Bước tới nội dung

Dreadnought

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
(Đổi hướng từ Thiết giáp hạm dreadnought)
USS Texas, thiết giáp hạm dreadnought cũ nhất còn lại cho đến hôm nay, được hạ thủy vào năm 1912 và hiện là một tàu bảo tàng

Dreadnought (tiếng Anh có khi còn được viết là dreadnaught) là kiểu thiết giáp hạm thống trị trong thế kỷ 20. Chiếc đầu tiên của loại này, thiết giáp hạm HMS Dreadnought của Hải quân Hoàng gia Anh Quốc, đã có một tầm ảnh hưởng lớn đến mức khi được hạ thủy vào năm 1906, mọi thiết giáp hạm được chế tạo sau nó được gọi là những "dreadnought", còn những chiếc trước đó được đặt tên lại là những thiết giáp hạm tiền-dreadnought. Thiết kế của nó mang hai đặc tính rất cách mạng: sơ đồ vũ khí trang bị 'toàn súng lớn', và vận hành bằng hệ thống động lực turbine hơi nước. Sự ra đời của những dreadnought làm sống lại cuộc chạy đua vũ trang hải quân, chủ yếu là giữa Anh QuốcĐức nhưng cũng ảnh hưởng trên khắp thế giới, khi lớp tàu chiến mới là một biểu trưng chủ yếu của sức mạnh quốc gia.

Khái niệm về một tàu chiến toàn súng lớn đã được phát triển nhiều năm trước khi chế tạo chiếc Dreadnought. Hải quân Đế quốc Nhật Bản đã bắt đầu dự án chế tạo một thiết giáp hạm toàn súng lớn vào năm 1904, nhưng hoàn tất nó như một chiếc tiền-dreadnought; Hải quân Hoa Kỳ cũng đã chế tạo những chiến hạm toàn súng lớn. Kỹ thuật tiến triển nhanh chóng trong suốt thời đại dreadnought; các thiết kế tiếp theo gia tăng nhanh chóng về kích cỡ cũng như áp dụng các cải tiến về vũ khí, vỏ giáp và động lực. Trong vòng mười năm, những chiếc thiết giáp hạm mới đã vượt trội hơn bản thân Dreadnought; những tàu chiến mạnh hơn hẳn này được gọi là những siêu dreadnought. Đa số dreadnought bị tháo dỡ sau khi Chiến tranh Thế giới thứ nhất kết thúc theo những điều khoản của Hiệp ước Hải quân Washington, nhưng nhiều chiếc siêu-dreadnought mới hơn đã tiếp tục phục vụ trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Dù việc chế tạo dreadnought tiêu tốn rất nhiều tài nguyên vào đầu thế kỷ 20, song chỉ có một trận đánh lớn thực sự diễn ra giữa các hạm đội dreadnought. Trong trận Jutland, hải quân Anh và Đức đã đối đầu với nhau mà không mang lại kết quả quyết định. Thuật ngữ 'dreadnought' dần dần ít được sử dụng sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, đặc biệt là sau Hiệp ước Hải quân Washington, vì hầu như mọi thiết giáp hạm còn lại đều có chung những đặc tính với dreadnought; chúng còn được dùng để mô tả những chiếc tàu chiến-tuần dương, một kiểu tàu chiến khác cùng phát sinh từ cuộc cách mạng dreadnought.[1]

Nguồn gốc

[sửa | sửa mã nguồn]

Cách sắp xếp vũ khi toàn súng lớn đặc trưng cho dreadnought được phát triển vào những năm đầu của thế kỷ 20 khi hải quân các nước cố tìm cách gia tăng hỏa lực và tầm xa của các thiết giáp hạm của họ. Đa số thiết giáp hạm tiền-dreadnought có dàn pháo chính gồm bốn pháo hạng nặng với cỡ nòng 305 mm (12 inch), dàn pháo hạng hai từ sáu đến mười tám pháo bắn nhanh với cỡ nòng từ 119 mm (4,7 inch) đến 190,5 mm (7,5 inch) và các vũ khí cỡ nhỏ khác. Một số thiết kế còn có một dàn pháo trung gian 203 mm (8 inch). Đến năm 1903, những đề nghị nghiêm túc về một giàn hỏa lực toàn pháo lớn được truyền bá tại nhiều nước.[2]

Thiết kế toàn súng lớn được tiến hành hầu như đồng thời tại hải quân của ba nước. Năm 1904, Hải quân Đế quốc Nhật Bản chấp thuận việc chế tạo Satsuma mang mười hai khẩu pháo 305 mm (12 inch); đến tháng 5 năm 1905 thì Satsuma được đặt lườn.[3] Hải quân Hoàng gia bắt đầu thiết kế HMS Dreadnought vào tháng 1 năm 1905; và nó được đặt lườn vào tháng 10.[4] Hải quân Hoa Kỳ được chấp thuận cho chế tạo USS Michigan, mang tám pháo 12-inch vào tháng 3;[4] nó được đặt lườn vào tháng 12 năm 1906.[5]

Sở dĩ có sự thay đổi sang thiết kế tàu chiến toàn súng lớn là vì một dàn pháo cỡ lớn sẽ cung cấp ưu thế trong cả sức mạnh lẫn việc kiểm soát hỏa lực. Kiểu pháo mới nhất 305 mm (12 inch) có sức mạnh ở tầm xa hơn pháo có cỡ nòng 254 mm (10 inch) hoặc 234 mm (9,2 inch).[6] Đa số các sử gia còn dẫn chứng những ưu thế về kiểm soát hỏa lực; ở tầm xa, pháo được ngắm bằng cách quan sát ánh chớp gây ra bởi các quả đạn pháo bắn theo loạt, và thật khó để biện luận phân biệt những ánh chớp khác nhau từ các cỡ nòng pháo khác nhau. Hiện vẫn còn đang tranh luận về tầm quan trọng của điều này.[7]

Pháo tầm xa

[sửa | sửa mã nguồn]

Trong các trận hải chiến vào những năm 1890, vũ khí quyết định là pháo cỡ nòng trung bình, tiêu biểu là pháo 152 mm (6 inch) bắn nhanh, được bắn ở tầm tương đối ngắn. Hải pháo thời đó cũng không chính xác khi bắn mục tiêu ở tầm xa hơn.[A 1] Ở các khoảng cách như vậy, súng nhỏ có độ chính xác tốt, và tốc độ bắn nhanh của chúng tung ra một khối lượng hỏa lực lớn vào mục tiêu. Trong Trận sông Áp Lục năm 1894, hải quân Nhật đã không nổ súng cho đến khi khoảng cách giữa hai bên chỉ còn 3.900 m, nhưng trận đánh đã diễn ra hầu như ở cự ly khoảng 2.000 m.[8]

Vào đầu những năm 1900 các đô đốc Anh và Mỹ dự đoán rằng các thiết giáp hạm trong tương lai sẽ đối đầu ở khoảng cách xa hơn, khi tầm bắn của ngư lôi gia tăng.[9] Năm 1903, Hải quân Mỹ đặt hàng thiết kế ngư lôi có tầm hiệu quả lên đến 3.660 m (4.000 yard).[10] Họ đều đưa đến kết luận cần giao chiến với đối phương ở khoảng cách xa hơn.[10][11] Năm 1900, Đô đốc Sir John "Jackie" Fisher, Tư lệnh Hạm đội Địa Trung Hải, ra lệnh thực hành tác xạ pháo 6 inch ở khoảng cách 5.500 m (6.000 yard).[11] Đến năm 1904, Học viện Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ cân nhắc hiệu quả chiến thuật của ngư lôi đối với thiết giáp hạm ở trong khoảng 6.400 m (7.000 yard) đến 7.300 m (8.000 yard).[10]

Tầm bắn của các cỡ pháo nhẹ và vừa bị giới hạn, và độ chính xác suy giảm nhanh chóng ở tầm xa hơn.[A 2] Ở các tầm bắn xa, ưu thế của tốc độ bắn nhanh cũng giảm; việc bắn chính xác phụ thuộc vào việc trinh sát ánh chớp đạn nổ của loạt đạn pháo trước đó, cũng làm giới hạn tốc độ bắn tối ưu.[2]

Vào những năm đầu tiên của Thế kỷ 20, tầm hiệu quả của pháo hạng nặng được cải thiện. Điều này được xác lập qua những cuộc thực tập tác xạ trong khoảng năm 1904, và được khẳng định trong chiến đấu qua trận hải chiến Tsushima năm 1905.[A 3]

Tàu toàn súng lớn với cỡ pháo hỗn hợp

[sửa | sửa mã nguồn]
Thiết giáp hạm HMS Agamemnon, một tàu toàn súng lớn với cỡ pháo hỗn hợp thuộc lớp Lord Nelson. Nó mang bốn pháo 305 mm (12 inch) và mười pháo 234 mm (9,2 inch)

Một cách tạo ra những thiết giáp hạm mạnh mẽ hơn là loại bỏ dàn pháo hạng hai, thay thế chúng bằng các khẩu pháo hạng nặng bổ sung, tiêu biểu thường là cỡ nòng 234 mm (9,2 inch) hoặc 254 mm (10 inch). Những thiết giáp hạm này, thường được mô tả như là những "tàu toàn súng lớn với cỡ pháo hỗn hợp" hay sau này gọi là "bán-dreadnought", bao gồm các lớp King Edward VIILord Nelson của Anh Quốc, Danton của Pháp và chiếc Satsuma của Nhật Bản.[12] Quá trình thiết kế những con tàu này thường bao gồm những thảo luận cho khả năng "toàn súng lớn một cỡ pháo đồng nhất".[13]

Trên tạp chí Proceedings of the US Naval Institute số tháng 6 năm 1902, chuyên gia hàng đầu về tác xạ pháo của Hải quân Mỹ là Giáo sư P. R. Alger đã đề nghị một dàn pháo chính gồm tám khẩu 305 mm (12 inch) trên những tháp pháo đôi.[14] Vào tháng 5 năm 1902, Văn phòng Chế tạo và Sửa chữa Hải quân Mỹ giới thiệu một thiết kế thiết giáp hạm với mười hai khẩu 253 mm (10 inch) cũng trên những tháp pháo đôi, hai khẩu ở mỗi hai đầu và bốn khẩu mỗi bên mạn tàu.[14] Vào tháng 12 năm 1902, Thiếu tá Hải quân H. C. Poundstone gửi một lá thư lên Tổng thống Theodore Roosevelt tranh luận về trường hợp các thiết giáp hạm lớn hơn. Đính kèm theo lá thư của mình, Poundstone đề nghị một số lượng lớn hơn pháo 279 mm (11 inch) và 229 mm (9 inch) thay cho một số lượng nhỏ pháo 305 mm (12 inch) và 229 mm (9 inch).[2] Học viện Chiến tranh Hải quân và Văn phòng Chế tạo và Sửa chữa đã phát triển những ý tưởng như vậy trong các nghiên cứu trong những năm 1903–1905. Những nghiên cứu thông qua tập trận bắt đầu từ tháng 7 năm 1903 "cho thấy một thiết giáp hạm trang bị mười hai pháo 11 hoặc 12 inch bố trí thành hình lục giác (có hiệu quả) tương đương với ba hay nhiều hơn tàu chiến kiểu thông thường".[15]

Một xu hướng tương tự cũng diễn ra trong Hải quân Hoàng gia Anh. Một thiết kế được lưu hành trong những năm 1902–1903 với "một giàn hỏa lực toàn súng lớn mạnh mẽ với hai cỡ nòng pháo, tức là bốn khẩu 305 mm (12 inch) và mười hai khẩu 234 mm (9,2 inch)".[16] Tuy nhiên, Bộ Hải quân lại quyết định chế tạo thêm ba chiếc thuộc lớp King Edward VII với cỡ pháo hỗn hợp 305 mm (12 inch), 234 mm (9,2 inch) và 152 mm (6 inch) trong chương trình chế tạo hải quân 1903–1904.[17] Quan niệm này sống lại trong chương trình 1904–1905, lớp Lord Nelson. Những giới hạn về chiều dài và mạn thuyền khiến các tháp pháo 234 mm (9,2 inch) giữa tàu chỉ là nòng đơn thay vì nòng đôi, nên có giàn hỏa lực gồm bốn khẩu 305 mm (12 inch), mười khẩu 234 mm (9,2 inch) và không có pháo 152 mm (6 inch). Người vẽ kiểu ra thiết kế này, J. H. Narbeth, đề xuất một bản vẽ thay thế trình bày một giàn hỏa lực mười hai khẩu 305 mm (12 inch), nhưng Bộ Hải quân đã không chấp nhận điều này.[18] Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến quyết định giữ lại cỡ pháo hỗn hợp là do nhu cầu nhanh chóng chế tạo những chiếc thiết giáp hạm trước tình hình căng thẳng mà chiến tranh Nga–Nhật tạo ra.[19]

Chuyển sang thiết kế toàn súng lớn

[sửa | sửa mã nguồn]

Việc thay thế cỡ pháo 152 mm (6 inch) hay 203 mm (8 inch) bằng vũ khí 234 mm (9,2 inch) hay 253 mm (10 inch) đã cải thiện sức mạnh tấn công của một thiết giáp hạm, đặc biệt là ở tầm xa. Tuy nhiên, cỡ pháo hạng nặng đồng nhất còn có nhiều ưu điểm nữa. Một ưu thế rõ ràng dễ nhận ra là trong khía cạnh tiếp liệu. Ví dụ như khi Hải quân Mỹ cân nhắc việc có nên trang bị cỡ pháo hạng nặng hỗn hợp cho lớp thiết giáp hạm South Carolina hay không, William Sims và Homer Poundstone đã nhấn mạnh đến những ưu điểm của tính đồng nhất trong khía cạnh cung cấp đạn dược cũng như khả năng điều động pháo thủ từ những khẩu pháo không hoạt động đến thay thế cho những người bị thương tại những khẩu pháo khác.[20]

Một cỡ pháo đồng nhất cũng giúp thông suốt việc kiểm soát hỏa lực. Những nhà thiết kế Dreadnought đã ưa chuộng một cấu hình toàn súng lớn vì chúng chỉ yêu cầu một bộ công thức tính toán để hiệu chỉnh tầm bắn cho mọi khẩu pháo.[A 4] Một số sử gia ngày nay có quan niệm rằng một cỡ pháo đồng nhất có vai trò đặc biệt quan trọng, do nguy cơ nhầm lẫn các ánh lửa đạn pháo của cỡ nòng 305 mm (12 inch) và các cỡ nhỏ hơn gây khó khăn trong việc định tầm bắn chính xác. Tuy nhiên quan điểm này tự thân nó mâu thuẫn; việc kiểm soát hỏa lực vào năm 1905 chưa tiến bộ đến mức áp dụng kỹ thuật bắn hàng loạt, nơi mà sự nhầm lẫn này có thể gây ảnh hưởng quan trọng,[21] và sự nhầm lẫn ánh lửa đạn pháo này dường như không phải là mối bận tâm của những người thiết kế toàn pháo lớn.[A 5] Dù sao, nhiều khả năng là nguy cơ phải đối đầu ở khoảng cách xa hơn có tầm quan trọng đưa đến quyết định phải trang bị cỡ pháo lớn nhất có thể như là tiêu chuẩn, tức là 305 mm (12 inch) thay vì 253 mm (10 inch).[A 6]

