Bước tới nội dung

Húy kỵ

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
(Đổi hướng từ Kỵ húy)

Húy kỵ hay kiêng húy (đôi khi gọi là kị húy hoặc tỵ húy; n.đ. "tránh tên") là việc tránh dùng một số tên để bày tỏ sự tôn trọng trong xã hội tại các nước quân chủ chuyên chế thuộc khu vực văn hóa chữ Hán. Theo luật của một số nước thời xưa, mọi người dân phải kiêng kỵ tên húy của vua bằng cách không được phép dùng để đặt tên cho con cái trong gia đình cũng như không được phép dùng trong văn tự hay trong lời nói hàng ngày. Trong gia đình, con cái có thể kiêng gọi tên thật của ông bà tổ tiên do truyền thống văn hóa. Trong đời sống xã hội, có thể là do mê tín dị đoan mà người dân tránh dùng một từ nào đó.

Nguồn gốc

[sửa | sửa mã nguồn]

Kỵ húy có nguồn gốc từ Trung Quốc từ rất lâu và ảnh hưởng tới nhiều quốc gia trong khu vực văn hóa chữ Hán.

Tại Việt Nam

[sửa | sửa mã nguồn]
Những tên kỵ húy của nhà Nguyễn.

Việt Nam có lịch sử một ngàn năm đô hộ của Trung Quốc nên chịu ảnh hưởng nền văn hóa Trung Quốc, trong đó có văn hóa "húy kỵ". Lệnh kiêng húy đầu tiên trong lịch sử Việt Nam được ban hành tháng sáu năm Kiến Trung thứ tám (1232) dưới thời Trần Thái Tông[1]. Hoàng đế nhà Trần biện lẽ là ông tổ nhà Trần tên huý là "Trần Lý" nên ai tên họ là Lý phải đổi tên. Lệnh hoàng đế đã ban thì thần dân phải thi hành; và đương nhiên con cháu nhà Lý phải từ bỏ gốc gác họ hàng của mình để được tồn tại. Lệnh kiêng húy do hoàng đế ban ra để giữ vẻ uy nghi của ngai vàng, kẻ nào phạm húy sẽ bị tru di tam tộc.

Sang triều Hậu Lê, ngày 20 tháng 4 âm lịch năm 1428, sau khi lên ngôi được 5 ngày[2] hoàng đế Lê Thái Tổ đã ban bố ngay lệnh kiêng húy rộng rãi nhất lịch sử[3]: Kiêng đến nhiều loại húy: quốc húy (gồm chính húy và thường húy), tên húy, gia tộc kính húy và dân gian húy[4].

Và từ đó đến mãi thời nhà Nguyễn, lệnh kiêng húy tiếp tục duy trì, nhiều thời được áp dụng một cách khắt khe. Do kiêng húy mà những danh nhân đất Việt đã một thời biến âm thành tên khác như Ngô Thì Nhậm (Ngô Thời Nhiệm)[cần dẫn nguồn]...

Húy kỵ dưới triều đại phong kiến Việt Nam, đặc biệt Quốc húy dưới thời các vua Nguyễn, khá phức tạp. Húy kỵ đã được nâng lên thành Quốc luật, làm thay đổi một phần ngôn ngữ.

Kỵ húy đối với sĩ tử khi đi thi thì có hai hạng: khinh húytrọng húy. Khinh húy là phải kiêng tên cha mẹ chú của hoàng đế. Trọng húy là kiêng tên của vua. Ai phạm khinh húy trong bài thi thì bị đóng gông phơi nắng ba ngày, xong lại suốt đời bị cấm đi thi. Phạm trọng húy thì không những thí sinh bị mà những thày dạy học cũng bị phạt vì lỗi đã không chu toàn trách nhiệm giáo dục. Ai đang làm quan mà viết sớ phạm trọng húy cũng bị phạt như giáng cấp. Triều Gia Long luật pháp bắt đánh 80 trượng.[5]

Việc kỵ húy ảnh hưởng không những ở lời nói cửa miệng khi nói trại âm, mà ngay chữ viết, nhất là những công văn chữ Nho phải thay đổi, khi thêm bớt nét, khi thì dùng chữ cận âm hay đồng nghĩa để tránh phạm húy. Cũng căn cứ vào những sửa đổi trong văn tự này mà các học giả sau này có thể thẩm định niên đại của một bản văn dựa theo những cách viết kỵ húy.

