Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc bao gồm 32 địa điểm thuộc 5 khu di tích trên địa bàn 3 tỉnh: Bắc Giang, Hải Dương và Quảng Ninh ở Đông Bắc Việt Nam.[1]
Phần lớn hệ thống các di tích lịch sử văn hóa gắn liền với sự ra đời, hình thành và phát triển thiền phái Trúc Lâm ở Việt Nam tại khu vực dãy núi Yên Tử và vùng lân cận nằm trên địa phận 3 tỉnh: Bắc Giang, Hải Dương và Quảng Ninh.[2]
Quần thể di tích và danh thắng này bao gồm 4 khu vực: Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử (TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh), Khu di tích lịch sử nhà Trần (Đông Triều, Quảng Ninh), Khu di tích và danh thắng Tây Yên Tử (TP. Bắc Giang, TX. Chũ và các huyện: Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động, tỉnh Bắc Giang)[3], Khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc (TP. Chí Linh, tỉnh Hải Dương).[4]
Tổng quan
[sửa | sửa mã nguồn]Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc gồm 5 khu di tích: danh thắng Yên Tử; nhà Trần Đông Triều; Côn Sơn Kiếp Bạc; chiến thắng Bạch Đằng; Quần thể di tích An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương; 3 di tích khác cũng nằm trong danh sách đề cử: chùa Bồ Đà, chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Thanh Mai.[5]
Nhìn tổng thể, khu di sản đề cử nằm trong vùng cánh cung Đông Triều với độ cao trung bình trên 600m, đỉnh cao nhất là ngọn núi Yên Tử có độ cao 1.068m so với mực nước biển. Cánh cung Đông Triều được xem là "phên dậu" phía Đông Bắc của Việt Nam. Vùng núi này không chỉ là một thắng cảnh thiên nhiên mà còn là quê hương của Vương triều nhà Trần trong lịch sử, là "Đất tổ Phật giáo Trúc Lâm Việt Nam".
Năm 1299, Trần Nhân Tông đã chính thức thành lập nên Thiền phái Trúc Lâm bằng cả một hệ thống lý thuyết và hành động gắn đạo với đời. Ông được coi là vị Sư Tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mang Phật danh Điều Ngự Giác Hoàng. Kế tục sự nghiệp của ông là Sư Tổ Pháp Loa và Huyền Quang Tôn Giả. Cả ba vị được gọi là Trúc Lâm Tam Tổ. Từ đó, Yên Tử trở thành kinh đô tư tưởng của Phật phái Trúc Lâm, đánh dấu sự phát triển triết học và tư tưởng của dân tộc Việt Nam trong các thế kỷ 13 và 14. Gắn liền với lịch sử phát triển dòng thiền Trúc Lâm tại Yên Tử là việc xây dựng và hình thành một quần thể các công trình kiến trúc gồm nhiều chùa và hàng trăm am, tháp, mộ, bia, tượng. Quần thể kiến trúc này được đặt trong một tổng thể cảnh quan hùng vĩ, trải dài hàng chục km tạo thành Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử.
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc là nơi hình thành, ra đời và phát triển của Trung tâm Phật giáo Thiền Tông thuần Việt, do người Việt trực tiếp sáng lập ra. Là nơi hội tụ của các công trình kiến trúc cổ kính do các Tăng, Ni, Phật tử và triều đình phong kiến của các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn kế tiếp nhau xây dựng, tu bổ và tôn tạo. Những công trình này đã phản ánh khá rõ nét sự phát triển của kiến trúc, mỹ thuật, điêu khắc, tiêu biểu cho tài năng sáng tạo nghệ thuật của dân tộc Việt Nam. Đây là một quần thể di tích rất lớn và ra đời sớm ở Việt Nam.
