Bước tới nội dung

Người vô hình

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
(Đổi hướng từ Người vô hình (H. G. Wells))
Người vô hình
Bìa sách do Tao Đàn và NXB Văn học ấn hành
Thông tin sách
Tác giảH. G. Wells
Quốc giaAnh
Ngôn ngữTiếng Anh
Thể loạiKinh dị, khoa học viễn tưởng
Nhà xuất bảnC. Arthur Pearson
Ngày phát hành1897
Kiểu sáchIn (bìa cứng & bìa mềm)
Số trang149
Bản tiếng Việt
Người dịchNguyễn Như Mai, Lê Tiến
Lê Đình Chi
Nguyễn Minh
Nhà xuất bảnNhà xuất bản Kim Đồng
Nhà xuất bản Văn học
Ngày phát hành1985
2016
2018
Kiểu sáchIn
Số trang273

Người vô hình (tiếng Anh: The Invisible Man) là một cuốn tiểu thuyết giả tưởng của H. G. Wells phát hành năm 1897 theo từng tập trong Pearson's Weekly và được chuyển thành sách vào cùng năm. Người vô hình mà nhan đề đề cập ở đây là Griffin, một nhà khoa học đã cống hiến hết mình trong công cuộc nghiên cứu về quang học, đồng thời khám phá ra cách thay đổi chiết suất của cơ thể xuống mức ngang với không khí để nó không hấp thụ cũng như phản xạ với ánh sáng. Sau bao năm mày mò nghiên cứu, cuối cùng anh cũng thực hiện thành công thí nghiệm tàng hình nhưng lại không thể đảo ngược kết quả. Do là một người mang tính cách bạo lực và vô trách nhiệm, Griffin đã trở thành một biểu tượng nổi bật đối với dòng tiểu thuyết kinh dị.

Dù những cuốn tiểu thuyết ra mắt trước đó là Cỗ máy thời gianHòn đảo của tiến sĩ Moreau được viết bằng cách sử dụng ngôi thứ nhất, Wells lại áp dụng quan điểm khách quan của ngôi kể thứ ba trong Người vô hình. Tác phẩm này được coi là có ảnh hưởng và giúp cho Wells trở thành "cha đẻ của thể loại khoa học viễn tưởng".[1]

Cốt truyện

[sửa | sửa mã nguồn]

Câu chuyện kể về Griffin, một người đàn ông bí ẩn đến ở tại một nhà trọ địa phương nằm tại một ngôi làng ở Iping, Tây Sussex, nước Anh trong một cơn bão tuyết. Người lạ mặt đeo một chiếc áo dày tà dài và găng tay; khuôn mặt của anh được quấn hoàn toàn bằng băng vải ngoại trừ cái mũi giả màu hồng, đồng thời còn đội một chiếc mũ rộng vành. Anh ta sống rất ẩn dật, nóng nảy, và không thân thiện với những người xung quanh. Griffin yêu cầu được ở một mình và dành phần lớn thời gian trong phòng làm việc với một tập hợp các hóa chất và thiết bị phòng thí nghiệm, đồng thời chỉ ra ngoài vào ban đêm. Trong khi Griffin đang ở tại nhà trọ, hàng trăm chai thủy tinh kỳ lạ (mà anh gọi là hành lý của mình) được giao đến nơi. Nhiều người dân thị trấn nghĩ điều này thật kỳ lạ, thế là anh trở thành đề tài bàn tán của làng.

Trong lúc này, một vụ trộm bí ẩn bỗng xảy ra trong làng, ngay giữa lúc Griffin sắp trắng tay và cố gắng tìm cách trả tiền ăn ở. Khi bà chủ nhà trọ yêu cầu anh thanh toán tiền rồi rời khỏi nơi ấy, Griffen bèn trở nên phẫn nộ rồi thể hiện khả năng tàng hình của mình trước mặt mọi người. Nỗ lực bắt giữ kẻ lạ mặt của thầy quyền[a] Jaffers bỗng chốc tiêu tan khi Griffen cởi sạch quần áo ra để tận dụng lợi thế tàng hình, hạ gục những kẻ định bắt anh rồi chạy trốn đến South Downs.

Griffin bắt một kẻ lang thang tên Thomas Marvel rồi buộc hắn trở thành trợ lý của anh. Cùng với Marvel, anh trở về làng để lấy lại ba cuốn sổ ghi chép các bước thí nghiệm. Khi Marvel cố gắng phản bội Người vô hình bằng cách cầu cứu cảnh sát, Griffin đuổi theo hắn đến tận thị trấn ven biển của Cảng Burdock, đe dọa giết chết Marvel. Marvel trốn thoát đến một quán trọ địa phương và được cứu bởi những người ở trọ nhưng Griffin lại tẩu thoát thành công. Marvel sau đó đi đến đồn cảnh sát và nói với họ về "người vô hình" này, sau đó yêu cầu được nhốt trong một nhà tù an ninh cao.

