Viêm loét dạ dày tá tràng
Bài viết này cần thêm chú thích nguồn gốc để kiểm chứng thông tin. |
Viêm loét dạ dày tá tràng | |
---|---|
Vết loét sâu trong dạ dày | |
Khoa/Ngành | Khoa tiêu hoá Phẫu thuật tổng quát |
Triệu chứng | Đau bụng trên, ợ hơi, nôn mửa, giảm cân, kém ăn[1] |
Biến chứng | Chảy máu, thủng đường tiêu hóa, tắc nghẽn dạ dày[2] |
Nguyên nhân | Helicobacter pylori, các thuốc chống viêm không-steroid, hút thuốc lá, Bệnh Crohn[1][3] |
Phương pháp chẩn đoán | Dựa trên các triệu chứng, được xác nhận bởi nội soi hoặc bari nuốt[1] |
Chẩn đoán phân biệt | Ung thư dạ dày, bệnh tim mạch vành, viêm niêm mạc dạ dày, viêm túi mật[1] |
Điều trị | Ngừng hút thuốc, ngừng NSAID, ngừng rượu, thuốc[1] |
Thuốc | Thuốc ức chế bơm proton, Thuốc chẹn H2, thuốc kháng sinh[1][4] |
Dịch tễ | 87,4 triệu (2015)[5] |
Tử vong | 267.500 (2015)[6] |
Viêm loét dạ dày – tá tràng là viêm loét lớp bên trong của dạ dày, phần đầu tiên của ruột non, hoặc đôi khi là dưới thực quản[1][7]. Đặc điểm của bệnh là tùy theo các vị trí của viêm và loét khác nhau mà có các tên gọi là viêm dạ dày (đau dạ dày, đau bao tử), viêm hang vị, viêm tâm vị, viêm bờ cong nhỏ hoặc loét bờ cong nhỏ, loét hang vị, loét tiền môn vị, viêm loét tá tràng (hành tá tràng) hoặc viêm cả dạ dày và hành tá tràng.
Dấu hiệu và triệu chứng
[sửa | sửa mã nguồn]- Vùng bụng trên (thượng vị) đau, ợ hơi, ợ chua, nóng rát, đau từng cơn lúc đói hoặc vào ban đêm. Bệnh nhân có thể buồn nôn, đầy bụng, chậm tiêu. Khi ăn vào, cơn đau có thể dịu đi. Nếu uống thuốc chữa dạ dày thì giảm đau rõ rệt. Nếu người bệnh đi đại tiện phân đen như bã cà phê, có mùi khắm thì có thể đã bị chảy máu dạ dày.
- Mất ngủ hoặc giấc ngủ bị gián đoạn, hay chập chờn về đêm.
- Khoảng 20% bệnh nhân bị loét dạ dày – tá tràng nhưng không hề có triệu chứng, mà người bệnh vào viện vì các biến chứng như: xuất huyết đường tiêu hóa, thủng dạ dày hoặc hẹp môn vị, hoặc nội soi kiểm tra phát hiện ra bệnh.
Nguyên nhân
[sửa | sửa mã nguồn]Thuốc
[sửa | sửa mã nguồn]Có ba loại thuốc chủ yếu dễ gây ra tổn thương cho niêm mạc dạ dày, đó là: nhóm axit acetylsalicylic (ví dụ như Aspirin); hai là các loại thuốc chống viêm, chữa khớp; ba là thuốc hormone như sterol. Vì vậy nên hạn chế tránh dùng những loại thuốc này. Nếu cần thiết phải dùng thì nên khống chế liều lượng và liệu trình, tốt nhất là uống sau khi ăn.
