Cổng thông tin:Anime và manga/Bài viết chọn lọc
Danh sách bài viết chọn lọc
[sửa mã nguồn]Các bài viết 1–20
[sửa mã nguồn]Cổng thông tin:Anime và manga/Bài viết chọn lọc/1
Little Busters! là một visual novel do công ty phần mềm Key phát triển, phiên bản gốc được đánh giá dành cho mọi lứa tuổi ra mắt dưới dạng bản giới hạn vào ngày 27 tháng 7 năm 2007, chơi trên hệ máy tính cá nhân (PC) có ổ DVD; phiên bản chính thức, cũng dành cho mọi lứa tuổi, phát hành ngày 28 tháng 9, 2007. Little Busters! là trò chơi thứ sáu của Key, công ty này cũng cho ra đời nhiều tác phẩm nổi tiếng khác như Kanon, AIR và CLANNAD. Tuy hai phiên bản đầu của Little Busters! được đánh giá dành cho mọi lứa tuổi, vẫn có một số hình ảnh đồ họa vi tính gợi cảm nhẹ dành tặng cho người hâm mộ. Một phiên bản dành cho người trên 18 tuổi mang tên Little Busters! Ecstasy đã phát hành ngày 25 tháng 7, 2008 như một tựa game thứ bảy của Key. Như vậy, không giống như Kanon và AIR với phiên bản đầu tiên thường là dành cho người lớn và các lần ra mắt sau sẽ lược bỏ nhiều đoạn nhằm phù hợp với mọi lứa tuổi, Little Busters! đã có lịch phát hành ngược lại hoàn toàn. Tựa đề Little Busters! của trò chơi lấy từ tên của một nhóm bạn trong cốt truyện là Little Busters, trong đó nhân vật nam chính, Naoe Riki, đã gia nhập nhóm ngay từ khi còn bé. Tháng 6 năm 2010, Key đã phát hành một spin-off dành cho người lớn của Ecstasy mang tựa đề Kud Wafter, nó mở rộng thêm kịch bản của Noumi Kudryavka, một trong số các nhân vật nữ chính trong Little Busters! và Ecstasy.
Cách chơi của Little Busters! theo lối tuyến tính, tuy chỉ đi theo cốt truyện định sẵn nhưng người chơi có thể tương tác để tạo ra các kết thúc khác nhau. Cốt truyện chủ yếu đi sâu vào nội tâm của sáu nhân vật nữ chính, và sau đó tăng lên thành chín nhân vật trong phiên bản Ecstasy. Có một số minigame được thêm vào trò chơi, chẳng hạn như trò đối kháng hay bóng chày. Những trò chơi này sẽ cung cấp điểm kinh nghiệm, thu nhặt vật dụng hỗ trợ chiến đấu và cải thiện thông số của các nhân vật. Little Busters! có một đội ngũ nhân lực khá hùng hậu do lúc này Key đã kết nạp thêm một số nhân viên mới đảm nhận nhiều vai trò khác nhau, như chỉ đạo nghệ thuật, viết kịch bản và thể hiện phần soundtrack của trò chơi.
Cổng thông tin:Anime và manga/Bài viết chọn lọc/2
Your Name – Tên cậu là gì? (rút ngắn thành "Your Name") là một bộ phim điện ảnh hoạt hình Nhật Bản thuộc thể loại tình cảm lãng mạn, kỳ ảo, chính kịch do Shinkai Makoto đạo diễn, được chuyển thể thành tiểu thuyết cùng tên của ông. Phim do hãng CoMix Wave Films sản xuất và Toho phát hành. Mảng thiết kế nhân vật do Tanaka Masayoshi thực hiện, phần hoạt hình do Ando Masashi chịu trách nhiệm, còn ban nhạc J-rock Radwimps phụ trách phần âm nhạc. Bộ phim kể về Mitsuha – nữ sinh trung học buồn chán với cuộc sống tẻ nhạt ở vùng thôn quê – và Taki – một chàng trai Tokyo – vì một lý do nào đó bị hoán đổi cơ thể trong khi sao chổi thiên niên kỉ đang đến gần. Phim công chiếu lần đầu tại hội nghị Anime Expo 2016 tổ chức tại Los Angeles, bang California, Hoa Kỳ vào ngày 3 tháng 7 năm 2016 sau đó công chiếu tại Nhật Bản vào ngày 26 tháng 8 năm 2016. Bộ phim bắt đầu khởi chiếu tại Việt Nam từ ngày 13 tháng 1 năm 2017.