Ứng cử di sản thế giới
[sửa | sửa mã nguồn]- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Văn bản số 555/BVHTTDL-DSVH báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc đề cử việc lập hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận Quần thể di sản văn hóa và danh thắng Yên Tử là Di sản Thế giới.[6]
- Công văn số 10766/VPCP-KGVX của Văn phòng Chính phủ đã thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam "Giao cho Bộ VHTTDL chủ trì, hướng dẫn, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang lập hồ sơ Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đệ trình Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc UNESCO xem xét, công nhận là Di sản thế giới".[7]
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Việt Nam) đã có Văn bản số 491/BVHTTDL-DSVH ngày 27/2 cho ý kiến về việc trình UNESCO đưa Quần thể Di tích và Danh thắng Yên tử vào Danh mục Dự kiến xây dựng hồ sơ Di sản thế giới.
- Tháng 3/2015, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương mới nhất trí chủ trương phối hợp cùng Quảng Ninh và Bắc Giang lập hồ sơ xét công nhận quần thể di tích danh thắng Yên Tử là di sản thế giới.[8] Có nhiều khả năng Quần thể di tích danh thắng Yên Tử sẽ gồm cả khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc-Thanh Mai.
- Tháng 1/2021, Văn phòng Chính phủ có công văn thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ “Giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam gửi báo cáo tóm tắt đề cử “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử, thuộc địa bàn các tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương” tới Trung tâm Di sản thế giới UNESCO để đề nghị xem xét, đưa vào danh sách dự kiến lập hồ sơ di sản thế giới.[9] Qua rất nhiều lần đổi tên, hiện nay hồ sơ mang tên chính thức là hồ sơ "Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc".
Tiêu chí nổi bật
[sửa | sửa mã nguồn]Hồ sơ Yên Tử sau nhiều lần lựa chọn được chốt lập theo hướng di sản văn hóa (tiêu chí 2, 3, 5, 6).[10]
Tiêu chí (ii): Thể hiện sự giao thoa quan trọng của các giá trị nhân văn, qua một thời kỳ hay bên trong một khu vực văn hoá của thế giới, về những phát triển trong kiến trúc, hoặc công nghệ, nghệ thuật xây dựng đền tháp, quy hoạch thành phố hay thiết kế cảnh quan.
Những di tích trên mặt đất và khai quật được trong lòng đất tại Quần thể Di tích và danh thắng Yên Tử là minh chứng đặc sắc về quá trình giao lưu văn hóa lâu dài, là nơi tiếp nhận nhiều ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài, nhiều học thuyết, tư tưởng có giá trị toàn cầu của văn minh nhân loại, đặc biệt Phật giáo, thuyết phong thủy. Kết quả giao thoa, tiếp biến văn hóa đó được biểu đạt trong tạo dựng cảnh quan, quy hoạch, trong nghệ thuật kiến trúc và nghệ thuật trang trí với diễn biến văn hóa đa dạng qua các thời kỳ lịch sử.
Tiêu chí (iii): Chứa đựng một minh chứng duy nhất hoặc ít nhất cũng hết sức khác biệt về một truyền thống văn hoá hay một nền văn minh hiện vẫn đang tồn tại hoặc đã diệt vong.
Hệ thống di tích trong khu Di sản dày đặc, bao gồm hàng chục ngôi chùa, hàng trăm am tháp, hàng ngàn di vật cổ quý hiếm, đặc biệt là những bản kinh văn và các bản sách quý hiếm, chứa đựng những giá trị tinh thần, tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm và nền văn hóa huy hoàng, rực rỡ thời Đại Việt giữa một vùng đồi núi chập trùng. Những giá trị tinh thần, tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm và nền văn hóa rực rỡ đó luôn đồng hành cùng sự phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam, được các thế hệ nối tiếp kế thừa ngày một phát triển và đang được các thế hệ thiền sư sau này truyền bá đến nhiều quốc gia trên thế giới. Đặc biệt cuốn mộc bản "Thiền tông bản hạnh" hiện còn được lưu giữ tại chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) được Hội thảo bảo tồn di sản chữ Nôm (theo Vietnamese Nôm Preservation Foundation, USA) lấy làm mẫu cho font chữ Nôm trên mã Unicode (ký hiệu NomNaTongLight.ttf) và được cài đặt vào máy tính trên toàn thế giới. Điểm khác biệt nữa của mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là dùng cả chữ Hán và chữ Nôm, trong khi mộc bản của Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc chỉ dùng chữ Hán…
Tiêu chí (v): Là một ví dụ nổi bật về một hình thức cư trú truyền thống của con người, việc sử dụng đất đai, hay khai thác biển cả, đại diện cho một (hay nhiều) nền văn hoá, hoặc sự tương tác giữa con người và môi trường đặc biệt là khi nó đã trở nên dễ tổn thương do ảnh hưởng của những đổi thay không thể đảo ngược.