Một số nhà sử học nước ta kiêng húy chữ "Tông" (Tên húy của hoàng đế Thiệu Trị) mà đã đổi tên của các vua nước ta trước đó. Ví dụ:

BẢNG LIỆT KÊ NHỮNG CHỮ QUỐC HÚY THỜI NGUYỄN THƯỜNG GẶP
Âm chính
  • câm
  • lan
  • lỵ
  • thụy
Âm trại
  • kim
  • lang, lam
  • lợi
  • thoại
Âm chính
  • chu
  • dung
Âm trại
  • châu
  • dong
Âm chính
  • ánh
  • chủng
  • đảm
  • kiểu
  • hoa
  • miên
Âm trại
  • yên, yếng, ảnh
  • chưởng
  • đởm
  • cảo
  • huê, hóa
  • mên, mang
Âm chính
  • tông
  • tuyền
  • hằng
  • hạo
  • nhậm
  • hồng
Âm trại
  • tôn
  • toàn
  • thường
  • hiệu
  • nhiệm
  • hường
Âm chính
  • thì
  • hài
  • chân
  • đường
  • cảnh
  • lân
Âm trại
  • thời
  • hia
  • chơn
  • đàng
  • kiểng
  • liên

Ngoài tên riêng là nguyên tổ và vua, nhiều khi tên của những người thân thuộc với vua cũng được kiêng như: cha, mẹ, vợ, con, anh, em,... và có khi đến hàng ông nội, bà nội, tên giả, chữ đệm của vua cũng được kiêng.

Hiện tượng biến đổi từ

[sửa | sửa mã nguồn]

Ngoài hiện tượng nói trại do kiêng húy, nhiều danh từ khác cũng được nói trại so với ngôn ngữ phổ thông như: đàn (nhạc cụ) thành đờn, sinh (đẻ) thành sanh, chính (chính trị, hành chính, chính sách, chính nghĩa,...) thành chánh, nàng thành nường, phụng (loài chim) thành phượng, long thành luông,tụng kinh thành tuộng canh, thủy thành thoải, ba thành bơ, v.v.

Thay đổi địa danh

[sửa | sửa mã nguồn]

Từ thời nhà Lê, vì kiêng tên chúa Trịnh Giang mà Cẩm Giang và Võ Giang gọi là Cẩm GiàngVõ Giàng. Cũng theo lệ đó vì tên chúa Tây Vương Trịnh Tạc mà Tây Châu phải đổi là Nam Châu, Sơn Tây đổi làm xứ Đoài.[6] Vào đầu thời nhà Nguyễn phong tục này tiếp tục không những được duy trì mà còn mở rộng, vua Gia Long bắt kiêng cả tên con dâu 15 tuổi mới cưới về tên là Hồ Thị Hoa, do đó, chợ Đông Hoa phải đổi là chợ Đông Ba, cầu Hoa đổi là cầu Bông, huyện Hoa Khê (Phú Thọ) đổi thành huyện Cẩm Khê và huyện Mộ Hoa (Quảng Ngãi) đổi thành huyện Mộ Đức. Do chữ "Thiên" phạm đến Trời nên cho đổi từ chùa "Thiên Mụ" thành chùa "Linh Mụ", huyện Thiên Thi (Hưng Yên) đổi thành huyện Ân Thi, huyện Thiên Bản (Nam Định) đổi thành huyện Vụ Bản và huyện Thiên Lộc (Hà Tĩnh) đổi thành huyện Can Lộc. Có nhiều từ ngữ khác, nhất là địa danh do kiêng húy mà biến đổi, nay đã thành quen thuộc: Trấn Thanh Hoa, đến thời Minh Mạng chuyển thành tỉnh, bị gọi là tỉnh Thanh Hóa[3], Kỳ Hoa chuyển thành Kỳ Anh hay sông Minh Lương (sông Bến Hói) đổi thành sông Hiền Lương, xã Trà Hương (tổng Trà Hương, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương) đổi thành Trà Phương, huyện Thanh Đàm đổi thành huyện Thanh Trì (Hà Nội), huyện Vĩnh Ninh phải đổi tên đến hai lần thành huyện Vĩnh Phúc rồi huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa)...