Sau khi phát hành, Your Name – Tên cậu là gì? đã được giới phê bình khen ngợi nhiệt liệt cho cốt truyện và hình ảnh, và cùng với đạo diễn Makoto và nhóm nhạc Radwimps, đã giành được nhiều đề cử và giải thưởng tại Nhật Bản và cả trên thế giới, bao gồm giải thưởng của Hiệp hội phê bình phim Los Angeles cho phim hoạt hình xuất sắc nhất và giải thưởng Kịch bản xuất sắc nhất 2016 của Viện Hàn lâm Nhật Bản.Bộ phim cũng trở thành một hiện tượng điện ảnh tại Nhật Bản khi có doanh thu phòng vé cao nhất Nhật Bản năm 2016, là phim có doanh thu cao thứ 4 trong lịch sử Nhật Bản cũng như phim anime có doanh thu toàn cầu cao nhất mọi thời đại, trước khi Sen và Chihiro ở thế giới thần bí của Studio Ghibli công chiếu tại Trung Quốc năm 2019.
Cổng thông tin:Anime và manga/Bài viết chọn lọc/3
Takahashi Rumiko (phiên âm Hán Việt: Cao Kiều Lưu Mỹ Tử) là một trong những mangaka (người sáng tác truyện tranh Nhật Bản) xuất sắc cũng như giàu có nhất Nhật Bản hiện nay. Mặc dù là phụ nữ, nhưng bà thừa nhận thích đọc và viết các tác phẩm manga dành cho nam thiếu niên (Shōnen manga) hơn là các tác phẩm dành cho nữ thiếu niên (Shōjo manga), nguyên do từ thuở nhỏ bà đã đọc và làm quen với các shōnen manga thông qua tạp chí Shōnen Sunday. Các shōnen manga của bà như Inu Yasha, Một nửa Ranma, Mezon Ikkoku, Urusei Yatsura… nhanh chóng được nhiều độc giả ưa thích và đã làm nên sự thành công cũng như nổi tiếng của bà. Tính đến năm 2008, đã có hơn 170 triệu ấn phẩm của Takahashi được bán ra trên toàn thế giới. Bà cũng đã đoạt hai Giải thưởng Manga Shogakukan (Shogakukan Manga Award): giải thưởng năm 1981 dành cho Urusei Yatsura và giải thưởng năm 2002 dành cho Inu Yasha.
Với bề dày thành tích như trên, độc giả đã gán tặng Takahashi Rumiko biệt danh “công chúa manga”. Một điều đặc biệt là “Takahashi đã dành trọn cuộc đời mình cho manga” và đến nay bà vẫn chưa lập gia đình.
Cổng thông tin:Anime và manga/Bài viết chọn lọc/4
Tokyo Mew Mew còn được biết với tên tiếng Anh là Mew Mew Power, là một manga dành cho thiếu nữ do Yoshida Reiko đảm nhiệm phần nội dung và Ikumi Mia minh họa. Trên kênh BiBi, bộ phim có tên tiếng Việt là Chú mèo Tokyo. Manga Tokyo Mew Mew được đăng trên tạp chí Nakayoshi từ tháng 9 năm 2000 đến tháng 2 năm 2003 và sau đó được nhà xuất bản Kodansha phát hành trong 7 tập tankōbon từ tháng 4 năm 2003 đến tháng 5 năm 2004. Nội dung của Tokyo Mew Mew xoay quanh 5 cô gái vô tình mang trong người ADN của những sinh vật bị đe dọa tuyệt chủng, vì vậy họ có khả năng biến thành dạng siêu nhân "Mew Mew". Nhiệm vụ của nhóm Mew Mew - lãnh đạo bởi Momomiya Ichigo - là phải bảo vệ Trái Đất trước cuộc xâm lăng của những người ngoài hành tinh.
