Sơn dương Astor
Sơn dươn Astor | |
---|---|
Tình trạng bảo tồn | |
Phân loại khoa học | |
Giới (regnum) | Animalia |
Ngành (phylum) | Chordata |
Lớp (class) | Mammalia |
Bộ (ordo) | Artiodactyla |
Họ (familia) | Bovidae |
Phân họ (subfamilia) | Caprinae |
Chi (genus) | Capra |
Loài (species) | C. falconeri |
Phân loài (subspecies) | C. f. falconeri |
Danh pháp ba phần | |
Capra falconeri falconeri (Wagner, 1839) |
Sơn dương Astor (Danh pháp khoa học: Capra falconeri falconeri) hay còn gọi là Sơn dương sừng đuốc là một phân loài của loài Sơn dương Markhor. Chúng có sừng lớn, phẳng, phân nhánh ra rất rộng rãi, và đi lên gần như thẳng với chỉ một nửa vòng xoắn. Danh pháp đồng nghĩa là Capra falconeri cashmiriensis hoặc pir punjal markhor, có sừng nặng, phẳng, xoắn lại như dụng cụ mở nút chai.[1]
Phạm vi
[sửa | sửa mã nguồn]Trong phạm vi Afghanistan, phân loài Astor markhor được giới hạn về phía đông vùng rừng cao và miền núi gió mùa thuộc 2 tỉnh Laghman và Nuristan. Tại Ấn Độ, phân loài này được giới hạn tại một phần dãy núi Pir Panjal ở tây nam Jammu và Kashmir. Trong suốt phạm vi này, quần thể Astor markhor phân bố rải rác, bắt đầu từ phía đông đèo Banihal (50 km từ sông Chenab) trên đường cao tốc Jammu-Srinagar về hướng tây đến vùng biên giới tranh chấp với Pakistan. Các cuộc điều tra gần đây cho thấy phân loài vẫn còn sinh sống ở lưu vực sông Limber và sông Lachipora tại ranh giới rừng thung lũng Jhelum, và xung quanh Shupiyan đến phía nam Srinagar. Tại Pakistan, phân loài Astor markhor được giới hạn tại vùng sông Ấn và các nhánh sông, cũng như sông Kunar (Chitral) và các nhánh sông.
Dọc theo sông Ấn, chúng sinh sống dọc 2 bên bờ từ Jalkot (quận Kohistan) ngược dòng lên gần làng Tungas (Baltistan), được giới hạn từ phía tây Gakuch lên đến sông Gilgit, Chalt lên sông Hunza, và thung lũng Parishing lên sông Astore. Chúng được cho là sống bên phải của thung lũng Yasin (quận Gilgit), mặc dù điều này chưa được xác nhận. Sơn dương sừng xoắn markhor cũng được tìm thấy xung quanh thủ phủ Chitral và vùng biên giới Afghanistan, nơi chúng sống ở một số thung lũng dọc sông Kunar (quận Chitral), từ Arandu bên bờ tây và thị trấn Drosh bên bờ phía đông, lên đến Shoghor dọc theo sông Lutkho, và xa hơn là Barenis dọc theo sông Mastuj. Số lượng lớn nhất hiện nay được tìm thấy tại công viên quốc gia Chitral ở Pakistan.
Đặc điểm chung
[sửa | sửa mã nguồn]Cơ thể
[sửa | sửa mã nguồn]Chúng cao khoảng từ cao khoảng 65–115 cm (26–45 in), chiều dài thân khoảng từ 132–186 cm (52–73 in) và nặng khoảng 32–110 kg (71-243 lb), đuôi dài khoảng 8 – 20 cm (3.2 – 8 in). Đây là loài có chiều cao bờ vai tối đa giữa các loài trong chi Capra, vượt qua chiều cao và trọng lượng của loài dê rừng Siberi. Màu sắc và chiều dài của lông sơn dương thay đổi theo mùa. Vào mùa hè, lông trên thân có màu nâu nhạt, xám, hoặc xám pha đỏ hung, lông mịn màng và ngắn. Vào mùa đông lạnh, lông trên thân xám hơn, mọc dài hơn và rậm rạp. Lông dưới bụng có màu trắng. Lông ở ống chân có màu đen và trắng.
