Bước tới nội dung

Bắc Đẩu Bội tinh

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
(Đổi hướng từ Bắc đẩu bội tinh)
Bắc Đẩu Bội tinh

Bắc Đẩu Bội tinh (tiếng Pháp: Ordre national de la Légion d’honneur) là huân chương cao quý nhất của Nhà nước Pháp. Huân chương này được Napoléon Bonaparte lập ra ngày 19 tháng 5 năm 1802 để tặng thưởng cho những cá nhân hoặc tổ chức (cả dân sự và quân sự) có đóng góp đặc biệt cho nước Pháp. Những người được tặng thưởng Bắc Đẩu Bội tinh sẽ trở thành một thành viên trong Légion d'honneur (quân đoàn danh dự), họ được gọi là các légionnaire.

Bắc Đẩu Bội tinh (chữ Hán: 北斗佩星) là tên gọi người Việt đặt cho loại huân chương này. Bội tinh (佩星) là cách gọi cũ trong tiếng Việt của huân chương, nay ít dùng, trong đó "tinh" 星 có nghĩa là "ngôi sao", "bội" 佩 có nghĩa là "đeo". "Bắc Đẩu" 北斗 nghĩa gốc là chỉ nhóm bảy ngôi sao xếp thành hình cái đẩu ở phía Bắc bầu trời, được dùng để ví với người được mọi người tôn kính, ngưỡng mộ.[1]

Lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]
Lễ trao Bắc Đẩu Bội tinh lần đầu ngày 14 tháng 7 năm 1804 do Napoléon Bonaparte chủ trì, tranh của Jean-Baptiste Debret

Légion d'honneur có nguồn gốc từ tiếng Latinh Legio honoratorum conscripta có từ thời La Mã (legio là các quân đoàn Lê dương La Mã). Sau khi Cách mạng Pháp thành công, chế độ phong kiến Pháp bị lật đổ kéo theo đó là chế độ tặng thưởng thiên lệch vốn chỉ dành cho giới quý tộc, sĩ quan và những người giàu có. Ngày 14 tháng 7 năm 1804 tại điện Les Invalides, Napoléon Bonaparte đã tuyên bố lập ra một loại huân chương mới lấy tên là Bắc Đẩu Bội tinh để tặng thưởng cho những sĩ quan có thành tích xuất sắc. Những người này sẽ được đứng vào một đơn vị danh dự của nước Pháp có tên Légion d'honneur (quân đoàn danh dự). Sau đó huân chương này còn được trao cho cả những cá nhân là dân sự, hiện nay tỉ lệ trao tặng của quân sự và dân sự là 2/3 và 1/3. Khẩu hiệu của Légion d'honneur là:

Tính cho đến nay Bắc Đẩu Bội tinh đã được trao cho khoảng hơn 110.000 cá nhân. Ngoài ra nó cũng được trao cho các tập thể như thành phố, trường học, các đơn vị của quân đội Pháp. 61 thành phố và làng mạc đã được trao Bắc Đẩu Bội tinh trong đó có Luxembourg, Liège, Belgrade, Stalingrad (nay là Volgograd), Verdun, Rouen và mới đây nhất là Alger (năm 2004). Các trường đại học được nhận vinh dự này có thể kể đến École Centrale Paris, École polytechnique, École nationale des chartes, một trường trung học là lycée Lalande cũng được trao Bắc Đẩu Bội tinh. Công ty đường sắt Pháp (SNCF) và Chữ thập đỏ Pháp (Croix-Rouge française) cũng là những tập thể được trao tặng vinh dự này.

Không chỉ là danh hiệu dành riêng cho người Pháp, Bắc Đẩu Bội tinh còn được trao tặng cho những người nước ngoài, thường là các nguyên thủ quốc gia, các thành viên quốc hội, các đại sứ và bất cứ người nước ngoài nào có công trạng lớn đối với nước Pháp. Ví dụ ngày 19 tháng 2 năm 1999 tổng thống Pháp Jacques Chirac đã trao tặng Bắc Đẩu Bội tinh cho các cựu chiến binh người Mỹ đã tham gia Chiến tranh thế giới thứ nhất.