Tokyo Mew Mew nhanh chóng được chuyển thể thành 52 tập phim anime bởi hãng Studio Pierrot. Anime được phát sóng lần đầu ở Nhật Bản từ ngày 6 tháng 4 năm 2002 đến ngày 29 tháng 3 năm 2003 trên các kênh TV Aichi và TV Tokyo. Phần 2 của Tokyo Mew Mew - kéo dài hai tập - Tokyo Mew Mew a la Mode được đăng trên tạp chí Nakayoshi từ tháng 4 năm 2003 đến tháng 2 năm 2004. Một nhân vật mới xuất hiện trong Tokyo Mew Mew a la Mode: Shirayuki Berī, cô trở thành người lãnh đạo tạm thời cho nhóm Mew Mew khi Momomiya Ichigo đi vắng. Hai game video đã được sản xuất dựa trên manga và anime Tokyo Mew Mew: một game giải đố và phiêu lưu dành cho hệ máy Game Boy Advance và một game nhập vai console dành cho hệ máy PlayStation.
Cổng thông tin:Anime và manga/Bài viết chọn lọc/5
CLANNAD là một visual novel được phát triển bởi hãng phần mềm Key, công ty này cũng cho ra đời hai tác phẩm thành công khác là Kanon và AIR. Vào ngày 28 tháng 4 năm 2004, Key phát hành phiên bản với số lượng giới hạn trên hệ máy PC. Và chưa đầy bốn tháng sau đó vào ngày 8 tháng 8 cùng năm, các phiên bản chính thức trên các hệ máy PlayStation 2, PlayStation Portable, Xbox 360 và PlayStation 3 cũng được ra mắt. CLANNAD có cách chơi theo lối tuyến tính, tuy chỉ đi theo cốt truyện định sẵn nhưng người chơi có thể tương tác để có các kết thúc khác nhau. Cốt truyện chủ yếu đi sâu vào nội tâm của năm nhân vật nữ chính.
CLANNAD cũng được chuyển thể sang một vài loại hình truyền thông khác. Có bốn dòng manga: dòng truyện đầu tiên được đăng trên tạp chí Comic Rush, dòng thứ hai đăng trên tạp chí Comi Digi +, dòng thứ ba đăng trên hai tạp chí Dengeki G's Magazine và Dengeki G's Festival! Comic, dòng thứ tư trên Dragon Age Pure. Phiên bản phim anime của CLANNAD được thực hiện bởi hãng sản xuất hoạt hình Toei Animation và phát hành ngày 15 tháng 9 năm 2007 cùng hai bộ anime truyền hình dài tập đi kèm hai OVA được thực hiện bởi Kyoto Animation, công ty đã từng chuyển thể hai tác phẩm trước của Key là AIR và Kanon. Sau đó hai bộ đĩa Drama CD với 9 tập tất cả cũng được phát hành. Tất cả các bộ anime cùng các OVA theo nó đều được bản địa hóa và phân phối bằng tiếng Anh bởi Section23 Films. Vào tháng 3 và tháng 5 năm 2009, bộ anime đầu tiên tên CLANNAD được phát hành tại thị trường Bắc Mỹ trong hai bộ hộp đĩa, mỗi bộ hộp chứa nửa loạt anime. Bộ thứ hai tên CLANNAD After Story được phát hành tại thị trường Bắc Mỹ trong hai bộ hộp đĩa vào tháng 10 và tháng 12 cùng năm.
