Bước tới nội dung

Gia Luật Lưu Ca (nhà Nguyên)

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
(Đổi hướng từ Da Luật Lưu Ca (nhà Nguyên))
Gia Luật Lưu Ca
耶律留哥
Thông tin cá nhân
Sinh1165
Mất1220
Giới tínhnam
Gia quyến
Anh chị em
Yelü Sibu
Phối ngẫu
Lady Yaoli
Hậu duệ
Yelü Xuedu, Yelv Yongan, Yelv Shange
Nghề nghiệpquân nhân
Dân tộcKhiết Đan
Quốc tịchnhà Nguyên

Gia Luật Lưu Ca (chữ Hán: 耶律留哥, 11651220) hay Lưu Cách (琉格) [1], người dân tộc Khiết Đan, là thủ lĩnh nổi dậy phản kháng cuối đời Kim, nhà sáng lập nước Đông Liêu. Ông là một trong số ít thủ lĩnh nổi dậy chủ động quy phụ Mông Cổ, rất được Thành Cát Tư hãn xem trọng.

Khởi nghĩa kháng Kim

[sửa | sửa mã nguồn]

Ban đầu Lưu Ca làm Thiên hộ ở bắc biên của nhà Kim. Thành Cát Tư hãn quật khởi ở Mạc Bắc, Kim đình e ngại di dân Khiết Đan nổi dậy, hạ lệnh cứ 1 hộ Khiết Đan thì lấy 2 hộ Nữ Chân kìm kẹp. Lưu Ca không yên lòng, năm 1212 [2], trốn đến Long An [3], Hàn Châu [4], tụ tập tráng sĩ, cướp bóc nơi ấy. Châu phát lính lùng bắt, đều bị Lưu Ca đánh đuổi. Khi ấy có Gia Luật Đích cũng nổi dậy, Lưu Ca bèn cùng ông ta hợp lực, tiến hành mộ binh, sau vài tháng lực lượng lên đến hơn 10 vạn. Mọi người đề cử Lưu Ca làm Đô nguyên soái, Đích làm phó, bày doanh trướng dài trăm dặm, uy chấn Liêu Đông.

Quy phụ Mông Cổ

[sửa | sửa mã nguồn]

Thành Cát Tư hãn mệnh Án Trần Na Diễn, Hồn Đô Cổ hành quân đến Liêu Đông [5], Lưu Ca tìm đến xin hàng. Đôi bên họp mặt ở Kim Sơn, Lưu Ca làm thịt ngựa trắng, bò trắng, lên núi Kim Sơn nhìn về phía bắc, bẻ tên mà thề; Án Trần Na Diễn hứa hẹn sẽ giao việc chinh phục Liêu Đông cho ông.

Đánh bại quân Kim

[sửa | sửa mã nguồn]

Kim đình sai Hàm Bình [6] binh mã đô tổng quản Hoàn Nhan Thừa Dụ soái 60 vạn quân, xưng trăm vạn, đến đánh Lưu Ca [7], đánh tiếng rằng ai bắt được 1 lạng xương của ông thì thưởng 1 lạng vàng, 1 lạng thịt của ông thì thưởng 1 lạng bạc, còn được thế tập 1 vạn hộ. Lưu Ca nhắm không địch nổi, cáo cấp với Mông Cổ. Thành Cát Tư hãn sai Án Trần, Bột Đô Hoan [8], A Lỗ Đô Hãn đưa 1000 kỵ binh đến giúp Lưu Ca, cùng quân Kim đối trận ở Địch Cát Não Nhi [9]. Lưu Ca lấy cháu là An Nô làm tiên phong, đánh cho quân Kim đại bại, đem quân nhu bắt được hiến cho Mông Cổ. Thành Cát Tư hãn triệu Án Trần trở về, để lại Khả Đặc Ca làm phó của Lưu Ca, đồn trú đất ấy.