Helicobacter pylori
[sửa | sửa mã nguồn]Vi khuẩn Helicobacter pylori và do tình trạng tăng tiết acid: Lây nhiễm trực khuẩn môn vị là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra viêm loét đường ruột. Đây là loại xoắn khuẩn, sống trên lớp nhày niêm mạc dạ dày và gây ra bệnh này. Trong số những người bị viêm loét dạ dày thì tỉ lệ do vi khuẩn này gây ra tới 70 – 90%. Vi khuẩn thường lây truyền qua đồ đựng thực phẩm, bàn chải đánh răng và nụ hôn. Ăn thực phẩm không sạch cũng là một trong những nguyên nhân lây nhiễm vi khuẩn này.
Yếu tố tâm lý
[sửa | sửa mã nguồn]Căng thẳng kéo dài: Trạng thái căng thẳng, buồn phiền, tức giận sẽ nhanh chóng được khuếch tán tới các cơ quan trong cơ thể, ảnh hưởng đến hệ thần kinh thực vật gây mất cân bằng cho chức năng dạ dày, đường ruột; acid hydrochloric và pepsin tăng tiết khiến cho huyết quản dạ dày, môn vị co thắt, tầng bảo vệ niêm mạc dạ dày bị thương tổn, hình thành bệnh viêm loét dạ dày. Người bệnh thường bị đau khi công việc căng thẳng, lo lắng nhiều, buồn rầu, tức giận hoặc sợ hãi.
Yếu tố tiết thực
[sửa | sửa mã nguồn]- No đói không đều: Khi đói, axit hydrochloric và các chất xúc tác trong dạ dày ở nồng độ khá cao dẫn tới tình trạng "tự tiêu hóa" niêm mạc. Khi ăn quá no lại dễ làm tổn thương "cơ chế" tự bảo vệ của dạ dày vì vỏ dạ dày nở to, thời gian thức ăn lưu lại trong dạ dày lâu. Khi ăn uống thất thường, không đúng bữa, không được nghỉ ngơi, bệnh sẽ dễ phát và tái phát.
- Ăn tối quá no: Có một số người thường xuyên bổ sung dinh dưỡng tập trung vào buổi tối vì cả ngày đi làm, buổi trưa không có thời gian, hoặc có người quen ăn thêm gì đó trước lúc đi ngủ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ, ngủ không an giấc, dễ tăng cân. Đồng thời còn có thể kích thích niêm mạc dạ dày bài tiết quá nhiều axit hydrochloric, gây viêm loét dạ dày
- Ăn nhanh hoặc vừa ăn vừa xem ti vi: Thức ăn sau khi vào dạ dày sẽ trải qua các giai đoạn "ngâm mềm", nghiền nát, tiêu hoá. Nếu khi ăn nhai không kỹ, ăn nhanh nuốt vội, thức ăn chưa được nghiền nhỏ thì sẽ tăng thêm gánh nặng cho dạ dày, kéo dài thời gian lưu giữ thức ăn trong dạ dày, dẫn tới tổn thương niêm mạc dạ dày. Ngoài ra, nhai chậm, nhai kỹ có thể tăng tiết dịch tụy, từ đó làm cho dịch mật và axit hydrochloric giảm, rất có lợi cho dạ dày.
- Uống quá nhiều rượu: Rượu tác động trực tiếp lên niêm mạc dạ dày. Ngoài ra còn có thể gây ra xơ gan và viêm tuyến tụy mãn tính, từ đó làm cho dạ dày tổn thương nặng thêm.
Nguyên nhân khác
[sửa | sửa mã nguồn]- Hoá chất.
