Bước tới nội dung

Hiển Từ Thuận Thiên hoàng hậu

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
(Đổi hướng từ Hoàng hậu Thuận Thiên)
Hiển Từ Thuận Thiên
Hoàng hậu
顯慈順天皇后
Trần Thái Tông Hoàng hậu
Hoàng hậu Đại Việt
Tại vị1237 - 1248
Đăng quang1237
Tiền nhiệmChiêu Thánh Hoàng hậu
Kế nhiệmNguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng hậu
Thông tin chung
SinhTháng 6, năm Bính Tý
(1216)
bãi Cửu Liên
MấtTháng 6, năm Mậu Thân
(1248)
Thăng Long
An tángChiêu lăng (?)
Phu quânTrần Liễu
Trần Thái Tông
Hậu duệ
Tên húy
Lý Ngọc Oanh (李宝莹)[a]
Thụy hiệu
Hiển Từ Thuận Thiên Hoàng hậu
(顯慈順天皇后)
Tước hiệuThuận Thiên Công chúa (順天公主)
Thuận Thiên Hoàng hậu (順天皇后)
Hoàng tộcNhà Lý (khi sinh)
Nhà Trần (kết hôn)
Thân phụLý Huệ Tông
Thân mẫuLinh Từ Quốc mẫu

Hiển Từ Thuận Thiên Hoàng hậu (chữ Hán: 顯慈順天皇后, 1216 - 1248), là vị hoàng hậu thứ hai của Trần Thái Tông - vị hoàng đế đầu tiên của nhà Trần. Bà là mẹ của Trần Thánh Tông Trần Hoảng, Tĩnh Quốc đại vương Trần Quốc Khang và Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải, theo đó còn là bà nội trực hệ của Trần Nhân Tông Trần Khâm.

Tiểu sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Hiển Từ Thuận Thiên Hoàng hậu có tên húy là Oanh (莹)[1], là con gái cả của Lý Huệ Tông Lý Hạo Sảm, mẹ là Linh Từ Quốc mẫu Trần thị - con gái Trần Lý và là cô ruột của Trần Thái Tông Trần Cảnh. Dưới bà có một người em gái là "Chiêu Thánh Công chúa", tức Lý Chiêu Hoàng. Năm Bính Tý, Kiến Gia năm thứ 6 (1216), mùa hạ, tháng 6 (âm lịch), Lý Oanh được sinh ở bãi Cửu Liên[b], tước phong ban đầu là Thuận Thiên Công chúa (順天公主)[2].

Khi ấy, vào đầu năm Bính Tý, mẹ của Thuận Thiên là Trần thị vừa được sách phong làm Thuận Trinh Phu nhân do đang mang thai. Căn cứ thời gian được sắc phong (tháng giêng năm ấy) cùng khoảng thời gian bà được sinh ra, thì thời điểm Trần thị được sách phong là lúc bà đã mang thai Thuận Thiên vào tháng thứ 3, nhưng vì sự thù ghét của Đàm Thái hậu mà hai mẹ con Thuận Thiên suýt bị hại thảm. Vào lúc ấy, Thái hậu họ Đàm coi anh thứ của Trần thị là Trần Tự Khánh như giặc cướp, nói Trần thị là nội ứng của giặc nên tìm mọi cách để giết hại, nhiều lần còn ra tay ép uống thuốc độc chết. Để cứu mẹ con Thuận Thiên, Lý Huệ Tông đã cùng Trần thị nhiều lần trốn đến chỗ của Trần Tự Khánh nên thành ra lần ấy bà được được sinh ra ngay ở bãi Cửu Liên, nơi đóng quân của Trần Tự Khánh.

Sau khi sinh ra Thuận Thiên, thì cuối năm ấy, vào tháng Chạp (âm lịch), Trần thị chính thức trở thành hoàng hậu. Không rõ khoảng thời gian nào mà Thuận Thiên Công chúa được gả cho người anh em họ ngoại là Phụng Càn vương Trần Liễu - con trai cả của Nội thị Phán thủ Trần Thừa, anh trai lớn của mẹ bà. Trong thời gian ở cùng Trần Liễu, bà Thuận Thiên sinh được ít nhất một người con trai, tức Vũ Thành vương Trần Doãn.