Cổng thông tin:Anime và manga/Bài viết chọn lọc/6
AIR là một visual novel do hãng phần mềm Key phát triển, công ty này cũng cho ra đời hai tác phẩm nổi tiếng khác là Kanon và CLANNAD. Lúc đầu nó là một trò chơi dành cho người lớn phát hành vào ngày 8 tháng 9 năm 2000 dưới dạng CD-ROM trên hệ máy tính cá nhân (PC). Các phiên bản sau của AIR được cắt bỏ mọi cảnh gợi cảm và phát hành trên các hệ máy PC, Dreamcast và PlayStation 2. Phiên bản PC dành cho người lớn được tái phát hành tương thích với Windows 2000/XP với tên AIR Standard Edition vào ngày 8 tháng 4 năm 2005. Các phiên bản sử dụng trên các hệ PlayStation Portable, SoftBank 3G và FOMA cũng ra mắt trong năm 2007. Key tiếp tục tái phát hành AIR tương thích với hệ điều hành Windows Vista vào tháng 7 năm 2009 và phiên bản AIR Memorial Edition tương thích với hệ điều hành Windows 7 vào tháng 5 năm 2010, hai bản dành cho Vista/7 đã được đánh giá là dành cho mọi lứa tuổi.
Cách chơi của AIR theo lối tuyến tính, tuy chỉ đi theo cốt truyện định sẵn nhưng người chơi có thể tương tác để tạo ra các kết thúc khác nhau. Cốt truyện chủ yếu đi sâu vào nội tâm của ba nhân vật nữ chính. Visual novel này phân ra làm ba phần: Dream, Summer và Air là ba giai đoạn khác nhau trong toàn bộ cốt truyện. Một trong những phiên bản đầu của AIR cho phép người chơi nhìn thấy một số cảnh hentai giữa nhân vật nam chính và một trong ba nhân vật nữ khi tiến đến một mốc nào đó trong quá trình tương tác. Tựa đề của visual novel này đã nói lên chủ đề chính là gió và bầu trời cùng việc sử dụng hình ảnh đôi cánh trong suốt cốt truyện.
Cổng thông tin:Anime và manga/Bài viết chọn lọc/7
Allen Walker là nhân vật chính hư cấu trong loạt manga D.Gray-man, của họa sĩ kiêm văn sĩ người Nhật Hoshino Katsura. Trong loạt truyện lấy bối cảnh ở thế kỷ 19 này, Allen là một thiếu niên tham gia vào Tổ chức Black Order—một nhóm các chiến binh là pháp sư trừ tà. Anh sử dụng vũ khí có tên gọi là Innocence để chiến đấu với những con quỷ (Akuma). Innocence này ban đầu chính là cánh tay trái lớn bất thường của Allen; về sau nó dần tiến hóa và phát triển thêm nhiều năng lực mới. Nhờ đó, Allen có thể chiến đấu với Millennium Earl—người đã tạo ra đội quân Akuma cho mục đích hủy diệt thế giới—cùng những thành viên khác trong gia tộc Noah. Sau này, anh biết được rằng mình có mối liên hệ sâu xa với các Noah và có thể trở thành một trong số chúng.
Hoshino xây dựng hình tượng Allen dựa trên Robin, nhân vật nữ chính với mái tóc ngắn hơn anh trong one-shot Zone. Cô đã thiết kế trang phục của Allen theo phong cách thời trang thịnh hành ở thế kỷ 19, thêm vào một dải ruy băng cùng nhiều phụ kiện khác để khiến anh trông lịch lãm hơn. Ngoài ra, Hoshino còn tạo cho Allen một tính cách điềm đạm, trái ngược hẳn với các nhân vật cáu bẳn và thô lỗ trước đó của mình; đồng thời để làm anh trông đáng sợ hơn, cô còn thêm vào vết sẹo hình ngôi sao năm cánh cho Allen. Bộ manga được chuyển thể thành loạt phim anime truyền hình với phần lồng tiếng cho Allen do Kobayashi Sanae đảm nhiệm. Nhưng đến phiên bản anime chuyển thể năm 2016, D.Gray-man Hallow, Murase Ayumu đã thay thế vị trí này thay cho Kobayashi. Trong phiên bản lồng tiếng Anh của bộ phim, vai Allen được diễn viên Todd Haberkorn lồng tiếng.