Xưng vương định đô

[sửa | sửa mã nguồn]

Mọi người cho rằng Liêu Đông đã định, vào tháng 3 ÂL năm 1213 [10], đề cử Lưu Ca làm vương, tức là Liêu vương; ông lập vợ là Diêu Lý thị làm phi, đổi niên hiệu là Nguyên Thống [11], lấy thân thuộc là Gia Luật Tư Bất [12] làm quận vương, bọn Pha Sa, Tăng Gia Nô, Gia Luật Đích, Lý Gia Nô làm thừa tướng, nguyên soái, thượng thư, Thống Cổ Dữ, Trứ Bát [13] làm Hành Nguyên soái phủ sự; đặt quốc hiệu là Liêu, sử cũ gọi là nước Đông Liêu. Năm 1214 [2], Kim đình sai Ôn Địch Hãn Thanh Cẩu từ Ích Châu đi sứ, dụ hàng Lưu Ca, hứa ban cho bổng lộc cao, ông không nghe. Thanh Cẩu vốn làm Tri Quảng Ninh phủ, sau khi chạy trốn khỏi phủ Quảng Ninh phải bỏ lại vợ con, đến nay nhắm chừng không xong, bèn đi theo với nghĩa quân. Kim Tuyên Tông tức giận, sai Hàm Bình tuyên phủ Bồ Tiên Vạn Nô [14] lãnh hơn 40 vạn quân đến đánh [15]. Lưu Ca chống trả ở thượng du Hoàng Hà thuộc huyện Quy Nhân [16], quân Kim tan vỡ, Vạn Nô thu tàn binh chạy về Đông Kinh [17]. An Đông đồn tri A Liên sợ [18], sai sứ xin quy phụ. Vì thế Lưu Ca chiếm trọn châu quận Liêu Đông, bèn định đô ở Hàm Bình, gọi là Trung Kinh. Kim tả phó nguyên soái Di Lạt Đô [19] đem 10 vạn quân [15] đến đánh, lại bị Lưu Ca đánh bại.

Từ chối xưng đế

[sửa | sửa mã nguồn]

Tháng 10 ÂL năm 1215 [10], Bồ Tiên Vạn Nô tự xưng Thiên vương, phản kháng nhà Kim, đem quân lên phía bắc đánh Hàm Bình, buộc Lưu Ca phải bỏ chạy. Sau đó Vạn Nô ra phía đông đánh Sa Tốc, bị quân Kim đánh bại; Vạn Nô không cam lòng, đem quân tái chiến, lại bị quân Kim đánh bại [20]. Tháng 11 ÂL [10], Lưu Ca biết tin hậu phương của Vạn Nô trống rỗng, bèn đem quân phá Đông Kinh (Vạn Nô buộc phải xin hàng Mông Cổ). Bọn Gia Luật Tư Bất khuyên Lưu Ca xưng đế, ông nói: Ngày trước tôi cùng Án Trần Na Diễn thề ước, nguyện nương nhờ nước Đại Mông Cổ, dẹp yên bờ cõi. Nếu nuốt lời ấy mà tự xưng hoàng đế ở miền đông, là chống lại ông trời đấy. Chống lại ông trời hẳn là sai lầm lớn vậy. Bọn họ cố nài, Lưu Ca xưng bệnh không ra ngoài, ngầm cùng con trai là Tiết Đồ đem 90 xe đồ vàng, 500 thẻ bạc, đến Án Thản Bột Đô Hãn chầu bái Thành Cát Tư hãn [21].

Vào chầu Đại hãn

[sửa | sửa mã nguồn]

Trong số những thủ lĩnh phản kháng nhà Kim đến cống nạp [22], Lưu Ca không phải là người sớm nhất, Thành Cát Tư hãn cũng có lệnh ai đến trước thì gặp trước, nhưng lại cho rằng Lưu Ca trượng nghĩa hiệu thuận, không như những kẻ khác chịu bức bách mà đến, nên gọi Lưu Ca vào trước. Sau khi gặp mặt, Thành Cát Tư hãn rất hài lòng, nói với tả hữu rằng: Phàm những gì Lưu Ca hiến, đem cáo với trời, rồi mới nhận. Người Mông Cổ bày những thứ ấy trên giạ trắng, sau 7 ngày mới nạp vào các kho. Nhân đó Thành Cát Tư hãn hỏi quan chức của Lưu Ca, ông đáp: Là Liêu vương. Thành Cát Tư hãn mệnh ban Kim hổ phù, vẫn cho làm Liêu vương; lại hỏi có bao nhiêu hộ tịch, đáp rằng: Hơn 60 vạn. Nhân đó Thành Cát Tư hãn mệnh cho Lưu Ca điều động 3000 người làm Ngốc Lỗ Hoa quân [23], lấy 300 người Mông Cổ đi chọn; Lưu Ca sai đại phu Khất Nô [24], an phủ Ngốc Ca [25] cùng họ trở về. Khi phá Đông Kinh, Khả Đặc Ca chiếm vợ của Vạn Nô là Lý Tiên Nga, Lưu Ca không bằng lòng; đến nay Thành Cát Tư hãn gửi lời trách mắng, đòi bắt ông ta về chịu tội. Khả Đặc Ca sợ, bèn cùng bọn Gia Luật Tư Bất tuyên bố "Lưu Ca đã chết", rồi tiến hành nổi loạn, tấn công 300 người Mông Cổ, chỉ có ba người chạy thoát. Biết tin, Thành Cát Tư hãn vỗ về Lưu Ca, hứa rằng sẽ phong thưởng bội hậu, cho mượn quân đội quay về giành lại những gì đã mất.