Từ chị dâu trở thành Hoàng hậu

[sửa | sửa mã nguồn]

Sau khi Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Thái Tông để trở thành "Chiêu Thánh Hoàng hậu", chồng của Thuận Thiên là Liễu khi ấy đảm nhiệm làm chức Thái úy nhưng hữu danh vô thực, sau một khoảng thời gian thì Liễu được chọn làm phụ chính và được em trai đặc biệt sách phong danh xưng "Hiển Hoàng" (顯皇) - một danh vị cho thấy địa vị của Trần Liễu gần với Trần Thái Tông[3]. Sau đó Trần Liễu vì phạm tội cưỡng dâm cung tần triều Lý nên bị giáng làm "Hoài vương" (懷王). Thời gian này dẫu địa vị Trần Liễu có ra sao, Thuận Thiên vẫn là "công chúa", mà tước vị công chúa trong hàng ngoại mệnh phụ luôn là tước vị độc lập cao nhất, chỉ sau các hậu phi của nhà vua.

Năm Đinh Dậu, Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 6 (1237), Thuận Thiên Công chúa được lập làm hoàng hậu, em gái bà là Chiêu Thánh bị phế truất danh hiệu hoàng hậu mà trở lại địa vị công chúa. Bấy giờ Chiêu Thánh không có con, mà Thuận Thiên đã có mang được 3 tháng. Thái sư Trần Thủ Độ và Thiên Cực công chúa (tức Linh Từ Quốc mẫu) bàn kín với Thái Tông là nên mạo nhận lấy để làm chỗ dựa về sau, cho nên có lệnh ấy. Tức giận, Trần Liễu hội quân ra sông Cái làm loạn nhưng thua trận, thuộc hạ đều bị Trần Thủ Độ ra lệnh giết chết tất cả. Sau cùng Trần Thái Tông niệm tình nên ban các vùng đất An Phụ, An Dưỡng, An Sinh, An Hưng và An Bang[c] làm trang ấp cho anh cả, lại cải phong vị hiệu làm "An Sinh vương" (安生王). Sau khi mất, An Sinh vương Liễu được truy phong làm "Khâm Minh Đại vương" (欽明大王). Như vậy Thuận Thiên, từ vị trí "chị dâu" kiêm "chị vợ", nay trở thành người vợ mới của Trần Thái Tông. Em gái bà là Chiêu Thánh không rõ hành tung cụ thể, chỉ biết bà vẫn giữ địa vị là một công chúa hoàng thất đến khi qua đời, hạ giá lấy Lê Phụ Trần và sinh được 2 người con.

Sau khi về làm vợ của Trần Thái Tông, Thuận Thiên sinh ra đứa con vốn là của Trần Liễu, đứa bé sinh ra tức Tĩnh Quốc đại vương Trần Quốc Khang. Vì thân phận đặc biệt, Quốc Khang được Trần Thái Tông nhận làm con trưởng, là anh cả trong tất cả những người con của Thái Tông, thế nhưng cuối cùng lại không có quyền kế thừa ngôi vị. Vào năm Canh Tý, Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 9 (1240), vào ngày 25 tháng 9 (âm lịch), Thuận Thiên Hoàng hậu sinh "Hoàng đích trưởng tử" tên gọi Trần Hoảng, lập tức được lập làm trữ quân, tức tương lai là Trần Thánh Tông[4]. Sang năm sau, là năm Tân Sửu (1241), khoảng tháng 10 (âm lịch), bà sinh ra tiếp vị hoàng tử thứ hai là Trần Quang Khải[5].

Qua đời

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm Mậu Thân, Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 17 (1248), tháng 6, Thuận Thiên Hoàng hậu qua đời, hưởng dương 32 tuổi.

