Bước tới nội dung

Ang Snguon

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
(Đổi hướng từ Chey Chettha VII)
Neak Ang Snguon
Vua Campuchia
Vua Campuchia
Tại vị1748-1757
Tiền nhiệmSatha II
Kế nhiệmOutey II
Thông tin chung
Sinh1709
Mất1757
Tên đầy đủ
Ang Snguon
Tước vịQuốc Vương Chân Lạp
Thân phụThommo Reachea III

Neak Ang Snguon (tiếng Khmer: អ្នកអង្គស្ងួន, tiếng Việt: Nặc Nguyên, chữ Hán: 匿原, tiếng Anh: Chey Chettha V hoặc Chey Chettha VII, 1709-1757), tên húy là Ang Snguon tức Nặc Ong[1] Nguyên (匿螉原), là vị Quốc vương Chân Lạp từ năm 1748 đến 1757[2].

Nặc Nguyên được biết đến trong sử Việt là vị quốc vương Chân Lạp[3] đã thua trận và dâng hai phủ Tầm Bôn[4] và Lôi Lạt[5] để tạ tội với triều Việt.

Tiểu sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Nặc Nguyên là con thứ hai của quốc vương Nặc Thâm.

Mùa hè năm Mậu Thìn 1748, Nặc Nguyên, cùng cận thần Cao La Hâm[6][7] (bộ trưởng Hải quân) và quan Ốc đột Lục Mân[8], cầu viện quân Xiêm đánh đuổi quốc vương Nặc Tha chiếm ngôi vua Chân Lạp. Nặc Tha thua trận, chạy sang thành Gia Định cầu cứu triều Việt nhưng bệnh và mất tại đây.[9]

Sau khi lên ngôi, Nặc Nguyên thường đem binh lấn hiếp nhóm người Côn Man, là nhóm di dân người Chăm đã được quốc vương Nặc Thu cho đến ngụ cư tại Lovek (phủ La Bích) trước đây. Về phía Bắc, Nặc Nguyên lại thông sứ với Chúa Trịnh Doanh (1740-1767) để lập mưu đánh Chúa Nguyễn quyết giành lại vùng đất Thủy Chân Lạp.[10]

Vì việc này, chúa Nguyễn Võ vương Nguyễn Phúc Khoát quyết định chinh phạt Chân Lạp. Cuộc chinh phạt này bắt đầu từ năm 1753 và kết thúc vào năm 1756 dẫn đến việc quốc vương Nặc Nguyên thua trận và dâng hai phủ Tầm Bôn[4] và Lôi Lạt[5] để tạ tội với triều Việt.

Năm Đinh Sửu 1757, Nặc Nguyên mất. Một người chú họ của quốc vương là Nặc Nhuận (chữ Hán: 匿 潤) làm Giám quốc, tạm nắm quyền điều hành việc nước. Biên thần triều tấu với Chúa Võ phong Nặc Nhuận làm quốc vương Chân Lạp để ổn định biên cương, Chúa Võ bắt phải hiến đất hai phủ Trà Vang[11], Ba Thắc[12] mới chuẩn cho lập ngôi.

Song sang năm Mậu Dần 1758, Nặc Nhuận bị rể là Nặc Hinh (chữ Hán: 匿 馨) nổi loạn giết chết cướp ngôi. Con của Nặc Nhuận là Nặc Tôn (chữ Hán: 匿 尊) lánh nạn tại Hà Tiên và nhờ Mạc Thiên Tứ cầu cứu với chúa Nguyễn là Võ vương Nguyễn Phúc Khoát đánh đuổi Nặc Hinh giành lại ngôi vua Chân Lạp.

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Hiện nay, rất nhiều sách hoặc trang mạng viết chữ này là Ông, thay vì là Ong. Trong Phủ Biên Tạp Lục, bản chữ Hán, trang 35, viết là 螉 bộ Trùng nghĩa là con ong. Trong tiếng Việt, con ong (bee) được viết là ong, không phải là con ông (con ông bà X). Chưa có cơ quan nào tại Việt Nam khẳng định nên dùng Ông hay Ong. Nhưng nếu theo chữ Hán, thì chữ Ong có lẽ đúng hơn.
  2. ^ Những năm trị vì của quốc vương Nặc Nguyên được trích dẫn từ Đại Nam Thực lục tiền biên, bản chữ Hán. Năm 1748 được trích từ đây (戊辰十年... 夏六月). Năm 1757 được trích từ đây (丁丑十九年)
  3. ^ Theo bài viết wikipedia về nước Campuchia, đáng lẽ thời kỳ này (thế kỷ XV đến thế kỷ XIX) Campuchia nên được gọi là Cao Miên. Nhưng sử Việt phần lớn đều gọi nước Campuchia thời này là Chân Lạp, nên bài viết dùng danh từ Chân Lạp.
  4. ^ a b Tầm Bôn - nay là Tân An. Theo Đại Nam Thực lục Tiền biên, bản chữ Hán quyển 10 phần 23, tên Hán là Tầm Bôn 尋奔.
  5. ^ a b Lôi Lạt - nay là Gò Công. Theo Đại Nam Thực lục Tiền biên, bản chữ Hán quyển 10 phần 23, tên Hán là Lôi Lạt 雷巤 không phải là Lôi Lạp 雷臘.
  6. ^ Theo Đại Nam Thực lục Tiền biên, bản chữ Hán quyển 10 phần 15, tên Hán là Cao La Hâm 高羅歆
  7. ^ Theo Gia Định Thành Thông Chí quyển 3, bản dịch tiếng Việt năm 2004 của Lý Việt Dũng, lời chú thích ở cuốn sách, [51] Ốc nha Cao la hâm (屋牙高羅歆): Ốc nha Cao la hâm không phải tên vị Ốc nha là Cao La Hâm. Ốc nha Cao la hâm là tên một chức quan to ở triều đình Khơ me được mặc áo đỏ, thường phụ trách bộ hải quân. Cao la hâm là đọc trại tiếng Khơ me Kralahâm có nghĩa là màu đỏ.
  8. ^ Theo Đại Nam Thực lục Tiền biên, bản chữ Hán quyển 10 phần 15, tên Hán là Ốc đạt Lục Mân 屋突錄旻. Ốc đột có thể là một quan chức triều Chân Lạp, như Ốc nha
  9. ^ “Đại Nam Thực lục Tiền biên, bản chữ Hán, quyển 10 phần 15”.
  10. ^ Trần Trọng Kim (1919), Việt Nam sử lược.
  11. ^ Trà Vang - nay là Trà Vinh, Bến Tre. Theo Đại Nam Thực lục Tiền biên, bản chữ Hán quyển 10 phần 29, tên Hán là Trà Vang 茶榮
  12. ^ Ba Thắc - nay là Sóc Trăng, Bạc Liêu. Theo Đại Nam Thực lục Tiền biên, bản chữ Hán quyển 10 phần 29, tên Hán là Ba Thắc 波忒

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]