Cổng thông tin:Anime và manga/Bài viết chọn lọc/8
Cardcaptor Sakura , viết tắt là CCS và còn được biết đến với nhan đề Thủ lĩnh thẻ bài, là một loạt shōjo manga sáng tác và minh họa bởi nhóm nghệ sĩ Nhật Bản CLAMP. Manga đăng lần đầu tiên trên tạp chí Nakayoshi từ tháng 5 năm 1996 đến tháng 6 năm 2000, và sau đó được Kōdansha phát hành thành 12 tập tankōbon từ tháng 11 năm 1996 đến tháng 7 năm 2000. Câu chuyện xoay quanh Kinomoto Sakura, một học sinh tiểu học tình cờ phát hiện ra tiềm năng phép thuật của mình sau khi vô tình mở quyển sách chứa một bộ thẻ bài ma thuật bị niêm phong đã nhiều năm. Sau đó, cô được giao nhiệm vụ phải thu phục tất cả thẻ bài đang phân tán nhằm ngăn chặn chúng phá hủy thế giới. Phần tiếp theo của manga này, Cardcaptor Sakura – Thẻ bài pha lê, theo chân Sakura khi cô đã học cấp 2 trung học, bắt đầu đăng thường kỳ trên Nakayoshi từ tháng 7 năm 2016.
Cardcaptor Sakura không giống với bất kỳ tác phẩm nào trước đó của CLAMP, và đây là lần đầu tiên nhóm tác giả thực hiện một manga thể loại mahō shōjo. Mặc dù lấy phép thuật làm phương tiện phát triển, chủ đề chính của tác phẩm là tình yêu và các mối quan hệ giữa người với người. Kịch bản được xây dựng theo hướng tránh phải suy xét về tính đúng đắn của các tình cảm đồng tính hay ái nhi, và tình yêu được chấp nhận ở mọi hình thái của nó. Phong cách nghệ thuật chính của tác phẩm là sự mềm mại và dễ thương, với rất nhiều loài hoa được minh họa làm nền. Trang phục chiến đấu của Sakura là một điểm nhấn vì sự phong phú và thay đổi thường xuyên. Những lá bài Clow chịu ảnh hưởng từ bài tarot đôi khi được xem là một phép ẩn dụ về số phận. Một số nhân vật trong Cardcaptor Sakura về sau đã trở thành hình mẫu khai thác thường xuyên của CLAMP, biến nó thành một phần trong vũ trụ hư cấu, cùng các đại diện tiêu biểu khác là ×××HOLiC và Tsubasa -RESERVoir CHRoNiCLE-.
Cổng thông tin:Anime và manga/Bài viết chọn lọc/9
Dáng hình thanh âm là một bộ phim điện ảnh hoạt hình Nhật Bản đề tài chính kịch học đường ra mắt năm 2016, do xưởng phim Kyōto Animation sản xuất, Yamada Naoko đạo diễn và Yoshida Reiko chắp bút phần kịch bản. Người phụ trách khâu thiết kế nhân vật nổi bật trong phim là Nishiya Futoshi trong khi phần âm nhạc được đảm nhiệm bởi nhà soạn nhạc Ushio Kensuke. Nội dung chính của phim xoay quanh hai nhân vật chính là Ishida Shōya và cô bạn khiếm thính bẩm sinh Nishimiya Shōko - mối quan hệ của họ đã vẽ nên mối liên kết giữa con người với con người và cả những thất vọng trong giao tiếp. Tác phẩm dựa trên manga cùng tên do nữ tác giả manga Ōima Yoshitoki viết kịch bản và vẽ minh họa; manga nguyên tác đã được cấp phép bản quyền cho nhà xuất bản Trẻ dưới tựa đề tiếng Việt chính thức là Dáng hình thanh âm. Phim công chiếu lần đầu tại Nhật Bản vào ngày 17 tháng 9 năm 2016 và trên toàn cầu từ tháng 2 năm 2017 đến tháng 8 năm 2018.
