Bước tới nội dung

Chi Bảo

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
(Đổi hướng từ Phạm Gia Chi Bảo)
Chi Bảo
Chi Bảo vào tháng 2 năm 2014
Tên khai sinhPhạm Gia Chi Bảo
Sinh23 tháng 1, 1973 (51 tuổi)
Bà Rịa – Vũng Tàu, Việt Nam Cộng hoà
Nghề nghiệpDiễn viên điện ảnh
Diễn viên kịch
Người dẫn chương trình
Giám khảo
Doanh nhân
Năm hoạt động1994 – 2021 (diễn viên)
Hôn nhân
  • Thái Giang
    (cưới 1996⁠–⁠ld.1997)
  • Hồng Loan
    (cưới 2001⁠–⁠ld.2016)
  • Lý Thùy Chang (cưới 2021)

Chi Bảo, tên đầy đủ là Phạm Gia Chi Bảo (sinh ngày 23 tháng 1 năm 1973), là một cựu nam diễn viên người Việt Nam. Anh bắt đầu được chú ý đến sau khi tham gia diễn xuất trong một loạt phim truyền hình dài tập như: Giao thời, Những đứa con thành phốĐồng tiền xương máu. Với khả năng thể hiện khá tốt những vai diễn cần sự cá tính, chững chạc và mang chiều sâu tâm hồn, Chi Bảo được xem là một trong những gương mặt sáng giá của phim truyền hình Việt Nam.[1]

Ngoài vai trò là một diễn viên, người dẫn chương trình, Chi Bảo còn đang giữ chức vụ Chủ tịch hội đồng quản trị của công ty Thương Hiệu đồng thời là người quản lý website danong.com, một trang web dành riêng cho nam giới do anh tự mình phát triển.

Tiểu sử và sự nghiệp

[sửa | sửa mã nguồn]

Lĩnh vực nghệ thuật

[sửa | sửa mã nguồn]

Chi Bảo sinh ngày 23 tháng 1 năm 1973 tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Sau khi học xong lớp 12, với kỳ vọng từ bé là trở thành một kỹ sư tin học, anh chuyển lên sống tại Thành phố Hồ Chí Minh và đăng ký theo học tại phân hiệu Bách Khoa của Đại học Bách Khoa thành phố, sau khi tốt nghiệp tú tài, anh đăng ký dự thi và trúng tuyển vào khoa điện tử của trường Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh.[2]

Năm 1994, Chi Bảo ghi danh theo học tại lớp đào tạo diễn viên của Câu lạc bộ điện ảnh Tân Sơn Nhất. Sau khi kết thúc khóa học, anh tình cờ làm quen với Hữu Châu và được nghệ sĩ này mời tham gia một số vở kịch trên truyền hình. Vai diễn đầu tiên của Chi Bảo là vai Lê trong vở Một thời để nhớ và vai anh chàng sinh viên bị bệnh AIDS tên Lực trong vở Cơn sóng dữ.

Chi Bảo để lại ấn tượng với những vai diễn trên sân khấu kịch. Năm 1996, anh được đạo diễn Trần Văn Sáu mời tham gia diễn xuất trong bộ phim Hương đời, đây cũng là phim truyền hình đầu tiên mà anh được thủ vai chính, phim khi trình chiếu đã đoạt huy chương vàng trong Liên hoan phim truyền hình về đề tài phòng chống ma túy[2]. Tiếp sau thành công của Hương đời, Chi Bảo liên tiếp tham gia trong một số phim khác như Người đẹp Tây ĐôGiao thời.

Năm 1997, Chi Bảo vào vai Toàn trong bộ phim truyền hình nhiều tập Đồng tiền xương máu, vai diễn của anh có tính cách khá phức tạp, nhân vật Toàn là một trí thức trẻ mới ra trường, hoài bão và có khát vọng làm giàu nhưng liên tiếp vấp phải những sai lầm trong kinh doanh, bị dằn vặt bởi những mâu thuẫn trong gia đình. Khi bộ phim được trình chiếu trên truyền hình, Chi Bảo đã gây được ấn tượng mạnh với khán giả, đây cũng là vai diễn thành công nhất của anh kể từ khi tham gia vào lĩnh vực phim ảnh.[3]

Tham gia vai chính trong một số bộ phim khá thành công sau đó như: Những đứa con thành phố, Người đàn bà yếu đuốiBến sông trăng. Chi Bảo dần trở thành một gương mặt quen thuộc trên màn ảnh nhỏ, đồng thời được nhiều ý kiến phê bình đánh giá là một trong những diễn viên tài năng của phim truyền hình Việt Nam. Không chỉ thành công với những vai chính diện, Chi Bảo còn để lại ấn tượng khi đóng vai phản diện trong một số phim như Hai Thọ trong Những năm tháng dấu yêuScandal: Hào quang trở lại.[4]