Mượn quân dẹp loạn

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 1216 [10], bọn Khất Nô, Kim Sơn, Thanh Cẩu, Thống Cổ Dữ giúp Gia Luật Tư Bất xưng đế ở Trừng Châu, quốc hiệu là Liêu, đổi niên hiệu là Thiên Uy [26], lấy anh trai Lưu Ca là Độc Lạt [27] làm bình chương, đặt trăm quan. Được hơn 1 tháng, nguyên soái Thanh Cẩu bỏ phản quân Khiết Đan quay về với nhà Kim, còn Tư Bất ở ngôi được hơn 70 ngày thì bị bộ hạ giết chết. Phản quân cử thừa tướng Khất Nô làm giám quốc, Khất Nô cùng Hành nguyên soái Nha Nhi [28] chia binh, dân làm 2 cánh trái, phải, đồn trú ở khoảng giữ 2 quan Khai Châu, Bảo Châu. Tướng Kim giữ Cái Châu [29] là Chúng Gia Nô [30] đem quân đánh bại phản quân Khiết Đan ở Khai Châu, khiến phản quân chạy về Đại Phu Doanh. Lưu Ca đưa vài ngàn quân Mông Cổ kéo đến, giành lại anh trai Độc Lạt và vợ mình Diêu Lý thị cùng 2000 hộ. Khất Nô, Nha Nhi đưa mấy vạn tàn quân chạy về phía đông, Lưu Ca đuổi theo không kịp, vượt Liêu Hà trở về, chiêu phủ Ỷ Châu, Quảng Ninh, dời dân đến phủ Lâm Hoàng. Khất Nô vượt sông Áp Lục, chạy vào Cao Ly, sau đó bị Kim Sơn giết chết. Kim Sơn tự xưng quốc vương, đổi niên hiệu là Thiên Đức, sau đó bị Thống Cổ Dữ giết chết. Thống Cổ Dữ tự lập làm chúa, sau đó bị Hảm Xá [31] giết chết. Hảm Xá cũng tự lập làm chúa.

Năm 1217 [10], Lưu Ca đưa quân Khiết Đan cùng quân Mông Cổ của nguyên soái Cáp Chân, phó soái Trát Lạt Diệc Nhi Đài [32] lên đến 10 vạn người, hợp với quân Đông Hạ của nguyên soái Hồ Thổ [33] vào Cao Ly, vây Hảm Xá ở thành Giang Đông. Liên quân đòi Cao Ly cho mượn lương mượn lính, Cao Ly đem ra ngàn thạch lương thực, sai tướng là Triệu Xung, Kim Tựu Lệ đem 40 vạn người đến hội sư. Tháng giêng ÂL năm sau (1219) [34], liên quân hãm thành, Hảm Xá tự thắt cổ. Lưu Ca thu lấy quân dân trong thành đem về, an trí họ ở Tây Lâu.

Qua đời

[sửa | sửa mã nguồn]

Cuối năm 1220 [10], Lưu Ca mất, hưởng thọ 56 tuổi.