Lệ kỵ húy và vai trò khảo cổ

[sửa | sửa mã nguồn]

Trong các văn tịch và di tích cổ, các nhà nghiên cứu lịch sử các nước Á Đông trong khối chịu ảnh hưởng Nho học, trong đó có Việt Nam thường tìm những chữ thêm bớt nét (gọi là khuyết bút)[7] hoặc trại âm để giúp ấn định thời điểm của việc biên chép, tôn tạo vì mỗi triều đại phong kiến lại quy định kỵ húy nhất định.[8] Ví dụ như triều Lê thì văn tịch phải kiêng tên vua Lê Thái Tổ, người khai sáng ra triều đại đó vốn là "Lợi", nhưng sang thời nhà Nguyễn thì không còn kiêng chữ Lợi trong các các văn kiện nữa, và theo đó có thể phân biệt rõ ràng thư tịch thời Lê với thời Nguyễn. Tuy nhiên phương pháp này cũng có những hạn chế ví dụ như những công văn thì việc ghi chép phải giữ phép tắc rõ ràng nhưng trong phạm vi riêng tư hạn hẹp, những trước tác góp nhặt thì không. Hơn nữa nhiều văn bản khi sao lại vào một thời điểm khác thì lại bỏ những phép xưa và lồng vào đó phép kỵ húy đương thời, dễ gây ra ngộ nhận về thời điểm tác phẩm.

Tại Trung Quốc

[sửa | sửa mã nguồn]

Trong suốt lịch sử Trung Quốc, có những vua có tên húy là những chữ thông dụng, nên đã tìm cách để việc kiêng húy trở nên bớt nặng nề đối với thần dân. Chẳng hạn, Hán Tuyên Đế có húy là Bệnh Dĩ (病已) chứa hai chữ Hán rất phổ biến nên đã đổi tên thành Tuân (詢), một chữ ít phổ biến hơn.[9] Tương tự, Đường Thái Tông Lý Thế Dân (李世民) có hai chữ rất phổ thông là ThếDân chỉ bị cấm dùng với nhau mà không bị cấm dùng khi đứng đơn lẻ. Tuy nhiên, con trai ông là Đường Cao Tông đã yêu cầu cấm dùng hai chữ này hoàn toàn sau khi vua cha mất, điều này khiến tể tướng Lý Thế Tích phải đổi tên thành Lý Tích.[10]

Tại Nhật Bản

[sửa | sửa mã nguồn]

Bán đảo Triều Tiên

[sửa | sửa mã nguồn]

Triều Tiên thống nhất

[sửa | sửa mã nguồn]

Triều Tiên

[sửa | sửa mã nguồn]

Bộ mã ký tự KPS 9566 của Triều Tiên quy định thêm 6 ký tự đặc biệt dành cho tên của hai lãnh tụ của họ là Kim Il-sung (김일성) và Kim Jong-il (김정일) mà không sử dụng các ký tự Hangul sẵn có trong bộ mã. Sáu ký tự này nằm ở vị trí mã 04-72 đến 04-77, với dạng phông chữ đặc biệt, được in đậm so với các ký tự cùng tên thông thường, trong đó ký tự dành cho họ Kim (김) được mã hóa hai lần (vị trí mã 04-72 và 04-75)[11].

Hàn Quốc

[sửa | sửa mã nguồn]

Phương pháp tránh phạm húy

[sửa | sửa mã nguồn]

Đổi chữ Hán

[sửa | sửa mã nguồn]

Thay chữ Hán này bằng chữ Hán khác (còn gọi là cải dụng (pháp)), thông thường áp dụng đối với trọng húy (chữ húy nặng, thường là tên vua). Ví dụ:

Thông thường việc thay chữ một chữ kiêng húy bằng một chữ đồng nghĩa hoặc đồng âm. Chẳng hạn Huyền Vũ môn 玄武門 (xuán wǔ mén) ở Tử Cấm Thành đã được đổi thành Thần Vũ môn 神武門 (shēn wǔ mén) để tránh tên của Khang Hi là Huyền Diệp (玄燁).

Bỏ chữ Hán

[sửa | sửa mã nguồn]

Tức là bỏ trống ô chữ, còn gọi là không tự (pháp). Ví dụ:

Viết biến dạng

[sửa | sửa mã nguồn]
Tên thật của Khang Hi là Huyền Diệp (玄燁) được bỏ bớt nét trên mỗi chữ.

Chữ Hán kiêng húy có thể được thêm nét, bớt nét (gọi là khuyết bút), dùng chữ dị thể hoặc đảo bộ. Đời nhà Trần quy định về tị húy thường là viết bỏ bớt nét hoặc thêm vòng tròn nhỏ kế bên chữ. Đời nhà Lê thường viết thêm trên chữ húy 4 hay 3 nét gãy (<<<< hay <<<). Việc bỏ một nét (khuyết nhất bút) thường là nét cuối cùng, và được áp dụng đối với khinh húy (chữ húy nhẹ, thường là tên tổ tiên vua). Ví dụ, tên thật của Khang Hi là Huyền Diệp (玄燁) được bỏ bớt nét trên mỗi chữ (xem hình bên).