Hơn nữa, thiết kế mới hơn của loại pháo 305 mm (12 inch) đem lại tốc độ bắn cao hơn đáng kể, loại bỏ ưu thế thường có trước đây của các cỡ nòng pháo nhỏ hơn. Nếu như vào năm 1895, phải mất đến bốn phút để một khẩu pháo 305 mm (12 inch) có thể bắn một quả đạn, thì đến năm 1902, thường chỉ mất nửa phút.[6] Nhà thiết kế hải quân Ý Vittorio Cuniberti trong bài viết "An Ideal Battleship for the British Navy" (Một thiết giáp hạm lý tưởng cho Hải quân Anh) trên tạp chí Jane's Fighting Ships tháng 10 năm 1903, đề cập đến một con tàu tải trọng 17.000 tấn mang một dàn pháo chính gồm mười hai khẩu 305 mm (12 inch), được bảo vệ bởi vỏ giáp dày 305 mm (12 inch), và có tốc độ 44 km/h (24 knot).[22] Ý tưởng của Cuniberti, vốn từng được ông đề nghị cho chính Hải quân Ý, áp dụng tốc độ bắn cao của kiểu pháo mới 305 mm (12 inch), tạo ra một đòn hỏa lực bắn nhanh mang tính hủy diệt thay thế cho kiểu "pháo chào" của những vũ khí nhẹ hơn.[6] Điều tương tự cũng đã diễn ra khi người Nhật có xu hướng trang bị pháo cỡ lớn hơn; tại Tsushima, đạn pháo Nhật có một tỉ lệ đạn gây nổ nhiều hơn thông thường, và sẽ kích nổ khi tiếp xúc, gây ra các đám cháy hơn là đâm xuyên qua vỏ giáp.[23] Việc gia tăng tốc độ bắn đặt những nền tảng cho các tiến bộ sau này về kiểm soát hỏa lực.[6]

Chế tạo những chiếc dreadnought đầu tiên

[sửa | sửa mã nguồn]
Thiết giáp hạm HMS Dreadnought của Hải quân Hoàng gia Anh Quốc, chiếc dreadnought đầu tiên trên thế giới

Tại Nhật Bản, hai thiết giáp hạm trong Chương trình Chế tạo 1903–1904 là những chiếc tàu toàn súng lớn đầu tiên trên thế giới được đặt lườn ngay từ đầu, với tám khẩu pháo 305 mm (12 inch). Tuy nhiên, lớp vỏ giáp của chúng bị đánh giá là quá mỏng, buộc phải thiết kế lại sau đó.[24] Những áp lực tài chính của cuộc chiến tranh Nga–Nhật và việc thiếu hụt cung cấp các khẩu pháo 305 mm (12 inch) vốn phải được nhập khẩu từ Anh Quốc khiến cho những chiếc này lại được hoàn tất với dàn pháo chính có cỡ nòng hỗn hợp 305 mm (12 inch) và 253 mm (10 inch). Thiết kế 1903–1904 cũng giữ lại kiểu động cơ hơi nước ba buồng bành trướng truyền thống, khác với Dreadnought.[25]

Cú đột phá về dreadnought diễn ra tại Anh Quốc vào tháng 10 năm 1905. Vị Thứ trưởng Thứ nhất Hải quân mới được bổ nhiệm, Đô đốc "Jackie" Fisher, từ lâu đã là người chủ trương áp dụng kỹ thuật mới trong Hải quân Hoàng gia, và gần đây đã bị thuyết phục bởi ý tưởng thiết giáp hạm toàn súng lớn.[A 7] Fisher thường được công nhận là người sáng tạo dreadnought, và là cha đẻ của hạm đội thiết giáp hạm dreadnought hùng hậu của Anh Quốc, một dấu ấn mà ông đã có nhiều nỗ lực để củng cố. Tuy nhiên, phải nói một cách công bằng rằng mối quan tâm chính của Fisher là phát triển tàu chiến-tuần dương chứ không phải là thiết giáp hạm.[26]

Không lâu sau khi nhậm chức, Fisher thành lập Ủy ban về Thiết kế để nghiên cứu về thiết giáp hạm và tàu tuần dương bọc thép trong tương lai,[4] và nhiệm vụ đầu tiên của Ủy ban này là xem xét một thiết giáp hạm mới. Đặc tính của con tàu mới là dàn pháo chính 305 mm (12 inch) và pháo chống lại tàu phóng lôi nhưng không có các cỡ nòng trung gian, và một tốc độ 39 km/h (21 knot), chỉ nhanh hơn hai hay ba knot so với những thiết giáp hạm hiện có.[27] Các thiết kế ban đầu dự định mười hai khẩu 305 mm (12 inch), cho dù những khó khăn trong việc bố trí chúng khiến cho nhà thiết kế chính vào một lúc nào đó đã đề nghị quay lại cấu hình bốn pháo 305 mm (12 inch) và mười sáu hoặc mười tám pháo 234 mm (9,2 inch). Sau một đánh giá đầy đủ các báo cáo về những hoạt động trong trận Tsushima được biên soạn bởi một sĩ quan phái viên, Đại tá William Christopher Pakenham, Ủy ban xác định rõ ràng về dàn pháo chính gồm mười khẩu 305 mm (12 inch), cùng với 22 khẩu QF 12 pounder như là dàn pháo hạng hai.[27] Ủy ban cũng có quyết định tiên phong và táo bạo khi trang bị cho Dreadnought kiểu động lực turbine hơi nước, vốn là điều chưa từng có đối với một tàu chiến lớn. Hiệu quả to lớn của động cơ turbine khiến tốc độ thiết kế 39 km/h (21 knot) có thể đạt được trên một con tàu nhỏ hơn và rẻ hơn so với việc sử dụng động cơ chuyển động qua lại.[28] Việc chế tạo được tiến hành với một tốc độ nhanh đáng kể; Dreadnought được đặt lườn vào ngày 2 tháng 10 năm 1905, hạ thủy vào ngày 10 tháng 2 năm 1906, và nó được hoàn tất vào ngày 3 tháng 10 năm 1906, đúng một năm sau đó; một điều rất ấn tượng minh họa khả năng của nền công nghiệp Anh Quốc vào thời đó.[4]

Những chiếc dreadnought đầu tiên của Hoa Kỳ là hai chiếc thuộc lớp South Carolina. Những kế hoạch chi tiết của chúng được soạn thảo trong giai đoạn tháng 7–tháng 11 năm 1905, và được Ủy ban Chế tạo chấp thuận vào ngày 23 tháng 11 năm 1905.[29] Tuy nhiên, việc chế tạo chúng được tiến hành chậm; những chi tiết cho các nhà thầu được công bố ngày 21 tháng 11 năm 1906, hợp đồng chế tạo được trao vào ngày 21 tháng 7 năm 1906,[30] và hai chiếc thiết giáp hạm được đặt lườn vào tháng 12 năm 1906, sau khi Dreadnought đã hoàn tất.[31]

Thiết kế

[sửa | sửa mã nguồn]

Những nhà thiết kế cho dreadnought đã cố tìm cách thiết kế sao cho nó được bảo vệ, có tốc độ và hỏa lực càng nhiều càng tốt với kích cỡ và chi phí mang tính thực tế. Dấu hiệu xác nhận của một thiết giáp hạm dreadnought là giàn hỏa lực ‘toàn súng lớn’, nhưng cũng có một vỏ giáp nặng tập trung vào một đai dày ở ngang mực nước và một hay nhiều sàn tàu bọc thép. Thêm vào đó, giàn hỏa lực hạng hai, hệ thống kiểm soát hỏa lực, thiết bị chỉ huy, hệ thống bảo vệ chống lại ngư lôi cũng được nhồi nhét lên thân tàu.[32]

Hậu quả không thể tránh khỏi của những đòi hỏi về tốc độ nhanh hơn nữa, hỏa lực mạnh và sự chịu đựng có nghĩa là tải trọng, và do đó là chi phí, của dreadnought có xu hướng gia tăng. Hiệp ước Hải quân Washington năm 1922 đặt ra một giới hạn 35.000 đối với tải trọng của các tàu chiến chủ lực. Trong những năm sau đó, một số thiết giáp hạm hiệp ước được đưa vào hoạt động có thiết kế bên trong giới hạn này. Quyết định của Nhật Bản rời khỏi Hiệp ước trong những năm 1930, rồi đến việc Chiến tranh Thế giới thứ hai nổ ra, cuối cùng đã khiến cho giới hạn này không còn thích hợp.[33]

Vũ khí trang bị

[sửa | sửa mã nguồn]
Một kế hoạch cho chiếc Bellerophon cho thấy sự bố trí hỏa lực tiêu biểu của dreadnought Anh Quốc thế hệ đầu tiên. Dàn pháo chính được bố trí trên các tháp pháo nòng đôi, với hai tháp pháo bên cánh; giàn hỏa lực hạng hai tập trung quanh cấu trúc thượng tầng

Dreadnought mang một giàn hỏa lực chính gồm pháo hạng nặng có cỡ nòng đồng nhất; số lượng, kích cỡ và cách bố trí rất khác nhau giữa các thiết kế. Bản thân Dreadnought mang mười khẩu 305 mm (12 inch). Pháo 305 mm (12 inch) đã trở thành tiêu chuẩn cho hầu hết hải quân trên thế giới trong thời đại tiền-dreadnought và điều này được tiếp nối trong thế hệ đầu tiên của thiết giáp hạm dreadnought. Hải quân Đế quốc Đức là một ngoại lệ, họ tiếp tục sử dụng pháo 280 mm (11 inch) trên những chiếc dreadnought hàng đầu thuộc lớp Nassau.[34]

Dreadnought cũng trang bị các vũ khí nhẹ hơn. Nhiều chiếc dreadnought đời đầu có một giàn hỏa lực hạng hai gồm các khẩu pháo rất nhẹ được thiết kế để đẩy lùi tàu phóng lôi đối phương. Tuy nhiên, cỡ nòng và trọng lượng của giàn hỏa lực hạng hai có xu hướng gia tăng, khi tầm xa của ngư lôi và sức chịu đựng của tàu khu trục được dự định mang chúng cũng gia tăng. Từ cuối Chiến tranh Thế giới thứ nhất trở đi, thiết giáp hạm còn được trang bị vũ khí phòng không, tiêu biểu là một số lượng lớn súng hạng nhẹ.[35]

Bản thân dreadnought cũng rất hay được trang bị ống phóng ngư lôi. Về lý thuyết, một hàng thiết giáp hạm được trang bị như vậy có thể tung ra một loạt ngư lôi hủy diệt nhằm vào hàng tàu chiến đối phương đang di chuyển một hướng đi song song. Song các ghi chép thực tế cho thấy ngư lôi phóng từ thiết giáp hạm ghi rất ít khi trúng mục tiêu, trong khi nguy cơ từ việc dự trữ ngư lôi có thể gây nổ nguy hiểm nếu bị hỏa lực đối phương bắn trúng.[36]

Sự bố trí dàn pháo chính

[sửa | sửa mã nguồn]

Hiệu quả của các khẩu pháo phụ thuộc một phần vào cách sắp xếp các tháp pháo. Dreadnought và các thiết giáp hạm Anh chế tạo ngay sau nó mang 5 tháp pháo: 2 phía trước và 1 phía sau trên trục dọc con tàu, và 2 tháp pháo bên cánh cạnh cấu trúc thượng tầng. Điều này cho phép ba tháp pháo sẽ bắn hướng ra trước và bốn tháp pháo bắn qua mạn tàu. Các lớp dreadnought NassauHelgoland của Đức sử dụng một sơ đồ 'lục giác': 1 tháp pháo phía trước và phía sau cùng 4 tháp pháo bên cánh, có nghĩa là có nhiều pháo trang bị hơn, nhưng có cùng số pháo có thể bắn ra phía trước hay qua mạn tàu so với Dreadnought.[37]

Những thiết kế khác của dreadnought thử nghiệm nhiều cách sắp xếp khác nhau. lớp Neptune của Anh xếp tầng các tháp pháo bên cánh, để cả 10 khẩu pháo có thể bắn qua mạn, một đặc tính cũng được lớp Kaiser của Đức áp dụng. Tuy nhiên, điều này có nguy cơ ảnh hưởng của phát súng nổ sẽ gây hư hại các bộ phận của con tàu nơi các khẩu pháo khai hỏa, và tạo áp lực nặng lên khung tàu.[38]

Nếu tháp pháo đều được bố trí toàn bộ trên trục dọc con tàu, áp lực lên khung tàu sẽ tương đối thấp. Cách bố trí này cho phép có thể bắn toàn bộ dàn pháo chính qua mạn tàu, cho dù sẽ ít hơn khi bắn hai đầu. Nó cũng có nghĩa là lườn tàu phải dài hơn, tạo một số thách thức cho các nhà thiết kế; một con tàu dài hơn cần dành nhiều trọng lượng hơn cho vỏ giáp để được bảo vệ tương xứng, và các hầm đạn phục vụ cho mỗi tháp pháo ảnh hưởng đến việc phân bố các nồi hơi và động cơ.[39] Vì những lý do đó, thiết giáp hạm HMS Agincourt (1913), mang một số lượng kỷ lục mười bốn khẩu 305 mm (12 inch) trên bảy tháp pháo bố trí dọc theo trục giữa, không được xem là một thành công.[40]

Một giải pháp bố trí bắn thượng tầng cuối cùng được áp dụng như là tiêu chuẩn. Giải pháp này bao gồm việc nâng cao một hoặc hai tháp pháo để chúng có thể bắn ngay bên trên một tháp pháo khác ngay phía trước hay phía sau nó. Hải quân Mỹ áp dụng kiểu này ngay trên những dreadnought đầu tiên của họ vào năm 1906, nhưng những nước khác không vội vã làm theo. Giống như những cách bố trí khác, nó vẫn có những thiếu sót. Thoạt tiên, có mối lo ngại về ảnh hưởng của sự nổ của các khẩu súng bên trên đối với tháp pháo thấp hơn; và các tháp pháo được nâng cao cũng kéo trọng tâm của tàu lên cao, có thể làm giảm độ ổn định của con tàu. Dù sao, cách bố trí này tận dụng tốt nhất hỏa lực có được từ một số lượng pháo cố định, và sau này được áp dụng rộng rãi.[38] Hải quân Mỹ sử dụng bắn thượng tầng cho lớp South Carolina, và cách bố trí này được Hải quân Hoàng gia áp dụng cho lớp Orion vào năm 1910. Đến thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ hai, cách bố trí bắn thượng tầng là tiêu chuẩn cho toàn bộ tàu chiến.

