Bước tới nội dung

Cộng hòa tự trị Nam Kỳ

Trang khóa hạn chế cho thành viên xác nhận mở rộng (khóa 30/500)
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
(Đổi hướng từ Cộng hòa Nam Kỳ)

Cộng hòa Tự trị Nam Kỳ
1946–1949
Quốc kỳ Nam Kỳ

Tiêu ngữa. Ta phải lập quốc bằng nhơn đạo
b. Xứ Nam Kỳ của người Nam Kỳ

Lãnh thổ Việt Nam năm 1945 theo sự phân chia của Pháp.
Tổng quan
Vị thếChính phủ thuộc Liên hiệp Pháp (theo quan điểm của Pháp và đồng minh)
Chính phủ bù nhìn của Pháp (theo quan điểm của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa)
Thủ đô Sài Gòn
Ngôn ngữ thông dụngTiếng Việt
Tiếng Pháp
Tiếng Hán
Tiếng Khmer
Tôn giáo chính
Phật giáo
Công giáo
Cao Đài
Hòa Hảo
Chính trị
Chính phủĐại nghị chế
Thủ tướng 
• 1946
Nguyễn Văn Thinh
• 1946–1947
Lê Văn Hoạch
• 1947–1948
Nguyễn Văn Xuân
Lịch sử
Thời kỳChiến tranh Đông Dương
• Liên hiệp Pháp đơn phương công nhận độc lập với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
1 tháng 6 năm 1946
• Quốc hội Nam Kỳ biểu quyết cáo chung, Nam Kỳ tạm do Pháp trực trị, chuẩn bị sáp nhập Quốc gia Việt Nam ngày 22 tháng 5 năm 1949
23 tháng 4 năm 1949
Kinh tế
Đơn vị tiền tệĐồng bạc Đông Dương
Franc
Tiền thân
Kế tục
Nam Kỳ
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Chính phủ Trung ương lâm thời Việt Nam


Cộng hòa tự trị Nam Kỳ (tiếng Pháp: République autonome de Cochinchine) hay Nam kỳ tự trị là chính thể tự trị trong khuôn khổ Liên bang Đông Dương, do Pháp lập nên, tồn tại trong giai đoạn 1946 - 1948 ở địa phận Nam Kỳ.

Lịch sử

Pháp tái chiếm Đông Dương

Sau đảo chính ngày 09 tháng 3 năm 1945, Đế quốc Nhật Bản xem Nam Kỳ là một phần Đế quốc Việt Nam, tuy nhiên Chính phủ Đế quốc Việt Nam chưa kịp thiết lập hệ thống hành chính thì đã sụp đổ.

Ngày 25 tháng 8 năm 1945, Việt Minh thành lập Ủy ban Hành chính Lâm thời Nam Bộ[1]. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, tuyên bố Việt Nam độc lập với lãnh thổ bao gồm ba xứ Nam Kỳ, Bắc KỳTrung Kỳ.

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, lãnh thổ Việt Nam từ vĩ tuyến 16 trở xuống do lực lượng Anh dưới quyền chỉ huy của tướng Douglas Gracey nhân danh các quân đoàn Đồng Minh tiếp quản. Pháp được Đồng Minh cho toàn quyền quyết định số phận khu vực này, chính phủ Pháp tạm thời ủy thác chế độ quân quản để tiến tới lập một chính thể ngang hàng để đàm phán với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đến ngày 23 tháng 9 năm 1945 người Pháp tái vũ trang và sẵn sàng tiếp quản Sài Gòn nhưng phải đợi đến tháng 10 khi quân Anh chính thức trao chủ quyền lại cho Pháp thì Quân đội Pháp mới đổ bộ[2] rồi mở rộng đánh chiếm toàn Nam Bộ.

Từ trước khi giải phóng Pháp, tướng Charles de Gaulle nhân danh Tổng trưởng chính phủ lâm thời Cộng hòa Pháp đã tuyên bố chính sách của Pháp với Đông Dương vào ngày 24 tháng 3 năm 1945. De Gaulle cho rằng "Năm quốc gia[3] tạo nên Liên bang Đông Dương được phân biệt bằng văn minh, chủng tộc và truyền thống, sẽ vẫn duy trì những đặc điểm riêng của họ trong Liên bang."[4][5]. Việc thành lập Cộng hòa tự trị Nam Kỳ sau đó cũng nằm trong kế hoạch tái lập Liên bang Đông Dương của Pháp.