Dáng hình thanh âm đã giành được một số đề cử giải thưởng, trong đó gồm đề cử "Phim hoạt hình xuất sắc nhất" tại Giải Viện Hàn lâm Nhật Bản lần thứ 40, chiến thắng tại Giải phê bình điện ảnh Nhật Bản lần thứ 26 hạng mục phim hoạt hình, đề cử tại giải thưởng Liên hoan Nghệ thuật truyền thông Nhật Bản lần thứ 20, và được Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản khuyến nghị nên xem. Bộ phim đã có nhiều buổi công chiếu dành cho người khiếm thính tại các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Cổng thông tin:Anime và manga/Bài viết chọn lọc/10
"Dennō Senshi Porigon" là tập phim thứ 38 trong mùa đầu tiên của loạt anime Pokémon. Tập phim chỉ phát sóng một lần duy nhất tại Nhật Bản vào tối ngày 16 tháng 12 năm 1997 trên 37 kênh truyền hình và được khoảng 4,6 triệu hộ gia đình theo dõi. Tập phim do Itani Kiyotaka đạo diễn và Takegami Junki soạn kịch bản. Trong tập này, Satoshi và những người bạn đi đến một Pokémon Center, nơi có một thiết bị vận chuyển bóng Poké gặp sự cố. Tiến sĩ Akihabara, người chế tạo ra cỗ máy, kết luận rằng lỗi này do virus máy tính gây ra. Ông cho biết chính nhóm Rocket đứng đằng sau mọi chuyện, và đưa nhóm Satoshi cùng pokémon Porigon vào không gian ảo để ngăn chặn bọn họ.
Điểm đáng chú ý của tập phim này là sử dụng những hiệu ứng hoạt họa khiến một lượng đáng kể người xem bị động kinh, sự cố mà về sau được giới truyền thông Nhật Bản gọi là "Pokémon Shock" (ポケモンショック Pokémon Shokku , Cú sốc Pokémon). 685 người xem đã được đưa vào bệnh viện; trong đó có hai người phải tiếp tục nằm điều trị trong hai tuần. Tai nạn này đã gây chấn động dư luận Nhật Bản và thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế. Kênh truyền hình điều hành sản xuất tập phim là TV Tokyo đã phải xin lỗi công khai người dân toàn quốc, đồng thời cùng với Chính phủ Nhật Bản cấm phát sóng lại tập này trên toàn thế giới. Sau sự cố, anime Pokémon bị gián đoạn khoảng bốn tháng, và nó xuất hiện trở lại vào tháng 4 năm 1998 với nhiều sự thay đổi trong khâu chiếu phát. Kể từ đó, tập phim đã được nhại lại trong truyền thông đại chúng, bao gồm một vài tập trong The Simpsons và South Park.
Cổng thông tin:Anime và manga/Bài viết chọn lọc/11
Kanon là một visual novel người lớn phát triển bởi Key, một thương hiệu thuộc Visual Art's, và phát hành tại Nhật Bản vào ngày 4 tháng 6 năm 1999 trên hệ điều hành Windows của máy tính cá nhân (PC). Kanon là trò chơi đầu tay của Key, công ty cũng phát triển nên những tác phẩm nổi tiếng khác như AIR và CLANNAD. Phiên bản dành cho mọi lứa tuổi trên PC phát hành vào tháng 1 năm 2000, sau đó được chuyển sang các hệ máy Dreamcast, PlayStation 2 và PlayStation Portable. Câu chuyện xoay quanh cuộc sống của Aizawa Yuichi, một nam sinh cao trung vừa về lại thành phố mà anh từng đến chơi cách đây bảy năm, cùng một chút hồi ức còn sót lại về những chuyện đã xảy ra ở đó. Anh lần lượt lấy lại ký ức của mình sau khi gặp gỡ một vài cô gái bản xứ.
