Bước tới nội dung

Thymallus

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
(Đổi hướng từ Thymallinae)
Thymallus
Thời điểm hóa thạch: Pleistocen đến nay[1]
Phân loại khoa học
Giới (regnum)Animalia
Ngành (phylum)Chordata
Lớp (class)Actinopterygii
Bộ (ordo)Salmoniformes
Họ (familia)Salmonidae
Phân họ (subfamilia)Thymallinae
Chi (genus)Thymallus
Linck, 1790
Loài điển hình
Thymallus thymallus
(Linnaeus, 1758)
Loài
(xem văn bản)

Thymallus là một chi cá nước ngọt thuộc họ Cá hồi (Salmonidae); đây là chi duy nhất trong phân họ Thymallinae. Loài điển hìnhThymallus thymallus. Trong tiếng Anh, T. thymallus nói riêng và toàn chi này nói chung được gọi là grayling.

Phân bố

[sửa | sửa mã nguồn]

Thymallus là cá bản xứ mạn bắc vùng sinh thái Cổ Bắc giớiTân Bắc giới, có mặt trên một vùng trải dài từ Anh Quốc-Bắc Âu qua khắp bắc lục địa Á-Âu, đến Xibia, cũng như miền bắc Bắc Mỹ. T. thymallus phổ biến ở châu Âu, còn T. arcticus phổ biến khắp miền Tân Bắc giới và phần lục địa Á-Âu nằm về phía đông dãy Ural. Những loài còn lại có phân bố nhỏ hẹp hơn.

Bề ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]

Khác với những thành viên cùng họ Cá hồi, Thymallus có vảy lớn, miệng nhỏ với răng trên xương hàm trên và nổi bật nhất là cái vây lưng sặc sỡ dựng như buồm. Vây lưng cá trống dài, nhiều màu sắc hơn, có đốm đỏ, cam, tím hay lục. Thân mình chúng cũng lắm màu sắc; mặt lưng có màu tía sậm, đen hay xám ánh xanh, hai bên thân mang màu xanh sậm hay xám bạc, còn mặt bụng thì có màu xám hoặc trắng. Hơn nữa, chúng có đốm nhỏ nằm rải rác khắp người.

Arctic Grayling
Bốn con T. arcticus bắt trên sông Colville tại Alaska

Loài Thymallus dài nhất là T. arcticus, đạt độ dài tối đa 76 cm (30 in) với cân nặng 3,8 kg (8,4 lb). T. thymallus dù có hơi ngắn hơn (60 cm (24 in)), song nặng hơn đáng kể (6,7 kg (15 lb)). Cá trong chi này có thể sống hơn 18 năm.

Sinh thái và sinh sản

[sửa | sửa mã nguồn]

Những loài cá này sống trong nước lạnh, giàu oxy, ưa dòng chảy nhanh; chúng có mặt trong sông, hồ nền cát hay sỏi, tuy T. thymallus có lúc bơi ra nơi nước lợ. Nói chung Thymallus ăn tạp, ăn động vật giáp xác, côn trùng, và động vật phù du.

Các loài Thymallus (như các nhóm cá hồi khác) không chăm cá con, dù chúng có giấu trứng nơi bùn lầy.

Do chúng nhạy cảm với sự thay đổi chất lượng nước, cá trong chi Thymallus có thể được nhìn nhận là các loài chỉ thị.

Đối với con người

[sửa | sửa mã nguồn]
Một con Thymallus thymallus bắt ở Sápmi.

Do hương vị ngon và bề ngoài dễ nhìn, các loài Thymallus đều là cá thịt và cá câu giải trí, đôi lúc chúng còn được giữ trong bể thủy sinh. Hai loài có vai trò kinh tế quan trọng hơn hết là T. thymallusT. arcticus.

Tên gọi

[sửa | sửa mã nguồn]

Tên chi Thymallus ban đầu được đặt cho T. thymallus, trong ấn bản thứ 10 (1758) của cuốn Systema Naturae của nhà tự nhiên học Thuỵ Điển Carl Linnaeus. Thymallus bắt nguồn từ từ θύμαλλος (thúmallos) tiếng Hy Lạp, nghĩa là "mùi cỏ xạ hương".[2]

Theo FishBase, chi này có 14 loài.[3]

Catalog of Fishes liệt kê thêm loài Thymallus baikalolenensis Matveyev, Samusenok, Pronin & Telpukhovsky, 2005, nhưng chỉ coi T. yaluensis là một phân loài.[4]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Sepkoski, Jack (2002). “A compendium of fossil marine animal genera”. Bulletins of American Paleontology. 364: 560. Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 7 năm 2011. Truy cập ngày 7 tháng 1 năm 2008.
  2. ^ Ingram, A.; Ibbotson, A.; Gallagher, M. “The Ecology and Management of the European Grayling Thymallus thymallus (Linnaeus)” (PDF). East Stoke, Wareham, U.K.: Institute of Freshwater Ecology. tr. 3. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 4 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 27 tháng 2 năm 2014.Quản lý CS1: sử dụng tham số tác giả (liên kết)
  3. ^ Ranier Froese và Daniel Pauly (chủ biên). Các loài trong Thymallus trên FishBase. Phiên bản tháng 8 năm 2015.
  4. ^ Eschmeyer F. Catalog of Fishes: yaluensis, Thymallus arcticus (search "yaluensis") California Academy of Sciences (Bản 15.6.2015)

Tài liệu

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Dyldin, Y.V.; L. Hanel; V.I. Romanov; J. Plesník (2017). “A review of the genus Thymallus (Pisces: Salmoniformes: Salmonidae: Thymallinae) with taxonomic notes”. Bulletin Lampetra. VIII: 103–126.