Thời kì 1946 - 1948

Rue Catinat ở thủ đô Sài Gòn năm 1947.
Rạp Francis Garnier ở rue Catinat tại thủ đô Sài Gòn năm 1947.

Tháng 2 năm 1946, Ủy viên Cộng hòa Nam Kỳ (Commissaire République), tức chức vụ mới lập để gọi người Pháp đứng đầu hệ thống hành chính Nam Kỳ là Jean Cédile. Cédile cho lập Hội đồng tư vấn Nam Kỳ (Conseil consultatif de Cochinchine) với 12 ủy viên, trên danh nghĩa giúp người bản xứ tự quyết định tương lai xứ sở, nhưng cũng có ý tách dần chính trị Nam Kỳ khỏi những biến động và thương thuyết ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Thành phần Hội đồng gồm 4 người Pháp và 8 người Việt nhưng tất cả đều có quốc tịch Pháp.[6]

Hội đồng này sang tháng 3 cùng năm đã đệ trình một kiến nghị có chữ ký của 8 ủy viên người Việt lên Cao ủy Đông Dương (tương đương với chức vụ Toàn quyền Đông Dương cũ) là Đô đốc Georges Thierry d'Argenlieu xin lập một xứ Nam Kỳ tự trị.[7] Cédile tỏ rõ ý định ủng hộ ý đồ "Nam Kỳ tự trị" và hậu thuẫn những đảng phái thân Pháp như Đảng Nam Kỳ của Béziat để vận động công chúng. Những nhóm khác như Đông Dương Tự trị Đảng và Việt Nam Tân dân Đảng cũng ngả theo lập trường "Nam Kỳ tự trị" của Pháp. Cùng lúc đó thì đảng Tân Dân chủ của bác sĩ Nguyễn Văn Thinh tuy tham gia vào Hội đồng Tư vấn Nam Kỳ vẫn gắng tìm chỗ đứng riêng để thu hút các lực lượng phi Việt Minh.

Ngày 31 tháng 5 năm 1946, Hội đồng tư vấn Nam Kỳ lấy tên mới là Hội đồng Nam Kỳ (Conseil de Cochinchine) và tăng số ủy viên lên 42 người. Trên nguyên tắc pháp lý, lãnh thổ Cộng hòa Tự trị Nam Kỳ cấu thành từ địa phận Nam Bộ thuộc chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhưng do chính phủ Pháp chưa chính thức công nhận nền độc lập của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nên tùy nghi thiết lập hệ thống chính trị trên mọi địa phận mà nay là Việt Nam. Tuy nhiên, trong suốt thời gian tồn tại, chính thể Cộng hòa Tự trị Nam Kỳ cũng chưa hề phủ quyết sự tồn tại của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nên học giới quốc tế thường đặt nó ở vị thế song song với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên lãnh thổ Việt Nam đương thời.

Trong khi Hội nghị Fontainebleau sắp diễn ra ở Pháp thì Cao ủy Đông Dương là d'Argenlieu đơn phương tán thành việc thành lập Cộng hòa tự trị Nam Kỳ ngày 27 tháng 5 năm 1946 và ra tuyên cáo ngày 01 tháng 6 (Proclamation du premier gouvernement cochinchinois) trước đám đông tụ tập ở Nhà thờ Đức Bà, Sài Gòn[8].

Ngày 5 tháng 6, Tổng trưởng Pháp Marius Moutet chấp thuận hành xử của ông d'Argenlieu để "bảo vệ quyền lợi của dân tộc Nam Kỳ".[9] Cũng vào đầu tháng 6, bác sĩ Nguyễn Văn Thinh được đề cử làm Thủ tướng Chính phủ Cộng hòa Nam Kỳ tự trị. Ủy viên Cédile liền ký với tân Thủ tướng một hiệp ước nhìn nhận xứ Nam Kỳ là một xứ tự do, riêng biệt trong khuôn khổ của Liên bang Đông Dương. Bác sĩ Nguyễn Văn Thinh được đề cử làm Thủ tướng nhưng chỉ được ít lâu thì ông tự sát. Thay ông là bác sĩ Lê Văn Hoạch rồi Nguyễn Văn Xuân. Trong thời gian này, để thu hút sự ủng hộ của dân chúng đối với nhà nước Cộng hòa tự trị Nam Kỳ mới thành lập, một số người cổ động cho khẩu hiệu "Xứ Nam Kỳ của người Nam Kỳ".