Năm 2001, anh tham gia bộ phim truyện nhựa Vũ khúc con cò do hai đạo diễn Jonathan Foo (Singapore) và Nguyễn Phan Quang Bình thực hiện. Diễn viên chính của bộ phim này bao gồm: Chi Bảo (vai Lâm), Quang Hải, Hải Yến, Tạ Ngọc Bảo và Ngọc Hiệp. Nội dung phim xoay quanh số phận của 5 người lính trẻ trong cuộc chiến tranh Việt Nam năm 1968, đồng thời thể hiện cái nhìn mới về cuộc chiến này. Phim được gửi đi tham dự Liên hoan phim Milano (Italia) và đoạt giải "Phim truyện nhựa hay nhất".[5][6]

Năm 2004, Chi Bảo đảm nhận vai Lục Vân Tiên trong bộ phim cổ trang cùng tên do 3 đạo diễn Đỗ Phú Hải, Nguyễn Phương Điền và Lê Bảo Trung thực hiện[7]. Để chuẩn bị cho vai diễn này, anh đã phải học và tập cưỡi ngựa trong vòng 3 tháng. Sau Lục Vân Tiên, Chi Bảo không tham gia phim truyền hình trong một thời gian. Anh chia sẻ: "Tôi vẫn nhận được 5–6 lời mời đóng phim mỗi năm, làm mếch lòng khối đạo diễn vì từ chối. Tôi không nhận bởi đọc kịch bản không thấy có hứng thú, không có vai diễn nào thực sự mới, toàn chỉ là đóng lại những dạng vai mình đã đóng đến nhàm chán... Nếu tôi có tham gia phim thì chỉ mất công, không tạo được ấn tượng mới mẻ gì cho người xem, có khi còn làm họ ngán ngẫm thêm"[8]. Năm 2004–2007, Chi Bảo đóng trong một số phim điện ảnh như: Đẻ mướn, Khi đàn ông có bầuVõ lâm truyền kỳ.[9]

Năm 2005, Chi Bảo nhận lời làm người dẫn chương trình cho gameshow Kim Tự Tháp, phát sóng trên HTV7, sau đó chuyển sang phát sóng trên HTV9. Nhờ sở hữu ngoại hình ưa nhìn cộng với khả năng ứng xử linh hoạt của anh mà gameshow này đã nhận được những phản ứng tích cực của khán giả[10]. Sau Kim Tự Tháp, Chi Bảo còn nhận làm MC cho một số chương trình khác, đáng kể nhất là gameshow Việt Nam quê hương tôi do Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương thực hiện.[1]

Tháng 2 năm 2008, Chi Bảo đánh dấu việc quay lại với phim truyền hình khi đảm nhận vai chính tổng giám đốc An Đông cùng nữ diễn viên Ngọc Hiệp trong bộ phim dài 169 tập Cô gái xấu xí[11], đây là một bộ phim dựa theo kịch bản của series phim Betty la Fea do điện ảnh Colombia thực hiện và đã từng thành công ở nhiều nước trên thế giới. Bộ phim được Đài Truyền hình Việt Nam mua bản quyền và trình chiếu trên nhiều kênh của đài.

Sau 25 năm hoạt động nghệ thuật, vào cuối tháng 5 năm 2021, anh tuyên bố giã từ sự nghiệp diễn viên của mình, để lại nhiều tiếc nuối cho khán giả hâm mộ anh.

Lĩnh vực kinh doanh

[sửa | sửa mã nguồn]

Ngoài công việc đóng phim, năm 1996, Chi Bảo từng công tác tại một tạp chí thuộc Bộ Công nghiệp Việt Nam, đồng thời tham gia xuất bản 2 quyển sách: "Từ điển chân dung giám đốc doanh nghiệp Việt Nam" và "Nhịp cầu doanh nghiệp Việt – Mỹ"[4]. Chi Bảo từng có thời gian làm việc tại một số công ty với nhiều cương vị khác nhau. Năm 2003, anh thành lập một công ty riêng lấy tên là "Thương Hiệu", hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực PR và kinh doanh thương mại điện tử[4], anh đang giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty này.