Quần thể Di tích và danh thắng Yên Tử là minh chứng đặc sắc về sự tương tác giữa con người và môi trường cảnh quan thiên nhiên, truyền thống cư trú liên tục của con người, thể hiện qua việc những tín đồ đạo Phật từ hàng nghìn năm trước tới ngày nay, đã sử dụng vùng cảnh quan thiên nhiên Danh sơn Yên Tử linh thiêng, huyền bí để xây dựng và hình thành nên một "Trung tâm phật giáo" với sự hiện diện của một quần thể các công trình kiến trúc đồ sộ được đặt trong một tổng thể cảnh quan hùng vĩ, thơ mộng.
Tiêu chí (vi): Có liên hệ trực tiếp hoặc có thể nhận thấy được với những sự kiện hay các truyền thống sinh hoạt, với các ý tưởng, hay các tín ngưỡng, với các công trình nghệ thuật hay văn học có ý nghĩa nổi bật toàn cầu.
Với sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm, một thiền phái thuần Việt. Thiền phái Trúc Lâm là Phật giáo hướng nội, Phật giáo nhập thế, khai phóng, vị tha. Thiền phái Trúc Lâm chủ trương gắn đạo với đời, gắn xu thế nhập thế của Thiền với việc giữ gìn làng nước của cả dân tộc, nó mang đậm bản sắc dân tộc, tinh thần yêu nước chân chính, tinh thần nhập thể tích cực, kết hợp chặt chẽ Đạo với Đời, Đời với Đạo. Giáo lý của Thiền phái Trúc Lâm được kết tinh bởi nhiều yếu tố và kế thừa, phát huy. Trên cơ sở kế thừa, Trần Nhân Tông đã tập hợp lại thành các kinh văn, các bản sách rất quí giá như: Thiền tâm thiết chủy ngữ lục, Đại Hương Hải ấn thi tập, Tăng già toái sự, Thạch thất mỹ Ngữ, Truyền Đăng Lục, Thượng sĩ hành trạng... Đây là những cuốn sách dạy cho các tăng môn và dân chúng của Thiền phái Trúc Lâm tu tập, sám hối và tu hành thập thiện. Bên cạnh đó còn có các tác phẩm trong mộc bản của Thiền phái Trúc Lâm - sách Thiền tông bản hạnh như: Cư trần lạc đạo phú (ở trần thế vui với đạo) viết theo thể phú, Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca (bài ca về được thú vui rừng suối mà thành đạo của Trần Nhân Tông), Vịnh Hoa Yên tự phú (vịnh cảnh chùa Hoa Yên) của Thiền sư Huyền Quang…Đây là những tác phẩm văn học thiền tông có giá trị và có ảnh hưởng tích cực đến đời sống xã hội và được nhiều nhà nghiên cứu văn học trong và ngoài nước quan tâm tìm hiểu. Mộc bản của Thiền phái Trúc Lâm được khắc bằng chữ Hán và chữ Nôm với nhiều kiểu chữ khác nhau như: chân thư, thảo thư, lệ thư, hành thư…chữ khắc công phu, đẹp là những tác phẩm thư pháp nghệ thuật tuyệt mỹ. Nhiều trang mộc bản được khắc đan xen thêm những bức họa đồ minh họa, đường nét tài hoa tinh tế, bố cục chặt chẽ hài hòa xứng đáng là tác phẩm đồ họa thẩm mỹ cao.