Diêu Lý thị đến báo tang, gặp lúc Thành Cát Tư hãn tây chinh, hoàng thái đệ Thiết Mộc Ca Oát Xích Cân (Temuge Otchigin) thừa chế cho Diêu Lý thị được quyền lãnh đạo lực lượng của Lưu Ca 7 năm. Năm 1226 [35], Thành Cát Tư hãn trở về, Diêu Lý thị đem theo con trai là Thiện Ca, Thiết Ca, Vĩnh An, cháu trai là Tháp Tháp Nhi, cháu nội là Thu Quốc Nô, gặp Đại hãn ở hành tại là thành A Lý Tưu thuộc nước Tây Hạ [36]. Thành Cát Tư hãn nói: Chim ưng khỏe không đến được đất này, mày là đàn bà lại có thể à!? rồi ban rượu, an ủi rất nhiều. Diêu Lý thị tâu rằng: Lưu Ca đã mất, quan dân thiếu chủ, con trưởng là Tiết Đồ hỗ tùng (tức là hộ vệ hoàng đế) đã lâu, xin lấy con thứ là Thiện Ca thay thế, để hắn trở về tập tước. Thành Cát Tư hãn nói: Tiết Đồ nay là người Mông Cổ rồi, hắn theo trẫm đánh Tây Vực, Hồi Hồi vây Thái tử ở thành Hợp Mê, Tiết Đồ đưa ngàn quân cứu ra được, bản thân trúng sóc; lại ở thành Bồ Hoa, Tầm Tư Kiền cùng Hồi Hồi giao chiến, bị thương vì tên lạc. Đã tích đủ công lao để làm Bạt đô lỗ, không thể sai đi, hãy để Thiện Ca tập tước của cha. Diêu Lý thị lạy mà khóc nói: Tiết Đồ do vợ trước của Lưu Ca sinh ra, là đích tử, nên được lập. Thiện Ca là do tì tử sinh ra, nếu được lập, là bởi ích kỷ mà làm trái luân thường, tì tử thiết nghĩ không thể làm vậy. Thành Cát Tư hãn khen là người hiền, cấp 40 ngựa dịch, đem mẹ con Diêu Lý thị tòng chinh Tây Hạ, ban 9 tù binh Hạ, 9 thớt ngựa, 9 đĩnh bạc, mỗi loại vật dụng đều có chín món; hứa cho Tiết Đồ tập tước, giữ lại Thiện Ca, Tháp Tháp Nhi, Thu Quốc Nô, chỉ còn con út Vĩnh An theo mẹ về miền đông.

Gia đình

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Gia Luật Tiết Đồ (1193 – 1238), trở thành con tin và phục vụ quân đội Mông Cổ từ cuối năm 1215. Vào lúc Lưu Ca mất (1220), Tiết Đồ đang tham gia cuộc tây chinh của người Mông Cổ, có nhiều chiến công, được ban hiệu Bạt đô lỗ. Năm 1227, Thành Cát Tư hãn đáp ứng thỉnh cầu của mẹ kế Tiết Đồ là Diêu Lý thị, cho phép Tiết Đồ quay về nối tước của Lưu Ca, triệu Tiết Đồ mà dụ rằng: "Khi xưa người Nữ Chân càn rỡ, cha mày khởi binh, từ Liêu Đông hội sư với trẫm, còn có thể cắt đứt tình thân, để mày phụng sự trẫm, tấm lòng trong sáng thành thật ấy thật đáng khen. Kế đó kẻ gian là bọn Da Luật Tư Bật làm phản, nhân dân ly tán. Người muốn ăn thịt cha con mày, nay chẳng còn ai nữa! Trẫm lấy tình anh em đối đãi với cha mày, thì mày cũng như con ta; cha mày đã mất rồi, mày với em ta Biệt Lặc Cổ Đài [37] đều quản hạt quân mã, làm Đệ tam thiên hộ." Tiết Đồ thụ mệnh. Năm 1229, Tiết Đồ theo Hãn Oa Khoát Đài đánh Nam Tống, có công, được ban 400 ngựa, 600 bò, 200 dê. Năm 1230, Tiết Đồ nhận lệnh cùng Trát Lạt Diệc Nhi Đài [38] đông chinh, thu lấy dân chúng mà Lưu Ca để lại, dời sang trấn giữ phủ Quảng Ninh, làm Hành Quảng Ninh lộ đô nguyên soái phủ sự. Trong thời gian 1230 – 1237, liên tiếp tham gia tấn công Cao Ly, Đông Hạ (của Bồ Tiên Vạn Nô), giành lại hơn 6000 hộ. Năm 1238, mất, hưởng thọ 46 tuổi.
  • Gia Luật Thiện Ca (1213/1215 – 1264), được ban tên Mông Cổ Ngạt, từ năm 1226 trở thành con tin ở Mông Cổ, nhận lệnh đi theo thân vương Khẩu Ôn Bất Hoa. Năm 1230 [39], tham gia đánh phá bảo Thiên Thành. Năm sau (1231), tham gia đánh hạ phủ Phượng Tường. Nhờ công được nhận hiệu Sung Bạt đô lỗ. Năm 1232 [40], đưa 3000 quân vượt Hoàng Hà, hội họp với đại quân của Hãn Oa Khoát Đài, tham gia đánh Kim. Sau đó tham gia đánh Nam Tống, chiếm Quang Châu, Táo Dương, từ Thiên hộ thăng Quảng Ninh doãn. Năm 1264, mất, hưởng thọ 52 tuổi [41].
  • Gia Luật Thiết Ca
  • Gia Luật Vĩnh An