Lối chơi của Kanon đi theo một cốt truyện phân nhánh có tính tương tác với nhiều kịch bản và tập trung chủ yếu vào năm nhân vật nữ chính. Tác phẩm sau khi phát hành đã được chuyển thể sang nhiều loại hình truyền thông khác. Hai loạt manga ra mắt thường kỳ trong các tạp chí Dengeki Daioh và Dragon Age Pure. Các hợp tuyển manga, light novel, drama CD và art book cũng được phát hành, cùng nhiều album âm nhạc khác. Toei Animation sản xuất một bộ anime truyền hình dài 13 tập phát sóng 2002 và một tập OVA ra mắt năm 2003. Kyoto Animation thực hiện phiên bản phim làm lại dài 24 tập và phát sóng từ tháng 10 năm 2006 đến 3 năm 2007. Anime này ban đầu được ADV Films cấp phép phân phối tại Bắc Mỹ vào năm 2008, nhưng sau đó bản quyền đã được chuyển nhượng sang cho Funimation sau khi ADV đóng cửa. Xê-ri phim của Kyoto Animation thể hiện mối tương quan giữa cái tên Kanon và dòng nhạc canon khi sử dụng các bản nhạc Kanon in D-dur, hay Canon cung Rê trưởng, của Pachelbel, làm nhạc nền trong một số cảnh của tác phẩm.
Cổng thông tin:Anime và manga/Bài viết chọn lọc/12
Katsudō Shashin là một đoạn phim anime và là tác phẩm lâu đời nhất được biết đến của nền hoạt hình Nhật Bản. Có bằng chứng cho thấy đoạn phim được tạo ra trước năm 1912, có thể trước cả khi những bộ phim hoạt hình phương Tây đầu tiên xuất hiện tại Nhật Bản. Người ta vẫn đang tranh luận liệu có nên xem nó là tác phẩm khởi đầu của lịch sử anime hiện đại hay không.
Không rõ ai là tác giả của đoạn phim này. Nó được tìm thấy trong một bộ sưu tập phim ảnh và máy chiếu ở Kyōto vào năm 2005. Đoạn phim dài ba giây, mô tả một cậu bé viết các chữ kanji "活動写真", sau đó nhấc mũ lên chào. Những khung hình được in lưới màu với hai màu đỏ-đen bằng cách sử dụng một thiết bị tạo ra các hình chiếu đèn lồng ma thuật. Cuộn phim được ghép nối thành một vòng lặp để chiếu liên tục.
Cổng thông tin:Anime và manga/Bài viết chọn lọc/13
Vụ phóng hỏa Kyōto Animation xảy ra ở tòa nhà Xưởng phim 1 của Kyōto Animation tọa lạc tại quận Fushimi, thành phố Kyōto, tỉnh Kyōto, Nhật Bản, vào sáng ngày 18 tháng 7 năm 2019. Vụ đốt phá đã làm ít nhất 36 người thiệt mạng, 34 người bị thương và phá hủy phần lớn tài liệu và máy tính ở Xưởng phim 1. Đây là một trong những vụ thảm sát kinh hoàng nhất ở Nhật Bản kể từ cuối Thế Chiến II và là vụ cháy tòa nhà nguy hiểm nhất ở Nhật Bản kể từ Vụ cháy toà nhà Myojo 56 vào năm 2001. Vụ việc được một giáo sư chuyên ngành tội phạm tại Đại học Rissho ví như một vụ "khủng bố tự sát", bởi động cơ gây án của nghi phạm là để tự tử.
Thủ phạm là Aoba Shinji, người vốn không phải nhân viên xưởng phim; y bước vào cửa trước rồi đổ xăng vào toà nhà và một số nhân viên trước khi châm lửa, khiến tòa nhà bốc cháy. Sau khi tự châm lửa đốt mình, hung thủ cố gắng bỏ trốn khỏi hiện trường, nhưng bị cảnh sát bắt giữ tại một nơi cách toà nhà 100 mét (330 ft). Các nhân chứng cho biết họ nghe thấy y cáo buộc xưởng phim đạo văn. Cảnh sát đã bắt giữ Aoba bởi nghi ngờ y đã giết người cũng như thực hiện các hành vi phạm tội khác, sau khi đợi y hồi phục các vết bỏng nặng nguy hiểm đến tính mạng trong hơn 10 tháng.