Vào thời kỳ đầu, mọi dreadnought đều có tháp pháo đôi: hai khẩu súng cho mỗi tháp pháo. Tuy nhiên, một giải pháp cho vấn đề bố trí tháp pháo là xếp ba hoặc thậm chí bốn pháo cho mỗi tháp pháo. Có ít tháp pháo hơn có nghĩa là con tàu ngắn hơn, hoặc dành nhiều chỗ hơn cho hệ thống động lực. Ở mặt khác, trong trường hợp một quả đạn pháo đối phương phá hủy một tháp pháo, một tỉ lệ lớn hơn của giàn hỏa lực chính bị loại khỏi vòng chiến đấu. Nguy cơ sóng kích nổ từ một nòng pháo ảnh hưởng đến những chiếc khác trên cùng tháp pháo cũng phần nào làm giảm tốc độ bắn của các khẩu pháo. Nước đầu tiên áp dụng tháp pháo ba nòng là Ý trên chiếc Dante Alighieri, nhanh chóng được tiếp nối bởi lớp Gangut của Nga,[41] lớp Tegetthoff của Áo-Hung, và lớp Nevada của Mỹ. Hải quân Hoàng gia không sử dụng tháp pháo ba nòng cho đến sau Thế Chiến I với lớp Nelson. Nhiều thiết kế sau đó còn sử dụng tháp pháo bốn nòng, bao gồm lớp King George V của Anh và lớp Richelieu của Pháp.

Sức mạnh và cỡ nòng của dàn pháo chính

[sửa | sửa mã nguồn]
Hoạt động của dàn pháo chính trên thiết giáp hạm, dựa trên kiểu pháo 381 mm (15 inch) của Anh trên chiếc siêu–dreadnought

Thay vì cố gắng chất nhiều pháo trên một con tàu, có thể gia tăng sức mạnh cho mỗi khẩu pháo. Điều này có thể thực hiện bằng cách gia tăng cỡ nòng của vũ khí, và do đó là trọng lượng quả đạn pháo, hoặc bằng cách kéo dài nòng pháo để làm tăng lưu tốc đầu đạn. Cả hai cách trên đều giúp cho việc gia tăng tầm bắn và độ đâm xuyên vỏ giáp.[42]

Cả hai phương pháp đều có những ưu và khuyết điểm, cho dù nói chung lưu tốc đầu đạn lớn hơn sẽ làm gia tăng sự bào mòn trong lòng nòng pháo. Khi nổ súng, sự cháy của thuốc phóng bên trong khiến nòng súng bị mòn, mất độ chính xác và cuối cùng đòi hỏi phải thay thế. Có lúc điều này là cả một vấn đề; Hải quân Mỹ từng nghiêm túc xem xét đến việc phải ngưng thực tập tác xạ trên các cỡ pháo hạng nặng vào năm 1910 do vấn đề hao mòn nòng pháo.[43] Khuyết điểm của những khẩu pháo lớn hơn lại gấp đôi: trước tiên, cả pháo và tháp pháo đều nặng hơn nhiều, kế tiếp, quả đạn pháo nặng và chậm hơn đòi hỏi phải bắn ở một góc nâng cao hơn cho cùng một khoảng cách, ảnh hưởng đến thiết kế của tháp pháo. Tuy nhiên, ưu điểm lớn của việc gia tăng cỡ nòng là quả đạn pháo nặng hơn sẽ ít bị ảnh hưởng bởi lực cản của không khí, và giữ được sức mạnh đâm xuyên lớn hơn ở tầm xa.[44]

Hải quân các nước tiếp cận vấn đề về cỡ nòng theo những cách khác nhau. Hải quân Đức thường sử dụng một cỡ nòng nhỏ hơn so với tàu chiến Anh Quốc tương đương, như là cỡ nòng 305 mm (12 inch) vào lúc mà tiêu chuẩn của Anh đã tăng lên 343 mm (13,5 inch). Tuy nhiên, do ngành luyện kim của Đức tiến triển hơn, pháo 305 mm (12 inch) của Đức vượt trội hơn pháo 305 mm (12 inch) của Anh trong khía cạnh trọng lượng đạn pháo và lưu tốc đầu đạn; và vì khẩu pháo của Đức nhẹ hơn khẩu 343 mm (13,5 inch) của Anh, tàu chiến Đức có thể dành ra nhiều trọng lượng hơn cho vỏ giáp.[44]

Tuy nhiên, nhìn chung cỡ nòng của pháo có xu hướng ngày càng tăng. Trong Hải quân Hoàng gia, lớp Orion hạ thủy năm 1910 có mười khẩu pháo 13,5-inch, tất cả đều được bố trí dọc theo trục giữa; lớp Queen Elizabeth hạ thủy năm 1913, sử dụng tám khẩu 381 mm (15 inch). Tại tất cả hải quân của mọi nước, cỡ nòng pháo đều gia tăng và số lượng pháo có xu hướng giảm đi để bù trừ. Việc có ít khẩu pháo hơn làm cho việc phân bố chúng không còn là vấn đề lớn, và tháp pháo bố trí trên trục dọc con tàu trở thành một tiêu chuẩn thông thường.[45]

Một bước đi khác trong việc thiết kế thiết giáp hạm với pháo lớn hơn nữa, và được đặt lườn vào lúc Thế Chiến I kết thúc, đó là Lớp Nagato của Nhật Bản vào năm 1917 mang cỡ pháo 406 mm (16 inch). Ngay sau đó là lớp Colorado của Hải quân Mỹ. Cả Anh Quốc lẫn Nhật Bản đều nhanh chóng vạch kế hoạch cho những thiết giáp hạm trang bị pháo 457 mm (18 inch), trong trường hợp của Anh là lớp N3 và Nhật là lớp Số 13. Tuy nhiên, Hiệp ước Hải quân Washington đã khiến cho những kế hoạch này cùng với các khẩu pháo khổng lồ không bao giờ thể hiện bên ngoài bàn vẽ.[46]

Một khẩu hải pháo 355 mm (14 inch), như được trang bị cho lớp thiết giáp hạm hiệp ước King George V

Hiệp ước Hải quân Washington giới hạn pháo trang bị cho thiết giáp hạm ở cỡ nòng 406 mm (16 inch).[47] Các hiệp ước sau này tiếp tục duy trì giới hạn này, cho dù có những đề nghị nhằm giảm hơn nữa xuống còn 11, 12, hoặc 14 inch.[48] Những thiết giáp hạm duy nhất phá vỡ giới hạn này là lớp Yamato của Nhật Bản, bắt đầu vào năm 1937 sau khi Hiệp ước hết hiệu lực. Chúng có dàn pháo chính với cỡ nòng 460 mm (18,1 inch).[49] Trong khi Thế Chiến II trang diễn ra, Anh Quốc tận dụng các khẩu pháo 381 mm (15 inch) vốn được dự trữ để thay thế cho lớp Queen Elizabeth trang bị cho chiếc thiết giáp hạm cuối cùng của Anh Vanguard.[50]

Trong Thế Chiến II còn có một số thiết kế đề xuất một bước tiến mới trang bị vũ khí khổng lồ. Các thiết kế H-43 và H-44 của Đức đề xuất pháo cỡ 508 mm (20 inch), và có chứng cứ cho thấy Hitler mong muốn có cỡ nòng lên đến 609 mm (24 inch);[51] thiết kế lớp Siêu Yamato của Nhật Bản cũng trang bị pháo 508 mm.[52] Không có đề xuất nào trong số này tiến xa hơn bước thiết kế sơ thảo.

Dàn pháo hạng hai

[sửa | sửa mã nguồn]
Pháo chống tàu phóng lôi QF 12 pounder bố trí trên nóc một tháp pháo của HMS Dreadnought

Những chiếc dreadnought đầu tiên có dàn pháo hạng hai rất nhẹ, dùng để bảo vệ tàu trước các cuộc tấn công của tàu phóng lôi. Bản thân Dreadnought mang 22 khẩu pháo 12-pounder; mỗi khẩu có thể bắn ít nhất 15 phát mỗi phút nhắm vào mọi tàu phóng lôi mưu toan tấn công.[53] Những chiếc South Carolina cùng các dreadnought ban đầu của Hoa Kỳ cũng được trang bị tương tự.[54] Vào thời kỳ này, tàu phóng lôi thường tấn công độc lập với các hoạt động của hạm đội. Do đó, không cần bọc giáp cho dàn pháo hạng hai hay bảo vệ cho pháo thủ khỏi hiệu ứng sức nổ bởi dàn pháo hạng nặng của chính nó. Trong hoàn cảnh đó, các khẩu pháo hạng nhẹ có xu hướng được gắn trên các vị trí cao không bọc giáp của con tàu để giảm trọng lượng và có góc bắn tối đa.[55]

Trong vòng vài năm, mối đe dọa chủ yếu là từ các tàu khu trục, vốn lớn hơn, vũ trang mạnh hơn và khó tiêu diệt hơn so với các tàu phóng lôi. Điều này dẫn tới nhu cầu xem xét việc một quả đạn pháo từ dàn pháo hạng hai của thiết giáp hạm có thể đánh chìm, chứ không chỉ là làm hư hại, một tàu khu trục tấn công. Ngoài ra, khác với tàu phóng lôi, tàu khu trục còn tấn công trong đội hình của một cuộc đối đầu hạm đội, nên dàn pháo hạng hai cũng cần được bảo vệ chống lại mảnh đạn pháo và sức nổ của dàn pháo chính hạng nặng. Triết lý về dàn pháo hạng hai này được Hải quân Đức áp dụng ngay từ đầu; như là lớp Nassau mang 12 khẩu 150 mm (5,9 inch) và mười sáu khẩu 88 mm (3,45 inch), và được tiếp nối bởi các lớp dreadnought sau đó.[37] Những khẩu pháo lớn hơn này có xu hướng được gắn trên các ụ súng bọc thép trên sàn tàu chính. Hải quân Anh tăng cường dàn pháo hạng hai của họ từ kiểu 12 pounder lên, thoạt tiên là 102 mm (4 inch), và sau đó là pháo 152 mm (6 inch), vốn trở thành tiêu chuẩn vào lúc bắt đầu Chiến tranh thế giới thứ nhất.[56] Pháo hạng hai tiêu chuẩn của Hoa Kỳ trong Chiến tranh thế giới thứ nhất là loại 127 mm (5 inch), nhưng sau chiến tranh pháo 152 mm (6 inch) được sử dụng cho những chiếc tàu mới.[57]

Dàn pháo hạng hai còn được sử dụng cho nhiều mục đích khác. Người ta hy vọng là pháo cỡ trung có thể bắn trúng hệ thống kiểm soát hỏa lực nhạy cảm trên một dreadnought đối phương. Ngoài ra, người ta còn cảm thấy rằng pháo hạng hai có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc đánh đuổi tàu tuần dương đối phương định tấn công một thiết giáp hạm bị hư hại.[58]

Nhìn chung, hiệu quả của dàn pháo hạng hai trên dreadnought không làm người ta thỏa mãn. Một phát pháo hạng nhẹ dù bắn trúng cũng không thể chặn đứng một tàu khu trục; và cũng không hy vọng pháo hạng nặng bắn trúng một tàu khu trục, như kinh nghiệm trong trận Jutland cho thấy. Cách bố trí các khẩu pháo nặng hơn trên các ụ súng thân cũng tỏ ra có vấn đề; được bố trí quá thấp trên lườn tàu, nên chúng dễ bị tràn nước; và vì thế trên một số lớp tàu, chúng đã bị tháo bỏ. Cách duy nhất chắc chắn để bảo vệ một dreadnought khỏi bị tàu khu trục hay tàu phóng lôi tấn công là bố trí một hải đội tàu khu trục hộ tống nó. Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, dàn pháo hạng hai có xu hướng được gắn trên những tháp pháo ở sàn trên và chung quanh cấu trúc thượng tầng. Điều này cho phép có góc bắn rộng và được bảo vệ tốt mà không có những nhược điểm của ụ súng thân. Dần dần trong những năm 19201930, các khẩu pháo hạng hai trở thành một phần chính của giàn hỏa lực phòng không, sử dụng các khẩu pháo có góc nâng cao và mục đích kép.[59]

Vỏ giáp

[sửa | sửa mã nguồn]
Sơ đồ chiếc Bellerophon trình bày sự bảo vệ tiêu biểu của một chiếc dreadnought, với vỏ giáp rất dày bảo vệ tháp pháo, hầm đạn cùng động cơ và được vuốt thon trên những vùng không quan trọng; và các ngăn kín bên dưới mực nước đề phòng bị chìm

Hầu hết trọng lượng rẽ nước của một chiếc dreadnought là do các tấm thép của lớp vỏ giáp tạo ra. Các nhà thiết kế dành nhiều thời gian và nỗ lực để cung cấp sự bảo vệ tốt nhất có thể cho con tàu của họ chống lại nhiều loại vũ khí khác nhau. Tuy nhiên, không thể dành quá nhiều tải trọng cho việc bảo vệ mà không tính đến tốc độ, hỏa lực hay khả năng đi biển.[60]

Thành trì trung tâm

[sửa | sửa mã nguồn]

Phần lớn nhất của vỏ giáp trên một chiếc dreadnought tập trung chung quanh một "thành trì trung tâm". Đây là một cái hộp với bốn vách bọc thép và nóc cũng bọc thép chung quanh những bộ phận quan trọng nhất của con tàu. Mặt hông của thành trì này là đai giáp của con tàu, bắt đầu từ lườn tàu ngay trước tháp pháo phía trước và kéo dài cho đến phía sau tháp pháo phía sau. Hai đầu của thành trì này là hai vách ngăn bọc thép trước và sau, nối liền giữa hai đầu của đai giáp. Nóc của thành trì và một lớp sàn tàu bọc thép. Bên trong nó là các nồi hơi, động cơ và hầm đạn cho các tháp pháo chính. Một phát bắn trúng vào một trong số các bộ phận này có thể làm hỏng hoặc thậm chí phá hủy con tàu. Đáy của cái hộp này chính là đáy của lườn tàu và không được bọc thép.[61]