Cháu nội

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Con Tiết Đồ là Gia Luật Thu Quốc Nô (1215 – 1259), từ năm 1226 trở thành con tin ở Mông Cổ, làm đến Hành Quảng Ninh phủ lộ tổng quản quân dân vạn hộ phủ sự, đổi tên là Thạch Lạt. Tham gia đánh Cao Ly, có công. Năm 1251 [42], Hãn Mông Ca cho rằng Thạch Lạt 3 đời ra sức vì nước, mệnh cho tạo thêm hổ phù để ban cho, lệnh Thạch Lạt giúp chư vương Dã Khổ [43], Trát Lạt Diệc Nhi Đài [44] khống chế Cao Ly. Năm 1259 [45], mất, hưởng thọ 45 tuổi.
  • Con Thiện Ca là Gia Luật Thiên Hữu được tập chức Quảng Ninh thiên hộ, đổi làm Quảng Ninh huyện doãn.

Chắt nội

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Con Thu Quốc Nô là Gia Luật Cổ Nãi (1234 – 1269) được kế tự, làm Quảng Ninh doãn. Năm 1260, theo chư vương Cáp Đan, Bất Giả đánh dẹp A Lam Đáp Nhi, Hồn Đô Hải ở Sơn Đan, phá được. Năm 1262, tòng chinh Lý Thản, có công phá Dịch Sơn, được nhận thưởng. Năm 1269, nhà Nguyên hợp Quảng Ninh lộ với Đông Kinh, nên Cổ Nãi rời chức, nước Đông Liêu bị phế trừ. Mất trong năm ấy, hưởng thọ 36 tuổi. Con là Thắc Ca.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ TK1, tlđd và TK2, tlđd chép là 留哥/Lưu Ca; TK3, tlđd chép là 琉格/Lưu Cách
  2. ^ a b Chi tiết về năm được TK1, tlđd chép rõ, TK2, tlđd không chép
  3. ^ Nay là huyện Nông An, địa cấp thị Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm
  4. ^ Nay là khu Lê Thụ, địa cấp thị Kê Tây, tỉnh Hắc Long Giang
  5. ^ TK1, tlđd và TK3, tlđd chép "Án Trần Na Diễn, Hồn Đô Cổ", TK2, tlđd chép là "A Lặc Xích Na Nhan". Án Trần Na Diễn/Nhan (按陳那衍/顏, bính âm: àn chén nā yán) có tên gốc là Án Trần, họ Bột Tư Hốt Nhi, thủ lĩnh thị tộc Hoằng Cát Lạt (Khongirad). Án Trần có chị em gái Bột Nhi Đài là vợ của Thành Cát Tư hãn, nhờ quân công được phong vương, ban hiệu Quốc cữu Án Trần Na Diễn. Vào thời Án Trần làm thủ lĩnh, Thành Cát Tư hãn quy định ở thị tộc Hoằng Cát Lạt: con gái sẽ làm hoàng hậu, con trai được gả công chúa, đời đời không dứt; tham khảo Nguyên sử quyển 118. Nguyên sử chép lẫn lộn 2 chữ Diễn và Nhan, nhưng không ảnh hưởng đến tên chuyển âm của nhân vật, vì chúng đồng âm (yán)
  6. ^ Nay là huyện cấp thị Khai Nguyên, địa cấp thị Thiết Lĩnh, tỉnh Liêu Ninh
  7. ^ TK1, tlđd chép Người Kim khiển Hồ Sa soái 60 vạn quân, TK2, tlđd chép Kim khiển Hàm Bình binh mã đô tổng quản Hoàn Nhan Thừa Dụ đến thảo, TK3, tlđd chép Kim khiển Hoàn Nhan Thừa Dụ soái 60 vạn quân, xưng trăm vạn Hoàn Nhan Thừa Dụ có tên Nữ Chân là Hồ Sa, tham khảo Kim sử, quyển 93
