Bước tới nội dung

Lư Khê

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
(Đổi hướng từ Trương Văn Em)
Lư Khê
Nghề nghiệpNhà thơ, nhà báo
Quốc tịchViệt Nam
Dân tộcKinh

Lư Khê (19161950), tên thật là Trương Văn Em (còn được gọi là Đệ)[1], tên chữ là Tuấn Cảnh, bút hiệu là Bá Âm, Lư Khê; là nhà thơ, nhà báo Việt Nam thời tiền chiến.

Tiểu sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Ông sinh ngày 20 tháng 1 năm 1916 (nhưng trong giấy khai sinh ghi là ngày 5 tháng 2 năm 1916, vì làm giấy trễ)[2] tại làng Rạch Vược, xã Thuận Yên, tỉnh Hà Tiên (nay thuộc thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang) trong một gia đình lao động nghèo. Thân sinh là ông Trương Văn Huynh (ngư dân) và bà Trần Thị Chín.

Thuở nhỏ, Trương Văn Em học tiểu học ở Hà Tiên, học trung học ở Cần Thơ (Collège de Cần Thơ), đậu bằng Thành chung năm 1928[3] rồi lên Sài Gòn lập nghiệp.

Ở Sài Gòn, ông dạy học tại trường Huỳnh Khương Ninh, Đồng Nai...và cộng tác với các báo: Thế giới tân văn, Nữ lưu tuần báo, Văn nghệ, Tự do, Nay, Đông Tây, Gió mùa...

Năm 1935, ông cùng với Đông Hồ, Mộng Tuyết, Trúc Hà (cả bốn người đều được mệnh danh là "Hà Tiên tứ tuyệt"), xuất bản tờ báo SốngHà Tiên, nhưng phát hành ở Sài Gòn. Theo Nguyễn Q. Thắng, thì đây là một tờ báo "sớm nhất ở miền Tây Nam Kỳ, và cũng là tờ báo tiến bộ nhất so với các báo khác thời đó"[4].

Trong môi trường văn học, ông yêu nữ sĩ Nguyễn Thị Manh Manh, và rồi họ cưới nhau vào ngày 11 tháng 11 năm 1937 [5].

Sau năm 1945, ông làm Chủ bút báo Tân Việt. Từ năm 1947-1950, ông làm Giám đốc kiêm Chủ nhiệm nhật báo Sự thật và Ánh sáng. Lúc này, ông là người theo "chủ trương thống nhất và độc lập dân tộc, đồng thời đấu tranh chống thực dân Pháp" [6].

Ngày 3 tháng 7 năm 1950, ông bị những kẻ lạ mặt (dư luận cho là nhóm báo phân ly của chính phủ Trần Văn Hữu) sát hại tại nhà riêng, cùng một ngày với nhà báo Nam Quốc Cang [7]. Khi ấy, Lư Khê mới 34 tuổi.

Tác phẩm

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Douleur secrète (tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Luk, 1939),
  • Phút thoát trần (tập truyện ngắn và tùy bút, Nhà xuất bản Luk 1942)
  • Nhạc đêm (tập thơ)
  • La littérature Chinoise et ses ressources artistiques (tiểu luận)
  • Khảo về văn chương nước Nhật
  • L’ amour dans la poésie annamite (tiểu luận)
  • Jour perdu (tiểu thuyết)
  • Au fil de l’heure (thơ)

Và rất nhiều bài phóng sự, lý sự, khảo luận thơ đăng trong các báo đã dẫn ở trên [8].

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Em ruột Lư Khê là Trương Minh Đạt cho biết: Vì cha tên Huynh, nên đặt ông là Đệ. Nhưng khi làm giấy khai sinh, có người khuyên nên đổi lại tên Em, vì tên Đệ hơi "nặng nho" (sách ở mục tham khảo, tr. 539).
  2. ^ Nguồn: Trương Minh Đạt, tr. 539.
  3. ^ Theo Trương Minh Đạt (tr. 538), thì Lư Khê là học sinh đầu tiên đậu bằng Thành chung ở Hà Tiên.
  4. ^ Nguyễn Q. Thắng, tr. 258.
  5. ^ Nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt (em út Lư Khê, gọi nữ sĩ Manh Manh là chị dâu), kể: "...Chị (Manh Manh) cư xử với nhà chồng rất tốt, được bên chồng yêu quý. Chị là thứ nữ của ông Huyện Trị, còn anh Lư Khê là con nhà nghèo ở Rạch Vược (Hà Tiên)...Song, chị không hợm mình, lúc nào chị cũng quý trọng người nghèo rất thật tình, không màu mè, không phân biệt giai cấp. Chị thường viết báo hoặc diễn thuyết bênh vực dân nghèo...Khi sinh bé Mi Nu, chị Kiêm bị sự cố không may, mất khả năng sinh sản. Năm sau, bé Mi Nu (bị liệt từ lúc mới sinh) qua đời...chị Kiêm vô cùng buồn, chị thỏa thuận cho anh có người khác...Đầu năm 1945, trước ngày Nhật đảo chính Pháp, anh Lư Khê có người vợ thứ hai...Khoảng đầu năm 1950, chị Manh Manh đi Pháp...(sách đã dẫn, tr. 542). Sau thời gian dài "bặt vô âm tín", nữ sĩ Manh Manh qua đời trong một nhà dưỡng lão ở Paris vào ngày 26 tháng 1 năm 2005, thọ 91 tuổi (theo TS Sử học Phan Văn Hoàng, xem: [1]).
  6. ^ Theo Trương Minh Đạt (tr. 546). Tác giả Trương Võ Anh Giang cũng đã viết rằng Lư Khê là người "chủ xướng báo chí thống nhất và thân Việt Minh. Ông có tiếng bài báo nổi tiếng ‘Đả đảo Bazin’, lên án thực dân Pháp" ("Dương Tử Giang, cuộc đời và sự nghiệp", xuất bản 1998, tr. 65).
  7. ^ Nguồn: Nguyễn Q. Thắng (tr. 252). Thời kỳ này ở Sài Gòn rất nhiễu nhương. Chỉ trong vòng 2 tháng, đã có 3 ký giả (nhà báo) bị sát hại (theo Trương Minh Đạt, tr. 546).
  8. ^ Phần tác phẩm căn cứ theo Nguyễn Q. Thắng, tr. 252.

Sách tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Trương Minh Đạt, "Những kỷ niệm sống với anh Lư Khê và chị Manh Manh", in trong Nghiên cứu Hà Tiên. Tạp chí Xưa & Nay và nhà xuất bản Trẻ cùng hợp tác ấn hành năm 2008.
  • Nguyễn Q. Thắng, "Manh Manh nữ sĩ-Lư Khê, hai chiến sĩ tiền phong của thơ mới"; in trong Hương gió phương Nam. Nhà xuất bản Văn học, 2011.