Những chiếc dreadnought đầu tiên nhất được thiết kế để tham gia những trận chiến đối đầu các thiết giáp hạm khác ở khoảng cách cho đến 9 km (10.000 yard). Trong một cuộc đối đầu như vậy, các quả đạn pháo sẽ bay theo một đường đạn tương đối phẳng, và sẽ trúng ngay hay vào khoảng mực nước để gây hư hại những phần thiết yếu của con tàu. Vì lý do này, vỏ giáp của những chiếc dreadnought đầu tiên tập trung vào một đai dày chung quanh mực nước; và nó dày 280 mm (11 inch) trên chiếc Dreadnought. Các hầm chứa than cho con tàu được bố trí đằng sau đai giáp này để tăng cường hơn nữa sự bảo vệ các khoang động cơ.[62] Trong một trận chiến kiểu này, có ít nguy cơ hư hại gián tiếp cho những bộ phận thiết yếu của con tàu. Một quả đạn pháo bắn trúng phía trên đai giáp và phát nổ sẽ tung mảnh đạn bay ra khắp mọi hướng. Những mảnh đạn này nguy hiểm, nhưng có thể được ngăn chặn bởi lớp vỏ giáp mỏng hơn nhiều so với lớp cần có để ngăn chặn một quả đạn xuyên thép chưa phát nổ. Để bảo vệ những phần bên trong của con tàu khỏi mảnh đạn của những đạn pháo phát nổ trên cấu trúc thượng tầng, một lớp vỏ thép mỏng hơn được ghép cho các sàn tàu.[62]

Trong khi sự bảo vệ dày nhất được dành cho thành trì trung tâm của mọi thiết giáp hạm, hải quân một số nước cũng kéo dài đai giáp và vỏ giáp sàn tàu mỏng hơn để che phủ hai đầu con tàu, hay mở rộng một lớp đai giáp mỏng lên phía trên bên ngoài của lườn tàu. Kiểu vỏ giáp "vuốt nhọn" này được các cường quốc hải quân tại châu Âu: Anh, Đức và Pháp áp dụng. Cách sắp xếp này cho phép có đôi chút vỏ giáp cho một phần lớn của con tàu; và điều này hữu ích đối với những dreadnought thế hệ đầu tiên khi mà đạn pháo gây nổ vẫn còn được xem là một mối đe dọa đáng kể. Tuy nhiên, đai giáp có xu hướng trở nên quá ngắn, chỉ bảo vệ một dải mỏng bên trên mực nước; một số hải quân các nước nhận thấy khi những dreadnought của họ chất đầy tải, đai giáp bị chìm hoàn toàn dưới nước.[63] Sơ đồ bảo vệ "tất cả hoặc không có gì" là giải pháp thay thế được Hải quân Mỹ phát triển. Đai giáp sẽ cao và dày, nhưng không có sự bảo vệ bên hông nào được cung cấp cho hai đầu con tàu hoặc các sàn tàu bên trên. Lớp vỏ giáp sàn tàu cũng được làm dày hơn. Sơ đồ "tất cả hoặc không có gì" đem đến sự bảo vệ hiệu quả hơn cho những cuộc đối đầu ở tầm rất xa giữa các hạm đội chiến trận và được áp dụng rộng rãi bên ngoài Hải quân Mỹ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất.[64]

Trong quá trình phát triển của dreadnought, sơ đồ vỏ giáp cũng thay đổi phản ảnh mối nguy cơ lớn hơn của đạn pháo bắn đến từ tầm xa, và mối đe dọa gia tăng của bom xuyên thép ném từ máy bay. Trong các thiết kế sau này, lớp vỏ giáp thép cho sàn tàu có độ dày lớn hơn;[65] Yamato mang đai giáp chính dày 406 mm (16 inch), nhưng vỏ giáp sàn tàu dày 228 mm (9 inch).[66]

Việc bảo vệ dưới nước và sự phân ngăn

[sửa | sửa mã nguồn]

Yếu tố cuối cùng của sơ đồ bảo vệ những chiếc dreadnought thế hệ đầu tiên là những ngăn kín nước riêng biệt của lườn tàu bên dưới mực nước. Nếu lườn tàu bị thủng bởi bất cứ nguyên nhân nào, đạn pháo, thủy lôi, ngư lôi hay do va chạm; trên lý thuyết chỉ có một khu vực bị ngập nước và con tàu có thể sống sót. Để làm cho biện pháp phòng ngừa này thêm hiệu quả, nhiều chiếc dreadnought thậm chí không trang bị cửa thông giữa các ngăn khác nhau dưới mực nước, để ngay cả một lỗ thủng bất ngờ dưới nước cũng không thể làm đắm con tàu. Tuy nhiên, vẫn có một số tình huống mà việc ngập nước lan rộng giữa các ngăn dưới nước.[67]

Tiến triển lớn nhất trong hệ thống bảo vệ dreadnought là việc phát triển các bầuđai chống ngư lôi, cả hai đều nhằm bảo vệ chống lại sự hư hại dưới nước do thủy lôi và ngư lôi gây ra. Mục đích của việc bảo vệ dưới nước là hấp thu xung lực của một quả thủy lôi hay một quả ngư lôi kích nổ, không cho chúng tác động tới lớp trong cùng của lườn tàu kín nước. Đó là một vách ngăn bên trong dọc theo hông của lườn tàu, nói chung được bọc giáp nhẹ để ngăn chặn mảnh đạn, cách biệt với lớp vỏ ngoài bởi một hay nhiều ngăn. Những ngăn ở giữa có thể để trống hoặc được đổ đầy than, nước hay dầu đốt.[68]

Động lực

[sửa | sửa mã nguồn]
Thiết giáp hạm Pháp Paris đang chạy thử hết tốc độ

Dreadnought được vận hành nhờ từ hai đến bốn chân vịt cánh quạt.[69] Bản thân Dreadnought cùng các thiết giáp hạm dreadnought của Anh có các trục chân vịt được dẫn động bằng động cơ turbine hơi nước. Tuy nhiên, thế hệ dreadnought đầu tiên mà các nước khác chế tạo vẫn sử dụng kiểu động cơ hơi nước ba buồng bành trướng đặt dọc chậm hơn, vốn là tiêu chuẩn cho các thiết giáp hạm tiền-dreadnought.[70]

Với cùng một thể tích máy móc, động cơ turbine cung cấp nhiều sức mạnh hơn động cơ chuyển động qua lại.[71][72] Điều này, cộng với sự đảm bảo của nhà phát minh động cơ mới là Charles Parsons, đã thuyết phục được Hải quân Anh sử dụng turbine trên Dreadnought.[72] Có quan điểm cho rằng động cơ turbine còn có thêm lợi điểm sạch hơn và tin cậy hơn so với động cơ chuyển động qua lại.[73] Tuy nhiên, vào thời điểm 1905, những thiết kế mới của động cơ chuyển động qua lại sẵn có đã sạch hơn và tin cậy hơn so với các kiểu trước đó.[71]

Động cơ turbine không phải là không có khuyết điểm. Khi di chuyển ở tốc độ đường trường chậm hơn nhiều so với tốc độ tối đa, động cơ turbine có hiệu quả nhiên liệu thấp hơn đáng kể so với động cơ chuyển động qua lại. Điều này đặc biệt quan trọng đối với hải quân những nước vốn cần có tầm hoạt động rộng xa ở tốc độ đường trường; và nhất là đối với Hải quân Mỹ, vốn đã vạch kế hoạch băng ngang suốt Thái Bình Dương để đối đầu với Nhật Bản tại Philippines trong trường hợp có chiến tranh.[74] Đây chính là lý do đưa đến quyết định của Mỹ từ bỏ động cơ turbine sau khi đã trang bị chúng cho chiếc North Dakota (đặt hàng năm 1907, hạ thủy năm 1908);[75] mãi cho đến chiếc Nevada (đặt hàng năm 1911, hạ thủy năm 1914) thì động cơ turbine mới sống lại trên những chiếc dreadnought của Mỹ.

Bất lợi của kiểu động cơ turbine cuối cùng cũng được khắc phục bằng cách áp dụng rộng rãi turbine hộp số, khi hộp số được dùng làm giảm tốc độ xoay của chân vịt và do đó làm tăng hiệu quả. Tuy nhiên, giải pháp này đòi hỏi độ chính xác kỹ thuật của hộp số, và vì vậy khó áp dụng.[76]

Một giải pháp thay thế là động cơ turbo-điện khi các turbin hơi nước dẫn động máy phát điện, và điện năng được dùng để quay các chân vịt. Giải pháp này được Hải quân Mỹ đặc biệt ưa chuộng, khi áp dụng cho mọi dreadnought từ cuối năm 1915 đến năm 1922. Ưu điểm của phương pháp này là chi phí thấp, khả năng phân bố các ngăn thật sát nhau dưới mực nước, và cơ động chạy lui tốt. Những khuyết điểm bao gồm máy móc nặng nề và mong manh trước những hư hại trong chiến đấu. Đặc biệt là ảnh hưởng của ngập nước đối với hệ thống điện.[A 8]

Động cơ turbine không bao giờ được thay thế trên thiết kế của thiết giáp hạm. Động cơ diesel từng được hải quân nhiều nước xem xét, vì chúng có tầm hoạt động xa và kích thước động cơ chiếm ít hơn chiều dài của con tàu. Tuy nhiên, chúng cũng nặng hơn, chiếm chỗ nhiều bề rộng hơn, công suất yếu hơn, và được xem là ít tin cậy.[77][78]

Nhiên liệu

[sửa | sửa mã nguồn]

Thế hệ dreadnought đầu tiên sử dụng than để đốt các nồi hơi cung cấp hơi nước cho các turbine. Than đã bắt đầu được sử dụng ngay từ những tàu chiến hơi nước đầu tiên, nhưng có nhiều bất lợi. Chất than lên hầm chứa trên tàu, rồi để nạp chúng vào lò đốt là một công việc tốn sức lực. Các nồi hơi dễ bị nghẹt vì muội than. Than tạo ra lớp khói đen kịt bộc lộ vị trí của hạm đội. Hơn nữa, than rất cồng kềnh và có hiệu suất nhiệt tương đối thấp. Dù sao, than có tính trơ khá và có thể được sử dụng như một phần trong sơ đồ bảo vệ con tàu.[79]

Động cơ đốt dầu mang lại những lợi ích mà cả các nhà thiết kế hải quân lẫn sĩ quan hạm đội đều ưa chuộng. Nó tạo ra ít khói, khiến con tàu ít bị phát hiện. Nó có thể nạp tự động vào lò đốt, không cần đến một đội ngũ các thợ đốt lò để nạp than thủ công. Dầu đốt có nhiệt dung khoảng gấp đôi than. Điều này có nghĩa là bản thân nồi hơi có thể nhỏ hơn; và với cùng một thể tích nhiên liệu, một con tàu đốt dầu có tầm hoạt động xa hơn nhiều.[79]

Với những lợi ích đó, ngay từ năm 1901, Jackie Fisher đã rất quan tâm đến dầu đốt.[80] Cũng có những vấn đề kỹ thuật liên quan đến việc đốt dầu, do sự phân bố khác nhau trọng lượng của dầu đốt so với than,[79] và vấn đề bơm dầu có độ nhớt cao.[81] Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của việc sử dụng dầu đốt cho hạm đội chiến trận chính là mọi cường quốc hải quân, ngoại trừ Hoa Kỳ, đều phải nhập khẩu dầu. Việc này khiến cho nhiều nước áp dụng 'lò đốt kép' sử dụng than phun dầu; tàu chiến Anh đã được trang bị như vậy, kể cả thiết giáp hạm, có thể sử dụng một mình dầu cho đến 60% công suất.[82]

Hoa Kỳ là nước sản xuất dầu chính yếu, và họ là nước đầu tiên toàn tâm toàn ý sử dụng dầu đốt. Năm 1910, Hải quân Mỹ đã quyết định đặt hàng chế tạo nồi hơi đốt dầu cho thiết giáp hạm lớp Nevada vào năm 1911.[83] Anh Quốc không bị tụt hậu lâu, đã quyết định vào năm 1912 sử dụng dầu đốt cho lớp Queen Elizabeth của mình;[82] và thời gian thiết kế lẫn chế tạo của Anh ngắn hơn khiến cho Queen Elizabeth được đưa vào hoạt động còn trước cả lớp Nevada. Anh Quốc có kế hoạch quay trở lại đốt nồi hơi hỗn hợp đối với lớp lớp Revenge tiếp theo, với cái giá phải giảm đi ít tốc độ; nhưng khi quay lại chức vụ Bộ trưởng Hải quân vào năm 1914, Fisher đã khẳng định mọi nồi hơi đều phải đốt dầu.[84] Tất cả các cường quốc hải quân khác đều giữ lại lò đốt hỗn hợp than và dầu cho đến khi kết thúc Thế Chiến I.[85]

Việc chế tạo dreadnought

[sửa | sửa mã nguồn]

Phát triển dreadnought trở thành một động thái chạy đua vũ trang thiết giáp hạm toàn cầu vốn đã bắt đầu từ những năm 1890. Hải quân Hoàng gia Anh đang có được ưu thế đáng kể về số lượng thiết giáp hạm tiền-dreadnought, nhưng chỉ dẫn trước một dreadnought duy nhất.[86] Tình hình này, cùng với việc hạ thủy chiếc HMS Dreadnought, làm nảy sinh các ý kiến phê phán rằng Anh Quốc đã ném bỏ đi một lợi thế chiến lược.[87] Cùng lúc đó, đa số các đối thủ hải quân của Anh đang dự định, hay thậm chí đang chế tạo, tàu chiến có cỡ pháo lớn đồng nhất. Cả hải quân Nhật lẫn Hoa Kỳ đã đặt hàng những chiếc "toàn súng lớn" vào năm 1904–1905, với các lớp Satsuma (Nhật Bản) và South Carolina (Hoa Kỳ). Ngay từ những năm 1890, Hoàng đế Đức Wilhelm II từng chủ trương một tàu chiến nhanh chỉ trang bị pháo hạng nặng. Bằng cách đi trước trong việc chế tạo dreadnought, Anh Quốc muốn đảm bảo trên mặt biển của họ tiếp tục được duy trì.[88]

Cuộc đua thiết giáp hạm lại nhanh chóng tăng tốc một lần nữa, đặt một gánh nặng khổng lồ về tài chính lên các chính phủ liên quan. Những chiếc dreadnought đầu tiên không quá đắt hơn so với những chiếc tiền-dreadnought cuối cùng, nhưng chi phí cho mỗi con tàu tiếp tục gia tăng sau đó.[A 9] Cho dù chi phí chế tạo cao, song các thiết giáp hạm hiện đại là một thành phần cốt yếu của sức mạnh hải quân. Mỗi thiết giáp hạm là một dấu hiệu của sức mạnh và uy tín của quốc gia, theo một cách tương tự như vũ khí hạt nhân ngày nay.[89] Đức, Pháp, Nga, Ý, Nhật Bản và Áo, tất cả đều bắt đầu những chương trình chế tạo dreadnought, còn những thế lực hải quân hạng hai bao gồm Đế quốc Ottoman, Argentina, Brasil và Chile đưa vào hoạt động những dreadnought được chế tạo bởi các xưởng đóng tàu Anh và Mỹ.[90]