- Các bệnh tự miễn khác…
Biến chứng
[sửa | sửa mã nguồn]- Xuất huyết tiêu hóa
- Thủng dạ dày hành tá tràng
- Rò vào các tạng xung quanh (đường mật, ruột non, tụy, đại tràng…)
- Hẹp môn vị
Phòng ngừa
[sửa | sửa mã nguồn]Ngoài việc khắc phục những nguyên nhân trên còn cần:
- Dùng thức ăn mềm, ít có tác dụng cơ giới. Cần ưu tiên các thức ăn tinh bột có tác dụng bọc, hút, thấm để bảo vệ niêm mạc dạ dày, giúp giảm kích thích tiết dịch vị, trung hòa acid như sữa, gạo nếp, bánh nếp, bánh mì, bánh bột năng, cơm, bánh quy…
- Tránh dùng các loại kích thích dạ dày tiết nhiều dịch vị như: ớt, tiêu, giấm, cà ri, mù tạc, trái cây chua, sữa chua, dưa hành, dưa cà muối chua, nước dùng thịt, thức ăn lên men như mắm, tương, chao; thịt nguội chế biến sẵn…Hạn chế các món rán xào
- Chất béo từ cá (mỡ cá, cá mỡ) được khuyên sử dụng vì cung cấp nhiều acid béo thiết yếu và năng lượng cho cơ thể, thức ăn giàu kẽm (hàu, sò, thịt, cá…) sẽ giúp mau lành vết thương, vitamin A giúp sinh trưởng lớp tế bào biểu mô của niêm mạc dạ dày.
Điều trị
[sửa | sửa mã nguồn]Nguyên tắc điều trị
[sửa | sửa mã nguồn]- Điều chỉnh mất cân bằng giữa yếu tố tấn công và bảo vệ
- Điều trị nguyên nhân
- Thay đổi lối sống và thói quen sinh hoạt
Mục tiêu điều trị
[sửa | sửa mã nguồn]- Tức thời: làm giảm nhanh các triệu chứng.
- Mục tiêu ngắn hạn: làm lành tổn thương loét, thúc đẩy tái sinh niêm mạc.
- Mục tiêu dài hạn: phòng ngừa tái phát và biến chứng
Điều trị nội khoa
[sửa | sửa mã nguồn]Nhóm thuốc kháng acid:
Là các thuốc có chứa nhôm hoặc calci, magnesi hydroxit, có tác dụng trung hòa acid không ảnh hưởng đến bài tiết dịch vị cũng như pepsin, 1-3 h sau bữa ăn và đi ngủ
- Nhóm ức chế thụ thể histamine H2: ƯU điểm của thuốc này là rẻ tiền, an toàn nhưng khả năng ức chế acid dịch vị yếu hơn so với nhóm PPI gồm Cimetidine, Ranitidine, Famotidine....
- Nhóm thuốc ức chế bơm proton (PPI): Đây là nhóm thuốc ức chế tiết dịch vị mạnh nhất hiện nay gồm: Omeprazol, Lansoprazol, Pantoprazol, Rabeprazol, Esomeprazol.
Nhóm thuốc trung hòa acid:
Giúp trung hòa acid dạ dày, tăng pH dạ dày, hành tá tràng; ức chế phân giải protein của pepsin
Một số loại thuốc gồm:
- Muối nhôm: Aluminium hydroxide
- Muối Magie: Magnesium Hydroxide
- Bicarbonat
Nhóm thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày:
- Sucrafat: bao bọc ổ loét, ngăn sự khuếch tán ngược của ion H+, ức chế pepsin và hấp phụ muối mật có tác dụng phòng loét cấp tính và làm lành loét mạn tính mà không ảnh hưởng đến bài tiết dịch vị và pepsin. Nên uống từ 30-60 phút trước ăn.
- Bismuth: vừa có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày, vừa diệt H.pylori.
- Misoprostol: là đồng đẳng với prostaglandin E1 có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày vì làm tăng bài tiết chất nhầy và bicarbonate đồng thời làm tăng dòng máu tới niêm mạc dạ dày hành tá tràng. Hiện ít dùng do tác dụng phụ
Thuốc kháng sinh diệt H.pylori
- Amoxicillin 500mg: kháng thuốc ít
- Metronidazol/tinidazol hiện nay thuốc này bị kháng rất nhiều. bệnh nhân sau khi uống thường mệt.
- Clarithromycin 250mg,500mg.
