Bước tới nội dung

Chi Hoa sữa

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
(Đổi hướng từ Alstonia)
Chi Hoa sữa
Cây hoa sữa (Alstonia scholaris)
Phân loại khoa học
Giới (regnum)Plantae
(không phân hạng)Angiospermae
(không phân hạng)Eudicots
(không phân hạng)Asterids
Bộ (ordo)Gentianales
Họ (familia)Apocynaceae
Phân tông (subtribus)Alstoniinae
Chi (genus)Alstonia
R.Br.
Các loài
Xem văn bản.

Chi Hoa sữa (danh pháp khoa học: Alstonia) là một chi phổ biến rộng bao gồm các cây gỗ và cây bụi thường xanh thuộc họ La bố ma (Apocynaceae). Nó được Robert Brown đặt tên khoa học năm 1811, lấy theo họ của Charles Alston (1685-1760), giáo sư về thực vật học tại Edinburgh trong khoảng các năm 1716-1760.

Loài điển hình của chi này là Alstonia scholaris (L.) R.Br., nguyên thủy có danh pháp Echites scholaris do Linnaeus đặt năm 1767.

Miêu tả

[sửa | sửa mã nguồn]

Chi Alstonia bao gồm khoảng 40-60 loài (theo các nguồn khác nhau), có nguồn gốc ở khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Phi, Trung Mỹ, Đông Nam Á, Polynesia, New South Wales, Queensland và miền bắc Úc, với phần lớn các loài thuộc khu vực Malesia.

Các loài cây này có thể là khá lớn, chẳng hạn Alstonia pneumatophora, được ghi nhận là cao tới 60 m và đường kính thân cây trên 2 m. Hoa sữa lá dài (Alstonia longifolia là loài duy nhất sinh sống ở Trung Mỹ (chủ yếu là cây bụi, nhưng cũng thấy có cây cao tới 20 m).

Các lá đơn, bóng mặt như da, không cuống có dạng hình elíp, hình trứng, hình mác hay thẳng và có dạng nêm ở gốc lá. Phiến lá thuộc loại lưng-bụng, kích thước trung bình tới lớn và được sắp xếp theo kiểu đối nhau hoặc mọc thành vòng, các mép lá nhẵn. Gân lá hình lông chim, với nhiều gân kết thúc tại gân mép lá.

Cụm hoa mọc ở đầu ngọn hay nách lá, bao gồm các xim hay tán phức tạp. Các hoa nhỏ hình phễu, có mùi thơm, màu trắng, vàng, hồng hay lục, mọc trên cuống nhỏ và đối diện với các lá bắc. Chúng có 5 cánh hoa và 5 lá đài, sắp xếp thành 4 vòng xoắn. Các hoa sinh sản là loại lưỡng tính. Các lá đài hợp màu lục bao gồm các thùy hình trứng và phân bổ trong một vòng. Đĩa đệm hình khuyên là loại dưới bầu. Năm cánh hoa hợp có các thùy thuôn hay hình trứng và phân bổ trong một vòng. Các thùy của tràng hoa gối lên mé trái (ở A. rostrata) hay mé phải (ở A. macrophylla) trong chồi hoa. Bầu nhụy có 2 quả đại tách rời với các hạt thuôn dài không lông hay có lông mịn phát triển thành quả nứt dạng giống như quả đậu màu lam sẫm, dài khoảng 7–40 cm. Các loài cây này chứa nhựa màu trắng như sữa, rất giàu các ancaloit có độc tính. Alstonia macrophylla được biết đến tại Sri Lanka dưới tên gọi 'havari nuga' hay 'cây đa tóc giả' do các hoa của nó trông giống như bộ tóc giả dài của phụ nữ.

Các loài Alstonia cũng được sử dụng trong y học cổ truyền. Vỏ của Alstonia constrictaAlstonia scholaris là nguồn cung cấp thuốc chữa bệnh sốt rét, đau răng, thấp khớp và rắn cắn. Nhựa cây được dùng để giảm ho, đau họng và hạ sốt. [cần dẫn nguồn]

Nhiều loài Alstonia cung cấp gỗ có giá trị thương mại, được gọi là pule hay pulai tại IndonesiaMalaysia. Các cây trong nhánh Alstonia sản sinh ra gỗ nhẹ, trong khi các cây trong nhánh MonuraspermumDissuraspermum sinh ra gỗ nặng.

Các loài trong chi Alstonia phân bổ rộng và nói chung không bị nguy cấp. Tuy nhiên, một số ít loài là rất hiếm, chẳng hạn hoa sữa Trung Bộ (A. annamensis), A. beatricis, A. breviloba, A. stenophylla và hoa sữa Quảng Tây (A. guangxiensis).

Các loài

[sửa | sửa mã nguồn]

Alstonia có năm nhánh phân biệt, mỗi nhánh này là một nhóm đơn ngành: Alstonia, Blaberopus, Dissuraspermum, Monuraspermum, Tonduzia.

Hoa sữa (Alstonia scholaris)

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Phân loại gần đây của chi Alstonia Lưu trữ 2007-09-30 tại Wayback Machine (dạng pdf).
  • Kade Sidiyasa. Taxonomy, phylogeny, and wood anatomy of Alstonia (Apocynaceae). 230 trang. Blumea, Suppl. 11 (1998), ISBN 90-71236-35-8. (Được Hiệp hội quốc tế về phân loại thực vật thưởng huy chương cùng với Engler)
  • Kade Sidiyasa, A., 3, 1992. A monograph of Alstonia (Apocynaceae).
  • Forster, Paul I. - A taxonomic revision of Alstonia (Apocynaceae) in Australia (1992)

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]