Sự giận dữ của Griffin trong việc trả thù Marvel đã dẫn việc anh bị bắn. Anh bèn đến trú ẩn trong một căn nhà gần đó mà hóa ra lại thuộc về Bác sĩ Kemp, một người quen cũ từ trường y khoa. Tại đây, anh tiết lộ danh tính thực sự của mình với Kemp: Người vô hình là Griffin, một cựu sinh viên y khoa đã rời ngành dược để cống hiến hết mình cho quang học. Griffin kể lại cách mình phát minh ra hóa chất có khả năng làm cơ thể vô hình. Ban đầu anh thí nghiệm trên một mảnh vải, kế đến là con mèo và cuối cùng là chính mình. Để tránh bị phát giác, anh đã phóng hỏa căn nhà mà mình tá túc hòng xóa sạch mọi chứng cứ về cuộc thí nghiệm.

Lang thang trên đường trong trạng thái vô hình, Griffin nhận ra mình không có đủ vật dụng để có thể tồn tại, thế nên anh đã đánh cắp một số quần áo trong một cửa hàng trên đường Drury. Sau đó, anh tiến về Iping để đảo ngược lại kết quả của cuộc thí nghiệm. Lúc này, do đắm chìm trong ảo tưởng về sự chinh phục và vĩ cuồng, Griffin nghĩ rằng Kemp có thể liên minh với mình để thống trị thiên hạ. Nào ngờ, Kemp lại bí mật liên lạc với chính quyền địa phương mà đứng đầu là đại tá Adye. Viên đại tá cùng người của mình liền đến dinh thự của Kemp hòng tóm gọn người vô hình. Nhận ra sự phản bội của người bạn, Griffin cuống cuồng bỏ chạy trước sự ngỡ ngàng của đại tá. Ngày hôm sau, anh gửi một bức thư cho Kemp với nội dung ghi rằng Kemp sẽ là người đầu tiên bị xử tử trong "Thời đại Khủng bố". Dẫu thế nhưng Kemp vẫn giữ được sự lạnh lùng và lập ra kế hoạch, trong đó mình sẽ là mồi nhử. Xui xẻo thay, lá thư miêu tả chi tiết kế hoạch mà anh gửi cho Adye lại bị người vô hình cướp mất. Trong thời gian này, người vô hình cũng ra tay sát hại một người đàn ông tên là Wicksteed.

Griffin bắn Adye, sau đó đột nhập vào nhà Kemp. Các sĩ quan của Adye bèn chống trả lại anh, tạo cơ hội cho Kemp chạy xuống chân đồi thị trấn. Tuy nhiên, Griffin vẫn đuổi sát nút và gần như bóp cổ vị bác sĩ. Chứng kiến cảnh đó, đám đông cư dân thị trấn dồn Griffin vào chân tường và đánh đập anh một cách tàn nhẫn. Bất chấp những việc làm độc ác của Griffin, Kemp vẫn yêu cầu cư dân thị trấn dừng tay lại để cứu sống người vô hình. Nỗ lực ấy vẫn không cứu mạng được Griffin, người đã cất lên những tiếng kêu thảm thiết cuối cùng trong đời mình. Thân thể của Griffin dần lộ diện, nằm phơi ra giữa cảnh bi ai và cô tịch giữa sự giá lạnh chết chóc đến rợn người. Một sĩ quan cảnh sát hét lên rằng ai đó hãy lấy khăn che lại mặt của Griffin.

Đoạn kết tác phẩm kể về việc anh chàng Marvel đã bí mật cất giấu những quyển sách của Griffin, đồng thời, nhờ số tiền năm xưa, giờ đây anh đã trở thành một nhà kinh doanh thành công khi điều hành một nhà trọ mang tên "Người vô hình". Khi rỗi rãi, anh ngồi trong văn phòng và nghiền ngẫm các ghi chú của Griffin với hy vọng một ngày nào đó sẽ tái dựng lại thành quả của Griffin. Vì một số trang đã vô tình bị mất chữ trong lúc chạy trốn, còn các ghi chú còn lại được mã hóa bằng tiếng Hy Lạp và Latinh, nên Marvel không thể hiểu được chúng ngay cả những ký hiệu toán học đơn giản nhất.