Cấp bậc

[sửa | sửa mã nguồn]
Napoléon đệ nhất, Grand maître de l'Ordre đầu tiên của Légion d'honneur, luôn đeo huân chương và huy hiệu của Bắc Đẩu Bội tinh trên ngực

Các légionnaire được chia làm năm cấp bậc, cũng là 5 hạng của Bắc Đẩu Bội tinh:

Hạng Cấp bậc Số lượng
định mức
Số lượng
thực tế
(hết 2000)
5 Chevalier de la Légion d'honneur
(Hiệp sĩ)
113.425 87.371
4 Officier de la Légion d'honneur
(Sĩ quan)
10.000 22.401
3 Commandeur de la Légion d'honneur
(Chỉ huy)
1.250 3.626
2 Grand officier de la Légion d'honneur
(Đại sĩ quan)
250 321
1 Grand-croix de la Légion d'honneur
(Đại thập giá)
75 61

Người lãnh đạo Légion d'honneur được gọi là Grand maître de l'Ordre, vị trí này do tổng thống Cộng hòa Pháp đảm nhận. Dưới Grand maître là một tổng chỉ huy (Grand chancelier) được lựa chọn từ những người đã có Bắc Đẩu Bội tinh hạng 1 (hay ở cấp bậc Grand-croix của légion). Từ năm 1969 nhiệm kỳ của Grand chancelier là 6 năm. Kể từ Grand chancelier đầu tiên được phong là Bernard Germain Étienne de Laville-sur-Illon, bá tước Lacépède đến nay, vị trí này chỉ được trao cho những người trong giới quân sự. Người giữ vị trí Grand chancelier có trách nhiệm giải quyết mọi vấn đề liên quan tới việc xét tặng Bắc Đẩu Bội tinh, giúp việc cho người này là một hội đồng các légionnaire có cấp bậc ít nhất là Commandeur thuộc nhiều lĩnh vực, cả quân sự và dân sự. Thông thường có ít phụ nữ được giữ các vị trí cao trong Légion d'honneur, trong số 61 Grand-croix của lịch sử légion mới có 4 phụ nữ là Geneviève de Gaulle-Anthonioz (người đầu tiên, được xét tặng năm 1998), Germaine Tillion, Valérie AndréJacqueline de Romilly.

Văn phòng của Grand chancelier nằm trong Palais de la Légion d'honneur (Điện Bắc Đẩu Bội tinh, trước kia là Hôtel de Salm) ở quận 7, Paris. Đây cũng là nơi đặt Bảo tàng Bắc Đẩu Bội tinh.

Huân chương của Bắc Đẩu Bội tinh là một ngôi sao 5 cánh kép tráng men trắng, 10 đầu sao được gắn nút tròn. Chất liệu của ngôi sao và nút tròn tùy thuộc vào cấp bậc được trao, bạc đối với chevalier và bạc mạ vàng với officier. Các cánh sao được nối với nhau bởi một vành bằng chất liệu cùng loại, vành có màu xanh lá cây khắc hình lá sồi (bên phải) và lá nguyệt quế (bên trái). Ở giữa của ngôi sao là một bức chạm biểu tượng của nền Cộng hòa (nàng Marianne) bằng vàng, xung quanh là một vòng màu xanh da trời với dòng chữ RÉPUBLIQUE FRANÇAISE (Cộng hòa Pháp). Mặt sau của ngôi sao là hai lá cờ Pháp và dòng chữ Honneur et Patrie cùng ngày tháng trao Bắc Đẩu Bội tinh.

Phần huân chương được gắn với một dải băng màu đỏ. Với cấp bậc officier dải băng này có thêm một bông hoa hồng. Riêng cấp bậc commandeur phần huân chương được đeo trên cổ bởi một chiếc cà vạt đỏ. Các Grand officier ngoài huân chương còn đeo thêm một huy hiệu bằng bạc ở bên phải. Với cấp bậc cao nhất Grand-croix, người được nhận cũng có một huy hiệu tương tự nhưng bằng bạc mạ vàng được đeo bên trái, họ còn có một dải băng đỏ quàng chéo qua vai phải.

