa ông theo lính về huyện. Ông đã được như ý.Thế là trong tù dẫn về huyện hôm ấy, có một tù đạo ngồi xe kéo cùng đi dẫn độ.

                                          TẠI NƠI LƯU ĐÀY

Tại huyện Tiền Hải, viên Tri Huyện đã cứ đúng như lệnh phân sáp mà thi hành. Những người công giáo dù già dù trẻ, dù đàn ông hay đàn bà, dù giàu hay nghèo đều phải tách khỏi gia đình, đem đến các làng lương dân ghép vào các gia đình ngoại đạo để làm đầy tớ, con ở. Quan huyện cho gọi các tù Gia-tô mới bị bắt lên công đường, ra lệnh phải quá khóa. Nhưng ông Toại và các bạn vùng làng Đông Thành nhất quyết không chịu, mà luôn khẳng định lập trường đức tin của mình. Quan huyện liền làm án đệ lên tỉnh, đề nghị phát lưu các ông tới làng tang giá huộc huyện Quỳnh Côi ( làng Tang Giá lúc đó là tổng lỵ của tổng Tang Giá thuộc huyện Quỳnh Côi – có sách viết là Tăng Già).

Tang Giá là một làng toàn lương dân, không có cảm tình với đạo, lại bị chính quyền xúi giục, nên rất ghét người bên đạo. Bị giam tại Tang Giá có ông Đaminh Toại và ông Đaminh Huyện và ông Phê rô Việt và ông Lương là người làng Đông Thành , thêm ông Đaminh Đẩu là người làng Châu Nhai. Các ông bị giam giữ tại đó khoảng hai tháng, thì lính lại dẫn thêm bà Maria Từ vợ ông Hào Diệu, bà bị bắt vì Đạo đã trốn khỏi tù, nay bị bắt lại và tống vào ngục Tang Giá này, giam chung với ông Toại.

Từ ngày có bà Từ,lính canh giữ gắt gao hơn vì sợ bà vượt ngục lần nữa. Mặc dù bị canh giữ ngày đêm, các vị vẫn chăm chỉ tổ chức đọc kinh chung, vui lòng chịu những sách nhiễu, đàn áp của lính cai ngục một cách nhẫn nại vui tươi. Trong thời gian bị tù đày, các vị vẫn không thoắt khỏi bắt ra ép quá khóa, bị ép buộc đạp tượng Chúa, các vị nhất định từ chối nên lại bị đánh đòn, có khi bị bỏ đói… nhưng các vị vẫn kiên cường, can đảm chịu đau khổ vì đạo Thánh. Có lần ông Đaminh Toại đã khuyên các bạn.

“Chúng ta hãy can đảm chịu đau khổ vì Chúa Ki tô, chúng ta hãy chịu đựng với lòng cương quyết cho tới chết mới thôi”

Trong suất thời gian bị giam tại Tang Giá, người ta thấy các vị luôn can đảm, nhẫn nại, vui tươi. Bà Maria Dần là vợ ông Đẩu thường đến thăm nuôi chồng, đã quả quyết rằng: “Ông Toại và các vị đều giữ được niềm vui khi chịu khốn khó tù đày”.

LỄ THIÊU DÂNG CHÚA.

Đầu tháng 6 năm 1862, các quan địa phương đã nhận được lệnh phải giết hết các tù Gia-tô ngoan cố mê tả đạo. Tri huyện Quỳnh Côi cho các tù đạo lên đẻ nói cho biết : Lần này là lần cuối cùng cho những ai muốn sống thì phải bước qua Thánh Giá , nếu không thì không còn dịp nào nữa. Ông Toại và các bạn đều phản đối quá khóa mà sẵn sàng chịu chết vì Đạo. Viên tri huyện thấy khó lòng nay chuyển được lòng cương quết của các ông , nên đã theo chỉ thị, ra án thiêu sinh các ông. Ba ngày trước khi hành quyết, các ông đã được thông báo ngày xử hình. Các vị mừng rỡ và sốt sáng dọn mình làm lễ toàn thiêu dâng Chúa.

Nghe tin các vị bị xử hình, thân nhân các vị từ làng Đông Thành đã lên để chào tiễn biệt và tham dự lễ hi sinh. Bà vợ ông Toại cũng được chứng kiến cảnh chồng mình cùng các vị bị thiêu đốt.