Tình hình chính trị tại Nam Kỳ thời điểm này rất phức tạp. Có nhiều phe nhóm khác nhau cùng tồn tại, luôn gắng củng cố quyền lực riêng như Trần Văn Soái (Năm Lửa) đóng Cái Vồn (Cần Thơ), Lâm Thành Nguyên (Hai Ngoán) giữ Cái Dầu (Châu Đốc), Lê Quang Vinh (Ba Cụt) giữ Thốt Nốt (Long Xuyên), Nguyễn Giác Ngộ đặt bản doanh ở Cao Lãnh (Kiến Phong), Cao Đài cát cứ ở Tây Ninh và Bình Xuyên của Lê Văn Viễn (Bảy Viễn) định doanh ở Chánh Hưng (Chợ Lớn). Đó là chưa kể đến các tổ chức chính trị như Việt Minh, Đại Việt... Người Pháp thì không thực lòng tái thiết trật tự hay xây dựng một xứ Nam Kỳ chân chính mà còn có dụng ý võ trang mỗi nhóm riêng, trên danh nghĩa là giữ an ninh, nhưng chủ ý là chống lại lực lượng Việt Minh. Những nhóm này thường xung đột, tranh giành quyền lực khiến tình hình thêm hỗn loạn.[10]

Theo ông Nguyễn Kỳ Nam, Mặt trận Quốc gia liên hiệp, một ủy ban liên hiệp kháng chiến chống Pháp của các tổ chức cách mạng miền Nam, chủ trương chấp nhận cho bác sĩ Nguyễn Văn Thinh thành lập chính phủ lâm thời Cộng hòa Tự trị Nam Kỳ vì "nếu không có một Chính phủ ở Nam Kỳ, Nam Kỳ là lãnh thổ của Pháp, theo công pháp quốc tế, nước Pháp vẫn còn ở duyên hải Thái Bình Dương. Tiền đồ tổ quốc sẽ bị xô vào hai ngả hoặc bị đô hộ lại bởi thực dân, hoặc bị đô hộ lại bởi cộng sản quốc tế. Hai viễn tượng đều tai hại cho giống nòi.[11]". Nhưng người cộng sản, Việt Minh, đã tách ra sau sự kiện này, Hội Liên hiệp quốc dân ra đời trong hoàn cảnh đó. Theo kế hoạch của Mặt trận Quốc gia liên hiệp, họ sẽ đưa bác sĩ Lê Văn Hoạch, người của Mặt trận, chính thức thành lập chính phủ Cộng hòa Tự trị Nam Kỳ thay thế chính phủ của bác sĩ Thinh. Cuối cùng Mặt trận sẽ ủng hộ Thiếu tướng Nguyễn Văn Xuân thành lập Chính phủ Cộng hòa Nam Phần Việt Nam làm tâm điểm hoạt động chính trị cho các đảng phái quốc gia để đi đến thống nhất dân tộc. Chính phủ Cộng hòa Nam Phần Việt Nam do Nguyễn Văn Xuân lãnh đạo sẽ tạo ra thế cân bằng với chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hồ Chí Minh lãnh đạo. Chính phủ này sẽ được thay thế bằng chính phủ Quốc gia Việt Nam do cựu hoàng Bảo Đại lãnh đạo. Đây là một giai đoạn để đi đến sự đoàn kết cuối cùng của dân tộc đúng với lập trường của Mặt trận. Mặt trận ủng hộ việc thành lập Cộng hòa Vệ binh Việt Nam thuộc Cộng hòa Tự trị Nam Kỳ. Quân đội Cao Đài là thành viên của Mặt trận được phép nhận khí giới của Pháp để lập quân đội làm nền tảng cho quân đội quốc gia sau này.[12]

Ngày 19 tháng 12 năm 1947, thủ tướng Nguyễn Văn Xuân sang Hồng Kông yết kiến Cựu hoàng Bảo Đại và xác nhận ý định thống nhất Nam Kỳ vào nước Việt Nam và mời cựu hoàng ra chấp chánh hầu điều đình tìm một giải pháp thứ ba ngoài Pháp và Việt Minh.