  8. ^ TK1, tlđd và TK3, tlđd chép "孛都欢/Bột Đô Hoan", TK2, tlđd chép "宇都欢/Vũ Đô Hoan"
  9. ^ TK1, tlđd chép "迪吉脑儿/Địch Cát Não Nhi", TK2, tlđd chép "迪吉纳兀儿/Địch Cát Nạp Ngột Nhi", TK2, tlđd chép "迪吉诺尔/Địch Cát Nặc Nhĩ", ngày nay là phụ cận huyện Xương Đồ, địa cấp thị Thiết Lĩnh, tỉnh Liêu Ninh
  10. ^ a b c d e f Chi tiết về thời gian dựa theo TK3, tlđd
  11. ^ TK1, tlđd không chép niên hiệu, TK2, tlđd và TK3, tlđd chép như trên
  12. ^ TK1, tlđd chép 耶冢不/Gia Trủng Bất, TK2, tlđd chép 耶律厮不/Gia Luật Tư Bất và TK3, tlđd chép 耶斯布/Gia Tư Bố
  13. ^ TK1, tlđd chép "着拨/Trứ Bát", TK2, tlđd chép "着拔/Trứ Bạt"
  14. ^ TK1, tlđd và TK2, tlđd chép "蒲鲜万奴/Bồ Tiên Vạn Nô", TK3, tlđd chép "富鲜万努/Phú Tiên Vạn Nỗ"
  15. ^ a b Chi tiết về quân số được TK1, tlđd và TK3, tlđd chép rõ, TK2, tlđd không chép
  16. ^ Nay là trấn Tứ Diện Thành, Xương Đồ, Thiết Lĩnh, Liêu Ninh
  17. ^ Nay là địa cấp thị Liêu Dương, Liêu Ninh
  18. ^ TK1, tlđd và TK2, tlđd chép "阿怜/A Liên (hay A Lân)/ā lián", TK3, tlđd chép "阿林/A Lâm/ā lín"
  19. ^ TK1, tlđd và TK2, tlđd chép "移剌都/Di Lạt Đô", TK3, tlđd chép "伊喇都/Y Lạt Đô", đều bính âm là "yī lǎ dū"
  20. ^ Đoạn này dựa theo Tân Nguyên sử (TNS) – Bồ Tiên Vạn Nô truyện, về mặt thời gian có nhiều điểm bất đồng với Nguyên sử (NS) và Tục tư trị thông giám (TTTTG), nên lược đi. Theo TNS, Vạn Nô trấn áp nghĩa quân thất bại, sợ tội bèn nổi dậy ở Đông Kinh vào tháng giêng ÂL, rồi chiếm Hàm Bình, đuổi Lưu Ca. Tháng 5 ÂL, đánh Sa Tốc thất bại. Tháng 9 ÂL, tái chiến, lại thất bại. Sau đó Lưu Ca tập kích Đông Kinh, Vạn Nô xin hàng Mông Cổ. Như vậy theo TNS, vương đô Hàm Bình của Lưu Ca bị chiếm giữ khoảng 10 tháng, nhưng không có ghi chép về hoạt động của Lưu Ca trong giai đoạn này; còn Vạn Nô cũng không truy kích Lưu Ca, mà quay lại tấn công quân Kim ở các nơi. Nếu Vạn Nô có đủ thực lực để xem nhẹ Lưu Ca như thế, thì hành động phản loạn của ông ta thật là khó hiểu
  21. ^ TK1, tlđd chép "按坦孛都罕/Án Thản Bột Đô Hãn", TK2, tlđd chép "桉檀孛鲁罕/Án Đàn Bột Lỗ Hãn", đây là nơi đặt một trong 5 oát nhĩ đóa ngoài của Thành Cát Tư hãn (ordo, nghĩa là cung trướng; Thành Cát Tư hãn có 4 Đại oát nhĩ đóa ở Karakorum và 5 oát nhĩ đóa bên ngoài), nay thuộc huyện (sum) Tsetserleg, tỉnh (aimag) Arkhangai, Mông Cổ. Án Thản hay Án Đàn trong tiếng Mông Cổ là Altan, nghĩa là vàng; Bột Đô Hãn hay Bột Lỗ Hãn trong tiếng Mông Cổ là Buldaq, nghĩa là núi
  22. ^ TK1/2/3, tlđd đều chép là "người Hán", người Mông Cổ gọi người ở khu vực Trung Nguyên của nhà Kim là người Hán, người ở nam Trường Giang của nhà Nam Tống là người Nam