Là loài lưỡng hình giới tính, con đực có bộ lông bờm trắng hoặc sẫm màu (giống như bờm của loài ngựa hoặc sư tử), mọc dài thòng xuống trên cằm, cổ, ngực và ống chân. Con cái có màu đỏ hung hơn, trông mảnh mai hơn, với lông trên cổ ngắn hơn, râu đen ngắn, và không có bờm. ả con đực và cái đều có cặp sừng xoắn cân xứng theo hình dụng cụ mở nút chai, cặp sừng chụm lại nhau trên đầu, nhưng trải ra theo phía hướng lên đỉnh sừng. Sừng của con đực có thể phát triển dài. Cặp sừng có thể thẳng hoặc xòe rộng ra phía ngoài tùy theo từng phân loài. Con đực có khứu giác tinh nhạy, hơn hẳn các loài dê nhà.
Tập tính
[sửa | sửa mã nguồn]Đây là phân loài hoạt động ban ngày, hoạt động cả ngày, cao điểm vào sáng sớm và chiều tối leo trèo rất khéo léo và nhanh nhẹn, chúng có thể đứng được trên vách đá dốc đứng thậm chí có thể nhảy qua địa hình núi đá dễ dàng, thích nghi với địa hình đồi núi, được tìm thấy khoảng từ giữa 600 đến 3.600 mét so với mực nước biển, tùy theo mùa, mùa hè sống ở độ cao cao hơn, mùa đông sống ở độ cao thấp hơn. Loài này thường sống ở vùng rừng cây bụi mọc chủ yếu là các loại cây.
Trong thời kỳ mùa xuân và mùa hè, chúng ăn cỏ, lá xanh, thảo mộc, trái cây, hoa, rau, củ, nhưng chuyển sang ăn chồi non, lá khô, cành cây trong mùa đông, đôi khi sơn dương còn đứng bằng hai chân sau để với tới ăn trên những cành cây cao. Trung bình, con cái trưởng thành tiêu thụ khoảng 7–11 kg thức ăn (trọng lượng tươi), con non tiêu thụ khoảng 2,4–4 kg. Sơn dương dành khoảng 8-12 giờ hàng ngày để gặm thức ăn. Sơn dương cần uống nhiều nước trong mùa hè, thường đến những nơi nhiều nước hai lần một ngày.
Vào mùa hè, chúng thường nằm ở những nơi thông thoáng, trong bóng mát của ngọn núi hoặc dưới những bụi cây nhỏ, chúng thường không nằm trên đá hay những nơi bằng phẳng. Phân loài Sơn dương này thường nghỉ ngơi vào những ngày nóng. Vào mùa đông, chúng thường di chuyển, hằng ngày khoảng 2–5 km, đến các sườn núi hoặc những khu vực ấm áp của ngọn núi. Nhằm tránh vùng tuyết sâu, rơi dày đặc, tránh những sông băng hà ở độ cao lớn. Sơn dương sẽ trú ẩn dưới những vòm đá gần chân vách núi, nơi trú ẩn thường có tầm nhìn tốt.
Sinh sản
[sửa | sửa mã nguồn]Chúng có lối sống theo bầy, thường khoảng chín cá thể, bao gồm những con cái trưởng thành và con non do con cái đó sinh ra. Con đực trưởng thành là phần lớn sống đơn độc. Con cái trưởng thành và con non chiếm bao gồm phần lớn số lượng sơn dương. Đầu mùa, con đực và con cái có thể tìm được nhau trên các đồng cỏ xanh hoặc những sườn dốc giữa rừng. Trong suốt mùa hè, các con đực vẫn ở trong rừng, trong khi con cái thường leo lên các đỉnh núi đá cao nhất ở phía trên.
Mùa giao phối diễn ra trong mùa đông, thời kỳ động dục bắt đầu khoảng tháng 9, trong thời gian đó những con đực đánh nhau giành bạn tình bằng cách hất đá, khóa sừng và xô đẩy quật ngã đối phương. Thai kỳ của loài kéo dài 135-170 ngày, và kết quả là sinh khoảng một hoặc hai con non, mặc dù hiếm khi sinh ba. Thời điểm sinh vào khoảng tháng 4 đến giữa tháng 6 năm sau. Con non sẽ được cai sữa khi được 6 - 8 tháng tuổi. Sơn dương bắt đầu động dục vào khoảng 18-30 tháng tuổi, khi đó các cá thể trưởng thành sẽ bắt đầu tách khỏi bầy.
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- Valdez, R. (2008). Capra falconeri. In: IUCN 2008. IUCN Red List of Threatened Species. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2009.
- ^ Richard Lydekker (1900). The great and small game of India, Burma, and Tibet. Asian Educational Services. ISBN 978-81-206-1162-7. Truy cập ngày 10 tháng 7 năm 2011.