Giải thể

Giai đoạn 1948-1949 là thời gian chờ thủ tục sáp nhập với hai miền còn lại thành Quốc gia Việt Nam, xứ Nam Kỳ đổi gọi chính thể là Cộng-hòa Nam-phần Việt-nam (République du Sud-Viêtnam) để hợp thức hóa.

Ngay từ đầu năm 1948, chính phủ Nam Kỳ tự trị đã chuẩn bị các thủ tục sáp nhập với các miền Việt Nam còn lại để tiến tới thành lập Chính phủ Trung ương lâm thời Việt Nam, một số nhân vật đứng đầu chính phủ lũ lượt sang Hồng Kông yết kiến cựu hoàng Bảo Đại để tránh bị gạt bên lề chính thể mới. Thủ phủ Nam Kỳ được chọn làm thủ đô Quốc gia Việt Nam. Chức Thủ tướng Nam Kỳ tự trị cũng được thay bằng chức Thủ hiến Nam Việt.

Tuy nhiên, việc giải thể Cộng hòa tự trị Nam Kỳ mãi đến ngày 08 tháng 3 năm 1949 mới bắt đầu theo Hiệp ước Élysées giữa Tổng thống Pháp Vincent Auriol và Bảo Đại. Theo đó thì Pháp công nhận nước Việt Nam thống nhất.[13] Tới ngày 23 tháng 4 năm 1949, Nam Kỳ mở cuộc bầu cử Quốc hội chọn 16 dân biểu Pháp và 48 dân biểu người Việt. Quốc hội này đã biểu quyết chấm dứt "nước Nam Kỳ" và hiệp nhất vào nước Việt Nam,[13] để sau đó lập ra chính phủ Quốc gia Việt Nam. Cuối cùng ngày 22 tháng 5 năm 1949, Quốc hội Pháp chính thức bỏ phiếu thông qua việc sáp nhập Nam Kỳ vào Quốc gia Việt Nam.

Tổ chức

Thủ tướng Nguyễn Văn Thinh.
Thủ tướng Lê Văn Hoạch.
Thủ tướng Nguyễn Văn Xuân.

Biểu trưng

Hiệu kỳ Nam Kỳ thuộc Pháp 1868 - 1945.
Mẫu quốc kỳ lưỡng tài đầu năm 1946.
Mẫu quốc kỳ tam tài cuối năm 1946 trên phù hiệu lực lượng Cộng hòa Vệ binh.

Ngày 01 tháng 6 năm 1946, chính phủ lâm thời Cộng hòa Tự trị Nam Kỳ vội vàng thông qua quốc kỳ nền vàng với 3 sọc lam vắt ngang ở giữa, phỏng quốc kỳ Đế quốc Việt Nam trước đó, kèm khẩu hiệu «Ta phải lập quốc bằng nhơn đạo» (Nous devons fonder l'État avec humanisme). Ý nghĩa hiệu kỳ nhằm tượng trưng ba con sông Đồng Nai, Tiền Giang và Hậu Giang trên đất Nam Kỳ.[14] Tuy nhiên, công luận trên mặt báo đa số biếm trích màu cờ không hợp nhãn quan, gọi "cờ sốt rét"[15]. Vì thế, tới ngày 31 tháng 10 cùng năm, hai sọc vàng ở giữa được thay bằng sắc trắng cho màu cờ đỡ tối hơn[8][16]. Mẫu cờ này tồn tại tới ngày 23 tháng 4 năm 1949 thì kết thúc theo sự cáo chung của chính thể[17]. Sau đó, hiệu kỳ làm đại diện Nam Kỳ được thay bằng cờ vàng ba sọc đỏ để chuẩn bị tiến tới ấn định hoàn toàn vào tháng 10 năm 1949 khi Quốc gia Việt Nam công bố thành lập.