Nguồn gốc

[sửa | sửa mã nguồn]

Văn học thiếu nhi là một thể loại nổi bật trong thập niên 1890. Theo John Sutherland, Wells và những người cùng thời với ông như Arthur Conan Doyle, Robert Louis Stevenson hay Rudyard Kipling "về cơ bản là chuyên viết sách dành cho người lớn". Sutherland cũng xác định rằng Người vô hình là một trong những tác phẩm như vậy.[2] Tác giả Wells nói rằng nguồn cảm hứng của ông để viết cuốn tiểu thuyết đến từ "The Perils of Invisibility", một trong số những câu thơ Bab Ballad của W. S. Gilbert, bao gồm câu đối "Peter Già biến mất hệt như một phát bắn/nhưng rồi bộ quần áo của y thì lại không".[3] Ngoài ra, nguồn cảm hứng cũng bắt nguồn từ Cộng hòa của Platon, một tác phẩm có ảnh hưởng sâu đậm đến Wells ngay khi ông đọc nó vào thời niên thiếu. Trong quyển sách thứ hai của Cộng hòa, Glaucon đã kể lại truyền thuyết về Chiếc nhẫn của Gyges, trong đó nói rằng nếu một người trở nên vô hình và có thể hành động tùy ý mà không bị trừng phạt, anh ấy sẽ "bước đi giữa những người đàn ông với sức mạnh của một vị thần".[4] Wells đã thảo ra phiên bản gốc của câu chuyện trong quãng thời gian từ tháng 3 đến tháng 6 năm 1896. Phiên bản này là một truyện ngắn 25.000 từ mang tựa đề "The Man at the Coach and Horses", thế nhưng Wells không hài lòng với nó và ông đã tiếp tục mở rộng cốt truyện.[5]

Tính chính xác khoa học

[sửa | sửa mã nguồn]

Nhà văn Nga Yakov I. Perelman đã chỉ ra trong cuốn Vật lý giải trí (1913) rằng từ quan điểm khoa học, một người trở nên vô hình bằng phương pháp của Griffin lẽ ra đã bị mù vì mắt người hoạt động bằng cách hấp thụ ánh sáng, chứ không cho nó xuyên qua hoàn toàn. Wells dường như cũng đã đề cập đến vấn đề này trong Chương 20, khi mà mắt của một con mèo tàng hình vẫn hiện ra võng mạc. Tuy nhiên, điều này vẫn không đủ vì võng mạc sẽ tràn đầy ánh sáng (từ mọi hướng) và thường bị chặn lại bởi màng cứng mờ đục của nhãn cầu. Ngoài ra, bất kỳ hình ảnh nào cũng sẽ xuất hiện một cách mờ mịt nếu như giác mạcthủy tinh thể không nhìn thấy được.[6]

Người vô hình đã được chuyển thể và trở thành nguồn cảm hứng bất tận đối với nhiều phương tiện khác nhau, chẳng hạn như điện ảnh, kịch phát thanh và truyện tranh. Allen Grove, giáo sư kiêm chủ nhiệm bộ môn Anh ngữ tại Đại học Alfred đưa ra nhận định như sau:

Người vô hình đã trở thành một tác phẩm "con cháu đầy đàn". Nó được chuyển thể thành truyện tranh bởi Classics Illustrated vào thập biên 1950 và Marvel Comics vào năm 1976. Bên cạnh đó, nhiều nhà văn cũng như nhà làm phim cũng tạo ra các phần hậu truyện tiếp theo của cuốn tiểu thuyết, lấy cảm hứng từ đoạn kết của truyện vẫn còn chất chứa nhiều mơ hồ. Hơn một chục bộ phim điện ảnh và truyền hình đã dựa trên cuốn tiểu thuyết, bao gồm một cuốn phim của James Whale năm 1933 cùng một bộ phim năm 1984 của đài BBC. Hơn nữa, tác phẩm còn được chuyển thể dưới dạng phát thanh nhiều lần, bao gồm cả phiên bản năm 2017 với sự tham gia của John Hurt trong vai người vô hình. Sức lan tỏa văn hóa của Người vô hình đã dẫn đến mọi thứ, từ vai khách mời của anh trong một tập phim Tom và Jerry cho đến ca khúc "The Invisible Man" của ban nhạc Queen.[7]

  1. ^ Tên gọi cũ của sĩ quan cảnh sát.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Westfahl, Gary biên tập (2009). The Science of Fiction and the Fiction of Science: Collected Essays on SF Storytelling and the Gnostic Imagination. Critical Explorations in Science Fiction and Fantasy. McFarland & Company. tr. 41. ISBN 978-0786437221.
  2. ^ Wells 1996, tr. xv.
  3. ^ Wells 1996, tr. xviii.
  4. ^ Wells 2017a, tr. xvii.
  5. ^ Wells 1996, tr. xxix.
  6. ^ Buchen, Lizzie (11 tháng 4 năm 2008). “If Mark Twain Had Taught Physics”. Discover. Bản gốc lưu trữ ngày 31 tháng 1 năm 2022. Truy cập ngày 31 tháng 1 năm 2022. Đã định rõ hơn một tham số trong |ngày truy cập=|access-date= (trợ giúp)
  7. ^ Wells, H.G. (2017b). The Time Machine and The Invisible Man. Race Point Publishing. tr. xvi.

Thư mục

[sửa | sửa mã nguồn]

Liên kết

[sửa | sửa mã nguồn]