Cuộc chạy đua vũ trang Anh–Đức

[sửa | sửa mã nguồn]
Vua George V (bên trái) cùng Đô đốc Callaghan thị sát chiếc thiết giáp hạm HMS Neptune

Việc chế tạo chiếc Dreadnought lại trùng hợp với sự gia tăng căng thẳng trong mối quan hệ giữa Anh Quốc và Đức. Đức bắt đầu chế tạo một hạm đội chiến trận lớn vào những năm 1890. Đây là một phần của chính sách có chủ tâm thách thức ưu thế thống trị hải quân của Anh. Cùng với việc ký kết Thỏa thuận Thân thiện giữa Anh và Pháp vào tháng 4 năm 1904, điều ngày càng trở nên rõ ràng là đối thủ hải quân chủ yếu của Anh sẽ là Đức, vốn đang xây dựng một hạm đội lớn hiện đại theo các đạo luật của Tirpitz. Sự cạnh tranh này đã thúc đẩy hình thành nên hai hạm đội dreadnought lớn nhất thế giới vào giai đoạn trước chiến tranh.[91]

Phản ứng đầu tiên của Đức đối với Dreadnoughtlớp Nassau, đặt lườn vào năm 1907. Tiếp theo là lớp Helgoland vào năm 1909. Cùng với hai chiếc tàu chiến-tuần dương, một kiểu tàu chiến mà Đức ít ngưỡng mộ hơn so với Fisher, nhưng lại được phép chế tạo vì được xem như một tàu tuần dương bọc thép thay vì một tàu chiến chủ lực; chúng cho phép Đức có tổng cộng mười tàu chiến chủ lực đã hoặc đang chế tạo cho đến năm 1909. Mặc dù các tàu chiến Anh hơi nhanh và mạnh hơn so với đối thủ Đức, nhưng một tỉ lệ lợi thế chỉ có 12:10 quả là đáng thất vọng vì thấp hơn nhiều so với tỉ lệ 2:1 mà Hải quân Hoàng gia muốn duy trì.[92]

Vào năm 1909, Quốc hội Anh chấp thuận chế tạo bốn tàu chiến chủ lực bổ sung, giữ hy vọng là Đức sẽ sẵn lòng thương lượng một hiệp ước giới hạn số lượng thiết giáp hạm. Nếu không tìm được giải pháp như vậy, sẽ có thêm bốn chiếc nữa được đặt lườn vào năm 1910. Ngay cả một giải pháp thỏa hiệp như vậy, nhưng đặt trong bối cảnh những cải cách xã hội đang diễn ra, dẫn tới một sự tăng thuế nhằm bù đắp thiếu hụt ngân sách do việc đóng tàu đã đủ để kích động một cuộc khủng hoảng hiến pháp cho Anh Quốc trong các năm 19091910. Vào năm 1910, kế hoạch đóng tám tàu của Anh được xúc tiến, bao gồm bốn chiếc thuộc lớp Orion, và được bổ sung bởi các tàu chiến-tuần dương được Australia và New Zealand đặt mua. Cùng khoảng thời gian đó, Đức chỉ đặt lườn ba chiếc, khiến Anh Quốc có một ưu thế 22:13. Quyết tâm của Anh thể hiện qua chương trình chế tạo đã khiến Đức phải tìm kiếm một sự kết thúc cho cuộc chạy đua vũ trang bằng con đường thương lượng. Dù mục tiêu mới của Bộ Hải quân Anh nhằm đạt 60% ưu thế đối với Đức cũng khá suýt soát với mục đích của Tirpitz cắt giảm ưu thế của Anh còn 50%, nhưng các cuộc đàm phán lại bị sa lầy trong câu hỏi liệu phạm vi của hiệp ước có bao gồm các tàu chiến-tuần dương của Khối Thịnh Vượng Chung hay không, cũng như là những vấn đề không liên quan đến hải quân, như việc Đức đòi hỏi phải xác nhận chủ quyền của họ trên vùng Alsace-Lorraine.[93]

Cuộc chạy đua vũ trang dreadnought gia tăng trở lại trong năm 19101911, khi Đức đặt lườn bốn tàu chiến chủ lực mỗi năm trong khi phía Anh là năm chiếc. Căng thẳng lên đến tột điểm vào lúc thông qua Đạo luật Hải quân của Đức vào năm 1912. Luật này nêu rõ việc xây dựng một hạm đội Đế quốc Đức bao gồm 33 thiết giáp hạm và tàu chiến-tuần dương, vượt trội hơn Hải quân Hoàng gia tại vùng biển nhà. Tình hình thêm tệ hại cho người Anh, khi Hải quân Đế quốc Áo-Hung bắt đầu chế tạo bốn thiết giáp hạm, còn Ý đã có bốn và đang chế tạo thêm hai. Những nguy cơ này khiến Hải quân Hoàng gia không thể tiếp tục đảm bảo hoàn toàn cho những lợi ích sống còn của Đế quốc Anh. Anh Quốc đối mặt với sự lựa chọn hoặc phải chế tạo thêm nhiều thiết giáp hạm, hoặc rút lui khỏi Địa Trung Hải, hoặc đi tìm một liên minh quân sự với Pháp. Đóng thêm tàu là một sự tốn kém không thể chấp nhận được vào thời điểm mà ngân sách dành cho phúc lợi xã hội đang được đòi hỏi. Rút lui khỏi Địa Trung Hải có nghĩa là một mất mát lớn về ảnh hưởng, làm yếu đi chính sách ngoại giao của Anh tại khu vực này và làm lung lay sự ổn định của Đế chế Anh. Lựa chọn duy nhất khả thi, cũng là giải pháp mà Bộ trưởng Hải quân Winston Churchill đề nghị, là phá vỡ truyền thống về chính sách của quá khứ để có một sự dàn xếp về quân sự với Pháp. Theo đó, Pháp sẽ đảm nhận trách nhiệm ngăn chặn Ý và Áo-Hung tại Địa Trung Hải, đổi lấy việc Anh Quốc sẽ đảm bảo an ninh cho bờ biển phía Bắc của Pháp. Cho dù có một số phản đối của các chính trị gia Anh, Hải quân Hoàng gia bắt đầu tổ chức lại trên cơ sở này vào năm 1912.[94]

Mặc dù đã gây ra những hệ quả chiến lược quan trọng, Đạo luật Hải quân 1912 chỉ có ít ảnh hưởng lên tương quan giữa các lực lượng thiết giáp hạm. Anh Quốc đã đáp trả bằng cách đặt lườn thêm mười chiếc siêu-dreadnought mới trong các tài khóa 1912 và 1913, những chiếc thuộc lớp Queen ElizabethRevenge với những cải tiến lớn về vũ khí, tốc độ và sự bảo vệ; trong khi Đức chỉ đặt lườn năm chiếc do phải tập trung các nguồn lực cho lục quân.[95]

USS New York (BB-34) đang chạy hết tốc độ vào năm 1915

Lớp South Carolina của Hoa Kỳ là những tàu chiến "toàn súng lớn" đầu tiên được hoàn tất bởi một trong những đối thủ của Anh Quốc. Kế hoạch cho kiểu thiết giáp hạm mới này đã được bắt đầu trước khi Dreadnought được hạ thủy. Trong khi có những suy đoán là thiết kế của Hải quân Mỹ bị ảnh hưởng bởi những mối quan hệ không chính thức với các sĩ quan Hải quân Hoàng gia đồng tình,[96] các tàu chiến Mỹ lại rất khác biệt.

Quốc hội Hoa Kỳ cho phép Hải quân đóng hai thiết giáp hạm mới, nhưng chỉ với tải trọng 16.000 tấn hay nhỏ hơn. Kết quả là lớp South Carolina được chế tạo với những tính năng nhỏ hơn nhiều so với Dreadnought. Để sử dụng tốt nhất trọng lượng dành cho vũ khí, tất cả tám khẩu pháo 305 mm (12 inch) đều được bố trí dọc theo trục giữa, trên các vị trí bắn thượng tầng trước và sau. Cách sắp xếp này cho phép một số lượng pháo bắn qua mạn tàu tương đương với Dreadnought cho dù có tổng số pháo trang bị ít hơn; và đây là giải pháp bố trí vũ khí hiệu quả nhất, là điềm báo trước cho cấu hình tiêu chuẩn trên các thế hệ thiết giáp hạm tương lai. Tiết kiệm chính về tải trọng so với Dreadnought là ở hệ thống động lực; South Carolina giữ lại kiểu động cơ hơi nước ba buồng bành trướng đặt dọc, nên chỉ đạt được tốc độ tối đa 34 km/h (18,5 knot) so với 41,6 km/h (22,5 knot) của Dreadnought.[97] Chính vì lý do này mà một số tác giả đã mô tả lớp Delaware sau này mới là những thiết giáp hạm dreadnought đầu tiên thực sự của Hoa Kỳ.[75][98] Chỉ vài năm sau khi được đưa vào hoạt động, lớp South Carolina đã không thể hoạt động trong đội hình chiến thuật chung với các dreadnought mới hơn do tốc độ chậm của chúng, và bị buộc phải hoạt động chung với các thiết giáp hạm tiền-dreadnought cũ hơn.[99][100]

Hai chiếc thuộc lớp Delaware là những thiết giáp hạm Mỹ đầu tiên bắt kịp về tốc độ so với các dreadnought Anh Quốc. Quyết định áp dụng kiểu tàu tải trọng 20.500 tấn trang bị 10 pháo thay vì 24.000 tấn và 12 pháo cho lớp tàu này bị phê phán, vì dàn pháo hạng hai bị ướt khi đi biển và mũi tàu thấp so với mực nước. Thiết kế 12 pháo thay thế cũng có nhiều bất lợi; hai khẩu pháo bổ sung và ụ pháo thấp có những "chi phí ngầm", hai tháp pháo cánh được dự tính trang bị sẽ làm yếu đi sàn tàu bên trên, hầu như không thể được bảo vệ thỏa đáng chống lại các cuộc tấn công dưới nước, và buộc phải bố trí các hầm đạn quá gần hông lườn tàu.[75][101]

Hải quân Mỹ tiếp tục phát triển hạm đội chiến trận của họ, đặt lườn thêm hai chiếc mỗi năm trong hầu hết những năm tiếp theo cho đến năm 1920. Mỹ tiếp tục sử dụng động cơ chuyển động qua lại thay vì động cơ turbine cho đến lớp Nevada, đặt lườn vào năm 1912. Điều này một phần phản ảnh sự tiếp cận thận trọng trong chương trình chế tạo thiết giáp hạm, và một phần do sự lựa chọn ưu thế tầm xa hoạt động hơn là ưu thế tốc độ tối đa.[102]

Nhật Bản

[sửa | sửa mã nguồn]
Thiết giáp hạm Nhật Bản Settsu

Sau chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Nga–Nhật năm 1904–1905, người Nhật bắt đầu quan tâm đến khả năng xảy ra một cuộc xung đột với Hoa Kỳ. Nhà lý luận Sato Tetsutaro đã phát triển một đường lối cho rằng Nhật Bản phải có một hạm đội chiến trận với kích cỡ ít nhất bằng 70% so với của Hoa Kỳ. Có như vậy, Nhật Bản mới có thể chiến thắng trong hai trận chiến quyết định, trận thứ nhất vào đầu cuộc chiến chống lại Hạm đội Thái Bình Dương, và trận thứ hai chống lại Hạm đội Đại Tây Dương vốn sẽ không tránh khỏi được gửi đến tăng cường.[103]

Ưu tiên ban đầu của Nhật Bản là tái trang bị những chiếc tiền-dreadnought mà họ đã chiếm được của Nga và hoàn tất SatsumaAki. Lớp Satsuma thậm chí còn được thiết kế trước Dreadnought, nhưng sự thiếu hụt tài chính do ảnh hưởng của cuộc Chiến tranh Nga–Nhật đã trì hoãn việc hoàn tất cũng như khiến nó phải mang một dàn pháo chính hỗn hợp, nên nó được gọi là một "bán-dreadnought". Chúng được tiếp nối bởi một kiểu Aki được cải tiến: những chiếc KawachiSettsu. Hai chiếc này được đặt lườn vào năm 1909 và hoàn tất vào năm 1912, được trang bị mười hai pháo 305 mm (12 inch), nhưng chúng lại là hai kiểu pháo khác nhau với hai chiều dài nòng pháo riêng biệt, khiến cho chúng gặp khó khăn trong việc kiểm soát hỏa lực ở tầm xa.[104]

Các nước khác

[sửa | sửa mã nguồn]
Thiết giáp hạm Pháp Provence, một chiếc thuộc lớp Bretagne

So với các cường quốc hải quân khác, Pháp chậm trễ trong việc bắt đầu chế tạo dreadnought, thay vì vậy họ đã tập trung vào việc hoàn tất lớp tiền-dreadnought Danton theo kế hoạch, đặt lườn năm chiếc trong các năm 1907–1908. Mãi đến tháng 9 năm 1910, chiếc đầu tiên của lớp Courbet mới được đặt lườn, đưa Pháp trở thành quốc gia thứ mười một tham gia cuộc chạy đua dreadnought.[105] Trong tài liệu "Navy Estimates năm 1911", Paul Bénazet quả quyết rằng trong giai đoạn từ năm 1896 đến năm 1911, Pháp đã bị tụt dốc từ vị trí hải quân lớn thứ hai toàn thế giới xuống vị trí thứ tư; ông quy kết điều này cho những vấn đề trong quy trình bảo trì thường quy và sự sao lãng.[106] Tuy nhiên, nhờ liên minh thân thiện hơn với Anh Quốc được mô tả bên trên, Hải quân Pháp vẫn có số lượng đảm bảo.[105]

Cuniberti từng kêu gọi trang bị cho Hải quân Ý những chiếc thiết giáp hạm toàn súng lớn từ rất lâu trước khi Dreadnought được hạ thủy, nhưng phải mãi đến năm 1909 Ý mới đặt lườn một chiếc cho riêng mình. Việc chế tạo chiếc Dante Alighieri được thúc đẩy bởi những tin đồn về kế hoạch chế tạo thiết giáp hạm của Đế quốc Áo-Hung. Thêm năm chiếc dreadnought thuộc các lớp CavourAndrea Doria tiếp nối khi Ý muốn duy trì một ưu thế vượt trội hơn so với Đế quốc Áo-Hung. Những chiếc này tiếp tục là hạt nhân sức mạnh của Hải quân Ý cho đến giai đoạn Thế Chiến II. Lớp Caracciolo tiếp theo bị hủy bỏ sau khi Thế Chiến I bùng nổ.[107]