Về quốc ca, bản nhạc này lấy tám câu đầu của Chinh phụ ngâm làm lời ca, bị công luận đả kích vì nội dung lấy lời than khóc của một người vợ nhớ chồng mà lại đem làm lời ca.[18] Tác giả của bài này là Võ Văn Lúa.[19]

Chính trị

Nguyên thủ quốc gia là vị đại diện Phủ Cao ủy do chính phủ Pháp đề cử, có trách nhiệm giám sát đôn đốc sở tại trên nguyên tắc được ủy quyền bởi Cộng hòa Pháp; dưới chức đại diện Phủ Cao ủy là chức Thủ tướng (nội các tổng trưởng) bảo cử. Tuy nhiên, trong thực tế 3 năm tồn tại, vị trí đứng đầu nội các này liên tục biến động nên hầu hết được chỉ định chứ không qua tổng tuyển cử phổ thông đầu phiếu. Chính phủ Nam Kỳ cũng trải qua cải tổ nhiều lần:

  • Trung ương lâm thời chánh phủ Nam Kỳ quốc (từ 26 tháng 3 đến 31 tháng 5 năm 1946)
  • Trung ương chánh phủ Cộng hòa Nam Kỳ tự trị (từ 1 tháng 6 năm 1946 đến 7 tháng 10 năm 1947)
  • Lâm thời chánh phủ Nam Phần Việt Nam (từ 8 tháng 10 năm 1947 đến 27 tháng 5 năm 1948)

Chính phủ về danh nghĩa được Hội đồng Nam Kỳ thành lập ngày 27 tháng 5 năm 1946, dưới sự sắp đặt của ông Jean Marie Arsène Cédile[20] (Ủy viên cộng hòa Pháp tại Nam Bộ) và Georges Thierry d'Argenlieu[21] (Cao ủy Pháp tại Đông Dương). Đây được xem là một chiêu bài chủ đạo của Pháp nhằm tách Nam Kỳ ra khỏi Việt Nam.[20] Tuy nhiên, chính quyền này bị công luận cho là "bù nhìn" và ly khai, phá hoại việc đất nước thống nhất, nên chỉ tồn tại trong thời gian ngắn rồi bị giải thể.

Chính phủ Cộng hòa Tự trị Nam Kỳ là một Chính phủ lâm thời thân Pháp có quyền lực nhỏ bé. Cộng hòa tự trị Nam Kỳ không được công luận ủng hộ. Người Pháp cũng không tin tưởng giao thực quyền cho Chính phủ này. Vì những lý do đó Chính phủ Cộng hòa tự trị Nam Kỳ có thể được xem là một thất bại.[22]

Đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng do Hội đồng Cố vấn Nam Kỳ bầu lên. Hội đồng này do Ủy viên Cộng hòa Pháp, chức danh mới của Thống đốc Nam Kỳ, tuyển chọn. Người đó là Jean Marie Arsène Cédile, nắm quyền trị an bên trong và bên ngoài nước cộng hòa.[23] Ngoài ra Cao ủy Pháp tại Đông Dương (chức danh mới của Toàn quyền Đông Dương) còn có quyền phê chuẩn hoặc bác bỏ mọi bổ nhiệm của Thủ tướng.[24]

Khi chính phủ tự trị Nam Kỳ được thành lập, ngoài các cuộc xung đột vũ trang ở Nam Bộ, binh sĩ Pháp đã nhiều lần gây hấn với chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bằng việc tố cáo Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ là bất hợp pháp. Cao ủy Pháp tại Đông Dương thông báo với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa rằng Nam Bộ là thuộc địa của Pháp do đó chỉ Quốc hội Pháp mới có thể quyết định sự thay đổi chính thể tại Nam Kỳ dựa trên kết quả của một cuộc trưng cầu ý dân tại Nam Kỳ. Đáp lại những tuyên bố gây hấn của Pháp về tính hợp pháp của Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ, chủ tịch Hồ Chí Minh đã phản hồi cao ủy Pháp d'Argenlieu rằng ủy ban này được thành lập từ tháng 8/1945 dưới quyền chỉ huy của Chính phủ trung ương, ủy ban này được Hiệp định sơ bộ 6-3 và Tạm ước 14-9 công nhận.[23]