Thụy hiệu của bà theo Toàn thư chép ban đầu là Hiển Từ Thuận Thiên Hoàng thái hậu (顯慈順天皇太后), điều này bị rất nhiều sử gia chê trách vì Thuận Thiên là hoàng hậu của Thái Tông mà khi qua đời lại truy thụy hiệu làm hoàng thái hậu - tức vai mẹ của hoàng đế[6]. Tuy nhiên vào đời Trần Anh Tông Trần Thuyên, thụy hiệu của bà đã được ghi lại thành "Hiển Từ Hoàng hậu"[7], có lẽ về sau đã sửa lại cho đúng quy tắc, hoặc như sử gia Nguyễn Nghiễm đã bình luận rằng thụy hiệu thái hậu này của bà Thuận Thiên là do con trai Trần Thánh Tông về sau tôn thêm.

Cũng trong sách Toàn thư, địa điểm mà bà Thuận Thiên được an táng cũng không ghi rõ ràng, có lẽ là hợp táng với Thái Tông trong Chiêu lăng[d].

Hậu duệ

[sửa | sửa mã nguồn]

Sử không ghi rõ bà sinh được bao nhiêu người con, nhưng những người sau đây là chính xác:

  1. Trần Doãn (陳尹), không rõ năm sinh, phong hiệu Vũ Thành vương (武成王). Vào tháng 7 năm 1256, sau khi Thuận Thiên qua đời, Doãn bị thất thế nên đem cả nhà trốn sang đất nhà Tống, bị thổ quan Tư Minh là Hoàng Bính bắt lại đưa trả cho Đại Việt.
  2. Trần Quốc Khang (陳國康), phong hiệu Tĩnh Quốc Đại vương (靖國大王).
  1. Trần Thánh Tông, tên "Hoảng" (晃).
  2. Trần Quang Khải (陳光啓), phong hiệu Chiêu Minh Đại vương (昭明大王).
  • Còn tranh nghị:
  1. Thái Đường Công chúa, được cho là con gái cả của Trần Thái Tông và bà Thuận Thiên. Theo "Ngọc phả hệ bảo tích" trong bộ Trần triều hiển Thánh chính tập biên gồm 6 quyển, mỗi quyển khoảng 200 trang được ghi nhận vào thời nhà Nguyễn, thì công chúa được sinh ra trước khi bà Thuận Thiên qua đời (năm 1248), lấy Hầu tước tên Vũ Tỉnh, sinh ra Vũ Thành, tập ấm cai quản vùng Lục Ngạn xứ Kinh Bắc (nay thuộc Bắc Giang)[8].

Đền thờ

[sửa | sửa mã nguồn]

Thuận Thiên Hoàng Hậu được dân lập đền thờ cùng với 2 người chồng là Trần LiễuTrần Cảnh

Trong văn hoá đại chúng

[sửa | sửa mã nguồn]
Năm Tác Phẩm Diễn Viên
2011 Thái sư Trần Thủ Độ Hạnh Lê

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Chữ khác của chữ (瑩), một loại đá đẹp và trong suốt.
  2. ^ Nguyên văn là Cửu Liên châu (究連洲), có lẽ là bãi tả ngạn sông Hồng, gần Cửu Cao, trong đất huyện Văn Giang cũ, nay thuộc huyện Mỹ Văn, tỉnh Hải Hưng.
  3. ^ Thuộc hai huyện Đông TriềuYên Hưng, tỉnh Quảng Ninh ngày nay.
  4. ^ Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chú thích: Trước là địa phận làng Đa Cương, mộ tổ nhà Trần táng ở đấy, vì thế mới đổi là phủ Long Hưng; đời nhuận Hồ đổi là Tân Hưng; nhà Lê đổi là Tiên Hưng; bây giờ cũng theo gọi như trước, thuộc tỉnh Hưng Yên (bây giờ thuộc phần lớn tỉnh Thái Bình).