Vào tháng 1 năm 1909, các Đô đốc Áo-Hung phát hành một tài liệu kêu gọi xây dựng một hạm đội bao gồm bốn chiếc dreadnought. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng hiến pháp vào năm 1909–1910 khiến mọi việc chế tạo đều không thể thực hiện. Dù vậy, có suy đoán rằng hai chiếc dreadnought đã được đặt lườn, và sau đó thêm hai chiếc nữa được chấp thuận. Tiếp sau những chiếc thuộc lớp Tegetthoff này là bốn chiếc nữa, nhưng chúng bị hủy bỏ khi Thế Chiến I nổ ra.[108]

Vào tháng 6 năm 1909, Hải quân Đế quốc Nga bắt đầu chế tạo bốn chiếc dreadnought lớp Gangut cho Hạm đội Baltic, rồi đến tháng 11 năm 1911 thêm ba chiếc thuộc lớp Imperatritsa Mariya được đặt lườn cho Hạm đội Biển Đen. Trong tổng số bảy chiếc, chỉ có một chiếc hoàn tất trong vòng bốn năm kể từ khi đặt lườn, còn những chiếc Gangut đã "lạc hậu và bị qua mặt" khi đưa vào hoạt động.[109][110] Những bài học trong trận Tsushima và ảnh hưởng của Cuniberti khiến chúng khá gần gũi với phiên bản chậm của những tàu chiến-tuần dương của Fisher hơn là với Dreadnought, và chúng tỏ ra rất kém cỏi do cỡ pháo nhỏ và lớp giáp mỏng so với các dreadnought đương thời.[109][111]

Tây Ban Nha đưa vào hoạt động ba chiếc thuộc lớp España, chiếc đầu tiên được đặt lườn vào năm 1909. Ba chiếc này là những dreadnought nhỏ nhất từng được chế tạo. Dù được đóng ngay tại Tây Ban Nha, nhưung việc chế tạo phải dựa vào sự giúp đỡ của Anh; ví dụ như việc chế tạo chiếc thứ ba trong lớp Jaime I phải mất chín năm từ lúc đặt lườn cho đến lúc hoàn thành, do không nhận được những vật liệu chiến lược cần thiết từ Anh, đặc biệt là vũ khí.[112][113]

Thiết giáp hạm Brazil Minas Geraes ngoài biển vào đầu năm 1910, không lâu sau khi được đưa vào hoạt động

Brasil là nước thứ ba bắt đầu chế tạo dreadnought.[96] Cho dù ba chiếc tiền-dreadnought đã được đặt hàng từ Anh, việc chế tạo được tạm ngưng để có được thiết kế cải tiến hơn.[114] Kế hoạch mới đưa ra một dreadnought trang bị một dàn pháo chính mạnh chưa từng có trên mọi thiết giáp hạm vào thời đó, với mười hai khẩu pháo 305 mm (12 inch)/45 caliber.[115] Minas Geraes được đặt lườn bởi hãng Armstrong tại Elswick vào ngày 17 tháng 4 năm 1907, và chiếc chị em với nó São Paulo được tiếp nối chỉ mười ba ngày sau đó bởi hãng Vickers tại Barrow.[116] Cho dù nhiều tạp chí hải quân tại châu Âu và Hoa Kỳ suy đoán những con tàu này chỉ là sự ủy nhiệm của một trong các cường quốc hải quân, và sẽ được trao lại cho họ một khi được hoàn tất, song cả hai đã được đưa vào hoạt động trong Hải quân Brasil vào năm 1910.[115][116] Hải quân Mỹ chỉ đưa vào hoạt động chiếc đầu tiên của lớp South CarolinaMichigan vào ngày 4 tháng 1, chỉ một ngày trước chiếc Minas Geraes.[5][117][118] Những chiếc dreadnought của Brasil đã phát động một cuộc chạy đua vũ trang quy mô nhỏ tại Nam Mỹ, khi Argentina đặt hàng hai chiếc từ Mỹ, còn Argentina hai chiếc từ Anh. ARA RivadaviaARA Moreno của Argentina có dàn pháo chính tương đương với những đối thủ Brasil. Tuy nhiên, cả hai chiếc của Chile đều bị Anh mua lại vào lúc nổ ra Thế Chiến I, cho dù sau cùng có một chiếc, Almirante Latorre, được trao trả lại cho Chính phủ Chile.[119]

Hà Lan lên kế hoạch thay thế hạm đội tiền-dreadnought phòng thủ duyên hải của họ bằng một hạm đội hiện đại với ít nhất năm chiếc dreadnoughtvào năm 1912. Song, những thay đổi lặt vặt thường xuyên trong thiết kế cùng với những quyết định chính trị chậm trễ đã khiến cho không có con tàu nào được đặt hàng, và khi mà Chiến tranh Thế giới thứ nhất bùng nổ vào mùa Hè năm 1914, thì kế hoạch hạm đội nhiều tham vọng của Hà Lan chấm dứt.[120][121]

Thổ Nhĩ Kỳ đặt hàng các xưởng đóng tàu Anh chế tạo cho mình hai chiếc dreadnought, nhưng bị Anh trưng dụng khi Thế Chiến I nổ ra, nhằm tăng cường cho Hải quân Hoàng gia và ngăn không cho chúng rơi vào tay đối phương. Những chiếc ReshadiyeSultan Osman I bị đổi tên thành HMS ErinAgincourt. Trong khi đó, Đức lại tặng cho Thổ Nhĩ Kỳ hai tàu chiến: tàu chiến-tuần dương Goeben và tàu tuần dương Breslau. Đây là một yếu tố quan trọng góp phần vào quyết định của Đế quốc Ottoman tham chiến ở phe Liên minh Trung tâm.[122]

Hy Lạp đặt hàng Đức chế tạo cho mình một chiếc dreadnought, nhưng công việc bị ngưng lại khi chiến tranh nổ ra. Dàn pháo chính cho con tàu Hy Lạp được đặt hàng tại Hoa Kỳ, và các khẩu pháo này sau đó được trang bị cho một lớp monitor của Anh. Thay vào đó, năm 1914, Hy Lạp mua lại hai chiếc tiền-dreadnought cũ của Hải quân Mỹ, đặt lại tên là KilkisLimnos khi phục vụ trong Hải quân Hoàng gia Hy Lạp.[123]

Siêu-dreadnought

[sửa | sửa mã nguồn]
Những chiếc trong lớp Orion đang di chuyển theo đội hình hàng dọc

Trong vòng năm năm sau khi chiếc Dreadnought được đưa vào hoạt động, một thế hệ mới của những chiếc "siêu-dreadnought" mạnh mẽ hơn được chế tạo. Sự xuất hiện của siêu-dreadnought thường được gắn liền với lớp Orion của Anh, và điều khiến cho chúng được gọi là "siêu" chính là bước nhảy về tải trọng thêm 2.000 tấn, sử dụng cỡ pháo lớn hơn BL 343 mm (13,5 inch) và việc bố trí toàn bộ dàn pháo chính trên trục dọc giữa tàu. Orion đi vào hoạt động chỉ sau Dreadnought 4 năm, nhưng tải trọng đã tăng thêm 25%, còn uy lực pháo bắn qua mạn đã mạnh gấp đôi.[124]

Các siêu-dreadnought của Anh được các nước khác tiếp bước. Lớp New York của Hải quân Mỹ được đặt lườn vào năm 1911 và mang pháo 356 mm (14 inch) nhằm đáp trả lại động thái của Anh, và cỡ nòng pháo này trở thành tiêu chuẩn. Tại Nhật Bản, hai chiếc siêu-dreadnought thuộc lớp Fuso được đặt lườn vào năm 1912, và được tiếp nối bởi hai chiếc Ise vào năm 1914; tất cả đều được trang bị mười hai pháo 356 mm (14 inch). Năm 1917, lớp Nagato được đặt hàng, đây là những chiếc dreadnought đầu tiên được trang bị pháo 406 mm (16 inch), làm cho chúng trở thành những tàu chiến mạnh nhất thế giới. Tất cả dần dần được chế tạo toàn bộ tại Nhật Bản thay cho việc phải nhập khẩu các linh kiện từ nước ngoài. Tại Pháp, lớp Courbet được tiếp nối bởi ba chiếc siêu-dreadnought thuộc lớp Bretagne mang cỡ pháo 340 mm (13,4 in); rồi thêm năm chiếc lớp Normandie nhưng bị hủy bỏ do việc Chiến tranh Thế giới thứ nhất nổ ra.[125]

Các siêu-dreadnought của Anh sau này, chủ yếu là lớp Queen Elizabeth, loại bỏ bớt một tháp pháo, dành chỗ và trọng lượng cho những nồi hơi đốt dầu lớn hơn. Kiểu pháo mới BL 381 mm (15 inch) có hỏa lực mạnh hơn bù lại việc mất một tháp pháo, và nó cũng có đai giáp dày hơn cũng như cải thiện việc bảo vệ dưới nước. Lớp tàu này có tốc độ thiết kế 46 km/h (25 knot), và được xem là những thiết giáp hạm nhanh đầu tiên.[126]

Phần đuôi của chiếc siêu-dreadnought đầu tiên của Hoa Kỳ, Nevada, trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất

Điểm yếu trong thiết kế của siêu-dreadnought, vốn phân biệt chúng với những thiết kế sau Thế Chiến I, là sự phân bố vỏ giáp. Thiết kế của siêu-dreadnought nhấn mạnh đến việc bảo vệ tầm ngang cần thiết trong các trận chiến ở tầm ngắn. Những con tàu này có thể tiếp chiến với đối phương ở khoảng cách 18 km (20.000 yard), nhưng tỏ ra mong manh trước những quả đạn pháo bắn tới ở góc cao từ cự ly đó. Các thiết kế tiêu biểu sau chiến tranh thường dành lớp vỏ giáp sàn tàu dày 130–150 mm (5-6 inch) để khắc phục điểm yếu trên. Khái niệm về vùng miễn nhiễm trở thành một phần quan trọng trong thiết kế thiết giáp hạm. Việc thiếu sót một sự bảo vệ dưới nước cũng là một điểm yếu của những thiết kế trước Thế Chiến I vốn chỉ phát sinh khi mối đe dọa của ngư lôi trở thành hiện thực.[127]

Kiểu thiết giáp hạm "tiêu chuẩn" của Hải quân Hoa Kỳ, bắt đầu với lớp Nevada, được thiết kế với những tính toán để đối đầu ở tầm xa và chịu đựng những quả đạn pháo bắn tới ở khoảng cách này, được đặt lườn lần đầu tiên vào năm 1912, bốn năm trước khi trận Jutland có thể dạy được điều gì cho hải quân các nước châu Âu về mối nguy hiểm của tác chiến ở tầm xa. Những đặc tính quan trọng của kiểu thiết giáp hạm "tiêu chuẩn" là nguyên tắc "Tất cả hoặc không có gì" của vỏ giáp cùng việc cấu trúc kiểu "bè", một triết lý mà theo đó chỉ những phần của con tàu đáng được bảo vệ mới đáng được bọc giáp, và cần có đủ độ nổi dự trữ chứa trong một "bè" bọc thép để có thể giữ nổi cho toàn thể con tàu trong trường hợp phần mũi hoặc đuôi tàu không bọc thép có thể bị bắn thủng hoàn toàn và ngập nước. Thiết kế này chỉ được chứng minh trong chiến đấu ở trận Hải chiến Guadalcanal trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, khi một cú bẻ lái cơ động không đúng lúc đã khiến cho USS South Dakota hiện ra rõ ràng trước các họng pháo Nhật Bản. Mặc dù bị bắn trúng 26 phát pháo hạng nặng, "bè bọc thép" của nó đã vô hại và nó tiếp tục nổi và tiếp tục hoạt động sau khi kết thúc trận đánh.[128]

Hoạt động

[sửa | sửa mã nguồn]
HMS Audacious bị chìm sau khi trúng mìn (thủy lôi) tháng 10 năm 1914

Cuộc Chiến tranh Thế giới thứ nhất không phải là một đỉnh cao dành cho các hạm đội dreadnought to lớn. Không có cuộc đối đầu quyết định nào giữa các hạm đội hiện đại có thể so sánh với trận Tsushima. Vai trò của thiết giáp hạm rất giới hạn so với quy mô cuộc chiến đấu trên bộ của Pháp và Nga; và cũng nhỏ bé so với trận chiến Đại Tây Dương thứ nhất, cuộc đối đầu chủ yếu thực hiện giữa tàu ngầm Đức và tàu buôn được vũ trang của Anh.[129]

Xét thuần túy về địa lý, Hải quân Hoàng gia Anh có thể dễ dàng kìm giữ cho Hạm đội Biển khơi Đức mắc kẹt trong Bắc Hải, nơi đây chỉ có những eo biển hẹp thông ra Đại Tây Dương, và chúng được canh phòng bởi các lực lượng Anh; nhưng ở mặt khác, họ không thể phá vỡ ưu thế của Đức trong biển Baltic.[130] Cả hai phía đều nhận thức rằng, do Anh có số lượng dreadnought áp đảo, một cuộc đối đầu giữa toàn thể hai hạm đội có thể đưa đến một chiến thắng cho người Anh. Do đó chiến lược của Đức là cố khiêu khích một trận chiến theo điều kiện của họ: hoặc chỉ đấu với một phần của Đại Hạm đội Anh Quốc, hoặc một trận chiến ở gần bờ biển nước Đức, nơi mà các bãi mìn quen thuộc, tàu phóng lôi và tàu ngầm có thể được sử dụng để lật ngược thế cờ.[131]

Hai năm đầu tiên của cuộc chiến tranh tại Bắc Hải chỉ chứng kiến các vụ đụng độ lẻ tẻ bởi các tàu chiến-tuần dương trong trận Heligoland Bighttrận Dogger Bank cùng các vụ bắn phá bờ biển nước Anh. Ngày 31 tháng 5 năm 1916, một nỗ lực khác nhằm lôi kéo Hạm đội Anh tiếp chiến theo điều kiện của Đức đã đưa đến cuộc đối đầu giữa các hạm đội dreadnought trong trận Jutland.[132] Hạm đội chiến trận Đức rút lui về cảng vào cơ hội sớm nhất của họ sau hai đợt giao chiến ngắn cùng hạm đội Anh, và họ quyết định không bao giờ giao chiến đối mặt cùng hạm đội đối phương.[133]