Ngày 27 tháng 5 năm 1948, Trung tướng Nguyễn Văn Xuân từ chức Thủ tướng Chính phủ Nam Phần và nhậm chức Thủ tướng Chính phủ Trung ương lâm thời Việt Nam (Provisional Central Government of Vietnam), quản trị Bắc KỳTrung Kỳ mà trước đó là hai xứ bảo hộ của Pháp. Với sự ra đời của Quốc gia Việt Nam một năm sau đó, Nam Bộ (Nam Phần) trở lại là một bộ phận của Việt Nam thống nhất.[25]

Người đứng đầu Nhiệm kì Chức danh
Nguyễn Văn Thinh
(1888 - 1946)
26/03 - 31/05/1946
Lâm thời thủ tướng
Nguyễn Văn Thinh
(...)
01/6 - 10/11/1946
Thủ tướng
Nội các tổng trưởng
Lê Văn Hoạch
(1896 - 1978)
29/11/1946 - 29/09/1947
Thủ tướng
Nội các tổng trưởng
Nguyễn Văn Xuân
(1892 - 1989)
08/10/1947 - 27/05/1948
Thủ tướng
Nội các tổng trưởng
Lê Văn Hoạch
(...)
27/05/1948 - 03/07/1949
Nam Kỳ quốc vụ khanh

Nhận xét

Quốc tế

Chính thể Nam Kỳ tự trị được sự mặc nhiên thừa nhận của các đồng minh Pháp cùng những quốc gia hưởng lợi từ chương trình Marshall. Năm 1946, Đế quốc Anh là chính thể quốc tế tiên khởi công nhận thực thể Cộng hòa Tự trị Nam Kỳ trên sóng phát thanh. Tới sau khi Chính phủ Trung ương lâm thời Việt Nam thành lập, dư luận thế giới chung coi Cộng hòa Nam Kỳ là một trong những yếu tố cấu thành chính thể Quốc gia Việt Nam.

Phe Bảo hoàng

Một số chính đảng bảo hoàng tại Bắc KỳTrung Kỳ mặc dù cũng không đồng tình việc tách Nam Kỳ khỏi dư đồ Việt Nam, nhưng coi đây là giải pháp tạm thời để chặn đứng những hỗn loạn trên địa bàn Nam Kỳ - khu vực đương thời nổi lên nhiều tổ chức chính trị quân sự thủ lợi thay vì tái hợp nhất. Các lực lượng chính trị bảo hoàng Nam Kỳ từ lâu nhìn chung ủng hộ Kỳ Ngoại hầu Cường Để nhờ sức ảnh hưởng của chí sĩ Phan Bội Châu, điều này khác xa phái bảo hoàng Bắc-Trung Kỳ vẫn suy tôn cựu hoàng Bảo Đại. Vài lĩnh tụ bảo hoàng còn kiến nghị với chính giới Pháp tại salon rằng nên suy tôn Kỳ Ngoại hầu Cường Để làm quốc trưởng Nam Kỳ thay vì chọn ủy viên Cộng hòa Pháp không hiểu tình thế bản địa. Tuy vậy, do từng có thời gian rất dài cộng tác với Đế quốc Nhật Bản và còn có mối liên hệ hôn nhân với hoàng thất Nhật Bản, nên hoàng thân mệ Cưởi không được coi là ứng cử viên cho vị trí lĩnh tụ Việt Nam hoặc giải pháp thống nhất các chính đảng Việt Nam.

Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Tuyên truyền của chính quyền Tự trị chống lại Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa.

Ban đầu, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chấp nhận giải pháp lập một chính phủ chung cho Bắc và Trung Kỳ, còn vấn đề Nam Kỳ sẽ giải quyết bằng một cách trưng cầu dân ý tuy nhiên do sự đàn áp của Cộng hòa Tự trị Nam Kỳ với những người kháng chiến ủng hộ chính phủ Trung ương Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ chối giải pháp này. Điều này được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong cuộc phỏng vấn với ông Vaxiđép Rao (?), thông tín viên hãng Reuter vào tháng 5-1947 rằng: "Trước kia, chúng tôi đã bằng lòng nhận phương sách đó. Ngày nay, chúng tôi không thể nhận được nữa, đồng bào chúng tôi ở Nam Kỳ đã chịu sự hy sinh to lớn để được ở trong Tổ quốc Việt Nam. Chúng tôi không thể phản bội họ được." Cũng theo chính Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thống nhất nghĩa là một Chính phủ Trung ương, một Nghị viện Trung ương cho toàn quốc, Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ sẽ có cơ quan hành chính tự trị riêng, do nhân dân mỗi kỳ bầu lên theo chế độ dân chủ và dưới sự kiểm soát của Chính phủ Trung ương[26].