Lễ phục của các légionnaire
Huân chương
Chevalier
Officier
Commandeur
Grand Officier
Grand-Croix

Phương thức xét tặng

[sửa | sửa mã nguồn]

Việc xét và trao tặng Bắc Đẩu Bội tinh tuân theo một hạn mức có thời hạn 3 năm được quyết định bằng một sắc lệnh của tổng thống Pháp. Hạn mức này được quyết định bởi tổng thống Pháp, Grand chancelier theo đề nghị của các bộ trưởng. Với những người đã thuộc Légion d'honneur thì hạng Bắc Đẩu Bội tinh mới họ được trao chỉ được cao hơn một bậc so với hạng mà họ đang nắm giữ. Việc trao tặng cho người nước ngoài không theo nguyên tắc này, ví dụ hoàng tử Albert II của Monaco được phong thẳng lên hàm Grand officier vào năm 1984. Những trường hợp gần chắc chắn được trao Bắc Đẩu Bội tinh là các cựu bộ trưởng, các cựu nghị sĩ (các bộ trưởng và nghị sĩ đương nhiệm không được xét trao tặng, trừ trường hợp họ tham gia chiến tranh), các quan tòa tối cao và các đại sứ của Pháp ở nước ngoài. Những người giành huy chương vàng tại Thế vận hội cũng thường được trao Bắc Đẩu Bội tinh.

Các chevalier trong légion d'honneur mỗi năm được nhận một khoản tiền tượng trưng 250 franc Pháp hay hiện nay là 6,1 euro. Con gái, cháu gái và chắt gái của các légionnaire có quyền theo học các trường trung học nữ của riêng Légion d'honneur được gọi là Maison d'éducation de la Légion d'honneur (Cơ sở đào tạo của Binh đoàn danh dự). Hiện có 2 trường trung học như vậy nằm ở Saint-Denis và Les Loges giữa rừng Saint-Germain-en-Laye

Danh sách các Grand chancelier

[sửa | sửa mã nguồn]
Grand chancelier Ngày đề cử
Bernard Germain Étienne de Laville-sur-Illon, bá tước Lacépède 14 tháng 8 năm 1803
Dominique Dufour 6 tháng 4 năm 1814
Louis de Bruges 3 tháng 2 năm 1815
Bernard Germain Étienne de Laville-sur-Illon, bá tước Lacépède 13 tháng 3 năm 1815
Étienne Jacques Joseph Macdonald 2 tháng 7 năm 1815
Adolphe Édouard Casimir Joseph Mortier 11 tháng 9 năm 1831
Étienne Maurice, bá tước Gérard 4 tháng 2 năm 1836
Nicolas Charles Oudinot 17 tháng 3 năm 1839
Étienne Maurice, bá tước Gérard 21 tháng 10 năm 1842
Jacques-Gervais Subervie 19 tháng 3 năm 1848
Gabriel Jean Joseph Molitor 23 tháng 12 năm 1848
Isidore Exelmans 15 tháng 8 năm 1849
Philippe Antoine d'Ornano 13 tháng 8 năm 1852
Charles Lebrun 26 tháng 3 năm 1853
Aimable Pélissier 23 tháng 7 năm 1859
Ferdinand Hamelin 24 tháng 11 năm 1860
Charles de Flahaut 27 tháng 1 năm 1864
Joseph Vinoy 6 tháng 4 năm 1871
Louis Léon César Faidherbe 28 tháng 2 năm 1880
Victor Février 10 tháng 10 năm 1889
Léopold Davout 5 tháng 12 năm 1895
Georges-Auguste Florentin 23 tháng 9 năm 1901
Yvon Dubail 14 tháng 6 năm 1918
Charles Nollet 7 tháng 2 năm 1934
Charles Brécard 12 tháng 11 năm 1940
Paul Dassault 25 tháng 8 năm 1944
Georges Catroux 1 tháng 12 năm 1954
Georges Cabanier 14 tháng 2 năm 1969
Alain de Boissieu 15 tháng 2 năm 1975
André Biard 4 tháng 6 năm 1981
Gilbert Forray 5 tháng 6 năm 1992
Jean-Philippe Douin 4 tháng 6 năm 1998
Jean-Pierre Kelche 4 tháng 6 năm 2004

Hình ảnh

[sửa | sửa mã nguồn]

Văn hiến tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ 汉语大词典编辑委员会, 汉语大词典编纂处, 《汉语大词典》第二卷, 汉语大词典出版社, năm 1988, trang 192.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]