  23. ^ Ngốc Lỗ Hoa quân trong tiếng Hán là Chất tử quân, tức là đội quân con tin. Ngốc Lỗ Hoa quân là một bộ phận của Khiếp Tiết quân, tức là Hộ vệ quân của Đại hãn Mông Cổ
  24. ^ TK1, tlđd và TK2, tlđd chép "Khất Nô", TK3, tlđd chép "Kỳ Nỗ"
  25. ^ TK1, tlđd chép "Ngốc Ca", TK2, tlđd chép "Ngốc Khả"
  26. ^ TK1, tlđd và TK3, tlđd chép như trên, TK2, tlđd chép "tiếm hiệu ở Trừng Châu, xưng Đại Liêu Thu quốc vương, kiến nguyên Thiên Thành"
  27. ^ TK1, tlđd và TK2, tlđd chép "Độc Lạt", TK3, tlđd chép "Thông Lạt"
  28. ^ TK1, tlđd và TK2, tlđd chép "Nha Nhi", TK3, tlđd chép "Tích Nhĩ"
  29. ^ TK1, tlđd và TK3, tlđd chép "Cái Châu", TK2, tlđd chép "Ích Châu"
  30. ^ TK1, tlđd và TK2, tlđd chép "Chúng Gia Nô", TK3, tlđd chép "Trọng Gia Nỗ"
  31. ^ TK1, tlđd và TK2, tlđd chép "Hảm Xá", TK3, tlđd chép "Hách Xá"
  32. ^ TK1, tlđd và TK3, tlđd không chép tên các tướng Mông Cổ, TK2, tlđd chép "nguyên soái Cáp Chân, Trát Lạt Diệc Nhi Đài". Về lý do người viết chọn cách chuyển âm "Trát Lạt Diệc Nhi Đài", xem chú thích bên dưới
  33. ^ Bồ Tiên Vạn Nô xin hàng Mông Cổ, rồi lại phản Mông Cổ, chạy vào Cao Ly, chiếm đất lập nước, đặt hiệu là Đông Hạ. TNS chép tướng của Vạn Nô tham gia trận này là Hoàn Nhan Tử Uyên
  34. ^ TK1, tlđd và TK2, tlđd đều chép như trên; TK3, tlđd chép là tháng 12 năm 1218
  35. ^ TK1, tlđd chép "năm Bính Tuất (1226)", tương đồng với TK2, tlđd chép "năm thứ 21 (thời Mông Cổ Thái Tổ)"
  36. ^ Vị trí của A Lý Tưu chưa khảo cứu được
  37. ^ TK1, tlđd chép "Bột Lỗ Cổ Đài", TK2, tlđd chép "Biệt Lặc Cổ Đài"
  38. ^ TK1, tlđd chép "Tát Nhi Đài", TK2, tlđd chép "Trát Lạt Diệc Nhi Đài". Về lý do người viết chọn cách chuyển âm "Trát Lạt Diệc Nhi Đài", xem chú thích bên dưới
  39. ^ TK1, tlđd chép "năm Kỷ sửu (1229)", TK2, tlđd chép "năm thứ 2 thời Thái Tông" tương đồng với TK3, tlđd
  40. ^ TK1, tlđd chép "năm Nhâm thìn (1232)", TK2, tlđd chép "năm thứ 4 thời Thái Tông (1232)" đều tương đồng với TK3, tlđd
  41. ^ TK1, tlđd chép "52 tuổi", TK2, tlđd chép "50 tuổi"
  42. ^ TK1, tlđd chép "năm Tân hợi (1251)" tương đồng với TK2, tlđd chép "năm đầu tiên thời (Mông Cổ) Hiến Tông (1251)"
  43. ^ TK1, tlđd chép "也苦\Dã Khổ", TK2, tlđd chép "也古\Dã Cổ"
  44. ^ TK1, tlđd chép "Tát Nhi Đài", TK2, tlđd chép "Trát Lạt Diệc Nhi Đài". Người viết ngờ rằng TK1, tlđd (tham khảo trên Wikisource) sai lỗi chính tả, nên xem trọng sự nhất quán của TK2, tlđd
  45. ^ TK1, tlđd chép "năm Kỷ mùi (1259)" tương đồng với TK2, tlđd chép "năm thứ 9 thời (Mông Cổ) Hiến Tông (1259)"