Bên cạnh đó, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa coi Cộng hòa Tự trị Nam Kỳ chỉ là một chính phủ bù nhìn và chẳng thể giải quyết được vấn đề gì. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Chính phủ bù nhìn ở Nam Bộ, nó đã không giải quyết được gì, mà chỉ làm kéo dài cuộc chiến tranh và ngǎn trở sự thân thiện giữa hai dân tộc Việt – Pháp"[27]

Theo báo Cứu Quốc, Hội nghị của Chính phủ Nguyễn Văn Xuân là một hội nghị "của bọn Việt gian", là một "cuộc hội đồng chuột" như Hội nghị 19/12/1947 tại Hồng Kông nhằm lòe bịp nhân dân Việt Nam và dư luận thế giới. Quyết nghị và thông cáo của hội nghị này là quyết nghị bán nước.[28] Còn theo báo Sự thật của Đảng Cộng sản Đông Dương: "Những đầu óc phản động thuộc địa ở Đông Dương cố ý làm trái hiệp định sơ bộ mà Pháp đã ký với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Họ nặn ra thuyết "Nam kỳ tự trị" và mua chuộc một bọn Việt gian để thực hành thuyết đó"[29].

Sau đó, báo Cứu Quốc lại phản hồi: "Chúng tôi mong đô đốc Đác-giăng-li-ơ ra lệnh hạ màn cái trò hề vô vị "Chính phủ Cộng hòa Nam Kỳ" đó đi. Nếu người Pháp cần phải thử xem Nam bộ có phải là đất Việt Nam không? Thì cứ mở cuộc trưng cầu dân ý cho công bằng. Tại sao lại một chính phủ tự trị rồi mới trưng cầu dân ý? Phải chăng người ta muốn đặt dân Việt Nam vào một việc dĩ nhiên? việc lập một chính phủ tự trị ở giữa nơi quân Pháp đóng trước khi mở cuộc trưng cầu dân ý để lộ ra một cách vụng về cái ý muốn chia sẻ nước Việt Nam. Việc lập chính phủ bù nhìn ấy làm cho người ta cảm thấy người Pháp muốn dùng bọn bù nhìn uy hiếp dân chúng trong cuộc trưng cầu dân ý[30]. Ban Thường trực Quốc hội ra phản đối chính thức. Đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Fontainebleau phản đối. Báo Độc lập ngày 18 tháng 7 năm 1946 bình luận "Ở Cà Mâu, bọn Abalain, Guillemet chẳng đếm xỉa gì đến chính phủ bù nhìn Quisling Nguyễn Văn Thinh cả... Đồng thời ở khắp tỉnh, quận, tổng, làng ở Nam Bộ, Pháp thâu dụng một bọn cướp khác. Bọn này giả danh lập Mặt trận bình dân...".