Đổi âm đọc

[sửa | sửa mã nguồn]

Vẫn giữ chữ Hán nhưng chỉ thay đổi cách đọc, cách này thường phổ biến tại Việt Nam. Ví dụ:

Phân loại

[sửa | sửa mã nguồn]

Quốc húy

[sửa | sửa mã nguồn]

Quốc húy là việc tránh tên thật của đế vương và tổ tiên của ông ta. Chẳng hạn như vào thời nhà Tần, tên húy của Tần Thủy Hoàng là Doanh Chính (嬴政) bị cấm không dùng, nên tháng đầu tiên "chính nguyệt" (政月: tháng hành chính) được đổi thành "chính/chinh nguyệt" (正月: tháng ngay thẳng) rồi sau đó lại đổi thành "đoan nguyệt" (端月: tháng ngay thẳng). Chữ 正 cũng phải được đọc bằng âm khác (zhèng đổi thành zhēng) để tránh đồng âm. Hơn thế nữa, cấm dùng tên tổ tiên của vua chúa tính đến bảy đời về trước. Việc cấm này được luật hóa, những ai phạm húy sẽ bị trừng phạt nặng.

Dân gian kính húy

[sửa | sửa mã nguồn]

Trong dân gian, người ta có thể kiêng tên các vật linh thiêng. Một trường hợp phổ biến là cọp được đổi thành "Ông Ba Mươi", hay lửa đổi thành "Bà Hỏa". Các cư dân miền biển vì kính trọng cá voi xanh, thần hộ mệnh cho người đi biển nên họ không gọi thẳng tên mà dùng tên gọi "(Cá) Ông (Nam Hải)". Mỗi khi có cá chết dạt vào bờ, người dân tổ chức tang lễ rất trang trọng và dựng lăng cho cá gọi là Lăng Ông.

Gia húy hoặc tộc húy là việc tránh nói tới hoặc kiêng dùng tên ông bà cha mẹ trong phạm vi gia đình, do truyền thống tôn trọng tổ tiên tại Á Đông. Đối với tổ tiên đã khuất, sự kiêng cử càng được tôn trọng và đặt nặng. Khi đặt tên cho con cái, bố mẹ phải tránh dùng tên của tổ tiên và của những người bề trên trong dòng họ. Trong đời sống hàng ngày, khi gặp những tiếng trùng với tên ông bà, cha mẹ, tổ tiên, thì con cháu phải gọi chệch đi, hoặc tìm một từ đồng nghĩa thay thế. Thậm chí vào thời trước, có những người khi vào nhà ai phải hỏi tên húy để kiêng, hoặc nếu có mừng câu đối cho ai thì cũng phải hỏi trước chủ nhà để xem có chữ gì phạm húy thì bỏ đi.

Thánh nhân húy

[sửa | sửa mã nguồn]

Thánh nhân húy là tránh dùng tên của các bậc thánh nhân đời trước. Ví dụ vào đời nhà Kim, người ta tránh dùng tên của Khổng Tử.

Ảnh hưởng

[sửa | sửa mã nguồn]

Ảnh hưởng của húy kỵ lên tất cả các loại danh xưng, tên gọi như đã thấy trên cả theo hướng tích cực, tiêu cực hay trung tính. Nhưng một trong mặt ảnh hưởng xấu của nó trong xã hội phong kiến phương Đông, phải kể đến việc áp dụng các quy định luật lệ về kỵ húy trong thi cử nho học: nhiều sĩ tử đi thi nho học thời xưa, thường bị đánh trượt không phải là do không học tài, mà do phạm húy. Đây cũng là một nguyên nhân làm nền giáo dục nho học suy thoái, không tìm được người nhân tài cho quốc gia[12]. Trần Tế Xương trong bài Thi hỏng có câu:

Rõ thực nôm hay mà chữ dốt,
Tám khoa chưa khỏi phạm trường quy.

Việc phạm quốc húy thường bị trừng phạt rất nặng. Kỵ húy được ghi vào luật pháp các triều đại phong kiến Trung Quốc với các hình phạt rất hà khắc đối với người phạm quốc húy, như Luật triều Đường quy định:"Trực tiếp nói tên hoàng đế là phạm đại tội bất kính, không xá miễn". Năm 1777, Vương Tích Hầu (王錫侯) đã phê phán Khang Hi tự điển trong tự điển của ông và viết tên Càn Long mà không dùng khuyết bút (bỏ nét) như luật. Hành động này dẫn tới việc ông bị tru di cửu tộc và tịch biên toàn bộ tài sản.[13] Trước đó năm 1757, một quan bố chánh người Chiết Giang đã nghỉ hưu tên là Bành Gia Bằng, để cho một thư sinh tên là Đoạn Xương Tự đăng một câu văn cảo, trong đó nói đến tên húy của vua Càn Long là "Hoằng Lịch" nhưng không bớt nét, do đó Bành Gia Bằng phải tự sát, Đoạn Xương Tự bị chém đầu.