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ “Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư・Quyển VI・Kỷ Nhà Trần・Anh Tông Hoàng Đế”. Nomfoundation. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 5 năm 2021. Truy cập ngày 16 tháng 5 năm 2021. Giáp Ngọ, Hưng Long năm thứ 2 [1294], (Nguyên Chí Nguyên năm thứ 31). Mùa xuân tháng 2, ngày mồng 7 ban bố các chữ quốc huý... các chữ nội huý: Thánh Từ hoàng hậu là Phong, Thuận Từ hoàng hậu là Diệu, Hiển Từ hoàng hậu là Oanh...
  2. ^ Ngô Sĩ Liên (1993), "Bản kỷ・Quyển 4, Huệ Tông Hoàng đế": Mùa hạ, tháng 6, hoàng trưởng nữ sinh ở bãi Cửu Liên, sau phong làm công chúa Thuận Thiên.
  3. ^ Ngô Sĩ Liên (1993), "Bản kỷ・Quyển 5, Thái Tông Hoàng đế": Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Thái Tông đối với anh là Liễu, có ý muốn tôn kính khác thường, cho nên làm việc việc quá đáng này. Sách phong là Hiển Hoàng, thế là danh không chính rồi. Đã danh không chính thì nói không thuận, nói không thuận thì việc không thành. Liễu manh tâm làm loạn, vị tất đã không phải do đấy.
  4. ^ Ngô Sĩ Liên (1993), "Bản kỷ・Quyển 5, Thái Tông Hoàng đế": Canh Tý, [Thiên Ứng Chính Bình] năm thứ 9 [1240], (Tống Gia Hy năm thứ 4). Tháng 9, ngày 25, hoàng đích trưởng tử là Hoảng sinh, lập làm Đông cung thái tử. Đại xá.
  5. ^ Ngô Sĩ Liên (1993), "Bản kỷ・Quyển 5, Thái Tông Hoàng đế": Hoàng tử thứ ba Quang Khải sinh, là em cùng mẹ với thái tử Hoảng. Quốc Khang là anh trưởng, sau đều phong đại vương. Thứ đến Nhật Vĩnh, Ích Tắc, Chiêu Văn, đều phong vương. Thứ nữa thì phong thượng vị hầu. Con trưởng của các vương thì phong vương, các con thứ thì phong thượng vị hầu, coi đó là chế độ lâu dài.
  6. ^ Quốc sử quán triều Nguyễn (1998), tr. 204, "Chính biên・Quyển 6": Tháng 6. Hoàng hậu Lý thị mất, truy tôn là Hiển Từ Hoàng thái hậu. Lời bàn của Nguyễn Nghiễm: "Hoàng hậu Lý Thị nguyên là vợ An Sinh vương Liễu, Thái Tông nhân khi Lý thị đã có thai, cướp lấy làm vợ mình, như thế đã thương luân bội lý lắm rồi, lúc mất lại tôn là Thái hậu, thì còn có nghĩa lý gì? Có lẽ sau này Thánh Tông lên nối ngôi vua, mới truy tôn Lý Thị là mẹ đẻ của mình, mà nhà làm sử đem chép lầm ở đây, cũng chưa biết chừng. Nếu không thế thì cướp chị dâu làm vợ, tôn vợ lên như mẹ, lại còn có nhân đạo gì nữa dư?". Lời bàn của Ngô Thì Sĩ: "Cả một đời nhà Trần vẫn gọi là đời không có nghi lễ. Việc truy tôn Lý hậu làm Hoàng thái hậu dễ thường cũng có; hành động sai lầm như vậy, thật đáng chê cười!
  7. ^ Ngô Sĩ Liên (1993), "Bản kỷ・Quyển 6, Anh Tông Hoàng đế": Giáp Ngọ, Hưng Long năm thứ 2 [1294], (Nguyên Chí Nguyên năm thứ 31). Mùa xuân tháng 2, ngày mồng 7 ban bố các chữ quốc húy: chữ húy của vua là Thuyên, của Nhân Tông là Khâm, của Thánh Tông là Hoảng; của Thái Tông là Cảnh, của Thái Tổ là Thừa, của Nguyên Tổ là Lý; các chữ nội húy: Thánh Từ hoàng hậu là Phong, Thuận Từ hoàng hậu là Diệu, Hiển Từ hoàng hậu là Oanh, Nguyên Thánh hoàng hậu là Hâm.
  8. ^ Bùi Văn Tam (31 tháng 5 năm 2006). “Các công chúa của vua Trần Thái Tông”. Xưa & Nay.
Nguồn tham khảo