Sáng sớm ngày mồng 9 tháng 5 năm Nhâm Tuất ( tức ngày 5 tháng 6 năm 1862) cuộc hành quyết ông Đaminh Toại và các bạn được thi hành. Quân lính được lệnh vào làng thu gom, rơm rạ, củi đóm, những thứ gì có thể cháy được…Chúng ta lên lưu ý: miền đồng bằng sông Hồng như làng Tang Giá không thể kiếm ra củi lập một giàn hỏa thiêu cho cả 4 đến 5 người. Bãi xử các vị là một khu bỏ hoang ngoài cánh đồng, ra xa làng xóm. Khi đã sẵn vật liệu, quan truyền trói ông Toại và các vị vào các cũi tre , rồi chất củi đóm, rơm rạ xung quanh và ra lệnh hỏa thiêu. Những người chứng kiến hôm đó đều nói: Các ông bị trói trong đống lửa nhưng miệng vẫn đọc kinh dâng phó linh hồn trong tay Chúa: “Giêsu, Giêsu, Giêsu Maria Giuse ! Tôi xin phó linh hồn tôi trong tay Chúa tôi … Xin Đức Chúa Trời đón nhận linh hồn tôi !!!.”.

Sau khi các ngài đã bị hành quyết, cô AnNa Ngư là con bà Từ đã được quan cho mai táng các Ngài tại nơi ấy.

                                             THÀNH KÍNH TỘC

Ông Đaminh Trần Văn Toại và các bạn chịu thiêu đốt- một trong bốn cực hình mà quan tổng đốc Nam Định Nguyên Đình Tấn đã áp dụng , các đấng đã sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì Chúa. Các ngài đã được lãnh nhận ngành lá Vạn Tuế Tủ Đạo, hào quang chiến thắng trên nước trời.

Hai năm sau hết thời cấm đạo, thân nhân đã lên cải táng ông. Hài cốt được đưa về làng, kì rửa sạch sẽ, trải phơi trên tấm lụa cho khô. Lúc ấy bà chị dâu ông Toại sang thăm, vừa khóc , vừa nói:”Các đấng Tử Đạo khác đều có dấu lành mà chú nó thì không thấy dấu lạ nào ?!”. Bà vừa dứt lời,máu từ các đầu xương rỉ ra thấm xuống tấm lụa. Người nhà thấy vậy liền vào trình cha xứ. Cha truyền đem tấm lụa ấy vào nhà xứ lưu trữ chứng tích.

Ông Đaminh Trần Văn Toại cũng như các đấng tử đạo trên toàn giáo phận đã được giáo quền thu gom làm hồ sơ xin Tòa Thánh tuyên công. Lần thứ hai giáo phận tra xét, Cha chính Fenandez Hiển đã đến để điều tra về ông Toại. Hôm ấy, người cháu ông Toại đã viết tờ trình, có việc phải ra ngoài. Lúc trở vào thì thấy trên giấy có ba giọt máu: một giọt đúng trên chữ “thành”, giọt thứ hai vào chữ “ kính “, còn giọt thứ ba vào chữ “tộc”. Cả họ đều không hiểu ý nghĩa, nên đã đem và trình cha xứ và cha chính đang ở tra án. Mặc dầu các cha không giải thích, nhưng mọi người tin là một dấu lạ Chúa muốn tỏ ra gương hi sinh của ông để gia tộc noi theo mà chung thành, kính mến Chúa.

Trong một buổi lễ trọng thể tại đền Thánh Phê-rô ngày 29 tháng 4 năm 1951 , Đức Thánh Cha PioXII đã tôn phong ông Đaminh Trần Văn Toại cùng với 24 anh hùng Tử Đạo khác lên bạc Chân Phước.

Ngày 19 tháng 6 năm 1988 , Chân Phước Đaminh Trần Văn Toại trong số 117 vị được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ nhị tôn phong lên bậc Hiển Thánh.

Chúng ta hãy cùng Thánh Đaminh Trần Văn Toại tung hô cảm tạ Chúa:

“Hỡi lửa cháy và nắng thiêu, hãy chúc tụng Chúa”

(Dn.6.66)

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Lm. Nguyễn Đức Việt Châu, SSS. “Ngày 5/6: Thánh Đa Minh Toại – Ngư Phủ (1812-1862) và Thánh Đa Minh Huyện – Ngư Phủ (1817-1862)”. Tổng giáo phận Hà Nội. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 9 năm 2021. Truy cập ngày 20 tháng 9 năm 2021.
  2. ^ Hội đồng Giám mục Việt Nam, Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm chủ biên (2018). Hạnh các thánh tử đạo Việt Nam. Tôn giáo. tr. 252–253.
  3. ^ HĐGMVN. “Thánh Đaminh Trần Văn Toại, tử đạo ngày 05 tháng 6 năm 1862”. hdgmvietnam.com (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 9 tháng 6 năm 2024.

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]