Quá trình trùng tu, tôn tạo các di tích nằm trong hồ sơ đề cử [cập nhật mới nhất]
[sửa | sửa mã nguồn]Khu vực | Tên di tích | Đã được khai quật khảo cổ | Đã được trùng tu, tu bổ | Đang tiến hành trùng tu, tu bổ | Chưa tiến hành trùng tu, tu bổ |
---|---|---|---|---|---|
Địa phận Bắc Giang-Tây Yên Tử | Chùa Vĩnh Nghiêm | x | x | ||
Chùa Am Vãi | x | x | |||
Di tích khảo cổ Chùa Mã Yên | x | x | |||
Di tích khảo cổ Chùa Hòn Tháp | x | x | |||
Di tích khảo cổ Chùa Bình Long (Bát Nhã Tự) | x | ||||
Chùa Cao Khám Lạng | x | x | |||
Di tích khảo cổ Chùa Hồ Bấc | x | x | |||
KDT Suối Mỡ | x | ||||
Di chỉ khảo cổ Chùa Đám Trì | |||||
Địa phận Hải Dương-KDT Côn Sơn-Kiếp Bạc-Thanh Mai và các di tích liên quan | Chùa Côn Sơn, Đền thờ Nguyễn Trãi, Đền thờ Trần Nguyên Đán, Đền thờ Trần Nguyên Hãn | x | x | ||
Đền Kiếp Bạc | x | x | |||
Chùa Thanh Mai | |||||
Chùa Ngũ Đài | x | ||||
Chùa Trăm Gian Nam Sách | x | ||||
Chùa Huyền Thiên (cần nghiên cứu bổ sung thêm) | |||||
Chùa Sùng Nghiêm (cần nghiên cứu bổ sung thêm) | |||||
Khu di tích Nhà Trần tại Đông Triều | Chùa Quỳnh Lâm | x | x | ||
Đền An Sinh | x | x (Có điều chỉnh trong tương lai) | |||
Đền Thái | x | x | |||
Chùa Ngọa Vân | x | x (Một phần) | |||
Thái Lăng | x | x | |||
Ngải Sơn Lăng | x | x (Có điều chỉnh trong tương lai) | x | ||
Phụ Sơn Lăng | x | x | |||
Mục Lăng | Đang tiến hành | x | |||
Nguyên Lăng | x | x | |||
Tư Phúc Lăng | x | x | |||
Đồng Hy Lăng | x | x | |||
Chùa quán Ngọc Thanh | x | x | |||
Chùa Trung Tiết | x | x | |||
Chùa Hồ Thiên | x | x | |||
Am Mộc Cảo | x | ||||
Chùa Trại Cắp | x | ||||
Khu di tích và danh thắng Yên Tử | Chùa Bí Thượng | x | |||
Chùa Suối Tắm | x | x | |||
Chùa Cầm Thực | x | x | |||
Chùa Giải Oan | x | x | |||
Chùa Hoa Yên | x | x | |||
Chùa Vân Tiêu | x | x | |||
Chùa Bảo Sái | x | x | |||
Chùa Một Mái | x | ||||
Chùa Đồng | x | x | |||
Các am, thung | x |
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Xây dựng Hồ sơ Di sản thế giới Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc: Quần thể di sản liên tỉnh được quản lý như thế nào?
- ^ Gửi hồ sơ đề cử “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc” tới UNESCO đề nghị công nhận là di sản thế giới
- ^ “Trình UNESCO công nhận Yên Tử là Di sản thế giới”. Báo điện tử của Đài Truyền hình Việt Nam. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 3 năm 2014. Truy cập 30 tháng 8 năm 2014.
- ^ Hội thảo Nhận diện giá trị toàn cầu của Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử[liên kết hỏng]
- ^ “Thông qua dự thảo hồ sơ "Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc" để báo cáo Thủ tướng Chính phủ”. Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 9 năm 2023. Truy cập ngày 2 tháng 10 năm 2023.
- ^ “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch”. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 4 năm 2015. Truy cập 30 tháng 8 năm 2014. Đã bỏ qua tham số không rõ
|=
(trợ giúp) - ^ “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch”. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 3 năm 2014. Truy cập 30 tháng 8 năm 2014.
- ^ Yên Tử và Côn Sơn - Kiếp Bạc chung hồ sơ di sản thế giới
- ^ Đề cử Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản thế giới
- ^ Yên Tử và khát vọng tôn vinh di sản thế giới