Việc kỵ húy bản thân cũng có mâu thuẫn: nếu không biết tên thật của vua chúa thì rất khó để kiêng, do vậy bằng cách này hay cách khác, tên húy của vua chúa sẽ được truyền xuống dân chúng một cách không chính thức. Vào năm 435 thời Bắc Ngụy, sứ giả Cao Câu Ly đã chính thức thỉnh cầu Bắc Ngụy gửi cho họ một văn bản có tên của hoàng đế để tránh phạm phải húy khi gửi văn từ giao thiệp. Bắc Ngụy Thái Vũ đế liền đồng ý.[14]

Do mỗi đời vua của mỗi triều đại đều có những quy định riêng về kiêng húy nên việc tìm hiểu về kị húy có thế giúp xác định được niên đại của các bia ký và văn bản đời trước.

Ngược lại với tập tục này, phải kể đến phong tục đặt tên thánh (hay tên cha mẹ đỡ đầu) cho con người khi mới chào đời, ở các nước phương Tây.

Ngày nay, những quy định về kiêng húy không còn hiệu lực nữa, vì nó là hình thức quá vô lý với đời sống ngôn ngữ và xã hội một thời, nhưng một số sách vở và trong xã hội do ảnh hưởng của lệ kiêng húy trước đây vẫn dùng chữ kiêng húy trong hành văn vì thói quen lâu ngày để lại.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]

(tiếng Việt)

  • Ngô Đức Thọ, Bước đầu nghiên cứu chữ húy đời Trần, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, số 1 năm 1986.
  • Ngô Đức Thọ, Nghiên cứu chữ húy Việt Nam qua các triều đại, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Nhà xuất bản Văn hóa, 1997.
  • Phạm Văn Bân, Tị húy trong sinh hoạt của người Việt Nam.
  • Dương Phước Thu, Húy kỵ và Quốc húy thời Nguyễn, Nhà xuất bản Thuận Hóa.
  • Đỗ Đức Thọ, Chữ Nam viết kiêng húy và vấn niên đại của chuông Vân Bản Lưu trữ 2020-08-03 tại Wayback Machine, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Thông báo Hán Nôm học 1996 (tr.376-383).

(tiếng Pháp)

  • Ngô Đức Thọ, Les caractères interdits au Vietnam à travers l'histoire, Emmanuel Poisson dịch và chú giải

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Đại Việt sử ký toàn thư - Quyển V - Kỷ nhà Trần - Thái Tông hoàng đế
  2. ^ Đại Việt sử ký toàn thư - Quyển X - Kỷ nhà Lê - Thái Tổ Cao hoàng đế
  3. ^ a b “Kiêng húy – Sự khắc nghiệt vô lý”. Báo Người lao động. Truy cập 16 tháng 9 năm 2018.
  4. ^ Theo Húy kỵ và Quốc húy thời Nguyễn của Dương Phước Thu, Nhà xuất bản Thuận Hóa
  5. ^ Lê Ngọc Trụ. (1973). "Từ-nguyên-học dễ hiểu". Khoa học Nhân văn, tr 9
  6. ^ “Kỵ húy tại Việt Nam”. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 7 năm 2011. Truy cập ngày 13 tháng 10 năm 2010.
  7. ^ "Tên chữ Hán của Hồ Quý Ly là 胡季犛 hay 胡季釐(厘)?"
  8. ^ "Tìm hiểu về tục kỵ huý của người Việt"
  9. ^ Tư trị thông giám, quyển 25.
  10. ^ Tư trị thông giám, quyển 199.
  11. ^ “Bản mã KPS 9566-97, trang 7” (PDF). Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 12 tháng 2 năm 2006. Truy cập ngày 21 tháng 7 năm 2010.
  12. ^ “TIẾP CẬN NỀN GIÁO DỤC KHOA CỬ THỜI LÊ SƠ”. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 17 tháng 7 năm 2010.
  13. ^ “Cary Academy: The Qing Glory Days”. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 11 năm 2008. Truy cập ngày 21 tháng 7 năm 2010.
  14. ^ Tư trị thông giám, quyển 122.