Xem thêm

Tham khảo

  1. ^ Sống mãi hào khí Sài Gòn ngày khởi nghĩa ngày 25 tháng 8 năm 2004 Lưu trữ 2015-07-05 tại Wayback Machine, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, 28/08/2004
  2. ^ Hoàng Cơ Thụy, Việt sử khảo luận, trang 2026, Nhà xuất bản Nam Á, Paris, 2002
  3. ^ Năm Quốc gia hình thành Liên bang Đông Dương gồm: Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Lào và Cao Miên
  4. ^ Sockeel-Richarte: La Problème de la Souveraineté Française sur l'Indochine, in Le Général de Gaulle et l'Indochine 1940–1946, tr.26
  5. ^ Martin Shipway, The Road to War: France and Vietnam 1944-1947, tr. 129, Berghahn Books, 2003, trích: "The five lands which comprise the Indochinese Federation, and which are distinguished by civilisation, race and traditions, will maintain their characters within the Federation."
  6. ^ Goodman, Allan E, Politics in War: The Bases of Political Community in South Vietnam, page 20, Harvard University Press, 1973
  7. ^ Hoàng Cơ Thụy. Trang 2089.
  8. ^ a b Proclamation du premier gouvernement cochinchinois (02:54)
  9. ^ Hoàng Cơ Thụy. Trang 2102.
  10. ^ “Hồi ký về chiến khu An Thành, phần 7: Nam Kỳ Quốc, Website Đại Việt Quốc dân Đảng”. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 1 năm 2010. Truy cập ngày 7 tháng 1 năm 2010.
  11. ^ Hồi ký 1925 - 1964, tập 2, trang 346, Nguyễn Kỳ Nam, Nhật báo Dân Chủ Mới, 1964
  12. ^ Hồi ký 1925 - 1964, tập 2, trang 346-347, Nguyễn Kỳ Nam, Nhật báo Dân Chủ Mới, 1964
  13. ^ a b 45-54 Chín năm khói lửa, sự thất bại của một chiến lược, Tô Vũ
  14. ^ Hoàng Cơ Thụy. Trang 2012.
  15. ^ “Quốc kỳ và quốc ca Việt Nam, Nguyễn Ngọc Huy”. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 8 năm 2013. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2012.
  16. ^ L'occasion de la visite présidentielle à Thuduc, des baderoles fleuries manifestent l'attachement de la population à la France et à la Cochinchine, à Thu Duc, Cochinchine en 1947
  17. ^ Le drapeau de la République autonome de Cochinchine 1946-1948
  18. ^ “Nguyễn Long Thành Nam, Phật giáo Hòa Hảo trong lòng lịch sử dân tộc, Phần 4: Phật giáo Hòa Hảo và cách mạng, Chương 10: Sơ lược diễn tiến đấu tranh tại miền Nam Việt Nam, Phần 7: Nam Kỳ Quốc, Tập san Đuốc Từ Bi, năm 1991”. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 6 tháng 12 năm 2010.
  19. ^ Âm nhạc Việt Nam cận đại--Quốc ca Việt Nam
  20. ^ a b Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tập hồi ký, Những năm tháng không thể nào quên, trang 279, Nhà xuất bản Trẻ, Hà Nội.
  21. ^ Lịch sử Tây Nam Bộ kháng chiến, Tập 1 (1945-1954), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, 2010
  22. ^ Stein Tonnesson, Vietnam 1946: How the War Began, University of California Press, 2010, trích: "In Saigon, French authorities established a provisional Cochinchinese governmanet, but inasmuch as an overwhelming majority of southerners favored national unification, the provisional government only represented a tiny, wealthy, pro-French minority. It faced a hostile public opinion and an increasingly powerful guerrilla movement, led by the Vietminh in cooperation with the powerful religious sets. The French never trusted the Cochinchinese government enough to give it real power. The experiment Cochinchinese autonomy thus proved a failure."
  23. ^ a b Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tập hồi ký, Những năm tháng không thể nào quên, trang 335, 336, Nhà xuất bản Trẻ, Hà Nội.
  24. ^ Hammer, Ellen. Struggle for Indochina, 1940-1955. Stanford, CA: Stanford University Press, 1955. tr 169
  25. ^ Ngô Chơn Tuệ (2014). Cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam chống âm mưu chia cắt Nam Bộ ra khỏi Việt Nam của thực dân Pháp giai đoạn 1945-1949.
  26. ^ “Những cuộc trả lời phỏng vấn báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Phần 1)”. Truy cập 14 tháng 11 năm 2015.
  27. ^ “Những cuộc trả lời phỏng vấn báo chí của Bác Hồ (Phần 2)”. Truy cập 14 tháng 11 năm 2015.
  28. ^ Lừa được ai ?, Báo Cứu Quốc, Số 762, 26 Tháng Mười Một 1947
  29. ^ "Chính phủ Cộng hòa dân quốc Nam kỳ tự trị" ?, Báo Sự Thật, Số 40, 15 Tháng Sáu 1946
  30. ^ Cứu quốc ngày 29 tháng 5 năm 1946

Tài liệu

Nội ngữ
Ngoại ngữ

Tư liệu

Nội ngữ
Ngoại ngữ
Tiền nhiệm:
Nam Kỳ
Nam Bộ
Cộng hòa Tự trị Nam Kỳ
1946-1948
Kế nhiệm:
Quốc gia Việt Nam