- Furazolidon: nitrofuran ít dùng ở Việt Nam
- Fluoro quinolones: Levofloxacin 500mg[8]
Điều trị ngoại khoa
[sửa | sửa mã nguồn]Rất hạn chế, chỉ chỉ định phẫu thuật khi :
- Xuất huyết tiêu hóa do chảy máu dạ dày hành tá tràng điều trị nội khoa thất bại.
- Thủng dạ dày- hành tá tràng
- Hẹp môn vị.
- Ung thư dạ dày.
- Rò dạ dày tá tràng vào các tạng lân cận.
Xem thêm
[sửa | sửa mã nguồn]Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ a b c d e f g Najm WI (tháng 9 năm 2011). “Peptic ulcer disease”. Primary Care. 38 (3): 383–94, vii. doi:10.1016/j.pop.2011.05.001. PMID 21872087.
- ^ Milosavljevic T, Kostić-Milosavljević M, Jovanović I, Krstić M (2011). “Complications of peptic ulcer disease”. Digestive Diseases. 29 (5): 491–3. doi:10.1159/000331517. PMID 22095016.
- ^ Steinberg KP (tháng 6 năm 2002). “Stress-related mucosal disease in the critically ill patient: risk factors and strategies to prevent stress-related bleeding in the intensive care unit”. Critical Care Medicine. 30 (6 Suppl): S362–4. doi:10.1097/00003246-200206001-00005. PMID 12072662.
- ^ Wang AY, Peura DA (tháng 10 năm 2011). “The prevalence and incidence of Helicobacter pylori-associated peptic ulcer disease and upper gastrointestinal bleeding throughout the world”. Gastrointestinal Endoscopy Clinics of North America. 21 (4): 613–35. doi:10.1016/j.giec.2011.07.011. PMID 21944414.
- ^ GBD 2015 Disease and Injury Incidence and Prevalence Collaborators (tháng 10 năm 2016). “Global, regional, and national incidence, prevalence, and years lived with disability for 310 diseases and injuries, 1990-2015: a systematic analysis for the Global Burden of Disease Study 2015”. Lancet. 388 (10053): 1545–1602. doi:10.1016/S0140-6736(16)31678-6. PMC 5055577. PMID 27733282.
- ^ Wang, Haidong; Naghavi, Mohsen; Allen, Christine; Barber, Ryan M.; Bhutta, Zulfiqar A.; Carter, Austin; Casey, Daniel C.; Charlson, Fiona J.; Chen, Alan Zian; Coates, Matthew M.; Coggeshall, Megan; Dandona, Lalit; Dicker, Daniel J.; Erskine, Holly E.; Ferrari, Alize J.; Fitzmaurice, Christina; Foreman, Kyle; Forouzanfar, Mohammad H.; Fraser, Maya S.; Fullman, Nancy; Gething, Peter W.; Goldberg, Ellen M.; Graetz, Nicholas; Haagsma, Juanita A.; Hay, Simon I.; Huynh, Chantal; Johnson, Catherine O.; Kassebaum, Nicholas J.; Kinfu, Yohannes; và đồng nghiệp (tháng 10 năm 2016). “Global, regional, and national life expectancy, all-cause mortality, and cause-specific mortality for 249 causes of death, 1980-2015: a systematic analysis for the Global Burden of Disease Study 2015”. Lancet. 388 (10053): 1459–1544. doi:10.1016/s0140-6736(16)31012-1. PMC 5388903. PMID 27733281.
- ^ “Definition and Facts for Peptic Ulcer Disease”. National Institute of Diabetes and Digestive and Kidney Diseases. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 4 năm 2015. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2015.
- ^ CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ LOÉT DẠ DÀY TÁ TRÀNG - Tài liệu của Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến Bệnh viện Bạch Mai đăng tải trên website www.bachmai.edu.vn
Liên kết ngoài
[sửa | sửa mã nguồn]- Gastric ulcer images Lưu trữ 2012-07-19 tại Wayback Machine