Trên các chiến trường trên biển khác đã không có những trận chiến lớn. Tại Hắc Hải, sự đối đầu giữa các thiết giáp hạm NgaThổ Nhĩ Kỳ chỉ giới hạn trong những vụ lẻ tẻ; và tại biển Baltic, các hoạt động chỉ giới hạn trong đánh phá các đoàn tàu vận tải và rải mìn phòng ngự.[134] Biển Adriatic là một hình ảnh lặp lại của Bắc Hải khi hạm đội dreadnought Áo-Hung bị khóa chặt bởi sự phong tỏa của Pháp và Anh; và tại Địa Trung Hải, vai trò quan trọng nhất của thiết giáp hạm là hỗ trợ cho cuộc đổ bộ lên Gallipoli.[135]

Cuộc chiến tranh đã phô bày sự mong manh của dreadnought đối với những vũ khí rẻ tiền. Vào tháng 9 năm 1914, mối đe dọa tiềm tàng của tàu ngầm U-boat Đức đối với tàu chiến chủ lực được xác nhận bằng các cuộc tấn công thành công nhắm vào các tàu tuần dương Anh, đặc biệt là việc ba tàu tuần dương bọc thép cũ bị đánh chìm bởi tàu ngầm Đức U-9 trong vòng không đầy một giờ. Thủy lôi cũng là một mối đe dọa nguy hiểm khác, khi một tháng sau đó, chiếc siêu-dreadnought Anh Audacious vừa mới được đưa ra hoạt động đã trúng phải một quả mìn duy nhất và bị chìm. Đến cuối tháng 10, người Anh phải thay đổi chiến lược và chiến thuật tại Bắc Hải để giảm thiểu nguy cơ tấn công bởi U-boat.[136] Trong khi trận Jutland là một trong những cuộc chiến lớn cuối cùng giữa các thiết giáp hạm trong lịch sử, kế hoạch của Đức cho trận đánh đã dựa trên các cuộc tấn công của U-boat vào hạm đội Anh; và việc Hạm đội Đức thoát được hỏa lực Anh Quốc áp đảo là nhờ các tàu tuần dương và tàu khu trục Đức đã áp sát các thiết giáp hạm Anh, buộc chúng phải quay lui để tránh nguy cơ tấn công bằng ngư lôi.[137] Thêm những cuộc tấn công bằng tàu ngầm suýt đánh chìm thiết giáp hạm và tổn thất về tàu tuần dương đã dẫn đến nỗi lo ngại ngày càng lớn trong Hải quân Hoàng gia về sự mong manh của dreadnought.[138]

Về phần mình, Hạm đội Biển khơi Đức quyết định không giao chiến với Anh nếu không có sự hỗ trợ của tàu ngầm, và vì tàu ngầm U-boat được cần đến nhiều hơn trong chiến tranh cướp tàu buôn, hạm đội Đức đã ở lại trong cảng cho đến hết cuộc chiến.[139] Các chiến trường khác cũng đã phô diễn vai trò của các tàu chiến nhỏ trong việc làm hư hại hay phá hủy dreadnought. Hai chiếc dreadnought của Áo bị mất năm 1918 do các hoạt động của tàu phóng lôi và người nhái.

Thiết giáp hạm chế tạo từ 1914 trở đi

[sửa | sửa mã nguồn]
Thiết giáp hạm California, một trong hai chiếc thuộc lớp Tennessee, di chuyển hết tốc độ vào năm 1921

Chiến tranh Thế giới thứ nhất nổ ra đã làm cho cuộc chạy đua vũ trang dreadnought giữa các cường quốc Hải quân bị chậm lại đáng kể do ngân quỹ và nguồn lực kỹ thuật được chuyển đổi cho những nhu cầu có ưu tiên cao và cấp thiết hơn. Các xưởng chế tạo pháo cho thiết giáp hạm được chỉ định sản xuất pháo mặt đất và súng cho bộ binh thay thế, còn các xưởng đóng tàu thì tràn ngập đơn đặt hàng những con tàu nhỏ hơn. Vương quốc Anh cần khẩn cấp các tàu chở hàng để vận chuyển hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ và các tàu chiến cỡ nhỏ hơn đi theo bảo vệ chúng, còn Đức thì ưu tiên cho U-boat để phong tỏa nước Anh bằng cách tiêu diệt các tàu chở hàng của bất kì quốc gia nào đi đến Anh. Các thế lực hải quân yếu hơn tham gia cuộc chiến này: Pháp, Áo-Hung, Ý và Nga đã ngừng hoàn toàn chương trình đóng thiết giáp hạm của họ do không có đủ chi phí; trong khi Anh và Đức tiếp tục chế tạo thiết giáp hạm và tàu chiến-tuần dương nhưng với một tiến độ chậm hơn nhiều so với trước chiến tranh.[140]

Tại Anh, mệnh lệnh đình chỉ đóng thiết giáp hạm của chính phủ, cùng với việc Jackie Fisher quay trở lại Bộ Hải quân vào năm 1914, đã chuyển trọng tâm vào việc chế tạo tàu chiến-tuần dương. Những chiếc đang đóng dang dở của hai lớp thiết giáp hạm Revengelớp Queen Elizabeth được hoàn tất, nhưng hai chiếc Revenge cuối cùng được thiết kế lại thành những tàu chiến-tuần dương thuộc lớp Renown. Fisher tiếp nối những con tàu này bằng lớp Courageous càng cực đoan hơn nữa; những con tàu cực nhanh và trang bị vũ khí hạng nặng nhưng với vỏ giáp chỉ dày 76 mm (3 inch), được gọi là những "tàu tuần dương nhẹ lớn" nhằm lách tránh những quy định của Nội các đối với tàu chiến chủ lực mới. Đam mê về tốc độ của Fisher lên đến cực điểm trong đề nghị của ông cho chiếc HMS Incomparable, một tàu chiến-tuần dương khổng lồ có vỏ giáp siêu nhẹ.[141]

Tại Đức, hai chiếc thuộc lớp Bayern trước chiến tranh được dần dần hoàn tất, nhưng hai chiếc khác đã đặt lườn vẫn chưa hoàn thành vào lúc chiến tranh kết thúc. SMS Hindenburg, vốn cũng đặt lườn trước chiến tranh, được hoàn tất vào năm 1917. Lớp tàu chiến-tuần dương Mackensen được thiết kế vào năm 1914–1915, được bắt đầu nhưng không bao giờ hoàn thành.[142]

Cho dù việc đóng thiết giáp hạm có khoảng thời gian tạm lắng trong cuộc thế chiến, giai đoạn 1919–1922 lại chứng kiến mối đe dọa của một cuộc chạy đua vũ trang mới giữa Anh Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ. Trận Jutland đã có một ảnh hưởng lớn đối với những thiết kế được chế tạo trong giai đoạn này. Những chiếc đầu tiên xuất hiện trong bức tranh này là các tàu chiến-tuần dương lớp Admiral của Anh, được thiết kế vào năm 1916. Kết quả của trận Jutland cuối cùng đã thuyết phục được Bộ Hải quân Anh rằng những chiếc tàu chiến-tuần dương có vỏ giáp nhẹ là quá mong manh, và do đó thiết kế cuối cùng của lớp Admiral bao gồm vỏ giáp được tăng cường đáng kể, làm gia tăng trọng lượng rẽ nước lên đến 42.000 tấn. Tuy nhiên, việc khởi xướng ra cuộc chạy đua vũ trang hải quân mới chính là giữa Hải quân Nhật Bản và Hải quân Hoa Kỳ. Đạo luật Hải quân 1916 của Hoa Kỳ đã chấp thuận đóng 156 tàu chiến mới, bao gồm mười thiết giáp hạm và sáu tàu chiến-tuần dương. Lần đầu tiên trong lịch sử, Hoa Kỳ đã đe dọa ưu thế dẫn đầu toàn cầu của Anh Quốc trong lĩnh vực này.[143] Chương trình này được khởi đầu chậm chạp, một phần là bởi mong muốn học hỏi và áp dụng những bài học có được từ trận Jutland, và chưa bao giờ được đáp ứng hoàn toàn. Tuy nhiên, các tàu chiến mới của Hoa Kỳ: lớp thiết giáp hạm Colorado và lớp tàu chiến-tuần dương Lexington, đã có bước phát triển về chất lượng vượt qua các lớp Queen ElizabethAdmiral của Anh Quốc khi trang bị cỡ pháo 406 mm (16 inch).[144]

Cùng lúc đó, Hải quân Đế quốc Nhật Bản cuối cùng cũng đạt được sự phê chuẩn cho Chương trình Hạm đội 8-8 của họ. Lớp Nagato, được chấp thuận vào năm 1916, mang tám khẩu pháo 406 mm (16 inch) giống như các đối thủ Mỹ. Đạo luật ngân sách hải quân năm tiếp theo đồng ý cho đóng thêm hai thiết giáp hạm và hai tàu chiến-tuần dương. Những thiết giáp hạm này sẽ thuộc lớp Kaga mang mười pháo 406 mm (16 inch), trong khi các tàu chiến-tuần dương thuộc lớp Amagi cũng mang mười pháo 406 mm (16 inch) và được thiết kế để đạt được tốc độ 55,5 km/h (30 knot), một khả năng đánh bại cả lớp Admiral của Anh Quốc và lớp Lexington của Hoa Kỳ.[145]

Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn vào năm 1919 khi Tổng thống Woodrow Wilson đề nghị một chương trình bành trướng Hải quân Hoa Kỳ hơn nữa, yêu cầu ngân sách cho việc đóng thêm mười thiết giáp hạm và sáu tàu chiến-tuần dương, bổ sung vào việc hoàn tất Chương trình Chế tạo 1916, mà những chiếc thuộc lớp South Dakota vẫn chưa được đặt lườn. Để đáp trả, Nghị viện Nhật Bản cuối cùng đồng ý cho hoàn tất chương trình "Hạm đội 8-8", bổ sung thêm bốn thiết giáp hạm.[146] Những con tàu thuộc lớp Kii này sẽ có tải trọng 43.000 tấn, trong khi thiết kế tiếp theo sau, lớp Số 13, sẽ trang bị pháo cỡ 457 mm (18 inch).[147] Nhiều người trong Hải quân Nhật vẫn chưa thỏa mãn, đòi hỏi một "Hạm đội 8-8-8" với tổng cộng 24 thiết giáp hạm và tàu chiến-tuần dương hiện đại.

Anh Quốc, bị suy kiệt bởi Thế Chiến I, đối đầu với nguy cơ bị tụt lại phía sau Mỹ và Nhật. Không có tàu chiến nào được tiếp tục sau lớp Admiral, và trong lớp này chỉ có HMS Hood được hoàn tất. Một kế hoạch do Bộ Hải quân đệ trình vào tháng 6 năm 1919 dự trù một hạm đội sau chiến tranh bao gồm 33 thiết giáp hạm và tám tàu chiến-tuần dương, có thể được đóng và duy trì ở mức chi phí 171 triệu Bảng Anh mỗi năm (tương đương với khoảng 5,83 tỉ Bảng Anh ngày hôm nay); nhưng chỉ có 84 triệu Bảng được cho phép. Bộ Hải quân sau đó yêu cầu một số lượng tuyệt đối thêm tối thiểu tám thiết giáp hạm.[148] Chúng sẽ là những tàu chiến-tuần dương thuộc lớp G3 với pháo 406 mm (16 inch) và tốc độ cao, cùng với thiết giáp hạm lớp N3 trang bị pháo 457 mm (18 inch).[149] Đức đã không tham gia vào cuộc cạnh tranh hải quân ba bên này: Hiệp ước Versailles quy định những điều kiện ngặt nghèo nhằm cản trở việc Đức tái vũ tranh, đặc biệt là trong lĩnh vực hải quân; hầu hết hạm đội dreadnought Đức đã bị đánh chìm tại Scapa Flow bởi thủy thủ đoàn của chúng vào năm 1919; số còn lại bị tịch thu như là chiến lợi phẩm.[A 10][150]

Thay vì cắt giảm từng phần chương trình chế tạo rộng rãi và tốn kém này, các cường quốc hải quân đã thỏa thuận được Hiệp ước Hải quân Washington vào năm 1922. Hiệp ước này đưa ra một danh sách các tàu chiến, bao gồm đa số các dreadnought cũ hơn và hầu hết mọi chiếc mới hơn đang được chế tạo, vốn sẽ bị tháo dỡ hoặc không sử dụng theo cách nào đó. Nó còn công bố một "kỳ nghỉ" dài hạn cho ngành đóng tàu khi không có thiết giáp hạm hay tàu chiến-tuần dương mới nào được đặt lườn trong hai mươi năm tiếp theo. Những chiếc còn sống sót sau hiệp ước, bao gồm những chiếc siêu-dreadnought hiện đại nhất của hải quân mọi nước, đã hình thành nên phần lớn của sức mạnh tàu chiến chủ lực trên thế giới trong suốt những năm 19201930, với một số được hiện đại hóa, đã tiếp tục chiến đấu trong Thế Chiến II. Những chiếc được chế tạo trong phạm vi bị giới hạn của Hiệp ước nhằm thay thế những chiếc lạc hậu được biết đến như là những thiết giáp hạm hiệp ước.[151]

Từ lúc này trở đi, thuật ngữ "dreadnought" ít còn được sử dụng rộng rãi. Đa số thiết giáp hạm tiền-dreadnought đều đã bị tháo dỡ hoặc bị đánh chìm sau Thế Chiến I,[A 11] nên từ này không còn cần thiết. Dù sao, những thiết giáp hạm trong Thế Chiến II đôi khi vẫn được gọi là những dreadnought và cũng là thiết giáp hạm yếu nhất.