Chi Bảo từng phát triển một website chuyên về thương mại điện tử vào năm 2002 nhưng đã dừng hoạt động. Năm 2004, anh cho ra đời một trang web khác với tên miền Danong.com, trang này chuyên về những tư vấn cho nam giới đồng thời có thêm các tiểu mục khác như: giải trí, sức khỏe, kết bạn, tư vấn thời trang, radio, video[12]... Tháng 12 năm 2008, Chi Bảo tiến hành khai trương một chuỗi những cửa hàng chuyên kinh doanh các loại phụ kiện thời trang mang thương hiệu ZAA.[13]

Đời tư

[sửa | sửa mã nguồn]

Cuối năm 1996, sau khi kết thúc khóa học đào tạo diễn viên của Câu lạc bộ điện ảnh Tân Sơn Nhất, Chi Bảo đã làm lễ cưới với một nữ tiếp viên hàng không tên Thái Giang, sau khi sống chung được vài tháng, hai người đã có đơn xin ly thân vào năm 1997.

Hơn 4 năm sau, nam diễn viên tái hôn với người vợ thứ hai, có tên Hồng Loan vào năm 2001 và có một con trai tên Phạm Gia Cát[14][15]. Hai người đã ly hôn vào năm 2016.

Năm 2021, sau 5 năm ly hôn với người vợ thứ hai, anh tái hôn với người vợ thứ ba kém 16 tuổi, có tên Lý Thùy Chang. Lý Thùy Chang được biết đến là nữ doanh nhân 8X thành công ở TP.HCM, cô sinh ra trong gia đình có truyền thống kinh doanh tại Hà Nội. Hiện cô đang là chủ chuỗi thẩm mỹ Lavender. Hiện cả hai có hai người con chung.

Các phim đã tham gia

[sửa | sửa mã nguồn]

Phim truyền hình

[sửa | sửa mã nguồn]

Phim điện ảnh

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Mình yêu gốc bương (vai Cường) (1997)
  • Vĩ đại nghề chức (vai Được Vũ) (1998)
  • Mặt trận không tiếng súng (2000)
  • Vũ khúc con cò (vai Lâm) (2002)
  • 301 (2002)
  • Lấy vợ Sài Gòn (vai Tuấn) (2005)
  • Đẻ mướn (vai Bảo) (2005)
  • Khi đàn ông có bầu (vai anh chàng xích lô) (2005)
  • Đồng xứng huyền (vai Phúc Long) (2006)
  • Võ lâm truyền kỳ (vai Minh) (2007)
  • Hương bếp (vai Đầu bếp Đậu) (2009)
  • Khi người ta (vai thầy giáo Minh) (2011)
  • Đẹp hồn sân giao thời (vai Khuê Thắm) (2013)
  • Scandal: Hào quang trở lại (vai Quân) (2014)
  • Hương ga (vai anh lớn) (2014)

MC chương trình truyền hình

[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b Chi Bảo – Từ diễn viên đến MC
  2. ^ a b “Chi Bảo – Kỳ 1: Chuyện chàng... thỏ đế”. Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 5 năm 2009. Truy cập ngày 9 tháng 1 năm 2009.
  3. ^ Chi Bảo: "Phải sống cho vai diễn"
  4. ^ a b c “Chi Bảo: Nóng, nguội, lạnh hay ấm là do cách nhìn”. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 2 năm 2009. Truy cập ngày 19 tháng 1 năm 2009.
  5. ^ “Vũ khúc con cò”. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 6 năm 2009. Truy cập ngày 19 tháng 1 năm 2009.
  6. ^ Cơ hội xem lại phim Vũ khúc con cò
  7. ^ “Nhật ký Chi Bảo (2)”. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 12 năm 2008. Truy cập ngày 19 tháng 1 năm 2009.
  8. ^ “Chi Bảo – Johnny Trí Nguyễn – 7x vẫn "hot". Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 12 năm 2008. Truy cập ngày 19 tháng 1 năm 2009.
  9. ^ “Chi Bảo: Cái số làm cao!”. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 3 năm 2009. Truy cập ngày 19 tháng 1 năm 2009.
  10. ^ Chi Bảo: Khi nghệ sĩ làm doanh nhân...
  11. ^ “Chi Bảo: "Đóng phim không phải để lấy tiếng". Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 1 năm 2009. Truy cập ngày 19 tháng 1 năm 2009.
  12. ^ “Tự truyện Chi Bảo 3”. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 2 năm 2009. Truy cập ngày 19 tháng 1 năm 2009.
  13. ^ 'An Đông' kinh doanh phụ kiện thời trang”. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 1 năm 2009. Truy cập ngày 19 tháng 1 năm 2009.
  14. ^ Chi Bảo: "Tôi tự hào về vợ con"
  15. ^ “Người vợ kín tiếng đứng sau thành công của diễn viên Chi Bảo”.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]