Cổng thông tin:Anime và manga/Bài viết chọn lọc/14
Key là một hãng visual novel Nhật Bản thành lập vào ngày 21 tháng 7 năm 1998 và là một trong những thương hiệu của nhà xuất bản Visual Art's, đặt trụ sở tại Kita, thành phố Ōsaka, tỉnh Ōsaka. Visual novel đầu tay của Key là Kanon (1999) đã xây dựng một kịch bản chi tiết kết hợp với nét vẽ theo phong cách anime hiện đại và âm nhạc lay động, từ đó tạo nên nhiều cảm xúc với người chơi. Trò chơi thứ hai của Key là AIR (2000) cũng theo hình thức tương tự, trừ việc cốt truyện được xây dựng phức tạp hơn và lối chơi triệt để hơn Kanon. Ban đầu, Kanon và AIR đều ra mắt như những trò chơi dành cho người lớn, nhưng Key đã phá vỡ khuynh hướng này với tựa game thứ ba của họ là CLANNAD (2004), dành cho mọi lứa tuổi. Key nhiều lần hợp tác với Interchannel và Prototype để phát hành các trò chơi của họ trên hệ máy cầm tay. Key cũng hợp tác với P.A. Works và Aniplex trong việc sản xuất các sê-ri anime Angel Beats! (2010) và Charlotte (2015). Key đã phát triển 12 trò chơi, mới nhất là kinetic novel Harmonia (2016), và đã thông báo về tác phẳm sắp ra mắt của họ là Summer Pockets.
Cổng thông tin:Anime và manga/Bài viết chọn lọc/15
"Dennō Senshi Porigon" là tập phim thứ 38 trong mùa đầu tiên của loạt anime Pokémon. Tập phim chỉ phát sóng một lần duy nhất tại Nhật Bản vào tối ngày 16 tháng 12 năm 1997 trên 37 kênh truyền hình và được khoảng 4,6 triệu hộ gia đình theo dõi. Tập phim do Itani Kiyotaka đạo diễn và Takegami Junki soạn kịch bản. Trong tập này, Satoshi và những người bạn đi đến một trung tâm Pokémon, nơi có một thiết bị vận chuyển bóng Poké gặp sự cố. Tiến sĩ Akihabara, người chế tạo ra cỗ máy, kết luận rằng lỗi này do virus máy tính gây ra. Ông cho biết chính Đội Hỏa Tiễn đứng đằng sau mọi chuyện, và đưa nhóm Satoshi cùng Pokémon Porygon vào không gian ảo để ngăn chặn bọn họ.
Điểm đáng chú ý của tập phim này là sử dụng những hiệu ứng hoạt họa khiến một lượng đáng kể người xem bị động kinh, sự cố mà về sau được giới truyền thông Nhật Bản gọi là "Pokémon Shock" (ポケモンショック Pokémon Shokku , Cú sốc Pokémon). 685 người xem đã được đưa vào bệnh viện; trong đó có hai người phải tiếp tục nằm điều trị trong hai tuần. Tai nạn này đã gây chấn động dư luận Nhật Bản và thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế. Kênh truyền hình điều hành sản xuất tập phim là TV Tokyo đã phải xin lỗi công khai người dân toàn quốc, đồng thời Chính phủ Nhật Bản cấm phát sóng lại tập này trên toàn thế giới. Sau sự cố, anime Pokémon bị gián đoạn khoảng bốn tháng, và nó xuất hiện trở lại vào tháng 4 năm 1998 với nhiều sự thay đổi trong khâu chiếu phát. Tập phim đã bị nhại lại trong truyền thông đại chúng, bao gồm một vài tập trong The Simpsons và South Park.