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Ở khoảng cách rất gần, một đầu đạn bắn ra từ một khẩu pháo đi theo một đường thẳng, và các khẩu pháo có thể được ngắm bằng cách chĩa thẳng chúng vào đối phương. Trên tàu chiến, vấn đề này phức tạp hơn do sự tròng trành tự nhiên của con tàu. Ở những khoảng cách lớn hơn, xạ thủ đối mặt với một vấn đề lớn hơn nữa khi các khẩu pháo cần được nâng lên để đầu đạn đi theo một đường cong đạn đạo phù hợp để trúng mục tiêu. Do đó, nó cần được ước lượng (tiên đoán) độ chính xác ở tầm xa đến mục tiêu, vốn là một trong những vấn đề chính của kiểm soát hỏa lực. Friedman, Battleship Design and Development, trang 99
  2. ^ Đầu đạn nhẹ hơn có tỉ số khối lượng trên diện tích bề mặt trước nhỏ, và do đó lưu tốc của chúng giảm nhanh bởi sức cản của không khí. Nếu mọi yếu tốc khác đều tương đương, lưu tốc lớn hơn có nghĩa là chính xác hơn.
  3. ^ " Đến năm 1904, sự thể hiện của các kiểu vũ khí lớn nhất đã được cải thiện đến mức những phát bắn trúng có tính quyết định có thể thực hiện ở khoảng cách lớn nhất. Kết luận này được xác nhận bởi kinh nghiệm chiến trận của cuộc Chiến tranh Nga-Nhật, nhưng việc vạch kế hoạch nghiêm túc cho những tàu toàn súng lớn đã được đưa ra sớm hơn nơi các cường quốc hải quân, dựa trên kết quả những thử nghiệm tác xạ trong thời bình." Friedman, U.S. Battleships, trang 52.
  4. ^ "Ưu thế bổ sung sẽ có được bằng cách có một cỡ pháo đồng nhất. Một dàn pháo hỗn hợp sẽ cần đến việc kiểm soát hỏa lực riêng biệt cho mỗi cỡ nòng; do rất nhiều những yếu tố khác nhau khiến cho một tầm bắn của pháo 12-inch không phải là tầm thích hợp cho các khẩu pháo 9,2 inch hoặc 6 inch, cho dù khoảng cách đến mục tiêu là như nhau." Phụ lục Thứ nhất đính kèm theo Báo cáo của Ủy ban Thiết kế, được trích dẫn trong: Mackay, Fisher of Kilverstone, trang 322.
  5. ^ Tại Anh Quốc: "Fisher dường như chưa bao giờ tỏ ý quan tâm đến... khả năng bắn trúng một đối thủ ở tầm xa bằng đạn pháo bắn hàng loạt. Cũng rất khó để nắm vững thấu đáo phương pháp này vào lần đầu tiên được áp dụng chính thức"; Mackay, Fisher of Kilverstone, trang 322. Và tại Hoa Kỳ: "Khả năng nhầm lẫn trong tác xạ do hai cỡ nòng pháo gần nhau như ở mức 10-inch và 12-inch chưa bao giờ được đặt ra. Ví dụ, Sims và Poundstone đã nhấn mạnh đến những ưu điểm của tính đồng nhất trong khía cạnh cung cấp đạn dược cũng như khả năng điều động pháo thủ từ những khẩu pháo không hoạt động đến thay thế cho những người bị thương tại những khẩu pháo khác. Friedman, US Battleships, trang 55.
  6. ^ "Vào tháng 10, W.L. Rogers thuộc Học viện Chiến tranh Hải quân viết một bản ghi nhớ dài và chi tiết về câu hỏi này, chỉ ra rằng khi khoảng cách đối đầu ngày càng gia tăng, sự khác biệt về độ chính xác giữa các cỡ pháo, thậm chí giữa pháo 10-inch và 12-inch cũng trở nên đáng kể". Friedman, US Battleships, trang 55; "Ưu thế ở tầm xa gắn liền với những con tàu mang cỡ pháo lớn nhất với số lượng nhiều nhất ", Báo cáo của Ủy ban về Thiết kế, được trích dẫn trong: Mackay, Fisher of Kilverstone, trang 322.
  7. ^ Fisher lần đầu tiên khẳng định một ý tưởng toàn súng lớn trên một tài liệu vào năm 1904, khi ông đề nghị những thiết giáp hạm với mười sáu khẩu pháo 253 mm (10 inch); đến tháng 10 năm 1904 ông bị thuyết phục bởi nhu cầu cần có pháo cỡ 305 mm (12 inch). Trong một lá thư năm 1902, ông đề nghị những con tàu mạnh mẽ "với các cỡ hỏa lực tương đương nhau", có thể ngụ ý một thiết kế toàn súng lớn. Mackay, R. Fisher of Kilverstone, trang 312.
  8. ^ Friedman, U.S. Battleships, trang 126-128. Ví dụ như Friedman đã chú thích về tình trạng bị mất điện toàn bộ của động cơ turbo-điện trên chiếc tàu chiến-tuần dương Saratoga được cải biến thành tàu sân bay chỉ sau một cú ngư lôi đánh trúng trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
  9. ^ Dreadnought có chi phí 1.783.000 Bảng Anh so với mức 1.540.000 Bảng cho mỗi chiếc thuộc lớp Lord Nelson. Tám năm sau Queen Elizabeth phí tổn mất 2.300.000 Bảng. So sánh những con số đó với thời giá ngày hôm nay là 142, 123 và 168 triệu Bảng Anh tương ứng. Con số nguyên thủy trích từ: Breyer, Battleships and Battlecruisers of the World, trang 52 & 141; so sánh tỷ giá từ Measuring Worth UK CPI
  10. ^ Các lớp NassauHeligoland là những chiến lợi phẩm; các lớp KaiserKönig cùng hai chiếc đầu tiên của lớp Bayern bị đánh chìm, cho dù Baden được cứu vớt khi người Anh cho nổi nó lên và sử dụng cho các thử nghiệm và như một tàu mục tiêu. Những thiết giáp hạm đang đóng bị tháo dỡ thay vì hoàn tất.
  11. ^ Quá trình này đã diễn ra từ trước Hiệp ước Hải quân Washington năm 1922. Mười sáu chiếc tiền-dreadnought còn phục vụ trong Thế Chiến II trong những vai trò như là những lườn tàu cũ, tàu tiện nghi và tàu huấn luyện; hai tàu huấn luyện của Đức SchlesienSchleswig-Holstein đã tham gia bắn hải pháo hỗ trợ cho những chiến dịch trong vùng biển Baltic.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Mackay 1973, tr. 326
  2. ^ a b c Friedman 1985, tr. 52
  3. ^ Jentshura, Jung, Mickel, Warships of the IJN trang 22-23. Evans & Peattie 1997, tr. 159
  4. ^ a b c d Gardiner 1982, tr. 15
  5. ^ a b Friedman 1985, tr. 419
  6. ^ a b c d Friedman 1978, tr. 98
  7. ^ Fairbanks 1991; và Seligmann, M New Weapons for New Targets, International History Review tháng 6 năm 2008.
  8. ^ Sondhaus 2001, tr. 170-171
  9. ^ Lambert 1999, tr. 77
  10. ^ a b c Friedman 1985, tr. 53.
  11. ^ a b Lambert 1999, tr. 78
  12. ^ Gardiner & Lambert 2001, tr. 125-126
  13. ^ Breyer 1973, tr. 113 đề cập đến thiết kế của Lord Nelson, trang 331-332 cho Satsuma và trang 418 cho Danton; ngoài ra Friedman 1985, tr. 51 bàn luận về các đề nghị thay thế cho lớp Mississippi.
  14. ^ a b Friedman 1985, tr. 51
  15. ^ Friedman 1985, tr. 53-58
  16. ^ Parkes 1990, tr. 426, trích dẫn lại tài liệu ngày 9 tháng 4 năm 1919 của Sir Philip Watts.
  17. ^ Parkes 1990, tr. 426
  18. ^ Parkes 1990, tr. 451-452
  19. ^ Breyer 1973, tr. 113
  20. ^ Friedman 1985, tr. 55
  21. ^ Fairbanks 1991, tr. 250
  22. ^ Cuniberti 1903, tr. 407-409
  23. ^ Evans & Peattie 1997, tr. 63
  24. ^ Breyer 1973, tr. 331
  25. ^ Evans & Peattie 1997, tr. 159
  26. ^ Sumida 1995, tr. 619-621
  27. ^ a b Breyer 1973, tr. 115
  28. ^ Breyer 1973, tr. 46 & 115
  29. ^ Friedman 1985, tr. 62
  30. ^ Marder 1964, tr. 542
  31. ^ Friedman 1985, tr. 63
  32. ^ Friedman 1978, tr. 19-21
  33. ^ Breyer 1973, tr. 85
  34. ^ Breyer 1973, tr. 54 & 266
  35. ^ Friedman 1978, tr. 141-151
  36. ^ Friedman 1978, tr. 151-153
  37. ^ a b Breyer 1973, tr. 263
  38. ^ a b Friedman 1978, tr. 134
  39. ^ Friedman 1978, tr. 132
  40. ^ Breyer 1973, tr. 138
  41. ^ Breyer 1973, tr. 393-396
  42. ^ Friedman 1978, tr. 130-131
  43. ^ Friedman 1978, tr. 129
  44. ^ a b Friedman 1978, tr. 130
  45. ^ Friedman 1978, tr. 135
  46. ^ Breyer 1973, tr. 71
  47. ^ Breyer 1973, tr. 72
  48. ^ Breyer 1973, tr. 73
  49. ^ Breyer 1973, tr. 84
  50. ^ Breyer 1973, tr. 82.
  51. ^ Breyer 1978, tr. 214
  52. ^ Breyer 1973, tr. 367
  53. ^ Breyer 1973, tr. 107 & 115
  54. ^ Breyer 1973, tr. 196
  55. ^ Friedman 1978, tr. 135-136
  56. ^ Breyer 1973, tr. 106-107
  57. ^ Breyer 1973, tr. 159
  58. ^ Friedman 1978, tr. 113-116
  59. ^ Friedman 1978, tr. 116-122
  60. ^ Friedman 1978, tr. 7-8
  61. ^ Friedman 1978, tr. 54-61
  62. ^ a b Gardiner 1982, tr. 9
  63. ^ Friedman 1978, tr. 65-66
  64. ^ Friedman 1978, tr. 67
  65. ^ Friedman 1978, tr. 66-67
  66. ^ Breyer 1973, tr. 360
  67. ^ Friedman 1978, tr. 77-79
  68. ^ Friedman 1978, tr. 79-83
  69. ^ Friedman 1978, tr. 95
  70. ^ Friedman 1978, tr. 89-90
  71. ^ a b Friedman 1978, tr. 91
  72. ^ a b Breyer 1973, tr. 46
  73. ^ Massie 2004, tr. 474
  74. ^ Friedman 1985, tr. 75-76
  75. ^ a b c Friedman 1985, tr. 69
  76. ^ Gardiner 1982, tr. 7-8
  77. ^ Breyer 1973, tr. 292 & 295
  78. ^ Friedman 1985, tr. 213
  79. ^ a b c Friedman 1978, tr. 93
  80. ^ Mackay 1973, tr. 269
  81. ^ Brown 2003b, tr. 22-23
  82. ^ a b Brown 2003b, tr. 23
  83. ^ Friedman 1985, tr. 104-105 Điều khá thú vị là trong khi Nevada được thiết kế và hoàn tất với động cơ turbine hơi nước đốt dầu, USS Oklahoma lại được thiết kế và hoàn tất với động cơ ba buồng bành trướng đặt dọc đốt dầu.
  84. ^ Parkes 1990, tr. 582-583
  85. ^ Friedman 1978, tr. 94
  86. ^ Sondhaus 2001, tr. 198
  87. ^ Kennedy 1983, tr. 218;Soundhaus 2001, tr. 201
  88. ^ Herwig 1980, tr. 54-55
  89. ^ Sondhaus 2001, tr. 227-228
  90. ^ Keegan 1999, tr. 281
  91. ^ Breyer 1973, tr. 59
  92. ^ Sondhaus 2001, tr. 203
  93. ^ Sondhaus 2001, tr. 203-204
  94. ^ Kennedy 1983, tr. 224-228
  95. ^ Sondhaus 2001, tr. 204-205
  96. ^ a b Sondhaus 2001, tr. 216
  97. ^ Breyer 1973, tr. 115 & 196
  98. ^ “Sea Fighter Nevada Ready For Her Test” (PDF). The New York Times. 16 tháng 10 năm 1915. tr. 12.
  99. ^ Friedman 1985, tr. 57
  100. ^ Gardiner & Gray 1985, tr. 112
  101. ^ Gardiner & Gray 1985, tr. 113
  102. ^ Friedman 1985, tr. 69-70
  103. ^ Evans & Peattie 1997, tr. 142-143
  104. ^ Breyer 1973, tr. 333
  105. ^ a b Sondhaus 2001, tr. 214-215
  106. ^ Gardiner & Gray 1985, tr. 190
  107. ^ Sondhaus 2001, tr. 209-211
  108. ^ Sondhaus 2001, tr. 211-213
  109. ^ a b Gardiner & Gray 1985, tr. 302-303
  110. ^ Gibbons 1983, tr. 205
  111. ^ Breyer 1973, tr. 393
  112. ^ Gibbons 1983, tr. 195
  113. ^ Gardiner & Gray 1985, tr. 378
  114. ^ Whitley 1999, tr. 24
  115. ^ a b “Germany may buy English warships” (PDF). The New York Times. 1 tháng 8 năm 1908. tr. C8.
  116. ^ a b Gardiner & Gray 1985, tr. 403
  117. ^ [www.miramarshipindex.org.nz “Miramar Ship Index”] Kiểm tra giá trị |url= (trợ giúp). 6103887. Truy cập 28 tháng 4 năm 2009.
  118. ^ “Naval and Military Intelligence” (39162). 6 tháng 1 năm 1910. Đã bỏ qua văn bản “The Times” (trợ giúp); Đã bỏ qua tham số không rõ |column= (trợ giúp); Đã bỏ qua tham số không rõ |page_number= (trợ giúp); Đã bỏ qua tham số không rõ |day_of_week= (trợ giúp); |section= bị bỏ qua (trợ giúp)
  119. ^ Sondhaus 2001, tr. 214-216
  120. ^ Breyer 1973, tr. 450-455
  121. ^ Gardiner & Gray 1985, tr. 363-364, 366
  122. ^ Greger 1993, tr. 252
  123. ^ Sondhaus 2001, tr. 220
  124. ^ Breyer 1973, tr. 126
  125. ^ Sondhaus 2001, tr. 214
  126. ^ Breyer 1973, tr. 140-144
  127. ^ Breyer 1973, tr. 75-79
  128. ^ Friedman 1985, tr. 202-203
  129. ^ Kennedy 1983, tr. 250-251
  130. ^ Gilbert 2000, tr. 224
  131. ^ Keegan 1999, tr. 289
  132. ^ Ireland 1997, tr. 88–95
  133. ^ Padfield 1972, tr. 240
  134. ^ Keegan 1999, tr. 234-235
  135. ^ Kennedy 1983, tr. 256-257
  136. ^ Massie 2005, tr. 127–145
  137. ^ Massie 2005, tr. 675
  138. ^ Kennedy 1983, tr. 245-248
  139. ^ Kennedy 1983, tr. 247-249
  140. ^ Breyer 1973, tr. 61
  141. ^ Breyer 1973, tr. 61-62
  142. ^ Breyer 1973, tr. 277-284
  143. ^ Breyer 1973, tr. 62-63
  144. ^ Breyer 1973, tr. 63
  145. ^ Evans & Peattie 1997, tr. 171
  146. ^ Evans & Peattie 1997, tr. 174
  147. ^ Breyer 1973, tr. 356
  148. ^ Kennedy 1983, tr. 274-275
  149. ^ Breyer 1973, tr. 173-174
  150. ^ Gröner 1990
  151. ^ Breyer 1973, tr. 69-70

Thư mục

[sửa | sửa mã nguồn]

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]